3 sản phụ chung một giường bệnh; bệnh viện kê thêm giường gấp tràn hành lang cho sản phụ nằm; sản phụ có tiền cũng khó thuê phòng dịch vụ…
Sản phụ sau khi sinh phải nằm giường gấp, tràn hành lang ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Ảnh: N.A) |
Ngoài chuyện nhiều người dân thích chọn năm Rồng để sinh con khiến số sản phụ tăng đột biến thì năm nay, sau khi có nhiều thông tin về các ca tai biến gây tử vong liên tiếp xảy ra ở các địa phương, nhiều sản phụ ở các tỉnh lân cận cũng đổ về Hà Nội với mong muốn sinh con an toàn, càng khiến các bệnh viện phụ sản tại Hà Nội thêm quá tải.
Không còn lối đi
Chuyện sinh con năm Rồng đã được dự báo từ trước là sẽ diễn ra “nhộn nhịp” hơn các năm khác. Tuy nhiên, áp lực đối với các bệnh viện phụ sản gia tăng mạnh vào những tháng cuối năm (đặc biệt từ tháng 8, tháng 9 trở đi) do nhiều cặp vợ chồng có thai từ đầu năm.
Vì thế, nếu có dịp vào bệnh viện phụ sản ở thời điểm này sẽ thấy cảnh tượng đông đúc khác thường chứ không đơn thuần là quá tải như mọi năm.
Sản phụ Nguyễn Thị Dung (quê ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) vừa vào sinh con tại bệnh viện phụ sản Hà Nội. Có khả năng kinh tế song việc chị Dung muốn thuê phòng dịch vụ để nằm cho thoải mái không phải chuyện dễ bởi thực tế là hiện nay, các phòng dịch vụ đều chật kín người, ai muốn thuê phải đặt chỗ trước hoặc có “quen biết” để được sắp xếp.
Do không thuê được phòng dịch vụ, đẻ xong, chị Dung được chuyển xuống nằm ở một căn phòng rộng chừng 10-12m tại khoa sau đẻ. Căn phòng được kê 6 giường nhưng thực chất có đến trên 10 sản phụ được dồn vào.
Đang đau đớn do vừa sinh xong, chị Dung được sắp xếp nằm cùng 2 sản phụ khác trên 2 chiếc giường một được kê sát vào nhau. Do vào sau nên chị bắt buộc phải nằm “vắt ngang” giữa 2 giường! Ngay bên dưới, thẳng cửa ra vào là chiếc giường gấp của một sản phụ khác cũng vừa sinh xong, phải “hứng chịu” toàn bộ tiếng ồn ào từ những người ra vào.
2 giường đơn kê sát lại, sản phụ nằm vắt ở giữa (Ảnh: N.A)
Đó là chưa kể đến chuyện mỗi sản phụ ở đây đều có 2-3 người thân đi theo chăm sóc, mỗi người đều mang theo 1 quạt tích điện riêng vì thời tiết nóng nực, khiến căn phòng vốn đã nhỏ bé nay càng trở nên chật chội, ngột ngạt.
Nhiều người thân của các sản phụ vào thăm chỉ dám ngồi trong phòng 5-10 phút để nhường chỗ cho người khác và để chạy ra ngoài đứng cho bớt ngột ngạt.
Bên ngoài hành lang, tình trạng không khá hơn là bao. Nhiều giường bệnh hoặc giường gấp được kê san sát nhằm có chỗ cho sản phụ nằm, người ngoài vào thăm phải “lựa bước” vì không còn lối để đi. “Không phải đẻ xong là xong, vì nằm thế này thì quá kinh khủng. Nhưng không còn lựa chọn nào khác”, chị Dung cho hay.
Đổ về Hà Nội sinh con vì sợ tai biến
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra khi mà số lượng sản phụ đổ về ngày một đông, trong đó có nhiều ca đẻ thường, hoàn toàn có thể sinh ở tuyến dưới.
Ngoài lý do thích có con năm Rồng khiến số sản phụ tăng đột biến thì một nguyên nhân khác là do tâm lý “sợ tai biến”.
BV Phụ sản TW cũng la liệt sản phụ (Ảnh: N.A)
Sản phụ Phương, quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên cho biết đã ra Hà Nội ở nhờ người thân quen để chờ ngày đi đẻ cho an toàn chứ nhất quyết không sinh con ở bệnh viện tuyến tỉnh, huyện nơi mình đang sinh sống.
Nguyên nhân là vì trong tháng 4 vừa qua, bệnh viện tỉnh đã có ca tai biến khiến một cặp mẹ con tử vong. Sau đó, chị Phương cũng như nhiều người quen biết khác đều rủ nhau lên Hà Nội sinh con với mong muốn được an toàn.
Do đó, trong số các sản phụ đăng kí sinh con ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chiếm một phần không nhỏ là các sản phụ ở các tỉnh lân cận như Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, …
Trao đổi với VietNamNet, TS., BS. Nguyễn Mạnh Trí, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp - bệnh viện Phụ sản Hà Nội – cho biết bệnh viện Phụ sản Hà Nội có 300 giường bệnh kế hoạch nhưng vì quá đông sản phụ nên phải sắp xếp, tận dụng mọi khoảng trống còn lại để kê thêm 300 giường nữa
Lúc nào bệnh viện cũng duy trì, đáp ứng nhu cầu cho trên 1.000 bệnh nhân, khiến công suất hoạt động của bệnh viện lên đến 200%.
Tình trạng quá tải ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội càng diễn ra căng thẳng do năm 2012, bệnh viện Phụ sản Trung ương đang trong quá trình xây dựng, sửa chữa. Ngoài ra, khi sáp nhập tỉnh Hà Tây, số lượng người dân đổ về bệnh viện này tăng đột ngột.
Theo BS. Trí, 8 tháng đầu năm 2012, bệnh viện tiếp nhận 27.440 ca đẻ (trong khi 8 tháng đầu năm 2011, con số này là 24.109 ca). Trong số đó, có 50% đẻ thường, 50% đẻ mổ.
Trẻ sinh năm Rồng tăng mạnh
Năm 2010, bệnh viện phụ sản Hà Nội đón khoảng 29.000 trẻ chào đời và năm 2011 là 37.876 trẻ. Tuy nhiên, với tâm lý thích con năm Rồng, năm 2012, con số này dự đoán có thể lên đến 40.000 trẻ.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết riêng tại Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm đã có hơn 18.600 trẻ chào đời, tăng gần 3.000 bé so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý trong đó, tỷ lệ trẻ là con thứ 3 trở lên cũng chiếm đến hơn 7%, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở thủ đô cũng gia tăng ở mức báo động.
Thống kê của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, tổng số trẻ em sinh ra là 516.169 trẻ; so với cùng kỳ năm 2011 tăng 13,5% (hơn 61.000 trẻ). Số trẻ sinh ra tăng đồng đều, rải khắp ở hầu hết các địa phương.
- Loại gỗ quý hiếm 800 năm mới được thu hoạch, được mệnh danh ‘vàng đen’ và nằm trong Sách đỏ Việt Nam
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Tin vui: BHXH sẽ trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp vào trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- 7 ngày nữa nếu muốn xuất nhập cảnh, công dân bắt buộc phải thực hiện quy định mới này
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?