Từ ngày 2 đến 5/4, ông Đoàn Văn Vươn cùng 5 người liên quan bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND thành phố Hải Phòng.
Ông Đoàn Văn Vươn ra tòa sáng 2/4 |
16h20: Tòa kết thúc phần xét hỏi. Dự kiến 8 giờ sáng mai (3/4), phiên tòa tiếp tục làm việc.
Tại tòa, bị cáo Đoàn Văn Vươn biện hộ: “Loại đạn hoa cải không thể bắn chết người được. Bị cáo buộc phải tấn công để tìm đường thoát. Để bảo vệ chính mình, tài sản và người thân của bị cáo”. Vị chủ tọa vặn lại: Trước đó bị cáo có nhiều đơn khởi kiện và đã được thụ lý. Tại sao lần này cưỡng chế mà bị cáo lại cho là không chính xác?
Bị cáo Vươn cho biết gia đình bị cáo không đạt được thỏa thuận với UBND huyện Tiên Lãng nên nếu bị cưỡng chế thì sẽ tấn công và tìm đường rút để chuyển sang vụ án hình sự để giải quyết dứt điểm. "Khi các đoàn đến vận động tôi đã cảnh báo, nếu hiện cưỡng chế là chiếm đoạt tài sản và tôi sẽ chống lại” - bị cáo Vươn nói tại toà.
Trong khi đó, bị cáo Đoàn Văn Quý lại không công nhận một số lời khai của Đoàn Văn Vươn, bởi theo bị cáo này, không phải Vươn hướng dẫn cài mìn nổ mà do bị cáo tự làm. “Bị cáo bố trí để khi lực lượng đến cách khoảng 10 mét rồi chập nổ để tố cáo thế thôi” - bị cáo Quý nói.
Trước lời khai chỉ để “cảnh báo” lực lượng cưỡng chế, đại diện Viện kiểm sát đã công bố nhiều lời khai thể hiện rõ quyết tâm của các bị cáo.
Điều đáng chú ý tại phiên tòa là bị cáo Đoàn Văn Vệ không công nhận lời khai của Đoàn Văn Vươn. Bị cáo Vệ phủ nhận vai trò đồng phạm mà cho rằng khi biết được mục đích của kế hoạch là chống lại lực lượng cưỡng chế thì không tham gia.
Theo bị cáo Vệ, Quý có đưa cho 10,5 triệu đồng nhờ mua súng. Song khi thấy Quý gọi điện giục mang súng về, đoán biết được Quý sử dụng súng vào mục đích chống lại lực lượng cưỡng chế, bị cáo Vệ đã chủ động không mang súng cho Quý nữa. Sở dĩ bị cáo có mặt tại hiện trường là vì nghe điện thoại nói Quý bị thương nên mới đến và bị bắt.
Bị cáo Sịnh cũng khẳng định, lúc xảy ra bị cáo đang loanh quanh ở nhà. Khi ra thì thấy những người bị bắn đã cấp cứu xong đâu vào đấy rồi.
Hai bị cáo Thương và Báu đều khẳng định, việc dựng hàng rào, trải rơm, mua xăng đều là công việc bình thường để chống người qua lại chứ không phải chống người thi hành công vụ. Bị cáo Báu cho rằng mình làm nội trợ cơm nước cho chồng con nên không biết chồng bàn bạc làm gì.Để chứng minh sự liên quan, đại diện Viện kiểm sát đã công bố biên bản ghi lời khai với sự tham gia của kiểm sát viên về lời khai của các bị cáo này trong việc làm hàng rào, cách thức, mục đích, nguyên liệu làm hàng rào…
Tại buổi xét hỏi ngày 2/4, các luật sư tập trung hỏi để làm rõ nội dung: các bị cáo chỉ cảnh cáo lực lượng cưỡng chế chứ không có ý muốn giết người; còn hai bị cáo Thương và Báu đều làm những công việc thông thường, không liên quan đến vụ án.
