Không hiểu điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế nước ta nếu như cứ mãi bị “vàng hóa”, còn người dân thì cứ vì vàng mà… vàng hết cả mắt.
Qua việc đấu thầu vàng và Nhà nước có thêm 5.000 tỉ, vậy thử hỏi, nếu không có việc đấu thầu này thì số tiền khổng lồ ấy sẽ rơi vào túi ai? (Ảnh minh họa). |
Theo một thông tin chưa đầy đủ thì, qua gần 40 phiên đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thu về cho ngân sách quốc gia một khoản tiền khổng lồ… hơn 5.000 tỉ đồng. Số tiền này bằng 1/3 ngân sách Nhà nước dành cho ngành y tế. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn phải “thắt lưng buộc bụng” thì việc thu được một số tiền lớn như vậy thật có ý nghĩa.
Nhưng tiền chưa phải là tất cả.
Điều quan trọng nhất là qua việc đấu thầu vàng, cũng như hàng loạt những biện pháp quản lý chặt thị trường vàng, tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cơ bản chấm dứt được sự đầu cơ vàng.
Chấm dứt được sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích kinh tế trong buôn bán vàng.
Chấm dứt được cảnh người dân “phát rồ phát dại” lao đi buôn bán vàng.
Và từng bước làm giảm tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế.
Đây là dấu hiệu tích cực và đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hiệu quả thì đã thấy rõ, nhưng nếu như đọc lại một số bài báo viết về chủ trương đấu thầu vàng cũng như những biện pháp quản lý vàng miếng và ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cách đây vài tháng thì mới thấy thêm một điều rằng: Truyền thông của chúng ta quá hấp tấp và nhiều người phát ngôn hết sức thiếu hiểu biết!
Thanh tra Chính phủ cũng vừa kết luận là các biện pháp quản lý thị trường vàng, ngoại tệ như vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là đúng luật và chưa phát hiện ra điều gì sai.
Bấy lâu nay, một vài cơ quan thông tin nước ta có một căn bệnh là với bất cứ chủ trương, chính sách nào mới được ban hành thì chú ý tới mặt tích cực, mà chỉ xoáy vào mặt sau của chính sách ấy. Phải biết rằng, một chủ trương, chính sách mới ra đời có thể mang lại lợi ích cho một số đông người, nhưng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến một số ít người. Thậm chí, nếu nói rằng những chủ trương, chính sách trong lập lại trật tự thị trường vàng, ngoại tệ như vừa qua đã “triệt đường sống” của những kẻ đầu cơ, buôn gian bán lận, những kẻ đang tìm cách lũng đoạn thị trường vàng bạc, tài chính thì cũng không sai.
Qua việc đấu thầu vàng và Nhà nước có thêm 5.000 tỉ, vậy thử hỏi, nếu không có việc đấu thầu này thì số tiền khổng lồ ấy sẽ rơi vào túi ai? Chắc chắn rơi vào túi những kẻ đầu cơ vàng.
Và không hiểu điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế nước ta nếu như cứ mãi bị “vàng hóa”, còn người dân thì cứ vì vàng mà… vàng hết cả mắt.
Trên thế giới có lẽ rất hiếm quốc gia nào tiêu ngoại tệ thoải mái như ở Việt Nam, mua bán vàng miếng vô tư như ở Việt Nam. Ở các nước, thường là chỉ cho phép bán vàng khi đã thành sản phẩm, còn vàng miếng nguyên chất thì độc quyền Nhà nước quản lý. Còn chuyện sử dụng ngoại tệ thì tôi xin kể hầu bạn đọc chuyện quản lý tiền ở Algeria mà vừa mới đây tôi đã được chứng kiến.
Khi tôi đi công tác sang Algeria, một cán bộ của Tập đoàn Dầu khí dặn tôi rằng chớ mang tiền mặt, dù là USD hay euro, mà chỉ nên mang thẻ tín dụng. Lúc ấy tôi có hỏi lại, dù gì thì cũng phải mang theo một ít chứ. Anh cho biết, ở Algeria hầu như không tiêu tiền mặt, người dân chủ yếu dùng thẻ tín dụng, nếu có muốn phòng thân thì chỉ mang một chút gọi là.
