Giang hồ Sài Gòn (Kỳ 5): Tướng Nguyễn Ngọc Loan điều biệt kích ra đảo thủ tiêu trùm giang hồ?
Thứ hai, 26/05/2014 10:32

Chúng tôi không có điều kiện gặp trực tiếp Trần Tử Thanh để hỏi thêm anh ta đã bắn Đại Cathay mấy phát đạn, đạn trúng vô đâu? Đại Cathay có phản ứng gì không?

Tướng Nguyễn Ngọc Loan điều biệt kích ra đảo thủ tiêu trùm giang hồ?

Tướng Nguyễn Ngọc Loan điều biệt kích ra đảo thủ tiêu trùm giang hồ?

Trần Tử Thanh lúc ấy đeo lon thiếu úy biệt kích dù, tính khá bốc phét, nhất là khi khoe thành tích của mình, kể cả những thành tích mà nếu có đúng 100% cũng không ai khoe. Thí dụ Thanh khoe chính hắn đã “chơi” Chu Tử tức Chu Văn Bình (khi đó là chủ bút báo Sóng thần), và cũng chính hắn đã “mần” Thượng tọa Thích Thiện Minh.

Đặc biệt, khi đã có chút hơi men, Thanh ba hoa đủ thứ chuyện, khó mà tin được trong lời kể của hắn sự thực chiếm bao nhiêu phần trăm. Có điều, câu chuyện kể về Đại Cathay của Trần Tử Thanh được coi là “có đầu có đũa”. Hơn nữa, theo lời kể, hắn là nhân vật chính, là “người hùng” trong câu chuyện. Xin nhường lời cho tay thiếu úy biệt kích dù này:

Bữa ấy moa đang ngồi ở một quán cà phê quen nằm trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). Bỗng một tay cảnh sát chìm quen mặt đến gần nói nhỏ với moa: “Thưa Thiếu úy, có lệnh của ông Tướng gọi gấp”. Ông Tướng theo tụi moa hiểu ngầm với nhau là Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan tức Sáu Lèo, giám đốc Tổng nha Cảnh sát Quốc gia. Biết có chuyện tối quan trọng, moa rời quán cà phê ngay. Tại Tổng nha, moa gặp đủ mấy đứa trong nhóm của moa. Tụi moa được lệnh lên đường ngay để thi hành một nhiệm vụ đặc biệt.

Nghề biệt kích là vậy. Đã quen với những nhiệm vụ loại này nên bọn moa chẳng đứa nào thắc mắc. Tất nhiên không thể có thời gian trở về nhà nói lời từ biệt với người thân, bọn moa được đưa thẳng ra phi trường. Trực thăng đã chờ sẵn bốc bọn moa lên ngay. Khi trực thăng đã lơ lửng giữa bầu trời, bọn moa mới được phát mỗi thằng một bọc đồ. Với kinh nghiệm sẵn có, bọn moa vội mở ra, trong đó thế nào cũng có một gói nhỏ đựng tiền. Nhìn tiền là mình biết ngay sẽ được thả xuống đâu.

Nếu là tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chắc ăn là sẽ nhảy dù xuống miền Bắc. Nếu là tiền ria ắt phải xuống đất Campuchia. Còn nếu tiền Việt Nam Cộng hòa thì yên trí chỉ lòng vòng ở miền Nam. Nhưng lần này, vừa mở gói đồ, moa biết ngay mình khỏi phải đi đâu xa: Trong đó là một bộ bà ba đen, đôi dép râu và chiếc nón tai bèo. Như vậy chắc như bắp là bọn moa phải hóa trang làm “Việt Cộng”, có điều chưa biết nơi mình đáp xuống.

Thế rồi trực thăng lướt trên mặt biển mênh mông. Tay sĩ quan trên trực thăng lúc này mới lên tiếng dặn dò:

- Các anh được lệnh giả làm Việt Cộng. Súng AK đây. Nhiệm vụ lần này không lấy gì làm nguy hiểm, nhưng phải thực hiện thành công và khôn khéo. Theo báo cáo chính thức của cảnh sát Phú Quốc, Đại Cathay và đồng bọn mới vượt ngục tối qua. Ta bắt lại gần hết, chỉ hai đứa trong đó có Đại Cathay trốn thoát, chúng đã chạy vô rừng mất dạng. Trực thăng sẽ đổ các anh xuống bìa rừng, để các anh vô rừng truy lùng hai tên này bắn chết chúng. Nhớ phải giữ bí mật, làm sao cho mọi người không ai biết ông tướng hạ lệnh thủ tiêu Đại Cathay, không ai biết chúng ta giết tay trùm du đãng này nghe!

