Giải mã “lời nguyền sông Hiếu”
Thứ tư, 30/05/2012 18:33

Nước sông Hiếu bao đời luôn một màu trong xanh và là mạch sống cho nhiều thế hệ con người nơi đây. Song, không hiểu sao hơn 10 năm trở lại đây, sông Hiếu "trở chứng nổi giận vào đúng mùa thi".

Theo những người dân sống đôi bờ sông Hiếu cho biết, cứ sau mỗi cái chết bất ngờ của các đôi nam nữ trẻ… thì những phụ huynh có con em xấu số trên lại tổ chức mời thầy lập đàn ngay trên sông để cúng bái, xin thần nước trả hồn con họ về lại với trời.

Câu chuyện em N.V.V, học sinh lớp 11 vừa nhảy cầu tự tử trên sông Hiếu, tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị khiến người dân nơi đây tiếp tục xôn xao về sự việc: "Năm nào cũng vậy. Cứ đến mùa thi, là sông Hiếu lại lấy đi những mạng người non trẻ". Nhiều người cho rằng, cần phải hóa giải "lời nguyên sông Hiếu" thì mới kết thúc những cái chết oan. Để biết được thực hư câu chuyện "lời nguyền sông Hiếu" như thế nào PV đã cất công tìm hiểu.

Sông Hiếu đoạn từ cầu Sắt nối phường 3 và phường Đông Giang đến cầu Đông Hà chừng chưa đầy 2km vốn mềm mại, thơ mộng như bức tranh thủy mặc. Nước sông Hiếu bao đời luôn một màu trong xanh và là mạch sống cho nhiều thế hệ con người nơi đây. Song, không hiểu sao hơn 10 năm trở lại đây, sông Hiếu "trở chứng nổi giận vào đúng mùa thi".

Theo những người dân sống đôi bờ sông Hiếu cho biết, cứ sau mỗi cái chết bất ngờ của các đôi nam nữ trẻ… thì những phụ huynh có con em xấu số trên lại tổ chức mời thầy lập đàn ngay trên sông để cúng bái, xin thần nước trả hồn con họ về lại với trời. Có nhiều người cho rằng, mỗi lần cúng bái cầu xin là để "giải mã lời nguyền" xin thần nước cho hồn con cái họ về, chứ nằm dưới sông lạnh và thiếu thốn dễ dẫn đến hư hỏng như quay về nhà bắt anh, em về sống cùng với mình dưới sông.

Không những thế, nhiều phụ huynh có con em là bạn của người mới nhảy cầu tự tử để "ngăn ngừa" oan hồn của người chết về bắt con mình cũng dâng lễ, cũng bái linh đình để xin thần nước không cho người vừa xuống sông "sống" làm bậy mà kéo con mình xuống "ở" chung dưới đó.

Chị Hoàng Thị Cúc, một tiểu thương buôn bán ngay ở sát cầu Đông Hà cho biết: "Lạ lắm mấy eng (anh) ơi. Năm nào cũng vậy, cứ đúng vào mùa thi, thì y như rằng mấy cô cậu học trò kéo nhau ra cầu trầm mình xuống sông mặc cho cha mẹ, người thân và bạn bè đau khổ, không hiểu vì sao con mình, bạn mình lại tìm đến cái chết lạ kỳ này. Tất cả những người nhảy cầu đều có chung kết cục là chết. Nhưng cách thức những cái chết nhảy cầu lại không ai giống ai".

Sau mỗi cái chết nhảy cầu tự tử ở sông Hiếu, người dân lại cho là do chưa hóa giải được "lời nguyền sông Hiếu". (Ảnh: Võ Linh)

Theo chị Cúc, từ năm 2009 đến nay, ít nhất đã có trên 10 cái chết do nhảy cầu, trong số đó có nhiều đôi trẻ đang đèo nhau trên xe máy đi ra khoảng giữa cầu thì lập tức bạn gái ngồi sau xe nhảy phắt xuống xe và phi lên thành cầu cắm đầu xuống sông. Quá bất ngờ với trường hợp này, các cơ quan chức năng triệu tập người chở nạn nhân trên để làm sáng tỏ, song không tìm được câu trả lời.

