Mỗi năm, nơi đây có hàng chục người mắc và chết vì bệnh ung thư, đa phần trong số đó là những người đang ở độ tuổi lao động và là trụ cột của gia đình.
Anh Lê Văn Minh đang trò chuyện với PV về bệnh tật |
Khi họ mắc bệnh, kinh tế gia đình trước đây đã khó khăn nay càng bần cùng hơn, vì những khoản nợ chồng chất trong quá trình điều trị bệnh.
Thế nhưng, điều người dân hoang mang, lo lắng ở chỗ, với số lượng nhiều người mắc và chết vì bệnh ung thư như vậy, nhưng không hiểu sao các ngành chức năng vẫn chưa vào cuộc nhằm xác định rõ nguyên nhân gây nên căn bệnh quái ác này?
Xã có khoảng 200 người chết vì ung thư
Chúng tôi tìm về xã Phú Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) vào những ngày cuối năm. Trái ngược với không khí nơi phố phường nhộn nhịp mừng lễ giáng sinh và chào đón năm mới, nơi đây bao trùm không khí trĩu nặng, đau buồn.
Vùng quê vốn yên bình là vậy nhưng khoảng vài năm trở lại đây bỗng "dậy sóng". Họ không tin và cũng không hiểu nguyên nhân vì đâu mà số lượng người mắc và chết vì bệnh ung thư nhiều đến vậy.
Thậm chí, một số người lớn tuổi trong xã tỏ ra lo lắng bằng câu nói cửa miệng: "Chẳng biết thế nào, hôm nay sống bình thường khoẻ mạnh thế này, mai đi khám bệnh mới hay mình mắc, bị bệnh ung thư từ lâu, tóm lại sống chết có số cả rồi!". Nhiều gia đình kinh tế khá giả còn đỡ, chứ những nhà nghèo mắc bệnh chỉ biết nằm nhà chờ chết mà thôi?!
Trong căn nhà mái ngói chỗ đỏ, chỗ đen cùng với lớp vôi vữa đã ngả màu theo thời gian, anh Lê Văn Minh (SN 1966, trú tại xóm 3, thôn Phong Châu, xã Phú Châu) cố gắng gượng dậy khỏi giường, ra ghế ngồi uống nước tiếp chúng tôi.
Anh cho biết: "Cách đây hơn một năm, tôi đi mổ sỏi mật ở bệnh viện Việt - Đức. Trong quá trình mổ, người ta đã cắt túi mật để điều trị cho tôi. Những tưởng sau lần cắt túi mật đó, sức khoẻ sẽ dần hồi phục để có thể về nhà làm ăn, gánh vác trọng trách cho gia đình, nào ngờ chưa đầy một năm sau, tôi lại bị đau dạ dày, viêm đại tràng.
Qua theo dõi thấy người luôn trong trạng thái mỏi mệt, sức khoẻ suy giảm một cách nhanh chóng, vợ tôi lại vội vàng khăn gói cùng chồng xuống dưới bệnh viện 19/8 của bộ Công an thăm khám, điều trị bệnh.
Khi làm xét nghiệm máu, siêu âm và các loại chiếu chụp, các bác sĩ ở đây kết luận tôi bị xơ gan và bị di căn đường mật, trong ổ bụng có nhiều ổ dịch tự do và nhiều hạnh mạc treo".
Cũng theo anh Minh, điều trị bệnh được khoảng 20 ngày thấy bệnh không biến chuyển nên anh xin về nhà mua thuốc lá nam uống, đến nay uống được hơn một tháng nhưng bệnh tình cũng không chuyển biến là mấy.
Không giấu được nước mắt, chị Ngô Thị Thuỷ (vợ anh Minh) tâm sự, do kinh tế của gia đình rất khó khăn nên tôi chỉ biết trông chờ và hy vọng vào việc điều trị thuốc nam, chứ chẳng có điều kiện nào khác để có thể chữa trị cho anh Minh bằng thuốc tây.
"Trước đây, tôi còn đi làm phụ xây, thêm nghề làm nón để góp thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình nhưng kể từ khi anh Minh đổ bệnh đến nay, tôi đành phải ở nhà chăm sóc chồng.
Ở nhà, nhưng hàng ngày tôi vẫn phải xoay sở để lo lắng cho gia đình, nhất là bố anh Minh, năm nay ông đã 86 tuổi. Quả thật cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Chính vì vậy mà gia đình tôi mãi vẫn chưa thể thoát được hộ nghèo trong xã.
Mọi chi phí chữa bệnh cho chồng đều phải vay mượn của ngân hàng, người thân bạn bè, lên đến hàng chục triệu đồng rồi mà không biết đến bao giờ mới có thể trả nổi", chị Thuỷ rơm rớm nước mắt nói.
Tương tự anh Minh là trường hợp của chị Đỗ Thị Hà (SN 1986, trú tại xóm 10, thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu). Chị Hà cho biết: Cách đây gần một năm, khi sinh đứa con thứ 2 được một thời gian, tôi mới phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư (ung thư ca đại tràng, di căn vào xương).