Biết những chuyện công tác kiểu này có hỏi thêm cũng vô ích, bọn moa lặng lẽ thay đồ biệt kích bằng quần áo bà ba đen, dép râu. Tay sĩ quan dặn thêm:

- Làm sao cho mọi người đều hiểu Việt Cộng giết Đại Cathay là tốt nhứt nên các anh mới phải hóa trang. Nếu lộ thì phiền phức lắm đó!

“Phiền” nghĩa là gì, moa thừa biết. Sau mấy ngày luồn rừng lội suối, bọn moa phát hiện Đại Cathay cùng tên đồng bọn của hắn tại chân núi Khu Tượng. Chẳng lôi thôi gì, moa “phơ” luôn.

Hà hà... nào ai ngờ Đại Cathay danh tiếng lừng lẫy một thời lại dễ dàng gục ngã trước mũi súng của moa!”.

Câu chuyện do Trần Tử Thanh vừa kể, theo như nhận định của chúng tôi ngay từ ban đầu, khó có thể tin vì thiếu rất nhiều tình tiết cụ thể. Rất tiếc, chúng tôi không có điều kiện gặp trực tiếp Trần Tử Thanh để hỏi thêm anh ta đã bắn Đại Cathay mấy phát đạn, đạn trúng vô đâu? Đại Cathay có phản ứng gì không? Làm cách nào anh ta nhận diện, biết chắc đó là Đại Cathay? Giết xong Đại Cathay anh ta lấy gì làm bằng chứng để báo cáo lại với thượng cấp? Ai đã chôn cất, dựng bia mộ cho Đại Cathay? Cùng tổ biệt kích với Trần Tử Thanh còn có những ai, mấy người, tên gì? Bắn chết Đại Cathay xong, làm cách nào anh ta trở lại Sài Gòn? Nguyễn Ngọc Loan có ý kiến gì khi được báo cáo lại tình hình?...

Và, nếu đúng vậy, tại sao Tổng nha Cảnh sát Quốc gia lại ra “báo cáo tầm nã” (giống lệnh truy nã hiện nay) đối với Đại Cathay và Hải Súng?

Dẫu sao, không thể phủ nhận nỗi bực bội, nếu không nói là căm ghét, của Nguyễn Ngọc Loan và một số tướng tá khác trong chính quyền Sài Gòn đối với Đại Cathay.

Hòa Áo thun là dân chơi thuộc loại đàn em của Đại Cathay bị đưa ra trại Cửu Sừng cùng lúc với “đại ca”. Anh ta tên thật là Hòa, mang biệt danh trên vì trên người có xâm hình một chiếc áo thun ba lỗ màu chàm đậm, khiến thoạt nhìn tưởng như lúc nào anh ta cũng khoác áo thun trên người, dù thực ra đang ở trần cùi cụi.

Sau khi Đại Cathay và Hải Súng vượt ngục Cửu Sừng được một thời gian, Hòa áo thun cũng trốn trại nhân khi ra ngoài làm khổ sai. Nhưng ít tuần sau, khi quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân lên mạn Bắc Đảo, Hòa Áo thun lớ ngớ bị bắt trở lại.

Và sau đấy là lời kể của Hòa Áo thun: “Tại Bắc Đảo có lực lượng khá đông anh em du kích của Mặt trận Giải phóng miền Nam. Lúc tôi đi lạc vô căn cứ, anh em hỏi thăm, biết tôi là tù hình sự đào thoát, đối đãi rất tử tế. Anh em cho tôi một bịch gạo, một cần câu để câu cá, tự kiếm lấy thức ăn. Lúc quân đội Sài Gòn hành quân, lực lượng du kích quen thuộc đường đi nước bước, lần đi đâu hết trơn. Còn mình tôi chẳng biết trốn vô ngóc ngách nào, đành để bị bắt”.

