Hàng loạt 'sự cố' trong khám chữa bệnh: Xin đừng coi nhẹ đạo 'từ mẫu'! (Kỳ 2)
Thứ ba, 25/11/2014 09:09

Hàng loạt sự cố trong khám chữa bệnh để bệnh nhân chết oan. Trách nhiệm của bác sĩ và bệnh viện đến đâu và như thế nào đang gây nhiều tranh cãi vì có vụ chỉ bị kỷ luật...

Người nhà nạn nhân bức xúc trước cái chết của bé Hồng Nhung

Người nhà nạn nhân bức xúc trước cái chết của bé Hồng Nhung

Điều dưỡng viên Nguyễn Phí Trung (25 tuổi) – một trong những người tham gia ca trực đã thừa nhận thiếu sót, sơ suất của mình. Bản tường trình của điều dưỡng này nêu: “Tôi đã sai vì không báo cáo ngay với bác sĩ trực là người nhà có đề xuất chuyển tuyến. Do sơ suất bệnh nhân đông và cũng tham gia mổ bên nhà mổ. Khoảng 4h20 sáng 21/10, gia đình thấy cháu lịm đi vì mệt, có báo cáo với nhân viên y tế. Lúc đó tôi đang nghỉ ở buồng trực điều dưỡng. Tôi và các bác sĩ đã cùng nhau cứu chữa bệnh nhân nhưng không kịp dẫn đến cháu tử vong”.

Ngày 24/10, Hội đồng chuyên môn gồm các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai và các chuyên gia đầu ngành đã tiến hành kiểm thảo tử vong bệnh nhân Nhung. Hội đồng đã thống nhất và đưa ra nguyên nhân tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc thần kinh nặng/ Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất. Hội đồng yêu cầu Bệnh viện cần rút kinh nghiệm: Tiên lượng bệnh không tốt, cần theo dõi sát để phát hiện diễn biến bất thường của bệnh. Hồi chẩn sớm với các chuyên khoa của bệnh viện. Điều dưỡng cần phản ánh kịp thời thông tin bệnh nhân với bác sĩ thường trực. Bệnh viện cần rút kinh nghiệm sâu sắc, tiếp tục chấn chỉnh việc thực hiện các quy chế bệnh viện. Hội đồng kỷ luật cũng ra quyết định cảnh cáo, điều chuyển công tác điều dưỡng Nguyễn Phú Trung. Khiển trách bác sĩ Đặng Thị Thu Hương, trưởng kíp và 3 bác sĩ khác.

Mặc dù vậy gia đình bệnh nhân vẫn vô cùng bức xúc khi cho rằng phía bệnh viện có dấu hiệu của sự gian dối: “Ông Vi (Giám đốc bệnh viện) đã ký nhận với gia đình tôi là cháu Nhung mất lúc 5h30 sáng 21/10. Vậy mà, trong công văn gửi Sở Y tế Hà Nội ghi cháu mất lúc 7h. Vậy trong khoảng thời gian 1h30 đó họ đã làm được những gì trong bệnh án của con gái tôi? Gia đình tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc để con tôi không phải chết oan. Cũng là để sẽ không còn trường hợp nào phải chết oan uổng như con gái tôi nữa”.

Bác sĩ tắc trách lãnh hậu quả gì?

Liên quan đến thực trạng trên, báo chí đã tham khảo ý kiến của 1 số chuyên gia pháp luật nhằm làm rõ hơn những hậu quả pháp lý xuất phát từ hành vi cẩu thả, tắc trách, vi phạm quy tắc nghề nghiệp của đội ngũ y bác sĩ trong thời gian vừa qua.

Theo luật sư Vũ Thu Hường (Đoàn Luật sư Hà Nội): Những trường hợp bệnh nhân tử vong như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về bác sĩ trực tiếp của ca trực, lãnh đạo bệnh viện trực chỉ huy cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Tuỳ vào tính chất, mức độ sự việc của ca trực, Lãnh đạo bệnh viện cụ thể, bác sĩ có thể bị xử lý về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” hoặc “Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc các dịch vụ y tế khác”.

Luật sư Hường phân tích, hành vi cẩu thả, tắc trách là vi phạm quy tắc nghề nghiệp gây ra hậu quả chết người, ví dụ chẩn đoán nhầm bệnh dẫn đến lập phác đồ điều trị sai, hậu quả làm bệnh nhân tử vong thì sẽ bị xử lý theo Điều 99 Bộ luật Hình sự. Còn hành vi được xác định là vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh. Sản xuất thuốc, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc các dịch vụ y tế khác được xác định trong trường hợp bác sĩ là người có chuyên môn, nhưng do sơ suất hoặc tắc trách trong quá trình điều trị như pha chế thuốc nhầm, quá liều, cấp phát thuốc sai, chẩn đoán bệnh đúng nhưng chủ quan không lường trước hậu quả tai biến bệnh lý… tuy nhiên, bệnh nhân bị tổn hại sức khoẻ từ 41% trở lên hoặc tử vong thì mới bị xử lý theo Điều 242 Bộ luật Hình sự.

Lý thuyết là như vậy, nhưng áp dụng vào thực tế phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể. Thực tế rất nhiều y, bác sĩ khi gây ra hậu quả chết người chỉ bị chịu hành thức kỷ luật khiển trách, nhắc nhở chứ rất ít trường hợp bị xử lý hình sự. Lý giải điều này, Luật sư Đỗ Minh Thu (Đoàn luật sư Nam Định) cho rằng muốn chứng minh hành vi có cấu thành tội phạm hay không phải xem xét một cách toàn diện mặt chủ quan, khách quan yếu tố lỗi, nguyên nhân, động cơ mục đích của hành vi xem có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không? Thực tế, các tai biến bệnh lý có thể xảy ra là bất khả kháng, không tuân thủ theo nguyên tắc nào, nhiều trường hợp hoàn toàn không phải do lỗi của bệnh viện. Luật sư Thu cũng khuyến cáo người nhà bệnh nhân hết sức bình tĩnh, thông cảm, kiềm chế để tránh những hành động quá khích như đánh bác sĩ, đập phá bệnh viện để rồi phải lãnh hậu quả đáng tiếc như một số vụ án đã xảy ra.

Còn theo Luật gia Nguyễn Hoài Thanh (Hội luật gia Hà Nội) thì trường hợp bác sĩ, bệnh viện tắc trách để xảy ra hậu quả bệnh nhân tử vong là hậu quả rất nghiêm trọng, nếu không đủ yếu tố xử lý hình sự thì cũng phải bị xử lý hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP tại Điều 30 có quy định về chế tài xử lý vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh, chứ chỉ kiểm điểm khiến trách là không thoả đáng.

Luật gia Thanh viện dẫn, theo Khoản 3 Điều 30 nghị định này quy định phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện hội chẩn khi bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Không thực hiện hội chẩn khi đã điều trị nhưng bệnh không có tiến triển tốt hoặc có diễn biến xấu đi; Không tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Tại Khoản 4 quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện hành vi không chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp khi tình trạng người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở. Tại Khoản 5, phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa mà không được sự đồng ý của người bệnh. Không bảo đảm đầy đủ số lượng và chất lượng các phương tiện vận chuyển  cấp cứu, thiết bị y tế, dụng cụ y tế và cơ sở thuốc cấp cứu. Tại Khoản 6 quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định của về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh.

Phạm Thịnh - Tiến Phong - Quỳnh Lưu (Câu chuyện pháp luật)

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: su co kham chua benh , bac si tac trach de benh nhan chet oan , tiem nhan nuoc cat thay vac -xin , tu vong sau khi gay me cat amidan , tin , bao