Học sinh khổ vì 30% kiến thức toán “vô bổ”
Thứ hai, 04/03/2013 10:36

“30% kiến thức Toán là vô bổ nếu không theo học chuyên ngành Toán” – thông tin do giáo sư Văn Như Cương đưa ra khiến nhiều người giật mình và bất bình.

Ai cũng biết toán là một môn học quan trọng, nhưng phải học những kiến thức

Ai cũng biết toán là một môn học quan trọng, nhưng phải học những kiến thức "vô bổ" thì thật là khổ cho học sinh...

Ép con học toán cả ngày lẫn đêm…

Chị Nguyễn Minh Tâm (Ba Đình, Hà Nội) có cậu con trai năm nay đang học lớp 9. Tuy đã 15 tuổi nhưng vì ngày xưa sinh thiếu tháng nên cậu vẫn bé xíu, chỉ nặng có chưa đến 40 kg, người gầy như cái que. Vậy mà hôm nào con chị cũng lọ mọ đến 11 giờ đêm để nhồi nhét vào đầu mấy bài toán khó.

Chị Tâm bảo, năm nay, con chuẩn bị thi vào cấp III, học sinh thì nhiều, trường công thi ít nên chị động viên con phải cố mà học. Khả năng học toán của con chị Tâm không được tốt lắm, vì vậy, ngoài việc tự học thì chị Tâm luôn cố gắng tìm tòi những thầy giỏi nhất để đưa con đến học thêm. Nhà ở khu Giảng Võ nhưng cuối tuần nào chị cũng phải đưa con xuống tận Lò Đúc để học, vì nghe nói đó là cô giáo dạy toán giỏi.

Khi được hỏi vì sao con gầy yếu thế, không cho con đi học võ hoặc các môn thể thao mà lại cứ học toán, chị bảo: Hồi con học cấp I, chị cũng cho con đi học cờ vua, học võ vào ngày thứ 7 hoặc chủ nhật. Nhưng đến khi con học cấp II, chị đành cho con nghỉ vì các ngày cuối tuần phải dành cho học thêm toán để chạy đua vào cấp III.

“Nặng” hơn con chị Tâm, con trai chị Thu Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) bị mẹ ép học thêm toán ngay từ khi còn đi… mẫu giáo. Vợ chồng chị Minh cho rằng, toán là môn học rất quan trọng trong thi cử nên chi phải “nhồi” càng sớm càng tốt. Khi có nhiều thời gian thì chị cho con đi học nhiều thứ, còn khi ít thời gian thì chị lựa chọn cho con học toán, các môn khác đành đợi chưa biết đến bao giờ. “Học vẽ, học nhạc thì lớn lên học cũng được, chứ toán mà dốt, không thi vào đâu được thì khổ cả đời”, chị Minh nghĩ thế nên chẳng lăn tăn gì khi gạt môn vẽ của con ra khỏi chương trình cuối tuần.

Những người có suy nghĩ như chị Tâm hiện nay rất phổ biến: gạt bớt những môn được cho là “có cũng được, không cũng chẳng sao” như võ, nhạc, họa, cờ vua, đá bóng…, họ cấp tập cho con đi học thêm môn toán, với hy vọng con sẽ vào được các trường công lập của Hà Nội.

Không chỉ các bậc cha mẹ cho con chạy đua học toán, các nhà xuất bản cũng không kém phần nhanh nhạy khi những năm gần đây, số đầu sách tham khảo về môn toán liên tục tăng mạnh. Nếu bạn trót lạc chân vào khu vực bày sách tham khảo của một nhà sách nào đó, bạn sẽ bị ngợp trước rừng sách nâng cao môn toán.

GS Văn Như Cương: "Trừ những giáo viên dạy toán mới cần đến số phức thì không thể hiểu dạy học sinh kiến thức này để làm gì. Vô lý nhưng không thể bỏ qua vì theo giáo sư kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng có 1 câu liên quan đến kiến thức này. “30% kiến thức Toán là vô bổ nếu không theo học chuyên ngành Toán".