Riêng tin liên quan Đại Cathay, Hòa Áo thun cho biết: “Khoảng giữa đường từ thị trấn Dương Đông lên Bắc Đảo có một ngọn núi có tên núi Khu Tượng. Ngay tại đây có hai ngôi mộ mới đắp đất có bia mộ mang tên Lê Văn Đại và Võ Văn Hải. Bà con ở khu vực này đồn rằng Đại Cathay và Hải Súng đã bị anh em du kích bắn chết vì chống lại cách mạng. Họ còn đồn đại về chuyện Đại Cathay đánh lộn với “Việt Cộng” hồi anh ta bị giam ở khám lớn Chí Hòa”.

Vụ ẩu đã diễn ra liên tục hai ngày hai đêm giữa tù chính trị và tù thường phạm tại khám Chí Hòa với hàng ngàn người tham gia vào giữa năm 1966 có thể nói đã đi vào “lịch sử trại giam”. Khi tôi được chuyển từ Tổng nha Cảnh sát Quốc gia sang Chí Hòa (tháng 6-1966), vụ việc đã chấm dứt hơn một tháng, nhưng dư âm vẫn còn sôi động. Kế đó, tôi lại bị đưa từ khu FG (khu giam tù chính trị) sang khu ED, thoạt đầu ở phòng 1E3, sau chuyển sang 3D (nơi trước dùng giam tù tử hình, sau dùng nhốt một số tù chính trị).

Lầu 3D cũng chính là nơi ở của số anh em tù chính trị vừa mới xung đột với tù thường phạm. Vào thời gian tôi ở khu ED, Đại Cathay bị nhốt ở phòng 3E4, cũng có đôi lần gặp tôi nói chuyện tào lao. Về sau, tôi còn hỏi thêm chi tiết về vụ ẩu đả trên và được nhiều anh em cả tù chính trị lẫn tù thường phạm từng trực tiếp tham gia kể lại. Xin phục dựng lại vụ xung đột có thể nói khá chính xác qua lời kể của những người trong cuộc thuộc cả đôi bên.

Hôm ấy, vào khoảng 5h chiều, đã hết giờ hành chính nên hầu hết giám thị về nghỉ, chỉ còn một vài tên trực nhưng thường bọn chúng giao cho số trật tự (luôn do tù hình sự án nhẹ, được bọn chúng tin tưởng) điều hành sau khi khóa trái cửa khu.

Dưới sân dãy E thuộc khu ED khám Chí Hòa có bể chứa nước lớn, dành cho can phạm ở các phòng thuộc toàn khu ED (sân dãy D không có bể nước) luân phiên nhau tắm giặt và hứng nước mang lên phòng nấu ăn. Vào giờ đó các phòng thuộc tầng trệt và ba tầng lầu bên dãy E đều đã khóa cửa, các can phạm thường án (tù hình sự) đã hết giờ ra tắm nắng, giặt giũ. Theo thông lệ, đến lượt anh em tù chính trị trên lầu 3D sử dụng hồ nước.

Tuy nhiên, vẫn còn ba can phạm thường án dưới sân chơi: Của Gia Định biệt danh “Hùm xám Gia Định” (trùm du đãng miệt Gia Định), do vai vế, muốn giải lao tới chừng nào vô phòng giam cũng được, Ngọc “heo” là trật tự giữ chìa khóa các phòng giam, có nhiệm vụ đóng mở cửa toàn khu ED, và Đại Cathay, hôm ấy đi tòa án để khai cung mới về. Cũng do mới về, nên mặc dù không phải tới lượt mình, Đại Cathay cũng chen lấn vô nhóm anh em tù chính trị, xát xà bông tắm rửa. Rất tự nhiên, anh ta đưa nguyên cả chiếc đầu dính xà bông tùm lum vô vòi nước.

Một bác tù nhân đã lớn tuổi, râu tóc bạc như cước, cản lại:

- Chú à, tụi tui đang hứng nước nấu ăn, sao chú lại đưa đầu toàn xà bông vô?

Đại Cathay cãi:

- Mắt tôi đầy xà bông, có thấy chi đâu. Bác hứng nước hồi nào?

- Giờ này là giờ của tụi tôi, sao chú chen ngang?

