Rừng phòng hộ Đak Đoa (thuộc hai xã Đak Sơmei và Hà Đông, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng.
|
Cây lớn bị lâm tặc xẻ lấy gỗ, rừng bị người dân tại chỗ đua nhau “triệt hạ” chiếm giữ làm nương rẫy. Tình trạng này được ghi nhận từ trước Tết Nhâm Thìn, đến nay đã có hàng chục hecta rừng đã bị xóa sổ. Còn cơ quan chức năng thì vẫn đang loay hoay bàn cách.
Ngang nhiên triệt hạ rừng
Để xác minh thực hư chuyện người dân tại xã Hà Đông đang thi nhau phá rừng để làm nương rẫy và chuyện không thể tin đã xảy ra khi nhiều khoảnh rừng dọc hai bên đường từ xã Đak Sơmei vào xã Hà Đông (Đak Đoa) đã bị triệt hạ, không kể cây to hay nhỏ tất cả đều bị đốn nằm rạp san sát nhau trên các sườn đồi.
Các khoảnh rừng bị tàn phá, lâm tặc dùng cưa máy phá rừng, gỗ xẻ thành phẩm ngay bên đường vào xã. Ảnh: Nguyễn Giác
Khoảnh nhỏ thì tầm dăm bảy sào (sào 1.000 m2), miếng lớn thì chừng vài hec ta, trong số đó có nhiều nơi vừa bị chặt phá khi lá cây rừng vẫn còn tươi xanh. Điều nghiêm trọng hơn, khi biết chúng tôi có mặt tại khu vực rừng đang bị chặt hạ, thì những người đang phát rẫy vẫn liền tay chặt, cưa với tiếng máy cưa nổ hòa cùng tiếng cây đổ do bị hạ làm vang vọng cả một góc rừng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những khoảng rừng đã và đang bị chặt hạ được ghi nhận thuộc các tiểu khu 410, 412, 415, 416… của Rừng phòng hộ Đak Đoa do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa làm chủ rừng.
Tiếp cận những khoảnh rừng vẫn đang có người phá “chui” làm nương rẫy để ghi hình. Chúng tôi phát hiện có rất nhiều những cây lớn có đường kính tầm 40-50 cm, có gốc cây lớn phải vài người ôm nằm bên vệ đường lớn dẫn vào xã. Tại nhiều khoảnh rừng bị triệt hạ có không ít cây lớn được đánh dấu, số thì đã xẻ thành phẩm để chuyển đi với dấu vết vẫn còn rất mới. Một số thì được khoét mộng, bào gọt còn bỏ lại tại hiện trường.
Ảnh: Nguyễn Giác
Ngang nhiên hơn, gỗ được mang ra ngay cạnh đường để xẻ, và chất đống cách đường chừng vài mét để dễ bề vận chuyển. Anh Hoàng Trọng Thái, Trạm trưởng trạm số 7, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Hà Đông, Đak Đoa) cho biết: “Rừng phòng hộ Đak Đoa bị phá rộ lên trong thời gian từ 24 tháng chạp âm lịch đến nay”. Anh Thái cũng tỏ ra lo lắng vì Rừng phòng hộ Đak Đoa là vùng đệm có tác dụng bảo vệ vòng ngoài cho Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Nếu áp lực phá rừng lớn như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh của tỉnh trong tương lai.
Trong quá trình ghi nhận sự việc, chúng tôi gặp nhiều tốp người từ bìa rừng bước ra với dao, rựa để trở về nhà trước khi chiều tối. Nói về việc chặt phá rừng, bên cạnh vợ và 3 đứa trẻ, một thanh niên chừng 25 tuổi: Cả làng Kon Ma Har mình ai cũng đi vào rừng để phát rẫy, trước là làm lúa sau sẽ trồng cao su?. Khi hỏi về chuyện có biết chặt phá rừng là vi phạm pháp luật thì thanh niên này khẳng định: Biết chứ, nhưng cả làng cùng đi, ai có cưa máy thì được nhiều, mình không có tiền thuê nên chặt bằng dao, chắc sẽ ít hơn.
