Bỗng dưng nổi lên hiện tượng hàng loạt quan chức, từ quan quan sở, quan huyện, quan thị, quan xã, quan vô danh… thích làm lái xe để thể hiện, để khoe của...
Sau mỗi vụ, dư luận ồn lên vài hôm, rồi mất hút (Ảnh minh họa) |
Ngay lập tức những chiếc xe bằng cả ngàn con trâu, đẹp nhức mắt trở thành những “cỗ xe của thần chết” trên các đường phố. Sau mỗi vụ, dư luận ồn lên vài hôm, rồi mất hút. Tiền, quyền, tha hoá lối sống và sự thiếu nghiêm minh của luật pháp… là nguyên nhân chính khiến tai hoạ này vẫn có đất màu mỡ để tác quái.
Việc ông Phó giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Hồ Chí Minh gây tai nạn liên hoàn xảy ra ngày 30/3/2013 trở thành tin nóng nảy trong suốt mấy ngày qua, không chỉ vì kịch tính của sự việc và hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra, mà còn vì ông là Phó giám đốc một cơ quan Nhà nước. Những lời giải thích của ông cũng góp thêm độ nóng cho câu chuyện, khiến chỉ cần vào trang tìm kiếm Google, đánh dòng chữ Phó giám đốc lái xe gây tai nạn, sau 0,23 giây, cho ra tới hơn một triệu kết quả. Đến thế thì là chuyện nóng thật rồi. Nhưng hoá ra ông Phó giám đốc không phải là trường hợp “Tay to” - thôi thì ta cũng cứ gọi theo dân gian cho tiện - đầu tiên lái xe rồi gây tai nạn. Chẳng cần mất quá nhiều công sức, cũng dễ dàng tìm thấy hàng loạt vụ tai nạn tương tự, nghĩa là do các loại quan chức lái xe gây ra, mỗi người một kiểu.
Đây mới chỉ là phần nhỏ trong con số lớn hơn rất nhiều được báo chí và dư luận công khai danh tính. Nếu đem so với số vụ xảy ra trên thực tế nhưng bị dùng mọi cách để bịt thông tin, tức là tính cả “những đồng chí chưa bị lộ”, thì con số còn lớn hơn rất nhiều. Có cả trăm tình huống dẫn đến tai nạn mà lái xe là “Tay to”. Rất nhiều trường hợp do “Tay to” bỗng nhiên “rửng mỡ” muốn thể hiện mình có quyền làm bất cứ việc gì, muốn cho thấy mình còn phong độ, thuộc típ người mạnh mẽ. Thế là đang từ ghế ông chủ, nhảy lên gạt lái xe ra đòi ôm vô lăng, mặc dù mới chỉ cầm lái chơi vài lần. Không ít trường hợp khác do “Tay to” muốn “cải thiện” tí em ún, ngại có người thứ ba vốn luôn tiềm ẩn tai hoạ, tự lái xe cho tiện. Hoặc có “Tay to” sau các cuộc nhậu, khi rượu Tây đã ngốn cả chai, máu yêng hùng nổi lên, thế là coi trời bằng cái vung!
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông
Cũng là gây tai nạn giao thông, nhưng để ý kỹ, tai nạn do các “Tay to” ôm vô lăng gây ra luôn khác đời. Hoặc là nó rất thảm khốc, nếu không thì cũng đầy chất bi hài. Nguyên nhân chính là ở tay nghề kém, vì có “Tay to” nào lại là lái xe chuyên nghiệp, nhưng nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa hơn lại chính là ở vị thế của họ trong xã hội. Các ông quan Nhà nước hay các ông chủ này, bất cứ cỡ nào, cũng muốn chứng tỏ mình đầy quyền lực. Chính vì cậy mình có quyền, có vai vế, có nhiều mối quen biết nên sẵn sàng coi thường hoặc bất chấp luật lệ giao thông. Say rượu nhưng vẫn lái xe, vừa biết lái đã muốn chứng tỏ mình không sợ ai, ỷ thế mình có tiền, nếu chẳng may xảy chuyện thì mọi việc đều lo được… Đó mới đích thực là những nguyên nhân gây tai nạn của các “Tay to” khi họ ôm vô lăng. Chỉ có điều, các tài xế “Tay to” kém xa cánh tài “Tay nhỏ” về mặt trọng danh dự. Khi xảy ra tai nạn, việc đầu tiên họ nghĩ tới là chiếc ghế đang ngồi, chứ không phải lo giải quyết hậu quả mà họ gây ra! Họ sẵn sàng “hèn hạ”, tìm trăm phương ngàn kế, kể cả những kế sách thê thảm nhất để thoát tội. Kế thông thường là nói dối. Nói dối ráo hoảnh, bịa một cách trơ trẽn, không biết ngượng. Thà mang tiếng là hèn, là mất phẩm giá còn hơn mất ghế. Sau cả tiếng đồng hồ, lượng cồn trong hơi thở vẫn còn tới 0,2 ml mà vẫn nhem nhẻm cãi là không biết uống rượu, chỉ “nhấp” qua môi! Cứ như là ông “Tay to” này đang nói với nhân viên của ông vậy! Thế rồi nào là vì công việc, vì có cuộc họp quan trọng, vì người thân gặp tai nạn, vì bức xúc, vì lo lắng cho cơ quan, vì hoa mắt chóng mặt bất thường… Nghĩa là vì rất nhiều thứ, chỉ trừ tính mạng và tài sản của người đi đường!
