Đó là vụ chị Trần Thị Hải Yến bị chết khi đang bị tạm giam và vụ thầy giáo Tống Văn Thọ bị bắt giam hơn chín tháng rồi đình chỉ điều tra.
Ông Tống Văn Thọ cho rằng mình bị các cơ quan tố tụng huyện Sông Hinh (Phú Yên) làm oan |
Ngày 13/1, kết thúc đợt giám sát tình hình oan sai tại Phú Yên, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ tiếp cận đầy đủ hồ sơ để nghiên cứu vụ chị Trần Thị Hải Yến (sinh năm 1982, ngụ xã An Cư, Tuy An) chết tại nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An hồi tháng 10/2013 và vụ ông Tống Văn Thọ (nguyên giáo viên Trường Tiểu học xã Ea Trol, Sông Hinh) được đình chỉ điều tra sau khi bị bắt giam hơn chín tháng. Đây là hai vụ án mà Pháp luật TP.HCM từng có nhiều bài viết phản ánh, phân tích.
Bắt giam chỉ để làm… danh chỉ bản (?!)
Đoàn giám sát đã dành hơn một nửa thời gian của đợt làm việc để tìm hiểu, chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến vụ án của chị Trần Thị Hải Yến.
Theo hồ sơ, tối 3/3/2012, giữa gia đình chị Yến và gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng (hàng xóm) xảy ra cãi vã, ném đá qua lại do gia đình ông Dũng hát karaoke gây ồn ào trong đêm khuya. Ngày 25/7/2012, Công an huyện Tuy An khởi tố vụ án, ngày 13/11/2012 khởi tố chị Yến về tội cố ý gây thương tích, ngày 15/1/2013 thì bắt tạm giam chị Yến.
Ngày 19/3/2013, TAND huyện Tuy An phạt chị Yến 30 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Ngày 1/7/2013, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm do chưa đủ cơ sở buộc tội, vụ án có nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, đồng thời giao hồ sơ cho VKS huyện Tuy An điều tra lại theo thủ tục chung.
Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, chị Yến và gia đình đã liên tục kêu oan. Lúc 14h25 ngày 7/10/2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy An tống đạt quyết định gia hạn tạm giam hai tháng đối với chị Yến thì hơn ba tiếng đồng hồ sau, chị đã chết trong buồng tạm giam.
Sau khi báo chí phản ánh, ngày 17/10/2013, các cơ quan nội chính tỉnh Phú Yên họp, thống nhất nhận định cấp sơ thẩm có sai sót trong việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án cố ý gây thương tích của chị Yến, đồng thời giao công an tỉnh rút hồ sơ vụ án này lên điều tra lại. Ngày 11/12/2013, Công an tỉnh Phú Yên ra thông báo kết luận chị Yến tự vẫn nên quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Từ khi xảy ra vụ việc đến nay, cha mẹ chị Yến đã liên tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan chức năng trung ương về cái chết của chị vì họ cho rằng chị không thể nào tự vẫn được.
Giải trình chất vấn của nhiều thành viên đoàn giám sát là vì sao phải bắt tạm giam chị Yến, Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa (Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên) nói: “Lúc đầu thì không bắt tạm giam làm gì nhưng trong quá trình hoạt động điều tra, khi làm danh chỉ bản, cô này kiên quyết chống cự nên không thể nào làm căn cước tội phạm được. Nhưng khởi tố bị can thì phải có danh chỉ bản nên qua trao đổi thì VKSND huyện Tuy An đồng ý cho bắt tạm giam”.
Phải có kết luận chính thức
Theo ông Nguyễn Văn Luật (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội), căn cứ để tòa phúc thẩm hủy án điều tra lại là quá trình điều tra chưa lấy lời khai của những người làm chứng, chưa thực nghiệm điều tra, chưa dựng lại hiện trường, chưa đối chất làm rõ lời khai của các nhân chứng. Tòa phúc thẩm cũng yêu cầu làm rõ vì sao trong hồ sơ bệnh án của nạn nhân có nhiều dấu vết sửa chữa bổ sung; có những sai sót trong thu thập chứng cứ, sửa chữa bổ sung lời khai của nhân chứng…
“Như thế này thì không liên quan nhiều đến chỗ chị Yến. Lẽ ra không cần thiết phải tạm giam bị can trong giai đoạn điều tra lại gây bức xúc về mặt tâm lý. Tôi thấy việc tạm giam gây tâm lý bức xúc cho người dân, cho xã hội” - ông Luật nhấn mạnh.
