Giải mã phát minh 'động trời' chỉ có ở Việt Nam
Thứ tư, 25/04/2012 13:59

Nhiều chuyên gia về lĩnh vực năng lượng từ nước vừa “mổ xẻ” chuyện biến nước lã thành điện, thành xăng chỉ có tại… Việt Nam!

Thực hư chuyện biến nước lã thành điện

Mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Phó Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai, khu công nghệ cao TP. HCM đã trình diễn trước hội đồng các nhà khoa học phương pháp biến nước thành điện, mà nếu được áp dụng vào thực tế như tiến sĩ Khê nói thì đây quả là một sự đột phá lớn mà thế giới cũng chưa làm được.

Theo đó, dưới tác dụng của chất “xúc tác” bí mật, nước sẽ thực hiện “phản ứng nội sinh” để tạo hydro. Khí hydro này sẽ được cho chạy qua pin nhiên liệu để tạo điện.

Tuy nhiên, ông Khê lại tuyệt nhiên không chịu tiết lộ về chất “xúc tác” bí mật mà ông sử dụng. Thậm chí, lúc ông gọi nó là chất khử, lúc gọi là chất xúc tác gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học.

Không ít người cho rằng, ông Khê thích “nổ”, thích “chơi trội” khi tiết lộ mập mờ phương pháp hô biến nước lã thành điện “chưa từng xuất hiện trên thế giới” đó.

Trình bày quan điểm của mình về vấn đề này, Tiến sĩ Chu Văn Thắng - chuyên gia dự án đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) cho rằng, ông Khê đã quá nổi tiếng rồi thì cần gì phải “đánh bóng tên tuổi” thêm nữa. Đồng thời, vị chuyên gia này khẳng định: “Ông Khê có quyền giữ bí mật quân bài đó”.

Tại buổi giao lưu truyền hình trực tuyến với chủ đề “Biến nước thành năng lượng: Tại sao không?” do Báo điện tử VnMedia, Kênh truyền thông LifeTV (lifetv.vn) phối hợp với Chương trình Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) tổ chức vào sáng nay, các chuyên gia về lĩnh vực năng lượng từ nước đã thảo luận sôi nổi về ý tưởng biến nước lã thành điện, thành xăng.

Tiến sĩ Chu Văn Thắng nói: “Theo tính toán, từ năm 2015-2020 chúng ta thiếu hụt nguy cơ an ninh năng lượng tại Việt Nam và phải nhập tới 80 triệu năng lượng nên nhà nước đã tính tới chuyện xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, tăng thủy điện cũng đã bão hòa.

Qua trao đổi với các chuyên gia tôi thấy việc tìm ra nguồn năng lượng mới như hydro đóng góp rất lớn cho sự phát triển nguồn năng lượng của chúng ta tại Việt Nam.

Việc ứng dụng Hydro vào xe hơi thì Nhật đã áp dụng thử nghiệm, ban đầu nhiều người nghĩ rằng lấy hydro từ tách nước nhưng lại không kinh tế, nếu để ở dạng hydro lỏng thì giá cao và nghĩ tới việc dùng hydro ở dạng khí nén.

Nhưng vấn đề là giá thành tốn (250.000USD/1 xe) nhưng nếu vấn đề tiếp nhiên liệu thì xây dựng trạm rất tốn kém. Trên thế giới việc sử dụng hydro tăng năng lượng cũng đã gần với thực tế nhưng ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ.

Theo tôi, tiến sĩ Khê nên đi theo con đường chính thống.

Vấn đề thủ tục hay thời gian cũng phải mất khoảng 6 tháng, 1 năm và có thể 2 năm và nhà nước nên cân nhắc tạo ra môi trường cho các nhà phát minh có cách tiếp cận đẩy nhanh hơn phát minh của họ, tức là tạo thuận lợi cho các nhà phát minh trong việc đưa ý tưởng ra thị trường”.

Nhiều nhà khoa học cũng như các chuyên gia đều đồng tình rằng nếu có thể biến nước lã thành điện thật thì đây sẽ là sự đột phá lớn mà thế giới cũng chưa làm được.

Hay nhưng chưa khả thi

Tiến sĩ Doãn Hà Thắng - chuyên gia hàng đầu về vật lý plasma, chuyên về vấn đề nghiên cứu tách nước cho biết: “Một chén nước chè giá hiện tại là 2.000 đồng. Như vậy một lít nước chè đắt hơn một lít xăng rất nhiều, trong khi công nghệ lọc hoá dầu đòi hỏi sự đầu tư rất lớn.

Việc tạo hydro lỏng về nguyên tắc rất đơn giản. Trong phòng thí nghiệm phản ứng nhiệt hạch chúng tôi phải đông lạnh hydro thành những viên đá để bắn vào trong lò phản ứng. Tuy nhiên, nếu tính về hiệu quả kinh tế hiện tại, câu trả lời vẫn là chưa”.

Cùng quan điểm với ông Hà Thắng, GS.TSKH Nguyễn Đức Hùng (Viện Hoá học Vật liệu - Viện KHCNVN), Tiến sĩ tại Đức về xúc tác điện hóa nói: “Tạo hydro lỏng bằng hạ thấp nhiệt độ và việc hạ thấp nhiệt độ sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Thế giới vẫn làm việc này khi cần như tạo hydro cho các con tàu vũ trụ, chính vì thế lĩnh vực này luôn luôn tốn kém”.

Trong khi đó, ông Chu Văn Thắng phân tích: “Việc dùng nước chạy xe thực chất là tách hydro từ nước ra và dùng hydro để chạy xe. Và trên thế giới đã nghiên cứu và không xa sẽ đi vào thực tiễn vì một số mô hình thử nghiệm đã đang được vận hành.

Tuy nhiên, việc dùng nước để chạy xe vẫn còn tính đến hiệu quả kinh tế vì nhiều mô hình thử nghiệm trên thế giới vẫn chưa vượt qua rào cản về hiệu quả kinh tế. Cần nhấn mạnh rằng, nếu dùng hydro để chạy xe thì phải thiết kế lại xe chạy hydro chứ không giống xe chạy xăng và tính an toàn vì dùng khí hydro để chạy xe đễ gây cháy nổ”.

TS. Doãn Hà Thắng nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, cũng như các khí dễ cháy nổ khác, khi hydro tác dụng với oxy theo một tỷ lệ nhất định thì sẽ gây cháy nổ. Tuy nhiên, bạn thấy là các bình gas vẫn được chở bằng xe ôm khắp đường phố nên có thể yên tâm về vấn đề này”.

VTC News
Tag: Phát minh , Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê , Khoa học , Năng lượng