Họa sĩ quỳ gối mong teen đừng sờ đầu rùa
Thứ năm, 02/08/2012 14:26

Nhiều bạn trẻ cảm phục trước hành động tuyên truyền rất đẹp của anh, một số bạn lại cho rằng anh 'điên'.

Hình ảnh gây xúc động cư dân mạng của họa sĩ Phạm Huy Thông.

Hình ảnh gây xúc động cư dân mạng của họa sĩ Phạm Huy Thông.

>> Bức xúc cảnh hai cô gái cưỡi cổ Rùa Văn Miếu

Mấy ngày qua, đề tài một số bạn trẻ vô ý thức chụp ảnh nhắng nhít trên mình cụ rùaVăn Miếu Quốc Tử Giám trở thành đề tài tranh cãi trong cộng đồng mạng. Mở đầu từ hình ảnh một nam sinh đứng trên mình rùa, tiếp theo là 3 thiếu nữ thi nhau ngồi lên tượng rùa mang tấm bia với những động tác đùa giỡn đầy phản cảm.

Chưa dừng lại ở đó, đỉnh điểm gây nên sự phẫn nộ từ cộng đồng mạng chính là hình ảnh hai cô bạn teen mặc quần short ngắn ngồi che hết hai bên mai rùa và vô tư chụp ảnh rồi share Facebook. Các bạn này còn thách thức dư luận như "có ném đá cũng không sao vì... đang cần gạch xây nhà". Đa số ý kiến đều "ném đá" hành động này là: thiếu ý thức, vô văn hóa, hiểu biết non kém...

Hai teen girl bị "ném đá" dữ dội vì bức ảnh phản cảm này.

Trước tình hình nhiều teen pose ảnh nhắng nhít trên mình cụ rùa, biểu tượng linh thiêng nơi Văn Miếu, họa sĩ Phạm Huy Thông đã thực hiện bức ảnh tuyên truyền gây xôn xao. Trong ảnh, anh mặc áo màu nâu, quỳ rạp người xuống bên cạnh tượng rùa, trên lưng là tấm bảng: "Xin đừng sờ đầu rùa". Nhiều người hiếu kỳ đã chạy đến xem và chụp ảnh anh.

Bức ảnh tuyên truyền trên ngay lập tức được cư dân mạng chuyền tay nhau trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Trên một tài khoản FB, bức ảnh được đăng trong 3 tiếng đã có hơn 8.000 lượt Like và gần 500 lượt share cùng hàng ngàn bình luận của các teen xoay quanh hình ảnh gây xúc động này.

Nhiều bạn hết lời ca ngợi hành động của anh Phạm Huy Thông, xem đây là một cách tuyên truyền có 102, hiệu quả, thiết thực và dũng cảm.

Nick Ky Nguyen nhận định: "Biết bao giờ giới trẻ Việt Nam mới có ý thức như anh ấy", nick Sói K tiếp lời: "Việt Nam còn nhiều người tốt lắm! Khâm phục anh quá!". Cổ vũ cho hành động tuyên truyền không sờ đầu rùa của anh Thông, bạn Hamlet nói: "Đã có không ít các bạn trẻ với niềm tin sờ đầu cụ rùa là sẽ đỗ đại học nhưng đó là những quan điểm đi trái với tâm linh, như thế là xúc phạm cụ rùa , mà đã xúc phạm cụ thì đừng mong là sẽ đỗ. Không những thế mà các bạn còn đứng ngồi không biết suy nghĩ vô tư mà đứng lên đầu cụ. đã gọi một tiếng cụ thì phải biết tôn trọng cụ, các bạn hiểu không...".

Tuy nhiên, cũng không thiếu những bình luận cho rằng anh muốn "chơi nổi, PR tên tuổi" hay nặng lời hơn là bảo anh "điên". Nick Tony phỏng đoán: "Muốn nổi tiếng?? mỗi người có một cách riêng. Ông này thông minh hơn bọn kia vì chọn cách này...".

Nhiều bạn kêu gọi share bức ảnh này như một cách ủng hộ hành động của họa sĩ Phạm Huy Thông.

Nhìn chung, đa số ý kiến đều ủng hộ hành động của anh Thông và kêu gọi nhau share bức ảnh này để cùng nâng cao ý thức của mỗi người. Một bạn cho biết: "Trước giờ không thích share hình ảnh linh tinh trên FB nhưng lần này mình phải share. Cá nhân mình thấy đây là một hình ảnh rất đẹp. Dù nhiều bạn có cho rằng như thế là điên, mình thấy cũng chẳng sao, quan trọng là anh ấy đã làm được một việc ý nghĩa".

Trên FB của mình, anh Phạm Huy Thông tỏ ra khá bình thản, anh giải thích với mọi người bức ảnh kêu gọi ý thức của khách tham quan Văn Miếu được thực hiện cách đây một thời gian chứ không phải mới đây. Anh cũng cho biết mình không muốn khoe hay giải thích nhiều vì anh làm thế không phải để PR.

Họa sĩ Phạm Huy Thông sinh năm 1981, là một trong những hoạ sỹ trẻ được đánh giá cao của Việt Nam. Anh từng là một giảng viên trẻ của Đại học Kiến trúc Hà Nội, sau đó anh gác loại để theo đuổi giấc mơ hội họa.

iOne
Tag: Sờ đầu rùa , Chụp ảnh phản cảm , Văn Miếu , Cụ rùa , Facebook