Cơ quan đùn đẩy trách nhiệm
Thực tế ghi nhận tại hiện trường nơi những cánh rừng đang bị tàn phá nặng nề, nhiều nhất trên đoạn đường chừng 7km từ ngã ba Hà Đông đến xã Hà Đông, dọc hai bên đường đâu đâu cũng thấy rừng bị phá trụi, diện tích có thể lên đến hàng chục hec ta. Khi trao đổi với chúng tôi, ông Chiên- Chủ tịch UBND xã Hà Đông thừa nhận có chuyện rừng trên địa bàn xã bị phá nhưng diện tích bị phá bao nhiêu thì chưa nắm được.
Ảnh: Nguyễn Giác
Hoàn tất việc thu thập số liệu, hình ảnh để minh chứng cho việc rừng đang bị người dân, lâm tặc tàn phá nặng nề để quay trở ra và chúng tôi có vài phút trước cuối buổi chiều (ngày 2-2) để làm việc với Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đak Đoa, thì ông Nguyễn Sơn Lâm nói: “Trách nhiệm của việc để rừng bị phá thuộc về chủ rừng là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa. Còn Hạt chỉ có nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc việc quản lý bảo vệ rừng và tiếp nhận các sự vụ vi phạm lâm luật…”.
Theo số liệu cung cấp từ bộ phận Pháp chế của Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa, từ đầu năm 2012 đến nay, đã phát hiện năm vụ phá rừng trên địa bàn với diện tích hơn 3,3ha. Trong đó, chỉ có một vụ mới nhất với diện tích 1,3 ha (Hạt chưa tiến hành xác minh, kiểm tra thực tế) được BQL rừng phòng hộ Đak Đoa bàn giao hồ sơ cho Hạt trước một ngày chúng tôi ghi nhận vụ việc (1-2-2012) là có chủ, còn bốn trường hợp trước đó đều là trường hợp vắng chủ. Việc rừng phòng hộ Đak Đoa bị phá một cách thản nhiên với nhiều khoảnh đồi bị san phẳng, nhưng trên số liệu thực tế từ các cơ quan chức năng nắm được mới chỉ là con số lẻ về số vụ vi phạm cũng như diện tích so với những gì chúng tôi ghi nhận.
Tình hình phá rừng phòng hộ ở Đak Đoa “nóng” là vậy, nhưng các cơ quan chức năng (xã, Hạt kiểm lâm Đak Đoa, BQL rừng phòng hộ Đak Đoa và chính quyền huyện) không hề “nóng” để tiến hành kiểm tra, tổ chức ngăn chặn tình trạng người dân triệt hạ rừng làm nương rẫy và lâm tặc ăn theo “rút ruột” rừng phòng hộ lấy gỗ.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa ghi nhận việc đồng bào tiến hành phá rừng trên địa bàn hai xã Đăk Sơmei và Hà Đông trong thời gian gần đây là có thật. Nhưng chỉ một số ít diện tích rừng phòng hộ bị phá, số còn lại thuộc rừng tái sinh, trước đây đã có đồng bào làm rẫy.?
Khi đề nghị giải thích việc nhiều cây lớn bị chặt lấy gỗ thì một cán bộ Ban quản lý cho rằng: Cây ở khu vực này không lớn, nhưng do đất ở đấy quá tốt nên cây phát triển nhanh.
Trước việc buông lỏng quản lý dẫn đến hậu quả hàng chục ha rừng bị phá trụi, lý giải cho vấn đề này ông Nguyễn Văn Thọ- Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa đã đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan: “Do lực lượng mỏng, phải quản lý diện tích rừng quá lớn đến 18.000 ha, nên không quản lý xuể. Người dân khôn khéo chọn thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán để phá rừng nên chúng tôi trở tay không kịp. Hiện chúng tôi cho tiến hành kiểm tra, xác minh và báo cáo tình hình với cấp trên để kịp thời xử lý vi phạm cũng như ngăn chặn việc phá rừng”.
Hàng chục ha rừng phòng hộ đã và đang bị phá trụi để làm nương rẫy không là con số nhỏ. Nếu vẫn cứ cung cách làm việc “đủng đỉnh” và đổ trách nhiệm như các cơ quan chức năng tại đây thì việc những cây rừng tại Rừng phòng hộ Đăk Đoa từng ngày mất đi và sẽ trở thành đồi trọc là nguy cơ diễn ra trong thời gian không xa nếu không có sự can thiệp. Nghiêm trọng hơn, khi đó rừng thuộc vùng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẽ trở thành điểm ngắm của lâm tặc vốn khao khát bấy lâu.
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?