Giá xăng đổ đầu dân
Thứ năm, 26/04/2012 11:53

Trong vòng chưa đầy 2 tháng, giá xăng đã tăng 2 lần khiến không ít người dân cảm thấy ngao ngán, vì xăng tăng đồng nghĩa với việc nhiều mặt hàng sẽ tăng theo.

Xăng tăng 1 giá cả tiêu dùng tăng 2

Việc giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít vào tối 20/4 khiến không ít người dân bất ngờ và lo lắng. Họ bất ngờ vì chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng mà xăng đã tăng 2 lần, điều đó đồng nghĩa với việc ngày hôm sau sẽ còn nhiều mặt hàng khác cũng theo giá xăng mà tăng lên.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc tăng giá xăng thêm 900 đồng/ lít lần này không nhiều như đợt tháng 3/2012 (tăng 2.100 đồng/lít), nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tiêu dùng. Xăng tăng giá thì các mặt hàng từ mớ rau, con cá… ngoài chợ cũng sẽ tăng, vì tất cả đều cần đến vận tải.

Đó cũng chính là nỗi lo lắng không chỉ của người dân trong nhiều ngày nay.

Giá xăng tăng liên tiếp khiến nhiều người bất ngờ

Chị Nguyễn Thị Thu, Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, giá xăng tăng hôm trước, hôm sau ra chợ đã thấy cái gì cũng tăng. Với mức lương công nhân, chị lo không đủ tiền đi chợ hàng ngày dù có tiết kiệm. “Ngày trước tôi cầm vài trăm nghìn đi chợ có thể mua đồ ăn cho gia đình dùng 2-3 ngày, nay cũng số tiền đó chỉ đủ cho 1 ngày” – chị Thu nói.

Còn với chị Lê Thu Thùy, nhân viên một doanh nghiệp liên doanh của Nhật Bản, Hà Nội với thu nhập vào loại khá nhưng trước tình trạng xăng tăng 1 thì giá cả tiêu dùng tăng 2 cũng cảm thấy chóng mặt: “Xăng tăng kéo theo mọi mặt hàng đều tăng. Người ta lấy lý do chi phí vận chuyển để tăng giá. Ngay đến cốc nước vỉa hè cũng tăng vì theo họ xăng tăng nên phải tăng để có tiền bù cho những khoản chi tiêu khác”.

Cũng theo chị Thùy, việc tăng giá xăng, dầu cũng nên cho người dân biết trước, chứ cứ tăng đột ngột thế này khiến ai cũng thấy “sốc”.

Giá xăng tăng khiến giá nhiều loại thực phẩm tăng theo

Những người dân lao động nghèo, sinh viên học xa nhà cũng đang lo lắng tình trạng giá cả thay đổi sau khi xăng tăng giá.

Bạn Nguyễn Danh Nam, sinh viên đại học Điện Lực Hà Nội chia sẻ, "điều lo lắng nhất của sinh viên là giá nhà trọ, thực phẩm… tăng theo giá xăng. Trước đây, phòng em em thuê chỉ 800.000 đồng/tháng nay bà chủ đòi thêm 100.000 đồng/tháng. Hỏi tại sao? bà chủ nói ngắn gọn: “Giá xăng tăng, bác cũng phải tăng để đổ xăng chứ”.

Nam cho biết, nếu không đồng ý giá mới bà chủ sẵn sàng cho ngừng “hợp đồng”, mà trong lúc này thì thuê đâu cũng vậy nên đành chấp nhận thêm tiền.

Anh Nguyễn Anh Dũng (Thanh Hóa), làm cửu vạn tại đường Bưởi, Hà Nội cho biết, chưa đầy 2 tháng mà giá nhà trọ chỗ anh thuê đã tăng 2 lần theo giá xăng khiến mỗi tháng thêm cả trăm nghìn. Với những người có thu nhập ổn định thì trăm nghìn không là gì, nhưng với những người lao động chân tay như anh thì… quả là lớn. Nếu cứ tăng vậy anh cũng không biết lấy gì để gửi về cho gia đình hàng tháng.

