Hàng loạt 'sự cố' trong khám chữa bệnh: Xin đừng coi nhẹ đạo 'từ mẫu'! (Kỳ 1)
Thứ hai, 24/11/2014 08:01

Gần đây nhiều trường hợp bác sĩ tắc trách để bệnh nhân chết oan đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trong đó có vụ xử lý trách nhiệm hình sự nhưng có vụ chỉ bị kỷ luật.

Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai

Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai

Vụ thứ nhất: Tử vong sau khi gây mê cắt amidan

Hơn ba tháng nay, anh Nguyễn Hữu Thơ (SN 1982, ngụ làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh kon Tum) chồng của nạn nhân Nguyễn Thị Mai (SN 1986) vẫn chưa lấy lại được cân bằng sau ngày vợ qua đời. Đến bây giờ, anh Thơ vẫn không thể ngờ được rằng vợ anh chỉ đi thực hiện ca phẫu thuật đơn giản mà lại chết oan uổng, bỏ lại anh và 3 đứa con nhỏ (cháu lớn 10 tuổi, cháu nhỏ nhất 19 tháng tuổi).

Kể lại câu chuyện bi kịch của gia đình, anh Thơ cho hay: Hơn 1 năm trước, chị Mai vợ anh có biểu hiện đau amidan, tình trạng này kéo dài và tái phát nhiều lần khiến chị rất khó chịu. Ngày 11/7/2014, anh Thơ đưa vợ lên Bệnh viện Đa khoa Kon Tum khám. Các bác sĩ sau khi khám và xét nghiệm lâm sàn đã hẹn chị Mai ngày 14/7/2014 nhập viện để điều trị. Đúng ngày, chị Mai đến nhập viện và được chuẩn đoán là bị viêm amidan mãn tính, bác sĩ chỉ định mổ cắt amidan vào ngày 16/7/2014.

Sáng ngày 16/7/2014, chị Mai được chuyển sang khoa phẫu thuật gây mê hồi sức để tiến hành phẫu thuật. Đến khoảng 8h30 cùng ngày, chị được chuyển về khoa hồi sức tích sực và chống độc. Tới 8h20 ngày 17/7/2014, phía bệnh viện đột ngột thông báo chị Mai đã qua đời. Trong suốt thời gian bắt đầu từ lúc chuẩn bị phẫu thuật đến khi chị Mai tử vong, anh Thơ chỉ nhận được thông tin khi chị Mai đang tiến hành gây mê, có một bác sĩ ra báo chị Mai bị đột truỵ tim, ngừng tuần hoàn. Đến khi chị Mai tử vong thì gia đình nhận được thêm chuẩn đoán tử vong của bệnh viện ghi: Ngừng tuần hoàn/ shock (sốc) phản vệ do thuốc gây mê.

Anh Thơ cho biết, khi nhập viện ngoại trừ việc đau amidan vợ anh không có dấu hiệu bệnh lý gì khác. Trong quá trình khám tiền mê ngày 15/7/2014, tất cả các thông số đều trong quá giới hạn bình thường. Vậy mà khi tiến hành gây mê để phẫu thuật thì gia đình nhận được tin chị Mai tử vong khả năng vì sốc phản vệ do thuốc gây mê. Điều đó không chỉ khiến anh Thơ và gia đình bàng hoàng mà còn cảm thấy khó có thể chấp nhận lý do “giản đơn” do bệnh viện đưa ra.

Ngày 28/10/2014, trong buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa Kon Tum, trả lời câu hỏi tại sao sau khi tiêm mũi thuốc đầu tiên cho bệnh nhân (thuốc Atropine sulfate) bệnh nhân có những biểu hiện cấu nhưng bệnh viện không tiến hành cấp cứu ngay mà lại tiếp tục tiêm mũi thứ 2 (thuốc Midazolam)? Ông Phạm Bá Đà (Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kon Tum) cho biết: Đây là cặp thuốc tiền mê, người thực hiện tiêm thuốc theo đúng y lệnh. Phản ứng gồng cứng người có khả năng là do thuốc Atropine gây ra nên người tiêm thuốc vẫn tiếp tục tiêm thuốc Midazolam. Phía bệnh viện cho rằng, cái chết của chị Mai là một sự cố y khoa đáng tiếc và bệnh viện rất chia sẻ nỗi đau sự mất mát với gia đình bệnh nhân.

Tuy nhiên, giải thích trên của bệnh viện đã không đáp ứng được thắc nắc của gia đình người bệnh. Câu hỏi đặt ra là tại sao khi khám tiền mê ngày 15/7/2014, tất cả thông số đều trong giới hạn bình thường. Vậy mà khi tiến hành gây mê để phẫu thuật thì gia đình nhận được tin chị Mai tử vong vì sốc phản vệ do thuốc tiền mê? Phải chăng quá trình khám tiền mê có sai sót? Bên cạnh đó, gia đình đã có yêu cầu giám định pháp y để xác định rõ nguyên nhân cái chết của chị Mai nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả giám định?

suco1

Văcxin sởi-rubella phải được pha hồi chỉnh trước khi sử dụng.

Vụ thứ hai: Tiêm nhầm nước cất thay vắc – xin

Sự việc xảy ra tại điểm tiêm chủng của Trường mầm non Sao Mai, phường 3, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào ngày 14/10 vừa qua. Vắc xin được tiêm là dạng phối hợp sởi – rubella. Theo đó, cán bộ tiêm chủng khi lấy vắc – xin chỉ thấy các ống dung dịch hồi chỉnh. Không để ý các lọ vắc – xin nằm ở đáy phích nên lầm tưởng các ống này là loại vắc – xin mới. Vì thế, cán bộ đã tiêm nước hồi chỉnh mà không có vắc – xin. Khi cán bộ giám sát phát hiện thiếu sót thì 60 cháu đã được tiêm.