Một thành viên đoàn giám sát chất vấn thêm: “Theo cơ quan điều tra, đây là tội phạm ít nghiêm trọng nên không bắt tạm giam nhưng không làm được danh chỉ bản nên mới bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Nhưng khi thấy không còn gì cản trở điều tra nữa thì cho người ta tại ngoại chứ sao lại tiếp tục giam rồi gia hạn tạm giam?”.
Ông Lê Văn Trúc (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên) thừa nhận ngay từ đầu cơ quan điều tra xác định chị Yến có dấu hiệu phạm tội nhưng chưa đến mức phải bắt giam. Trong giai đoạn điều tra lại cũng không có tình tiết gì mới nên việc gia hạn tạm giam là không cần thiết.
Liên quan đến vụ án này, Chủ tịch nước đã yêu cầu liên ngành tư pháp trung ương kiểm tra, báo cáo và hiện nay chưa chính thức công bố kết luận. Ông Trúc đề nghị đoàn giám sát giúp tỉnh Phú Yên xem xét, có ý kiến với các cơ quan tư pháp trung ương để kết luận chính thức vụ án này, trả lời cho gia đình chị Yến và dư luận.
Lãnh đạo một cơ quan nội chính tỉnh Phú Yên tham gia cuộc giám sát khẳng định có sai sót, sơ hở trong quá trình điều tra ở cấp huyện bởi khi về kiểm tra, cơ quan tư pháp trung ương đã yêu cầu kiểm điểm sai sót của các điều tra viên, kiểm sát viên cấp sơ thẩm trong vụ án này.
Một thành viên đoàn giám sát yêu cầu kiểm tra hồ sơ vụ án trên để đề nghị liên ngành trung ương có kết luận.
Phải làm rõ thầy giáo có bị oan hay không
Bên cạnh đó, thành viên đoàn giám sát đã chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến việc đình chỉ điều tra đối với ông Tống Văn Thọ.
Theo hồ sơ, ngày 9/7/2012, ông Thọ bị Công an huyện Sông Hinh bắt tạm giam để điều tra về tội cưỡng dâm. Ngày 15/1/2013, TAND huyện Sông Hinh phạt ông Thọ hai năm tù. Sau khi ông Thọ kháng cáo kêu oan, ngày 28/5/2013, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm do chưa đủ cơ sở vững chắc để kết tội ông Thọ, giao hồ sơ cho VKS huyện Sông Hinh điều tra lại.
Ngày 21/9/2013, Công an huyện Sông Hinh đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Thọ với lý do là người bị hại tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Với lý do đình chỉ điều tra này (khoản 2 Điều 105 BLTTHS), ông Thọ sẽ không được xác định là bị oan để được bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Ông Đào Mỹ (Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên) nói: “Hiện nay không có cơ quan nào xác định ông Thọ có tội hay không có tội, đang dở dở ương ương. Theo quy định, nếu người bị hại rút đơn yêu cầu thì phải đình chỉ vụ án, kết thúc vụ án nên bây giờ ông Thọ lơ lửng. Nếu nói ông Thọ có tội thì bản án nào của tòa nói ông Thọ có tội? Chẳng có bản án nào cả!”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc cho rằng hiện vụ án này đang rất phức tạp do ông Thọ khiếu nại các cơ quan tố tụng huyện Sông Hinh. Do đó tỉnh Phú Yên cũng đề nghị đoàn giám sát xem xét lại cả vụ án này.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Cẩn trọng với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội: Chiêu trò lừa đảo mới, đã có nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng
- Những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định mới nhất, ai cũng nên nắm rõ
- 5 trường hợp vượt đèn đỏ không bị CSGT xử phạt
- Từ 2025, bằng lái xe bị trừ hết điểm thì phải làm sao để được lái xe tiếp tục?
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%
- Chân dung Tổng Giám đốc 8x đầu tiên của Google Việt Nam, là nữ tướng của loạt doanh nghiệp lớn