Dịch vụ vận tải rục rịch tăng giá

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, giá xăng tăng vào tối 20/4 khiến không ít doanh nghiệp bất ngờ và bối rối vì không nghĩ rằng đợt tăng thứ 2 trong năm 2012 lại sớm như vậy. Vừa tháng 3/2012 tăng một lần vậy mà sau chưa đầy 2 tháng đã tiếp tục tăng.

Theo ông Hùng nếu giữ nguyên giá xăng như tháng 3/2012 là điều đáng mừng với các doanh nghiệp vận tải, nhưng tăng liên tiếp như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp chịu nhiều áp lực.

Giá cước vận tải xe khách sẽ có điều chỉnh sau lần tăng giá xăng lần này

Theo ông Hùng, nếu cộng cả 2 lần tăng giá trong năm 2012 (lần 1 vào đầu tháng 3/2012) giá xăng đã tăng khoảng 15%, dầu diesel tăng khoảng 8%. Trong lần trước thì các doanh nghiệp kinh doanh taxi đã tăng giá cước, còn với xe khách thì chưa, nhưng trong lần này chắc chắn sẽ có điều chỉnh.

Bên cạnh đó, từ 1/6/2012 các các phương tiện nói chung và doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói riêng còn chịu thêm phí bảo trì đường bộ và đây cũng là sức ép đối với ngành. Cộng cả phí và giá xăng tăng thêm khiến các doanh nghiệp vận tại buộc phải điều chỉnh giá cước là điều khó tránh.

Tôi thấy, việc tăng giá xăng khiến ngành vận tải chịu nhiều áp lực và khó khăn. Nếu không tăng giá cước thì hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ mà tăng lên thì dân phải chịu. Quả thật với tôi đây là bài toán nan giải và đang cố gắng điều chỉnh sao để tăng cho phù hợp. Nhưng việc điều chỉnh giá cước vận tải chắc phải từ 1/6 trở đi, vì ngay thời điểm này không thể kịp để chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục trình đơn vị chức năng” – ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho hay, với nhiều áp lực và lại gần dịp lễ 30/4  - 1/5 nên việc các chủ xe tăng giá cước “chui” vào những ngày này là điều không thể tránh khỏi.

Xăng tăng giá đã đúng thời điểm?

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, giá xăng tăng vào thời điểm này là chưa thích hợp. Vì tại thời điểm này, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp. Bên cạnh đó giá xăng, dầu tăng lúc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả của các mặt hàng khác chứ không chỉ các doanh nghiệp.

Việc các doanh nghiệp trì trệ trong sản xuất nay giá xăng tăng lại càng thêm khó khăn

Theo bà Lan, nguyên nhân khiến lạm phát không tăng cao trong thời gian qua phần nào là do ảnh hưởng từ sự đình trệ của nền kinh tế. Qua đó mà ta chủ quan cho là lạm phát đã giảm và có thể tăng giá lên là thiếu cân nhắc.

Mặt khác, việc tăng giá xăng đồng nghĩa với yếu tố đầu vào cao sẽ khiến doanh nghiệp đang khó khăn lại càng thêm khó khăn. Tình trạng doanh nghiệp lâm vào đình trệ là khó tránh khỏi, đặc biệt là các doanh nghiệp có chí phí vận tải nhiều.

Cũng theo bà Chi Lan, nếu chỉ lấy lý do giá xăng dầu thế giới tăng mà doanh nghiệp đòi tăng là chưa minh bạch. Bộ Tài chính cần có biện pháp thúc ép doanh nghiệp minh bạch lỗ, lãi trong kinh doanh, thậm chí phải có biện pháp xử phạt nếu không thực hiện.

VOV
Tag: Tăng giá xăng , Điều chỉnh giá xăng dầu , Giá cước , Thị trường tiêu dùng , Vận tải , Giả cả thị trường , Doanh nghiệp , Thị trường vận tải