Khi tôi nhập cảnh vào Algeria, hải quan phát cho một tờ khai, trên đó có yêu cầu ghi số ngoại tệ mang theo. Nhưng Hải quan Algeria chẳng quan tâm đến số ngoại tệ mang vào là bao nhiêu. Nhưng đến lúc xuất cảnh thì rắc rối vô cùng. Hóa ra là ở Algeria, họ siết “đầu ra”, chứ không siết “đầu vào” - nghĩa là khi nhập cảnh, bạn mang bao nhiêu ngoại tệ họ cũng không để ý, nhưng đến lúc xuất cảnh, bạn buộc phải khai với số ngoại tệ đã mang vào, bạn đã tiêu bao nhiêu và tất cả những khoản chi tiêu ấy phải được chứng minh bằng hóa đơn. Nên nhớ rằng ở Algeria, đi mua một chai nước cũng có hóa đơn và cũng thanh toán bằng thẻ, dù mua trong siêu thị lớn hay về một góc chợ quê. Trong trường hợp khi nhập cảnh không khai mang ngoại tệ vào, họ cũng không hỏi, nhưng đến lúc xuất cảnh, nếu họ khám được có mang tiền trong túi thì tịch thu hết sạch. Còn nếu nằn nèo, xin xỏ được thì cũng bị phạt ít nhất là 50% số tiền mang theo. Người nước ngoài khi mua bán bất kỳ thứ gì ở Algeria đều phải xuất trình hộ chiếu. Ở Algeria, không có khái niệm đổi tiền chợ đen. Việc ai đó đổi tiền chợ đen, nếu như bị cảnh sát bắt được thì ngồi tù là chắc. Các cửa hàng bán hàng, nếu không có hóa đơn mà bị phát hiện thì sẽ phải đóng cửa ít nhất 3 tháng và bị phạt một khoản tiền rất lớn.
Thế mới biết ở các nước, họ quản lý việc tiêu ngoại tệ chặt chẽ đến mức nào.
Ở một số nước châu Á, việc quản lý chi tiêu ngoại tệ có phần lỏng lẻo hơn. Chẳng hạn như ở Lào, Campuchia thì tiêu tiền gì cũng được. Thậm chí, cả như ở Hàn Quốc cũng có thể dễ dàng đổi tiền. Nhưng chắc chắn là mua bán cái gì cũng có hóa đơn.
Trông người lại ngẫm đến ta. Rõ ràng chúng ta đang quản lý xã hội rất không chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực và có thể nói rằng, nhiều chính sách, quy định của Nhà nước đang “chiều theo ý dân” - nghĩa là chấp nhận cách làm ăn manh mún, thói quen sinh hoạt tự do, tùy tiện, đặc biệt là trong việc chấp hành luật pháp. Năm ngoái, khi mới đề ra chủ trương mua bán nhà cửa hoặc các tài sản có giá trị lớn thì phải mua qua thẻ và phải có hóa đơn thì ngay lập tức đã bị “ném đá”. Và vậy là, một chủ trương nhằm quản lý thị trường tiền tệ tốt hơn, đặc biệt là góp phần chống tham nhũng đã không được ủng hộ.
Nói chính quyền của chúng ta do dân, vì dân. Vâng, rất đúng! Nhưng nếu quản lý xã hội mà cứ vì thói quen xấu của người Việt, đặc biệt là trong việc chấp hành kỷ cương, luật pháp thì chỉ mang họa mà thôi. Ở các quốc gia có sự quản lý thị trường vàng bạc, tiền tệ chặt chẽ, nhưng kinh tế của họ vẫn phát triển đấy thôi.
Trở lại chuyện quản lý thị trường vàng, mới cách đây mấy hôm, tôi xem tivi, có người dân than thở rằng trong nhà mua tích góp được nhiều vàng, nhưng bây giờ mang đi gửi ngân hàng thì lại phải trả phí, điều này làm cho người dân thấy bức xúc và cũng lại kêu gọi Ngân hàng Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân gửi vàng.
Kỳ lạ thật! Bỏ tiền ra mua vàng tích góp, bây giờ sợ mất trộm, mất cắp, muốn gửi vào ngân hàng mà lại không muốn trả phí, thế thì ngân hàng giữ của không công cho các vị à?
Thật ra, tâm lý giữ vàng làm tài sản hoặc để có chút phòng thân, nhỡ khi trái nắng trở trời, thất cơ lỡ vận cũng là chuyện bình thường. Nhưng rõ ràng là số người giữ vàng cho những mục đích này không nhiều. Và chắc chắn là họ chẳng quan tâm đến việc giá vàng tăng, giảm. Chỉ có những người đầu cơ vàng mới lo lắng và mới thích có một sự “tự do vô chính phủ” trong quản lý vàng.
Lợi nhuận của vàng sẽ làm cho họ sáng mắt ra, còn với ai đó bị “vàng mắt” đi thì họ không cần biết.
Thiết nghĩ, qua hiệu quả ban đầu của việc đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng nên thông báo rộng rãi kết quả này, cũng như giải thích để người dân hiểu rõ hơn về chủ trương quản lý vàng, quản lý ngoại tệ để người dân đỡ bị … “vàng mắt” vì vàng. Tổng thống Mỹ Gerald Rudolph Ford nói khi New York đối diện với thảm họa phá sản và doanh nghiệp kêu gọi chính phủ liên bang cứu trợ khẩn cấp: “Hãy để chúng chết đi”. Thật ngắn gọn và rất kiên quyết.
Nếu như những biện pháp quản lý về vàng, ngoại tệ mới có tác dụng tích cực cho nền kinh tế nước nhà, cho ngân sách Nhà nước, mang lại sự bình yên cho người dân thì những kẻ đầu cơ vàng có “chết bớt” đi cũng là tốt.
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?