Với những trường hợp gây hậu quả nặng, có nguy cơ đối mặt với toà án, thì việc quan trọng đầu tiên là phải “vô can hoá, ngoại phạm hoá” bằng mọi cách. Nhưng chiếc xe không phải là cái bao diêm có thể đút béng vào túi rồi cãi xoá. Vì thế phải có ngay nhân vật “đóng thế”. Tức là ai đó sẽ đứng ra nhận tội thay cho sếp. Kẻ đóng thế có thể là chính lái xe, là người nhà nhưng vô sừng vô sẹo, hoặc là bất cứ ai chấp nhận đánh đổi danh dự để lấy tiền…như trường hợp xảy ra tại một con phố nổi tiếng ở Hà Nội mấy năm trước. Khi một chiếc xe ô tô bốn chỗ chạy như phát rồ rồi chồm lên vỉa hè, đâm gẫy cột biển báo, làm bị thương người đi đường, trước con mắt bàn dân thiên hạ, thay vì lái xe lao ra cứu người, ông ta nhanh chóng rút máy điện thoại gọi và lát sau một thanh niên xuất hiện. Lái xe thật nhanh chóng biến mất, còn anh thanh niên thản nhiên nhận mình là kẻ gây tai nạn. Vụ việc, đúng như kịch bản chuẩn không cần chỉnh, lập tức chỉ còn là vụ tai nạn thông thường. Những đồng tiền sẽ làm nốt phần việc còn lại. Tiền bỏ ra thì rồi sẽ lại thu về, một khi còn giữ chắc được ghế.
Hoá ra lặn lội, mai phục, đổi chác bằng mọi giá để được trở thành “Tay to” quả cũng không uổng. Chưa nói đến vô số quyền lực, chưa nói đến những món bổng lộc, chưa nói đến những thứ danh giá mà xã hội cứ mặc nhiên dành cho… mà hẵng chỉ tính riêng việc có thể chả cần bằng lái, chả cần tốn một xu, chả cần biết một điều luật, chả cần phải nhịn uống hàng chai rượu, cứ thích là có thể thoải mái điều khiển cả con xe to lù lù, chạy ầm ầm trên đường, như đi vào chỗ không người, đứa nào không muốn chết, không muốn người và xe nát bét thì tránh trước ông ra. Đấy, không tin thì mở to mắt mà nhìn: Gây cảnh tượng tan hoang ngang một vụ thảm sát như trường hợp của ông Phó giám đốc sở VH-DL & TT thành phố Hồ Chí Minh mà cũng chỉ cần quẳng toẹt ra 5 triệu đồng nộp phạt là yên chuyện. Năm triệu, muỗi!
Có lẽ chuyện này chỉ bình thường ở Việt Nam? Ở nước ngoài (Lấy ngay ví dụ Singgapore, Malaysia, Hàn Quốc cho gần), nơi tay to tay nhỏ đều vừa khuôn cái còng chỉ duy nhất một kích cỡ (trong trường hợp họ phải tra vào), thì những chuyện gây tai nạn như vừa kể cực kỳ to chuyện. Mất chức là nhẹ nhất. Mất tiền, rất nhiều tiền, có thể mất một phần cơ nghiệp vẫn còn nhẹ lắm. Thậm chí nếu chả may phải cải tạo lao động, vào tù ngồi bóc lịch, cũng chưa là hình phạt nặng nhất…
“Tay to” là cách mà mọi người dùng để gọi chung những người có quyền lực (do chức vụ, tiền tài hoặc vị thế đem lại) và luôn thích thú với việc thể hiện nó theo ý mình, bằng thứ luật lệ mà mình tự đặt ra. Biệt danh này khá phổ biến-dựa trên tần suất sử dụng - ở các thành thị, đặc biệt trong giới làm ăn có dính đến chuyện thường xuyên phải đi cửa sau hoặc lách luật. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%