Huyền Trân công chúa và ẩn tình trong thi phẩm dài 3400 câu
Thứ bảy, 11/10/2014 14:10

Trường thi dài 3.400 của Bùi Mạnh Hảo viết về sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn công chúa Huyền Trân, người mở nước một không hai trong lịch sử Việt Nam được đánh giá rất cao.

Huyền Trân công chúa (Ảnh minh họa)

Huyền Trân công chúa (Ảnh minh họa)

Minh oan cho bậc tiền nhân

Dám chọn nhân vật công chúa Huyền Trân – một nhân vật có thật và còn nhiều uẩn khúc cùng với cách thể hiền bằng thi ca là quyết định táo bạo của nhà thơ Bùi Mạnh Hảo. Hai cái khổ gộp lại thành một thử thách rất lớn và chỉ dành cho người dũng cảm, ấy vậy mà Bùi Mạnh Hảo đã rất thành công. Chính sự dũng cảm của thi sỹ đã làm nên một tác phẩm có chất lượng, một kỷ lục mới trên thi đàn Việt Nam.

Nói về nhân vật Huyền Trân công chúa, con gái của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, em gái của Vua Trần Nhân Tông đến nay lịch sử còn để lại nhiều câu chuyện, trong đó vừa khắc ghi hình ảnh người con gái có công mở nước, vừa có ý chê bai phẩm giá của nàng thông qua giai thoại mối tình già trẻ giữa công chúa với tướng Trần Khắc Chung. Cụ thế, sử ghi năm 1306, Huyền Trân được gả cho vua Chiêm Thành (Champa) là Chế Mân (tiếng Phạn: Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía Bắc Quảng Trị ngày nay). Sang nước Chiêm, Huyền Trân được phong là hoàng hậu Paramecvari. Một năm sau đó, khi hoàng hậu Paramecvari vừa sinh hoàng tử Chế Đa Đa, thì tháng 5 năm 1307, quốc vương Chế Mân băng hà.

Thế tử Chiêm sai sứ sang Đại Việt báo tang. Theo tục nước Chiêm, khi vua chết hoàng hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn táng. Vua Trần Anh Tông biết tin, sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân công chúa. Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền, đưa nàng về Đại Việt bằng đường biển. Cuộc hải hành này kéo dài tới một năm và theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì Trần Khắc Chung đã tư thông với công chúa. Cũng chính từ những câu chuyện lịch sử trên, suốt thời Trung đại cho đến Cận, Hiện đại Việt Nam đã nhiều nhà văn, nhà thơ lấy đó làm đề tài để sáng tác thơ ca, truyện. Ví dụ: Trường ca Con đường cái quan của Phạm Duy, Tiễn biệt Huyền Trân của Phạm Duy phổ thơ Đào Tiến Luyện, Huyền Trân công chúa của nhạc sỹ Nguyễn Hiền, Tình sử Huyền Trân của Nam Lộc, Sương gió Chiêm Thành – cổ nhạc, Bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” của Hoàng Quốc Hại.

Viết về công chúa Huyền Trân, cả chính sử và dã sử, thơ văn đều tốn khá nhiều giấy mực để luận “công” và “tội” của nàng.

Do đó, việc Bùi Mạnh Hảo lấy nhân vật lịch sử Huyền Trân làm đề tài cho thi tập của mình được xem là một đề tài gai góc. Tuy nhiên, Bùi Mạnh Hảo đã tin rằng sự thật về cuộc đời của Huyền Trân khác xa với những gì đã phản ánh trong các bộ sử. Thi sỹ đã tin rằng, lịch sử là khách quan, tác giả viết trường thiên thi phẩm Huyền Trân để phục hồi cái gọi là khách quan, với một tâm niệm rằng, “không lẽ, lời góp ý của những sự gia đời trước lại có thể “đóng đinh" mãi vào lịch sử. Nhà thơ Bùi Mạnh Hảo đã tỏ thái độ phản kháng trước những ý kiến có phần chủ quan dựa trên lỗi thời. Nhà thơ muốn thông qua tác phầm của mình có một sự khẳng định mang tính chính thống để trả lại sự trong sáng của người xưa. Để dân tộc Việt Nam và thế giới thấy rõ hơn tầm vóc tư tưởng vĩ đại của Phật Hoàng Trân Nhân Tông.

huyen-tran

Huyền Trân công chúa (Ảnh minh họa)

