"Cuốn sổ chết" của ngôi làng ung thư (Kỳ 3)
Thứ hai, 07/05/2012 14:36

Con số người chết thực sự vì ung thư ở làng Tử Lạc phải cỡ 200 người. Lượng người chết ung thư thường chiếm một nửa trong các kiểu chết ở Tử Lạc. Một con số thật quá kinh hoàng!

Người dân làng Tử Lạc không ai không biết đến ông Nguyễn Văn Nguyện, với công việc vác tù và hàng tổng: Ghi chép thông tin về những người chết ung thư ở Tử Lạc.

Ông bảo, bao năm nay, ông cùng nhân dân đội đơn đi kêu về tình trạng ô nhiễm, nhưng chẳng ăn thua gì, cứ như con kiến đi kiện củ khoai.

Ông Nguyện từng là chủ nhiệm hợp tác xã, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân. Khi về hưu thì tham gia công tác mặt trận ở thôn. Ông được phân công nhiệm vụ viết điếu văn cho các đám ma trong làng.

Ông Nguyễn Văn Nguyện và cuốn sổ tử ghi chép về căn bệnh ung thư.

Ông Nguyện pha nước, rồi trịnh trọng lôi từ trong chiếc hòm tôn cũ kỹ, phủ bụi một cuốn sổ mà ông cất giữ suốt 10 năm nay. Đó là cuốn sổ tử kinh hoàng nhất mà tôi được chứng kiến.

Ông bảo, chừng 10 năm trước, ông viết điếu văn cho người dân trong thôn, nhận thấy nguyên nhân chết chóc rặt là ung thư, ông hãi quá. Ngoài việc viết điếu văn, ông cẩn thận thống kê những trường hợp chết trong làng.

Ông Nguyện bảo: “Cứ đến cuối năm, tôi lại giở sổ ra đếm xem có bao nhiêu trường hợp chết ung thư. Tôi nhận thấy rằng, cứ năm sau chết nhiều hơn năm trước, chết la liệt. Có tới ngót nửa số người chết trong làng vì căn bệnh quái ác này. Tôi đã đọc các bài báo về tình trạng ung thư ở Thạch Sơn (Phú Thọ) và thấy tình trạng chết chóc ung thư ở đó chẳng thấm vào đâu so với làng tôi”.

Nhà máy xi măng Hoàng Thạch nằm ngay cạnh làng Tử Lạc.

Người dân thôn Tử Lạc đều đã quá quen thuộc với hình ảnh cụ già đạp xe lọc cọc đến từng nhà dân hỏi han chuyện bệnh tật, rồi lọ mọ ngoài đồng xem xét nước non ô nhiễm, bụi bặm. Rồi ông cùng nhân dân chuyển số liệu ô nhiễm ấy cho các cơ quan quản lý môi trường.

Ông lấy từ trong hòm ra một mảnh giấy ghi rõ kết quả xét nghiệm của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường. Kết quả đánh giá thế này: “Mẫu nước có độ đục, hàm lượng sắt tổng số và mangan cao hơn giới hạn tối đa cho phép. Nước không đạt quy định về hóa học theo Quy chuẩn Quốc gia đối với nước ăn uống”.

Mẫu xét nghiệm nước ở Tử Lạc khẳng định độc tố vượt quá mức ô nhiễm tối đa cho phép.

Để chứng minh cho các cán bộ biết rằng, nước ở hồ trong làng ô nhiễm nặng, người dân Tử Lạc đã xách một thùng nước đặt trước mặt họ, rồi thả cá, tôm vào. Độ hơn chục phút sau, cá lừ đừ ngửa bụng chết.

Tôi lật từng trang cuốn sổ tử nhàu nhĩ, đã ố vàng. Trong cuốn sổ ấy, ông chia thành từng cột, ghi tên, tuổi, địa chỉ, ngày chết... Ô cuối cùng của trang giấy đều ghi nguyên nhân chết như K vòm họng, K phổi, K gan, K não, K dạ dày...