Khi biết mình bị bệnh, lo sợ ảnh hưởng đến con nên chị Hà đành cai sữa, không cho con bú mà để con uống sữa ngoài. Đồng thời, chị Hà cũng xuống bệnh viện Bạch Mai nằm điều trị và truyền hoá chất.
Đến nay, chị đã truyền được 7 lần nhưng chuyển biến bệnh cũng không có gì khả quan. Trong khi đó, hai đứa con nhỏ chị đành phải nhờ hết vào ông bà nội trông nom, kinh tế ngày càng kiệt quệ.
Ven bờ sông Hồng ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì
Cần sớm xác định căn nguyên gây bệnh?
Đề cập tới trường hợp chị Đỗ Thị Hà, bà Nguyễn Thị Thân (xóm trưởng xóm 10, thôn Phú Xuyên) cho biết: "Trường hợp cháu Hà thật thương tâm, hai con còn nhỏ nhưng đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Mọi chi phí thuốc men, truyền hoá chất đến nay đã xấp xỉ gần 200 triệu đồng nhưng gia đình cháu quá nghèo không biết xoay sở ở đâu ngoài vay ngân hàng để đi chữa bệnh.
Vừa rồi, chúng tôi cũng đã làm danh sách hộ nghèo, đề xuất cho cháu Hà hưởng chế độ bảo hiểm y tế và phía bảo hiểm đã đồng ý cho cháu được hưởng chế độ bắt đầu từ năm 2013".
Cũng theo bà Thân, để hỗ trợ gia đình chị Hà chữa bệnh, một số tổ chức, hội như hội Phụ nữ xã, thôn, hội Cựu chiến binh xã, Quỹ hỗ trợ người nghèo xã, mỗi hội đã ủng hộ cháu 300.000 đồng nhằm chia sẻ với gia đình để điều trị bệnh.
Bà Thân cũng cho biết thêm, không hiểu sao, những người mắc bệnh ung thư trong thôn, trong xã lại nhiều như vậy. Nguyên nhân từ đâu, người dân không được biết nhưng những hôm gió nồm y như rằng, người dân sẽ phải hứng chịu mùi hoá chất, giống như mùi thuốc trừ sâu từ bên Phú Thọ đưa sang, nồng nặc.
Khi gặp mùi hoá chất này, người lớn cũng bị hắt hơi, sổ mũi, lăn ra ốm, chứ huống gì là người già hay trẻ con. Điều thật lạ ở chỗ, tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nhưng các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế chưa thấy vào cuộc nhằm khảo sát, nghiên cứu để bảo vệ sức khoẻ người dân trên địa bàn?!
Ông Dương Văn Hoà, chủ tịch UBND xã Phú Châu cho biết: "Môi trường sống của xã so với các địa phương khác không có gì khác biệt. Tuy nhiên, không hiểu sao thời gian gần đây, số người mắc bệnh ung thư lại cao như vậy.
Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, xã đã có khoảng 200 người chết vì ung thư, trong đó đều đang ở độ tuổi lao động, lứa tuổi từ 35 - 40 tuổi và trải đều ở 17 xóm trong xã.
Hiện tại, chúng tôi nghi ngờ do nguồn nước và nguồn không khí bị ô nhiễm. Riêng về không khí, chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề của sự tác động từ phía nhà máy hoá chất Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), đặc biệt là những hôm thay đổi thời tiết, trời trở gió".
Ông Hoà cũng cho biết thêm, trước thực trạng bệnh tật của người dân như vậy, chính quyền xã đã phản ánh với HĐND huyện qua các lần tiếp xúc cử tri và HĐND huyện cũng đã có ý kiến bằng văn bản gửi lên thành phố nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm về vụ việc?!
Nhiều ca bệnh thương tâm Ông Nguyễn Công Sửu, trạm trưởng trạm Y tế xã Phú Châu, cho biết: Chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tình hình bệnh tật trên địa bàn xã nhưng qua thống kê sơ bộ, xã có từ 20 - 30 người mắc bệnh ung thư và tử vong hàng năm. Trong đó, chủ yếu là ung thư phổi, dạ dày, vòm họng và máu. Đây thực sự là nỗi ám ảnh đối với người dân địa phương. Y tế địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền để người dân trong xã hiểu về bệnh, phòng tránh bệnh tật, thế nhưng vẫn rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo. Có người bị bệnh nhưng không đi khám, chữa nên y tế cũng đành chịu. Nhiều người mắc bệnh nặng rồi mới đi khám, lúc đó không còn khả năng cứu chữa, rất thương tâm. |
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Vì sao Đông chí 2024 đặc biệt nhất trong nhiều năm trở lại đây, ngày này cần kiêng kỵ gì?
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%
- Chân dung Tổng Giám đốc 8x đầu tiên của Google Việt Nam, là nữ tướng của loạt doanh nghiệp lớn