Trở về cuộc sống đời thường trong thời bình, đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng hải quân Nguyễn Văn Tình... có thời gian ăn cơm bên vợ con, thảnh thơi đọc sách,...
Bức ảnh chụp đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng vào tháng 5/2009, khi ông vừa tiếp các cháu thiếu nhi |
Bên cạnh ông là phu nhân Đặng Bích Hà, biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam âm thầm lặng lẽ nhưng lại là hậu phương vững chắc cho những vị tướng xông pha nơi đầu sóng ngọn gió. Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp là hai danh tướng Việt Nam nằm trong Top 100 danh tướng tài ba nhất thế giới. Ngày 4/10/2013, đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn cho hàng triệu người. Đám tang ông trở thành sự kiện trong đời sống xã hội Việt Nam, khiến cả dân tộc cùng nắm tay, xích lại gần nhau hơn.
"Nắm đấm hải quân" của trung tướng Nguyễn Văn Tình trong một buổi sáng tập thể dục. Hình ảnh mang tính biểu trưng cho sức mạnh quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, lực lượng Hải quân nói riêng không lùi bước trước bất cứ kẻ thù nào. Nguyên Phó đô đốc Hải quân là người tạo cảm giác tin cậy cho người đối thoại, có bề ngoài trầm tĩnh.
Từng học trường quân sự ở Nga 4 năm, tướng Nguyễn Văn Tình tham gia nhiều lớp đào tạo đặc công nước. Ông kể, những trận đánh tàu lớn phải dùng thủy lôi (dài khoảng 2 m, nặng 900 kg), từng bánh buộc vào từng người, tổ đặc công bơi ra biển vào ban đêm. Gần sáng, họ phải dừng lại cất giấu thủy lôi vào trong cát, tính sao cho thủy triều lên xuống địch không phát hiện ra và sóng cũng không đánh trôi thủy lôi đi. Đêm xuống, họ lại bơi ra đào tìm bánh thủy lôi buộc vào người rồi lại bơi tiếp. Cứ thế, mấy ngày đêm bơi hàng chục km mới tiếp cận được sát tàu địch. Đó là chưa kể phải thường xuyên đối phó với tàu tuần tiễu của địch, đèn pha, pháo sáng.
Dù nghỉ hưu, ông vẫn tạo cảm giác là con người của hành động. Vị trung tướng chia sẻ: "Người đặc công nước phải có bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm cao. Trình độ kỹ thuật, chiến thuật điêu luyện. Sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Linh hoạt, sáng tạo tùy thuộc vào từng trận đánh, điều kiện cụ thể".
Gia đình nho học, thanh cao, đạo nghĩa ảnh hưởng nhiều đến trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi trở thành vị tướng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3.
Câu chuyện tình yêu của vị tướng trận với người vợ hiền khiến nhiều người xúc động. "Thời chiến, tôi đi đánh giặc, bà ở nhà chăm sóc gia đình, nuôi con. Thời bình, bà ốm, tôi lại về chăm bà. Tình vợ chồng là nghĩa tao khang", tướng Thước nói.
Những giây phút thảnh thơi nằm đọc sách của vị tướng bạc đầu.
Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc từng là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh pháo binh. Khi được hỏi vì sao các tướng lĩnh Việt Nam phần lớn không được học bài bản lại có thể đánh thắng trong nhiều trận chiến với các tướng lĩnh quân sự nổi danh của nước ngoài, tướng Phúc trả lời: "Đó là vì ta có một nền văn hóa rất Việt Nam, bắt nguồn từ truyền thống chống giặc ngoại xâm hàng nghìn đời".
Tướng Phúc rất yêu âm nhạc, đặc biệt là thổi kèn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, ông còn có biệt danh là "Tiếng kèn địch vận". Sau cuộc chiến, ông bình yên thả hồn với những nốt nhạc. Không chỉ nghe, thưởng thức mà ông còn chơi và sáng tác như một cách để cân bằng cuộc sống.
Bữa cơm thân mật bên gia đình của trung tướng Nguyễn Ân, nguyên Sư đoàn trưởng F304. Trải qua nhiều cuộc chiến, những phút dành cho gia đình thực sự là hiếm hoi đối với các vị tướng. Kỷ niệm khó quên trong đời ông là "Khi tiến quân vào giải phóng Sài Gòn, người dân ở cửa ngõ mừng vui, ngạc nhiên sao quân giải phóng lại có nhiều người đẹp trai, to khỏe như thế. Họ được tuyên truyền là Việt Cộng gầy đen như quỷ đói, ăn lông ở lỗ khiếp lắm, bám cành đu đủ không gẫy", tướng Ân kể.