14h: Tòa tiếp tục làm việc.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Đoàn Văn Vươn được hỏi trước tiên. HĐXX đã tập trung làm rõ hành vi giết người của bị cáo từ việc lên kế hoạch đến tổ chức thực hiện.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn cùng các luật sư cho rằng việc cho nổ bình gas, dùng súng bắn vào lực lượng cưỡng chế là với mục đích để “cảnh báo” chứ không có mục đích giết người.
Song HĐXX đã cho thấy các vật chứng là bình gas bị nổ méo mó, biến dạng cùng súng, đạn, công cụ gây án… HĐXX nêu rõ: đây là những công cụ rất nguy hiểm, các bị cáo hiểu rõ có thể gây chết người cho lực lượng cưỡng chế.
11h30: Phiên xét xử đã tạm nghỉ để, các bị cáo được đưa về phòng tạm giam. Phiên xét xử sẽ được tiếp tục vào chiều nay.
Trước khi diễn ra phiên xét xử, HĐXX cũng cho đem các vật chứng của vụ án đến, trong đó có súng bắn đạn hoa cải và nhiều đạn.
9h30: Phiên tòa vẫn tiếp tục với các thủ tục kiểm tra căn cước.
9h55: Toà bắt đầu chuyển sang phần xét hỏi.
Tang vật vụ án
Bắt đầu từ 9h15 sáng nay 2/4, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng đã đọc bản cáo trạng truy tố Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm về tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”.
Bị cáo Phạm Thị Báu (vợ của Đoàn Văn Quý)
Bị cáo Nguyễn Thị Thương (vợ của Đoàn Văn Vươn)
Phiên tòa thu hút sự chú ý, đăng ký theo dõi đưa tin của hơn 50 cơ quan thông tấn báo đài trong nước và quốc tế. Lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) TP Hải Phòng cho biết, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” chính thức được bắt đầu từ 8h sáng với 6 bị cáo bao gồm: Đoàn Văn Vươn (chủ đầm) cùng vợ và 3 anh em trai, 1 em dâu trong gia đình ông Vươn.
Toàn cảnh phiên xử. Ảnh: Hà Anh.
Tại khu vực quanh tòa, lực lượng CA được bố trí chốt chặn hai đầu đường Lê Hồng Phong, cách tòa khoảng 300m, mọi phương tiện qua lại đường này đều bị chặn và phải di chuyển theo làn đường bên cạnh.
Thẩm phán chủ tọa là ông Phạm Đức Tuyên, Phó Chánh án TAND Hải Phòng, làm chủ tọa. Luật sư Trần Đình Triển, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Hồng Bách và 8 người khác tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 6 bị cáo (4 bị tạm giam và 2 tại ngoại). Phía các bị hại mời một luật sư.
Từ 7h, xe thùng chở 4 bị cáo có mặt tại tòa. Quanh khu vực tòa án chừng 100 mét, nhiều lực lượng đã có mặt để làm nhiệm vụ, giải tỏa ách tắc giao thông.
Trụ sở Tòa án nhân dân TP Hải Phòng, nơi diễn ra phiên xét xử vụ án chống đối tại đầm tôm.
Theo cơ quan công tố, năm 1993, ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) giao 21 ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc xã Quang Vinh để nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 14 năm. Tháng 4/2009, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi hơn 19 ha do đã hết thời hạn sử dụng. Không đồng ý việc này, ông Đoàn Văn Vươn khởi kiện, song bị bác đơn. Sau đó, chính quyền huyện ra quyết định cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi đất, ấn định ngày thực thi là 5-6/1/2012.
VKSND Hải Phòng cáo buộc, sau khi nhận được thông báo của chính quyền, ông Vươn đã nhiều lần cùng một số anh em trong gia đình gồm Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh (Sinh), Đoàn Văn Thoại, Phạm Thái bàn quyết tâm giữ đầm bằng mọi cách.
Cơ quan điều tra cho rằng, đủ căn cứ chứng minh ông Vươn cùng các bị can Sịnh, Quý, Thoại, Báu cùng một số người trong gia đình đã làm 5 hàng rào ngăn cản tại các lối vào khu đầm và trải rơm và tưới xăng trên đường...