Hai bên còn đang lời qua tiếng lại, có lẽ lần đầu tiên trong tù mới có kẻ dám cự cãi không chịu phục tùng Đại Cathay, thì bất ngờ Của Gia Định nhảy tới, vung chân đá vào ngực bác lớn tuổi, nhằm bênh vực cho đại ca của mình. Thử tưởng tượng, một gã cao khoảng 1,75m, to con, lực lưỡng, tung đòn taekwondo vô ngực một ông già trên 60 tuổi. Ông già tức thì “hự” lên một tiếng, máu rỉ qua khóe mép, gục xuống. Mấy chục anh em tù chính trị không nén nổi tức giận, nhào tới, kẻ tay không, người cầm thùng, xô, kẻ lượm gạch, đá nhất tề tấn công Của Gia Định. Đại Cathay và Ngọc heo cũng bốc lên, xông vô vòng chiến đấu bênh Của.

Cuộc chiến không cân sức nhanh chóng kết thúc với kết quả dăm anh em tù chính trị bị thương nhẹ, còn cả ba tù hình sự đều bất tỉnh nhân sự, nằm thẳng cẳng với nhiều vết thương khắp đầu, mình, chân, tay. Trong khi ấy, thấy “đại ca” bị tấn công, bị số đông “bề hội đồng” (như trên đã nói, dãy E khu ED trông thẳng xuống sân E gồm ba tầng lầu một tầng trệt, các phòng đều giam tù thường án), số tù hình sự trong 16 phòng giam la hét vang dội, yêu cầu mở khóa cửa phòng để ra hỗ trợ cho đồng bọn. Nhưng chìa khóa các phòng đều do Ngọc heo mang trong người, không ai mở khóa nên họ tìm cách phá cửa phòng.

Cuối cùng, nhiều phòng lần lượt bị phá cửa. Tù hình sự ùa theo cầu thang, tràn xuống sân mỗi lúc một đông, mang theo nào chổi, nào gậy, nào cây sắt... Bây giờ tính quân số đôi bên đảo ngược. Phía tù chính trị trở thành thiểu số. Anh em vội kéo nhau rút lên lầu 3D cố thủ. Cuộc hỗn chiến được khu FG kế bên nhìn thấy rõ. Tổng cộng 32 phòng giam bên khu này nhốt toàn chính trị phạm và anh em hô khẩu hiệu vang dội, hỗ trợ đồng đội. Bọn giám thị nhà tù Chí Hòa lúc này mới có mặt, nhưng không thể làm gì để ngăn cản nổi tình trạng hỗn loạn mỗi lúc một dâng cao.

Dù một số bị thương, với nỗ lực phi thường mà chủ yếu là đoàn kết thành một khối, anh em tù chính trị đã rút được hết lên lầu 3D, dùng chai, lọ, mảnh lu nước bể... bất cứ thứ gì trong tầm tay, ném ra ngăn cản địch thủ.

Cùng thời gian này, Đại Cathay, Của Gia Định và Ngọc heo được đưa đến bệnh xá, sau chuyển ra bệnh viện bên ngoài cấp cứu. Khoảng 9h tối hôm đó, có tin nhắn từ bệnh viện về rằng cả ba đều đã chết. Số tù thường phạm nổi giận đùng đùng, hấp tấp đốt đèn cầy sáng rực khu ED, tổ chức tang lễ cho các đại ca, đòi “nợ máu phải trả bằng máu”. Họ vừa khóc lóc, vừa kéo rốc lên tiếp tục tấn công lầu 3D.

Mãi đến bây giờ tôi vẫn không biết chính xác nguồn tin Đại Cathay, Của Gia Định và Ngọc heo bị chính trị phạm đánh chết do ai tung ra, chỉ có thể suy đoán do số giám thị gác trại giam Chí Hòa, vì tù nhân không thể trực tiếp đến bệnh viện để lấy tin. Rất có thể, bọn giám thị muốn tạo mâu thuẫn giữa tù chính trị và tù hình sự theo kiểu “chia để trị” và “dĩ tù trị tù”. (Viết thêm: năm 1967, khi bị đày ra Côn Đảo, tôi gặp Của Gia Định làm “chuyên môn” tại đây. “Chuyên môn” là danh từ ngoài đảo khi ấy gọi số tù hình sự được trao nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát công việc khổ sai, đi lại, ăn ở của tù chính trị, đặc biệt là điều tra, đánh đập tù chính trị khi họ “vi phạm nội qui nhà tù”. Của Gia Định khét tiếng là một hung thần trong ban chuyên môn đối với chính trị phạm ở Côn Đảo trong thời gian này).