Một trường hợp khác vào 2010, em trai N.V.H, 17 tuổi học sinh lớp 12 THPT Đông Hà cũng chọn cái chết nhảy cầu "ấn tượng". Khi đi xe máy ra giữa cầu thì em dừng lại và trèo lên lan can cầu hét lớn "ai cứu tôi với… cứu tôi với". Mọi người nghe thấy chạy tới thì lập tức em trai này chúi đầu lao xuống dòng sông… Và rồi khi cơ quan chức năng tìm được thi thể nạn nhân, phát hiện trong người em một vài mảnh giấy với dòng chữ nhòe nhoẹt đại loại như: "Vĩnh biệt tình yêu của tôi! Hẹn gặp lại… dưới sông Hiếu nhé!". Chính những dòng chữ để lại như trên, mà người dân Đông Hà đồn rằng đó là: "Lời nguyền sông Hiếu".

Và cũng bởi "sự kiện" này, người dân đồn thổi về những cái chết tương tự hàng năm là do các oan hồn dưới sông "chỉ đường" cho những người: Bị tình yêu phụ bạc hoặc bị gia đình ngăn cản tình yêu.

Không chỉ thể, khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người dân còn truyền tai nhau câu chuyện, công nhân xây dựng khách sạn Sài Gòn - Đông Hà ở một bên sông Hiếu cạnh cầu Đông Hà cũng thường bị "ám" bởi những oan hồn dưới sông hiện lên "gọi" đi cùng. Theo đó, đã có ít nhất 2 mạng người làm việc tại công trường này bị chết do trượt từ trên cao xuống đất. Và chuyện công nhân ngủ lại ở công trường thường thấy bóng các em nhỏ cất tiếng khóc ai oán, vẫy gọi rồi có trường hợp bị quấy rối không chịu nổi đã phải bỏ việc đi nơi khác làm.

Nhiều người dân truyền tai nhau về chuyện anh H.V.N công nhân xây dựng khách sạn trên trong lúc ngủ trưa mơ mơ, tỉnh tỉnh đã thấy một cô gái mặc áo dài trắng cứ đi lởn vởn trước mặt, bỗng dừng lại và òa khóc, xưng tên tuổi rồi nói rõ nguyên nhân là ở dưới sông lạnh lắm, mà chỉ có một bộ áo quần mặc quanh năm nên "ghé thăm" xin chú mấy đồng để mua áo quần mặc, sưởi ấm để đi lại thăm bạn bè… Ngay đêm đó, anh N đã lập bàn thờ và làm theo đúng lời cầu nguyện của cô gái, vậy là từ đó đến nay giấc ngủ của anh được yên ổn.

Làm việc với một số cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị, PV báo nhận được lời khuyên gửi đến bạn đọc: "Quả thật, khu vực sông Hiếu, đoạn chảy qua cầu Đông Hà năm nào cũng có người nhảy cầu tự tử, song có thể đó là những người có phần kém hiểu biết nên đã chọn cho mình cái chết như thế. Còn câu chuyện về "lời nguyền sông Hiếu" có lẽ là do những người mê tín truyền tai nhau để giữ vững lòng tin về câu chuyện này với mọi người.

Mặc dù có ý kiến từ phía cơ quan chức năng "lời nguyền sông Hiếu" là do những người mê tín. Nhưng phần lớn người dân ở khu vực đôi bờ sông Hiếu lại tin vào cái gọi là "lời nguyền" này. Thực hư về câu chuyện này chưa ai có thể khẳng định được. Song, với tư cách cá nhân, chúng tôi xin đưa ra lời khuyên đối với những bạn trẻ: Dù hoàn cảnh cuộc sống có bị dồn đến chân tường của sự cùng cực, đau khổ thì các bạn hãy cố gắng vượt qua, không nên chọn con đường "giải thoát" bằng cách nhảy cầu như những bạn trẻ đã làm trong mấy năm qua.

PLXH
Tag: Sông Hiếu , Quảng Trị , Lời nguyền , Mê tín , Tự tử , Học sinh nhảy cầu , Phóng sự