Hàng trăm hộ dân ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã rất bức xúc khi nghe thông tin sắp có dự án chăn nuôi lợn tập trung được xã chọn đặt tại vị trí đầu nguồn nước. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống người dân nơi đây.
|
Xây trang trại lợn đầu nguồn nước
Ngày 7/3, UBND xã Hồng Lộc có thông báo số 08 gửi đến các hộ dân có cây trồng lâu năm tại khu vực Cồn Dượm, yêu cầu họ kiểm đếm để dự án tiến hành đền bù, giao đất cho một cá nhân xây dựng dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn tập trung theo chương trình nuôi lợn của Tổng Cty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh.
Diện tích đất dự kiến giao cho dự án khoảng gần 4 ha.
Trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn sắp được xây dựng trên khu vực Cồn Dượm, đầu nguồn nước khiến cho người dân không đồng tình.
Thông tin dự án trang trại nuôi lợn trên khiến nhiều hộ dân bất ngờ vì từ trước tới nay họ không nhận được thông báo nào.
Ông Bùi Văn Vợi, nguyên xóm trưởng xóm 5 Đồng, xã Hồng Lộc cho biết: Khu vực đất Cồn Dượm từ trước những năm 1990 là đất hoang, là nơi bãi chăn thả trâu bò. Khoảng 1992, hợp tác xã đã chia đất cho gần 100 hộ dân để trồng sắn.
“Năm 1996, do sắn cho năng suất quá thấp, lúc đó nhà nước có chủ trương trồng cây gây rừng, xoá đất trống đồi trọc nên gần 100 hộ dân đã mua giống bạch đàn về trồng trên diện tích đất đã được "chia". Từ một vùng đất hoang hoá đã dần chuyển thành những rừng cây xanh tốt.
Hàng năm những hộ dân trồng cây này đều phải đóng lúa/tiền để thuê người bảo vệ. Xã và huyện đều biết việc này”, ông Vợi cho biết.
Theo ông Vợi, điều khiến người dân bức xúc, không đồng tình với dự án này là vì đây là khu vực người dân đã trồng cây lâu năm, lại nằm ngay vị trí cao, đầu nguồn nước, sát với đập thủy lợi Đồng Mô. Mà dân ở đây chủ yếu dùng nước ngầm sinh hoạt nên không chỉ người có quyền lợi liên quan mà hàng trăm hộ dân ở các xóm thấp hơn đều không đồng tình.
Mặc dù dân chưa đồng ý nhưng xã đã cho người lên chặt vào cây làm dấu. Mỗi cây như thế này đã được trồng 16 năm nhưng được đền bù với số tiền rất ít.
“Không hiểu lãnh đạo xã, huyện suy nghĩ thế nào mà lại chọn vị trí đầu nguồn nước để xây dựng trang trại nuôi lợn với quy mô lớn như thế? Phải nghĩ đến môi sinh, môi trường của dân cư chứ?”, một người dân ở xóm 5 Đồng cho hay.
Theo tính toán của ông Vợi, nếu dự án tiến hành nuôi mấy nghìn con lợn trên cồn cao thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 5000 người dân sử dụng nước ngầm sinh hoạt.
Cũng theo vị nguyên là xóm trưởng thì đã có hai lần xã, huyện mời các hộ dân có cây trồng đến họp để thông báo dự án nhưng họ không tới họp. Khi người dân chưa nhất trí thì đã cho người lên chặt, đánh dấu. Thêm nữa, thông tin đền bù cây trồng lâu năm với giá “quá bèo” nên khiến người dân thêm bức xúc.
Quy hoạch… miệng
Ông Mai Đình Phong, Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho biết: Sau khi có thông tin về về mô hình nuôi lợn từ Tổng Cty KS&TM Hà Tĩnh, đề nghị chọn địa điểm và cá nhân đứng ra làm, xã đã họp và quyết định chọn vị trí Cồn Dượm để lập dự án, chọn anh Mai Xuân Thường đứng ra đầu tư.
Chủ tịch xã Hồng Lộc: Khu vực sắp xây dựng trang trại chăn nuôi lợn đã được xã quy hoạch từ năm 2007 nhưng chỉ bằng miệng.
Trước những bức xúc của người dân, ông Phong cho biết: Đúng là dự án chưa nhận được sự đồng tình của các hộ dân. Họ cho rằng trang trại nuôi lợn đặt ở vị trí đó không hợp lý, sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm của dân.
“Hiện tôi cũng chỉ phân vân về vấn đề trên. Thực tế, nếu dự án đi vào hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều xóm với lượng dân cư lớn. Thế nhưng thấy lãnh đạo bên Cty KS&TM nói là sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn nước sinh hoạt và sẽ xử lý được trước khi thải ra môi trường”, ông Phong cho biết.
Cũng theo ông Phong, giả cả đền bù cây trồng lâu năm của người dân thì áp giá theo quy định. Người dân nghe chưa đầy đủ nên hiểu nhầm về giá cây chỉ được 2,4 nghìn/cây.
“Vùng đất mà gần 100 hộ dân đã trồng cây gần 20 năm nay vẫn thuộc quản lý của xã. Năm 2007 xã đã có quy hoạch khu vực này sẽ trở thành khu chăn nuôi tập trung”, ông Phong nói.
Nói là quy hoạch từ 2007 nhưng khi hỏi đến văn bản thì vị chủ tịch xã liền nói “ngày đó lãnh đạo xã nói bằng miệng chứ chưa có văn bản”.
“Chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Sẽ báo cáo sự việc với huyện, tỉnh để xin chỉ đạo, mời các đơn vị chuyên môn về môi trường thẩm định. Nếu không ảnh hưởng đến môi sinh của dân thì mới tiến hành”, ông Phong nói thêm.
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%