Và cứ như vậy, cuộc chiến kéo dài suốt hai ngày hai đêm tại khu ED khám Chí Hòa. Trực tiếp tham gia là số tù hình sự giam tại dãy E (16 phòng, mỗi phòng bình quân có từ 40 - 50 người, vậy tổng số khoảng 800 người) và trên dưới 100 tù chính trị ở lầu 3D.

Sau khi đánh bất tỉnh Đại Cathay, Của Gia Định và Ngọc heo, phía chính trị phạm chỉ lo cố thủ. Nhờ địa thế lầu 3D có cấu trúc đặc biệt dùng giam tù tử hình (tôi từng bị nhốt tại đây hơn nửa năm nên biết rất rành: hành lang ở giữa, hai bên là những phòng nhỏ, cửa sắt đây không có chấn song mà chỉ có lỗ thông gió, đầu hành lang là cửa chắn song sắt, nhất là nhờ đoàn kết nhất trí và lòng dũng cảm), anh em tù chính trị đã giữ vững “trận địa”, đẩy lùi vô số đợt tấn công của đối phương. Gián tiếp tham gia như hò hét trợ oai, đập thùng thiếc, thau nhôm, xô... để tăng khí thế, la khẩu hiệu yêu cầu bọn quản đốc và giám thị Chí Hòa giải quyết, đốt đèn cầy sáng rực vào ban đêm... là cả khu FG với khoảng gần 2.000 chính trị phạm.

Kết quả, ngoài ba tù thường phạm bất tỉnh lúc ban đầu, không ai bị trọng thương hoặc tử vong. Số bị thương nhẹ thì rất nhiều nhưng không thống kê được. Tất cả đều được chăm sóc, băng bó tại chỗ, không ai phải đưa ra bệnh viện ngoài điều trị.

Mọi việc trở lại bình thường sau khi Đại Cathay, Của Gia Định và Ngọc heo đều trở lại khu ED mạnh khỏe.

Sự việc là như vậy, bắt nguồn từ một nguyên nhân khá vu vơ, tuy khởi đầu là Đại Cathay, nhưng thực tế do Của Gia Định trực tiếp gây ra, và, một cách nào đó, được số giám thị trại giam Chí Hòa tiếp tục châm dầu. Đến khi hàng trăm chính trị phạm và thường phạm tham chiến thì đúng là không một ai có thể cản nổi.

Như vậy, mặc dù chưa tìm đủ chứng cứ để kết luận Đại Cathay đã bị ai giết, giết như thế nào, bằng thứ vũ khí gì, tôi có thể mạnh dạn khẳng định: Đại Cathay đã chết, mộ hiện nằm tại núi Khu Tượng.

Khoảng đầu những năm 1990, trong lần gặp một cán bộ công tác lâu năm ở đảo Phú Quốc, tôi có hỏi về hai ngôi mộ ở núi Khu Tượng, anh xác nhận:

- Đúng là ở đó có hai ngôi mộ, một mang tên Đại, tôi không nhớ rõ họ, và ngôi mộ kia tôi không nhớ tên...

Dân giang hồ còn sót lại mà tôi có dịp gặp mặt sau này như Lâm Chín ngón, Bảy Xi, Lắm Mổ bụng... cũng đều ngậm ngùi:

- Đúng là anh Đại đã chết rồi. Nấm mộ của anh hiện nằm ngoài Phú Quốc.

Cái chết của Đại Cathay không khỏi làm nhiều người suy nghĩ. Người ta ai cũng phải chết, đã đành là vậy. Nhưng một người như Đại Cathay, khi sống khét tiếng giang hồ, “thần tượng” của giới dân chơi, mà đến với cái chết lại rất giản đơn, lặng lẽ. Phải chăng đó cũng là “quả kiếp nhân duyên”, luật bù trừ của tạo hóa?

Cái chết của Đại Cathay còn được coi như dấu chấm hết và là sự cáo chung của “dân chơi” hồi thập niên 1960, với các đặc tính: Chơi trội và chơi “có hậu” theo luật giang hồ.

Còn nữa

Vũ Quang Hùng (Xa lộ pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Giang hồ sài gòn , dai ca , chế độ cũ ở sài gòn , chuyen ve giang ho sai gon , chem giet , tranh gianh dia ban , con do , song bac , xa hoi den , TP.HCM , Sài Gòn , tin , bao