Khắc họa thành công người phụ nữ Việt Nam kiên trinh

Đánh giá về hình tượng người phụ nữ Việt Nam mà tác giả Bùi Mạnh Hảo cố tình khắc họa, GS – TS Phạm Kim Khải cho rằng: “Trước trường thiên thi tập Huyền Trân, Bùi Mạnh Hảo đã có thi tập, để mang bóng dáng trữ tình, như một Kiều trong “Khấp Tố Như”, “Đất nước hình con gái” như huyền thoại Vệ nữ. Các đề tài đều tập trung tôn vinh, ngưỡng vọng đấng sinh thành của nhân loại và đặc biệt là những người, mẹ, người vợ - người con gái Việt Nam ôm một hoài bão vì sử xanh, đất nước, giang sơn hoa gấm, miên trường từ thời huyền sử cho tới ngày nay với một lương tâm vô trược. Những huyền tích ấy trở nên lung linh ảo diệu “siêu thoát” qua thể hiện ở ngôn ngữ thi ca vượt thoát thời gian, không gian, qua cả cái logic vô hồn, lãnh cảm, ngụy biện bằng duy vật sử quan”.

Nhà thơ đã đặt Huyền Trân công chúa xuất hiện trong cảnh giới thi ca “Sen vàng lãng đãng như gần như xa”. Với vẻ đẹp được ví là  “Thân mây rạng tỏa hương vân/ Sao sa mầu mắt khóe thần làm duyên”. Và đôi lúc công chúa Huyền Trân được ví với Vương Chiêu Quân đời nhà Đường (ở Trung Quốc), “Chiêu Quân xưa cũng cống Hồ/ Dâng mình để giữ cơ đồ Quân Vương/ Huyền Trân theo phép lệ thường/ Lấy chồng còn để mở đường nước non”.

Khác với sử và các tác phẩm văn học, thi ca trước đây từng viết về công chúa Huyền Trân, tác giả đã khắc họa công chúa Huyền Trân với hình mẫu lý tưởng của một người phụ nữ yêu chồng, một dạ theo chồng, cùng chồng xây dựng đất nước. Ngay cả khi, quốc vương Chăm Pa Chế Mân qua đời thì Huyền Trân cũng một mực kiên trinh, không có lòng tơ vương trở về cố quốc và không có chuyện tơ lòng với tướng Trần Khắc Chung, bỏ thân chạy trốn để khỏi bị hỏa thiêu theo chồng. Trong tiếng than khóc của công chúa Huyền Trân có ý trách móc các tướng lĩnh của Đại Việt cướp mình trên giàn hỏa thiêu và cho rằng, “… Lấy chồng vốn tại căn duyên/ Rủi may sướng khổ mặc quyền tự thân/ Đời này dẫu thác mấy lần/ Cũng không trả được một phần người ta/ Tang chồng còn chiếu giữa nhà/ Bỏ con vội chạy hỏi ra giống gì…”

Xét ở góc độ này nhiều nhà phê bình văn học cho rằng, nhà thơ Bùi Mạnh Hảo tỏ ra sâu sắc và bênh vực tuyệt đối phẩm hạnh của công chúa Huyền Trân – hoàng hậu Paramecvari, khác xa với những gì mà sử chép cũng như các tác phẩm văn học trước đó. Đây là một góc nhìn mới, một đóng góp mới của  tác giả, ẩn chứa sau đó là một thông điệp rất đẹp. Điều này cũng được nhà thơ Bùi Mạnh Hảo viết: “Bất luận thế nào, thiên duyên của công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân, cùng với Đức Hy Sinh vô bờ bến của dân tộc Chăm, nhất là phụ nữ Chăm – người đã sản sinh, dưỡng nuôi và bảo tồn dân tộc mình qua các biến cố đại gia đình các dân tộc Việt Nam, mở ra một không gian rộng lớn, tạo thế đứng, thế đi vững chắc cho lớp lớp các thế hệ con cháu sau này có niềm tin mạnh mẽ, có công và góp cả máu xương để hình thành trọn vẹn được một quốc gia có vóc dáng yêu thương: “Đất nước hình Con gái…” – trích lời bạt trong truyện thơ Huyền Trân công chúa.

Như Hải (Đời sống & Pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: cong chua Huyen Tran , truong thi dai 3.400 cau , nguoi mo nuoc trong lich su Viet Nam , lich su Viet Nam. nha tho Bui Manh Hao , tin , bao