Tôi thực sự choáng váng khi thấy con số chết ung thư mà ông Nguyện ghi chép trong cuốn sổ suốt từ năm 2001 đến nay.

Hai trong số các trang sổ mà ông Nguyện ghi chép về người chết, với chi chít là chết ung thư. Phần khoanh đỏ là chết ung thư.

Theo đó, năm 2001, cả làng Tử Lạc chỉ chết 5 người vì ung thư, gồm chị Phếnh (40 tuổi, K phổi), chị Điểm (40 tuổi, K máu), bà Điểm (60 tuổi, K dạ dày), chị Hoa (38 tuổi, K máu), rồi anh Long (20 tuổi, K vòm họng). Từ năm 2001 đến năm 2003, mỗi năm căn bệnh này chỉ cướp đi vài mạng người.

Thế nhưng, từ năm 2004 về sau, lượng người chết ung thư tăng lên đột biến, mỗi năm đều có trên dưới 10 người mất mạng vì căn bệnh này.

Năm 2004, anh Tiến, chết khi mới 30 tuổi vì ung thư, ông San chết năm 60 tuổi vì ung thư phổi, anh Quê, nguyên là Bí thư xã Minh Tân, vừa chuyển ra huyện làm Phó phòng Kiểm tra Đảng ủy, thì chết vì ung thư vòm họng, ông Bát, 50 tuổi, chết ung thư da…

Ông Nguyện chỉ công trường khai thác đá, là một trong số nhiều thủ phạm gây ô nhiễm môi trường cho làng Tử Lạc.

Thời điểm này có rất nhiều người chết trẻ vì ung thư. Như chị Phương chết khi vừa tròn 20 tuổi, không rõ ung thư gì; chị Trinh, cũng chết vì ung thư máu, khi đang học đại học, cũng mới 20 tuổi; em Minh, đang là học sinh cấp ba, con chị Duyên, chết năm 17 tuổi vì ung thư vòm họng. Tiếp đó là chị Lý, con ông Lâm, chết vì ung thư hạch khi mới 20 tuổi, chưa kịp lấy chồng.

Năm 2006, cũng là năm người dân Tử Lạc chết ung thư rất khủng khiếp, nhiều hơn cả chết già, chết các loại bệnh khác. Trong năm này, có một số cán bộ bỏ mạng vì căn bệnh ung thư quái ác. Như ông Vũ Văn Chững, y tá trưởng của nhà máy Cao Lanh đặt tại thôn, chết vì ung thư vòm họng. Rồi chị Bùi Thị Tân, trung tá quân đội, chết ung thư dạ dày lúc 50 tuổi…

Năm 2006 cũng là năm mà cả vợ chồng ông Đát, bà Bấm cùng chết vì căn bệnh ung thư quái ác. Ông Đát chết vào tháng 3, còn bà Bấm chết vào tháng 6.

Một nhà máy xi măng ở Kinh Môn xả bụi khiến bầu trời mù mịt.

Năm 2007, ở Tử Lạc, số người tử nạn tổng cộng là 15 người, nhưng cũng có tới 9 người chết vì ung thư. Năm 2007 là năm có hàng loạt ông bố trẻ lìa đời. Đầu tiên, vào tháng 2, là anh Bùi Văn Mạnh, chết ung thư xương năm 30 tuổi, để lại vợ trẻ, con côi.

Đến tháng 4, anh Tô Văn Đồng bỏ mạng vì ung thư dạ dày khi vừa tròn 30 tuổi. Rồi anh Phùng Văn Vượng, ra đi vào tháng 7, do ung thư vòm họng, khi tuổi vừa tròn 31. Trong tháng 7 đó, anh Trần Văn Quân, cũng lìa đời, khi mới ngoài 30 tuổi, vì ung thư vòm họng. Người chết trẻ nhất là chị Thị, chết vào tháng 11 vì ung thư máu, khi mới 20 tuổi, đang học đại học…

Năm 2009 cũng là năm có tỷ lệ người chết vì ung thư rất cao. Năm này, số người chết ở Tử Lạc không nhiều bằng những năm khác, chỉ có 16 người, nhưng khủng khiếp thay, lại có tới 9 người chết vì bệnh ung thư.