Tướng Nguyễn Ân thời bình vẫn giữ được phong thái của một vị tướng đầy nhiệt huyết, luôn giữ được "lửa" trong người, nhưng cũng rất tỉnh táo, nhìn cuộc đời đầy nhân ái, độ lượng.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng là con trai độc nhất của liệt sĩ nhưng vẫn tình nguyện lên đường nhập ngũ khi mới 19 tuổi. Trong cuộc đời chiến chinh, ông nhớ nhất kỷ niệm hành quân vào Quảng Bình dịp Tết Mậu Thân năm 1968. "Khi đơn vị dừng chân tại trạm giao liên Cự Nẫm (Lệ Thủy), các mạ, các chị mang bánh chưng, quà Tết tặng chiến sĩ ăn Tết trước khi vào chiến dịch. Ở đất lửa, cây lúa, ngọn lang phải lách mảnh bom, mảnh đạn mới mọc lên được thì tấm bánh chưng các mạ, các chị mang đến trĩu nặng nghĩa tình", tướng Rinh hồi tưởng. Trước bàn làm việc ở nhà riêng, tướng Rinh treo một chữ Tâm. Chữ Tâm ấy không chỉ có trong chiến trận, với đồng đội mà còn là khi ông là đại biểu Quốc hội. Trên nghị trường, ông có nhiều đóng góp, đề xuất với Quốc hội xây dựng các chính sách ưu đãi với người nhiễm chất độc dioxin, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nỗi canh cánh trong ông là những đồng đội năm xưa bị nhiễm da cam đang sống rất thiệt thòi.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, vẫn không thôi nghĩ về nó. Bởi Việt Nam là đất nước có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực, luôn ở thế đầu sóng ngọn gió. Ông là nhân vật lịch sử trong ngày 30/4/1975 khi tham gia bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn và áp giải Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Vị trung tướng khuyên đồng đội trẻ: "Lúc nào cũng phải sẵn sàng chiến đấu, luôn cảnh giác, không mơ hồ, ảo tưởng vào hòa bình, biết vận dụng khoa học kỹ thuật, làm chủ phương tiện vũ khí, làm chủ chiến trận".
Nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, thiếu tướng Lê Xuân Tấu kể về cuộc hành quân di chuyển qua 1.000 km đường rừng Trường Sơn: "Chúng tôi dùng hàng trăm ống tre kết thành giàn dựng phía trên xe tăng. Tre rỗng ở giữa góp phần tiêu hao nhiệt lượng do máy móc phát ra khiến địch không thể sử dụng phương tiện hiện đại để dò. Xe tăng được che từ phía trên nên địch không phát hiện được và khi rải bom thì xe không hề hấn gì. Khi chúng tôi nã phát súng đầu tiên, quân địch mới biết có xe tăng tấn công và do quá bất ngờ nên không kịp trở tay".
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, cùng vợ cầm tấm ảnh kỷ niệm ngày cưới của họ cách đây 50 năm. Ông là người mạnh mẽ và luôn lạc quan. Tướng Huy vào bộ đội khi mới 17 tuổi, chiến đấu ở sư đoàn 304 trong kháng chiến chống Pháp. Ông từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, đơn vị được mệnh danh là Sư đoàn Gió Lốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ánh mắt cương nghị của trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là sĩ quan không quân thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 927, trên chiếc Mig 21 PFM Fishbed số hiệu 5020 bắn rơi 6 chiếc máy bay Mỹ. Từ phi công trưởng thành qua chiến đấu, ông trở thành Tư lệnh không quân, Tư lệnh Phòng không - không quân, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.
Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân và niềm vui khi được bế cháu. Nguyên Tư lệnh Binh chủng pháo binh trở về đời thường là Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh thành phố Hà Nội. Ông trở thành cầu nối cho những cựu chiến binh cùng tham gia các hoạt động xã hội mang nhiều ý nghĩa.
Dòng hồi ức về những ngày tham gia chiến trận luôn đọng lại trong vị tướng nhiều kỷ niệm khó quên. Ông kể: "Có hôm, đơn vị tôi bị mất cả một đại đội xe pháo do địch đánh phá dọc đường. Có lần, để an táng một pháo thủ tên Thao dưới tán rừng bên bờ suối Đăk Ka (Gia Lai), tôi và đồng đội đã phải dùng tay cào từng viên đá, nhẹ nhàng xúc từng xẻng đất để tránh phát ra tiếng động khi vẫn đang ở rất gần biệt kích, thám báo địch. Tôi nhớ, có đêm 6 anh em trong một căn hầm ẩm ướt phải bẻ nhỏ một củ sắn cho vào trong một chiếc ăng gô, đun lên như một món súp rồi chia nhau ăn cho qua bữa".
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 29, có nhiều kỷ niệm với chiến trường biên giới phía Bắc. Ông sống cuộc đời thanh nhàn, ấm áp trong một ngôi nhà đơn sơ, ít đồ đạc cùng với người vợ hiền. Vị tướng già tự tay làm mọi việc, sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, trật tự như điều lệnh quân đội. Ông luôn dành thời gian để trở lại chiến trường xưa ở biên giới phía Bắc, thăm đồng đội nằm xuống, sống lại những ngày hùng khí khi xưa. Có người hỏi, nếu một ngày bình yên của đất nước bị đe dọa, tướng Minh trả lời ngay: "Nếu tổ quốc cần, chúng tôi lại lên đường bảo vệ tổ quốc, vẫn là những người lính tiên phong". Bộ ảnh 12 tướng trận thời bình do tác giả Trần Việt Văn chụp từ năm 2009 đang được triển lãm tại 29 Hàng Bài (Hà Nội). 70 bức ảnh về các vị tướng tượng trưng cho 70 năm kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Phía sau những bức ảnh 'đắt giá' đưa Việt Nam ra thế giới
- Ngắm vẻ đẹp tinh khôi của hoa ban trắng ngay giữa lòng Hà Nội
- Những bức ảnh thay lời kêu cứu thống thiết từ môi trường, khi nghệ thuật dùng để kể những câu chuyện của hành tinh
- Vẻ đẹp khắc nghiệt của thiên nhiên qua những tác phẩm thắng giải nhiếp ảnh bảo tồn 2022
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?