Với 4 kíp nổ điện cất giữ sau khi rời quân ngũ, ông Vươn bị cáo buộc đã hướng dẫn ông Quý đấu nối dây điện vào bình ắc quy đến hai quả mìn tự tạo chôn ở hai lối vào để kích nổ bình gas. Trên mỗi bình gas có hai nửa bao đá với mục đích khi gas nổ đá sẽ văng vào người tham gia cưỡng chế, gây sát thương.
Bị cáo Phạm Thị Báu (trái) và bị cáo Nguyễn Thị Thương
Bị cáo Đoàn Văn Sịnh (trái) và bị cáo Đoàn Văn Vệ
Theo lời khai tại cơ quan điều tra, sáng 5/1/2012, thấy tổ công tác số 3 của đoàn cưỡng chế đến sát hàng rào, ông Quý kích nổ mìn làm bình gas tung lên nhưng không phát nổ. Khi tổ công tác vào thêm chừng 12 m, ông Quý bắn hai phát súng hoa cải. Thấy Thoại cầm súng mang lên tầng 2, ông Quý tiếp tục bắn phát thứ ba. Vụ việc khiến 7 người bị thương, trong đó người nặng nhất bị 23 vết thương.
Trước khi cùng Thoại, Thái chạy ra thuyền để bỏ trốn, ông Quý chạy ra đổ xăng vào rơm đốt nhưng không cháy do hôm trước trời mưa. Hai ngày sau, ông Quý đến Công an Hải Phòng đầu thú, khai cất giấu 2 súng bắn đạn hoa cải ở một bờ đê tại tỉnh Thái Bình.
VKS nhận định, đủ cơ sở quy kết bị can Vươn, Quý, Sịnh, Vệ đã có hành vi đồng phạm tội giết người. Theo khung hình phạt bị truy tố, 4 người phải đối mặt khung phạt 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Bị can Phạm Thị Thương (vợ ông Vươn) và Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) bị VKS cho là đã tiếp nhận ý chí của bị can Vươn, Quý, Sịnh về việc chống người thi hành công vụ; trực tiếp tham gia làm hàng rào, trải rơm, mua xăng... nên đủ cơ sở xác định có hành vi chống người thi hành công vụ. Hai bị can được tại ngoại này bị truy tố theo khung hình phạt 2-7 năm.
Thoại và Thái đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra sẽ xử lý sau khi bắt được.
Cơ quan công tố cho hay, bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Thoại, Vệ và Thái còn có hành vi chống người thi hành công vụ nhưng đã bị khởi tố, truy về tội Giết người nên không xử lý về tội Chống người thi hành công vụ.
- Ngày 5/1/2012, hơn 100 cảnh sát, bộ đội tham gia cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Vươn. Sau vụ chống đối của ông Vươn và một số thành viên trong gia đình, chiều cùng ngày, hai căn nhà của ông Vươn và Quý đã bị đốt, đập phá. - Ngày 10/1/2012, ông Vươn cùng Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Giết người. Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ. - Ngày 10/2/2012, Thủ tướng kết luận các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Vươn đều trái luật. - Cuối tháng 3/2012, 50 cán bộ tại huyện Tiên Lãng bị kiểm điểm, xử lý. Tập thể Ban cán sự Đảng UBND Hải Phòng bị kỷ luật khiển trách. - Tháng 1/2013, liên quan trách nhiệm trong vụ phá nhà ông Vươn, nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bị khởi tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, nguyên phó chủ tịch Nguyễn Văn Khanh và 3 bị can Phạm Xuân Hoa (nguyên trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện, phó trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế), Lê Thanh Liêm (nguyên chủ tịch xã Vinh Quang) và Phạm Đăng Hoan (nguyên bí thư xã) đã bị xử lý hình sự về tội Hủy hoại tài sản. Ông Hiền cùng các thuộc cấp sẽ bị xét xử vào ngày 8/4 tại TAND Hải Phòng. Phiên xử do Chánh án Trần Thị Thu Hà làm chủ tọa. |
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?