Số người chết ung thư trong năm này gồm bà Quý (70 tuổi, K vòm họng), anh Tâm (40 tuổi, K hạch), chị Đào Thị Bé (40 tuổi, K vú), ông Vũ Văn Mao (60 tuổi, K phổi), ông Hoạch (50 tuổi, K vòm họng), ông Nguyễn Đại Giản (70 tuổi, K phổi), em Hoa (cháu ông Ban) chết ung thư khi mới 17 tuổi…

Ống khói nhà máy xi măng như vòi rồng ở Kinh Môn.

Trong năm 2009, chỉ có 2 người chết già, 2 người chết tai nạn và 2 người tự tử, 2 người còn lại mắc bệnh khác. Số còn lại đều chết thảm hại với nguyên nhân lạnh lùng là K.

Từ năm 2010 đến nay, số người chết vì ung thư có giảm đôi chút, nhưng vẫn còn rất nhức nhối. Năm 2010, cả thôn có 16 người chết, thì vẫn còn tới 7 trường hợp chết ung thư. Năm này cũng ghi nhận một thảm cảnh đau lòng, là cả hai mẹ con anh Phạm Văn Tiến (K phổi) và bà Nguyễn Thị Muốt (K vòm họng) cùng về với đất.

Từ giữa năm 2011, ông Nguyện không làm công tác ghi chép người chết ung thư nữa. Tuy nhiên, cuốn sổ ghi chép dở dang của ông, cũng đã lên danh sách tới 6 trường hợp tử nạn vì căn bệnh quái ác này.

Ông Nguyện lật đật dẫn tôi ra đầu làng Tử Lạc, chỉ tôi ống khói nhà máy xi măng cao chất ngất, rồi công trường khai thác đá mù mịt trời đất mà lắc đầu ngán ngẩm. Ông bảo, con số người chết vì ung thư thực tế còn cao hơn rất nhiều, bởi vì rất nhiều gia đình có người thân mắc bệnh này, nhưng họ giấu biệt. Chết rồi họ vẫn giấu. Những trường hợp ấy, ông chỉ ghi là chết bệnh.

Nhà máy xi măng Phúc Sơn nằm ngay cạnh sông Kinh Thầy và sát mấy ngôi làng.

Theo lời ông Nguyện, trong 10 năm trở lại đây, riêng làng Tử Lạc, phải có ít nhất 100 người chết vì ung thư. Thời kỳ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi các nhà máy xi măng, cao lanh hoạt động, công trường khai thác đá hoạt động rầm rộ, số lượng người chết ung thư cũng nhiều không kém bây giờ. Tuy nhiên, thời kỳ đó, người dân chưa hiểu rõ về căn bệnh này, nên dù chết ung thư mà cũng chẳng biết.

Ông Nguyện khẳng định chắc nịch rằng, nếu tính trong vòng 30 năm trở lại đây, con số người chết thực sự vì ung thư ở riêng làng Tử Lạc này, cũng phải cỡ 200 người. Lượng người chết ung thư thông thường chiếm một nửa trong các kiểu chết ở Tử Lạc.

Đây là một con số thật quá kinh hoàng, nhưng tôi tin là thật. Trong các cuộc điều tra, điền dã ở thôn, tôi còn thống kê được thêm khá nhiều trường hợp chết ung thư, gia đình người chết chứng nhận hẳn hoi, nhưng lại chưa có tên trong sổ tử của ông Nguyện. Như vậy, con số chết ung thư trong cuốn sổ tử của ông Nguyện, dù đã rất khủng khiếp, nhưng vẫn chưa thể đầy đủ.

Còn tiếp…

VTC News
Tag: Làng ung thư , Làng Tử Lạc , Hải Dương , Nhà máy xi măng Hoàng Thạch , Phóng sự , Ung thư , Kinh Môn