Chưa hết, trong khi phụ huynh cố dành dụm thời gian và tiền bạc để cho con đi học thêm toán, thì ngay tại các trường học, giáo viên cũng dành mọi nguồn lực cho môn học được cho là quan trọng nhất này.

Tú Anh, một học sinh lớp 9 tại Hà Nội cho biết, năm nay, ngoài việc các em chạy sô học toán ở khắp nơi thì ngay tại trường, cô giáo chủ nhiệm cũng đích thân “xin” các thầy cô môn phụ như nhạc, họa, thể dục, giáo dục công dân… bớt giờ học của họ để các em học toán. Trong khi đó, bản thân các cô môn phụ cũng vì thương học sinh mà tìm mọi cách “giúp” các em như không giao bài tập về nhà, không kiểm tra bài cũ… và cho điểm vô cùng thoáng. Chẳng thế mà có những lớp, gần như 100% học sinh được điểm 10 thi môn giáo dục công dân. Điều này đạt được 2 mục đích: các em có thời gian học toán để đi thi mà vẫn đủ điểm môn phụ để đạt học sinh giỏi.

Vì sao các em phải học những điều vô bổ?

Phát biểu của giáo sư Văn Như Cương về việc có tới 30% kiến thức toán là vô bổ đối với những học sinh không theo chuyên ngành toán có lẽ không phải là thông tin mới đối với giáo viên, nhất là các giáo viên dạy toán, nhưng nó lại gây bất bình cho nhiều phụ huynh.

Nói như vậy bởi chính người viết bài này, khi hỏi một giáo viên chuyên toán của một trường cấp II thuộc quận Ba Đình rằng, việc học thêm toán rất nhiều có ích gì không thì cô giáo này đã rất chân tình nói: “Nếu nói rằng có ích gì cho việc thi cử thì chắc chắn là có, nhưng còn bảo có ích gì cho cuộc sống sau này hay không thì tôi không dám chắc!”.

Trong khi đó, chị Châu, một phụ huynh có con đang học tại một trường THPT thì thật sự bức xúc: Tôi quá thất vọng với kiểu giáo dục như vậy. Đối với một đứa trẻ, điều rất quan trọng là chúng phải có thời gian vui chơi, được bồi bổ tâm hồn bằng các môn nhạc, họa, được luyện tập thể thao để tăng cường sức khỏe và học những kiến thức thực sự có ích cho cuộc sống sau này như kỹ năng sống… Ấy vậy mà cả ngày chúng cứ phải chúi mũi vào để học cách giải mấy bài toán vô bổ. Bản thân tôi cũng thấy mình có tội với con, nhưng không học thì làm sao mà thi được?

Ai cũng biết toán là một môn học quan trọng. Khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành khoa học nên toán học được mệnh danh là ngôn ngữ của vũ trụ. Tuy nhiên, việc bắt các em học sinh phải học những kiến thức toán "vô bổ" là một điều cần phải được các nhà làm giáo dục xem xét thấu đáo.

Dạy và học chỉ để phục vụ cho thi cử, biết rằng kiến thức vô bổ mà thầy vẫn phải dạy, trò vẫn phải học đang là một thực trạng đau đầu chưa có lối thoát. Trong khi các thầy, các cô và bố mẹ vẫn tiếp tục băn khoăn, vẫn đặt ra câu hỏi và chưa có ai trả lời thì mỗi ngày, mỗi đêm, con em chúng ta vẫn đang phải từ bỏ cơ hội tiếp cận với những kiến thức có ích để học những điều vô bổ như giáo sư Văn Như Cương đã nói: "Chúng ta hiện đang thiếu hẳn việc dạy làm người, dạy kỹ năng sống mà thiên về kiến thức văn hóa, mất cân đối nghiêm trọng. Xã hội nhiều tệ nạn mới, phức tạp, nhưng nhà trường không giúp học sinh có sức đề kháng. Điều này cần phải được thay đổi trong CT-SGK mới".

VnMedia

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Toán học , Học toán , Giáo dục tiểu học , Văn Như Cương , Kiến thức toán học