GS tìm thấy nạn nhân Cát Tường trong phạm vi 25 km
Thứ hai, 09/12/2013 15:23

Đã 52 ngày kể từ khi nữ khách hàng bị bác sỹ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang thi thể xuống sông Hồng.

Dụng cụ để đo từ trường của các nhà khoa học. (Ảnh: GTVT)

Dụng cụ để đo từ trường của các nhà khoa học. (Ảnh: GTVT)

Hiện gia đình nạn nhân đang nhờ tới sự giúp đỡ chặt chẽ của giáo sư Vũ Văn Bằng (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) như một hi vọng mới dù phương pháp này gây tranh cãi.

Trao đổi PV sáng 9/12, ông Phạm Đức Quang, người thường xuyên tham gia mọi hoạt động tìm kiếm từ những ngày đầu tiên đến nay cho biết:

“Gia đình đang nhờ giáo sư Vũ Văn Bằng hỗ trợ trong việc tìm kiếm. Trước đây chúng tôi không có biện pháp, không được khoa học giúp đỡ, chỉ biết lần tìm theo linh tính, nghe lời mách bảo nào cũng vội vã đi tìm. Nhưng may mắn gặp được giáo sư Bằng nên tôi tin rằng những hành động tìm kiếm đến nay sẽ có hiệu quả hơn, chắc chắn hơn, công sức không bị bỏ ra vô ích.

Ví dụ như khi nghe một lời chỉ dẫn, bằng thiết bị của giáo sư Bằng, chúng tôi có thể nhanh chóng kiểm tra tại khu vực này có dấu hiệu của thi thể hay không, thay vì trước đó phải lập tức thuê thuyền, thuê thợ lặn tìm kiếm rất tốn kém”.

Ông Phạm Đức Quang chia sẻ thêm, hiện tại những lời chỉ dẫn, những thông tin mang tính chất tâm linh không còn tới với gia đình nhiều như trước nữa. Dù không thành công nhưng những thông tin này cũng mang lại cho gia đình chúng tôi nhiều phương hướng tìm kiếm, trong bối cảnh còn đang rất bế tắc.

Được biết, sáng 9/12, giáo sư Bằng cùng một số người thân đang tiến hành kiểm tra tại chân cầu Thanh Trì và xác định một số điểm nghi vấn. Những điểm này thường xuyên được các nhà ngoại cảm, tâm linh chỉ dẫn.

Trước đó, gia đình đã có kế hoạch tìm kiếm trên cạn, đặc biệt khu vực đường La Thành, tuy nhiên sau khi bàn bạc một cách kỹ lưỡng, gia đình đã quyết định chuyển hướng tìm kiếm tại sông Hồng.

Ông Quang chia sẻ: “Có thêm những lời chỉ dẫn để chúng tôi tìm trên cạn. Nhưng xét lại, cơ quan điều tra khẳng định cháu tôi bị phi tang dưới nước, nên để không mất thời gian, công sức, chúng tôi quyết định tìm kiếm kỹ hơn ở vùng sông này, với sự giúp đỡ của bác Bằng”.

Xung quanh việc giáo sư Bằng đã xác định được 50 điểm có dấu hiệu thi thể trên sông Hồng, trong khoảng từ chân cầu Thanh Trì xuôi xuống 25km, gia đình nạn nhân chia sẻ: hiện những thông tin này đã được chuyển về cho cơ quan điều tra, và giáo sư cũng đang tính toán để rút bớt những điểm không khả thi để công tác tìm kiếm, điều tra của công an dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, gia đình không được tiếp cận với những thông tin này, hoặc không được biết tiến độ của lực lượng chức năng tới đâu.

Phản biện trái chiều từ các nhà khoa học

Về phương pháp mà giáo sư Vũ Văn Bằng đang sử dụng trong cuộc tìm kiếm, ông chia sẻ: “Đây không phải là một biện pháp gì mới, mà trên thế giới đã được sử dụng từ lâu trong các công tác tìm kiếm cứu nạn, thiên tai thảm họa. Tôi sử dụng một thiết bị cho phép ghi lại những từ trường, bức xạ mà thi thể phản ứng với môi trường xung quanh và còn lưu lại”.

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải (còn gọi là Khải ozon) đã phản bác lại cách làm của nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam: "Trong các sách giáo khoa từ trung học cơ sở cho tới cao đẳng, đại học của Việt Nam và trên thế giới chưa có lần nào nói đến "tia đất" là cái gì. Mà đã không có tia từ - tia đất thì không thể dùng cái này để tìm xác chị Huyền được" - TS Khải khẳng định.

Đoàn tìm kiếm cùng giáo sư Vũ Văn Bằng xuôi dòng sông Hồng

Ngoài ra, ông Khải còn đặt ra câu hỏi nghi ngờ: "Trong lịch sử ngành Vật lý những nhà khoa học sau khi khám phá ra các tia mới tồn tại trong trái đất như Gamma, Rơnghen,... đều được nhận giải Nobel danh giá. Vậy nhóm nhà khoa học đó khám phá ra loại "tia từ - tia đất" mới tại sao lại không được nhận giải Nobel danh giá hay là bằng khen của Việt Nam?

Trước đây, cũng có một số nhà khoa học dùng "máy đo hào quang" để xác định việc cô bé 11 tuổi gây cháy trong miền trong nhưng tôi cũng thực sự không hiểu máy "đo hào quang" đó là cái gì khi hào quang bản chất là một vòng sáng 7 màu chứ không phải là nguyên nhân khiến cho cô bé làm cháy các đồ vật" - ông Khải nói.

Quay trở lại vụ việc chị Huyền bị ném xác phi tang, TS Nguyễn Văn Khải cũng phân tích thêm: Nếu việc vứt thi thể chị Huyền ở cầu Thanh Trì là điều có thật thì cho đến hơn 40 ngày mà vẫn tìm thi thể ở cầu Thanh Trì là điều vô lý.

Vì chắc chắn dòng nước đã đẩy thi thể nạn nhân ra xa khỏi khu vực đó. Các nhà khoa học cần phải tính toán được tốc độ của dòng chảy cũng như địa hình ở sông Hồng khu vực cầu Thanh Trì để tìm kiếm.

Baodatviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Vũ Văn Bằng , Tìm xác chị Huyền , Bác sĩ ném xác phi tang , Hà Nội , Nguyễn Mạnh Tường , Lê Thị Thanh Huyền , Phi tang xac benh nhan , Cau Thanh Tri