Ngày sau khi xảy ra “sự cố”, Sơt Y tế Đồng Tháp đã lên tiếng xin lỗi và cam kết sẽ tổ chức tiêm lại cho các cháu vào tháng 11 đồng thời giải thích về mặt chuyên môn việc tiêm nhầm nước cất không gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ. Cán bộ tiêm chủng mắc sai sót ngay sau đó đã bị điều chuyển công tác. “Đây là sự việc lần đầu tiên xảy ra, rất may đó là dung dịch hồi chỉnh nên không nguy hiểm”, ông Đoàn Tấn Bửu (Phó Giám đốc Sở y tế Đồng Tháp) cho biết.

Mặc dù việc tiêm nhầm nước cất thay cho vắc – xin không gây nguy hiểm, nhưng điều khiến dư luận cảm thấy hết sức lo lắng, bất an là lý do vì sao lại có thể xảy ra chuyện “không thể tin nổi” như thế. “Người làm trong nghề mà không biết cái lọ thuốc nó thế nào, không phân biệt được nước cất và vắc – xin, khi thấy khác cũng không hỏi lại. Họ chẳng cần biết trong hộp có gì, dùng thế nào, cầm cái là tiêm luôn. Mà tiêm tới 60 cháu mới phát hiện ra thì đúng là không thể chấp nhận được. Chẳng khác nào họ coi thường tính mạng của các cháu. Nếu đó không phải là nước cất mà là một dung dịch nguy hiểm khác thì hậu quả sẽ như thế nào?”, một phụ huynh có con bị tiêm nhầm bức xúc nói.

Vụ thứ ba: Chuẩn đoán nhầm, tiên lượng sai

Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước cái chết của cháu Nguyễn Thị Hồng Nhung (11 tuổi) tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai (Hà Nội). Theo báo cáo của bệnh viện về vụ việc thì, bệnh nhân Nhung nhập viện hồi 6h30 ngày 19/10/2014 trong tình trạng đau bụng, thân nhiệt 38 độ C. Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tiêu hoá, không loại trừ viêm ruột thừa.

Tới chiều ngày 19/10, cháu Nhung tiếp tục được đưa đi siêu âm lần 2, kết quả cho thấy các quai ruột tăng nhu động. Đến khoảng 2h ngày 20/10, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, đau bụng và hạ nhiệt. Khoảng 8h ngày 20/10, mặc dù bệnh nhân tỉnh táo nhưng vẫn sốt cao, nôn dịch vàng, bụng mềm. Đến lúc này, bác sĩ ở Bênh viện Quốc Oai vẫn tin rằng cháu bé chỉ bị rối loạn tiêu hoá nên bệnh viện có thể điều trị được. Đến khoảng 4h15 ngày 21/10, cháu Nhung có biểu hiện lơ mơ. Đến 5h40 bệnh nhân thở ngáp cá, tim nhanh nhỏ, tím các đầu chi. Sau hơn 1h cấp cứu, bệnh nhân Nhung đã tử vong vào hồi 7h ngày 21/10/2014.

Ông Nguyễn Xuân Tình (SN 1976, cha của cháu Nhung) bức xúc cho biết, đến khoảng 21h ngày 20/10, cháu Nhung vẫn có biểu hiện nôn nhiều. Thấy chai dịch đang truyền không chảy nữa, ông Tình đã chạy xuống phòng trực yêu cầu bác sĩ lên kiểm tra. Lúc này, điều dưỡng viên Nguyễn Phú Trung cùng một nữ điều dưỡng đang ngồi trong phòng cho biết do bệnh nhân bị hiện tượng dịch trào ngược gây nôn nhiều nên cứ để từ từ theo dõi. Sau đó, ông đã nhiều lần xuống phòng trực yêu cầu cho con mình chuyển lên bệnh viện tuyến trên, hoặc chuyển ra ngoài điều trị nhưng không được chấp nhận. Đồng thời, trong suốt thời gian đó, ông không thấy bóng dáng bác sĩ trực là bà Đặng Thị Thu Hương đau cả. Ông còn nghe nói là bà Hương đã về nhà ngủ, cũng không thấy các bác sĩ khác đâu mà chỉ có mình điều dưỡng Trung cùng một nữ điều dưỡng nữa trong phòng trực.

Từ đầu đến cuối, các bác sĩ của bệnh viện đều đến chẩn đoán con gái tôi chỉ bị rối loạn tiêu hoá, chỉ cần nằm theo dõi, điều trị là sẽ không có chuyện gì xảy ra. Vì hôm đó là chủ nhật nên gia đình tôi không xin chuyển viên mà chấp nhận để cháu ở lại điều trị. Nào ngờ, đến rạng sáng ngày 21/10 tình trạng của cháu xấu đi rất nhanh. Nếu thực sự cháu chỉ bị rối loạn tiêu hoá thì đâu đến mức chuyển biến nhanh như vậy được”, ông Tình phẫn nộ khẳng định.

(Còn nữa)

Phạm Thịnh - Tiến Phong - Quỳnh Lưu (Câu chuyện pháp luật)

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: su co kham chua benh , xin dung coi nhe dao tu mau , bac si tac trach de benh nhan chet oan , su co gay chet nguoi , tin , bao