Giá gas sẽ tiếp tục giảm
Thứ sáu, 09/03/2012 08:11

Cơ sở của đợt giảm giá này là giá gas thế giới đang có xu hướng giảm trong mấy ngày qua (khoảng 60 đô la Mỹ/tấn) và được dự báo sẽ giảm trong tháng 4.

Sức mua giảm mạnh đã khiến một số nhãn hiệu gas cũng như tổng đại lý phải giảm giá bán với mong muốn đẩy hàng tồn kho. Các nhãn hiệu hiện đã hoặc chuẩn bị áp dụng giảm giá đến thời điểm này là H gas và Pacific. H gas bắt đầu giảm 10.000 đồng/bình 12 kg từ hôm 8-3 và Pacific gas giảm từ ngày 9-3. Sau giảm giá, giá gas bán lẻ tối đa của hai nhãn hiệu trên còn lần lượt là 440.000 đồng và 450.000 đồng/bình 12 kg, thời gian áp dụng từ nay đến khi có thông báo mới.

Ông Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro), chủ thương hiệu Pacific lý giải, cơ sở của đợt giảm giá này là giá gas thế giới đang có xu hướng giảm trong mấy ngày qua và được dự báo sẽ giảm trong tháng 4. Quan trọng hơn là sức mua mặt hàng này hiện đang rất chậm, sụt giảm mạnh so với cùng kỳ nên các công ty phải khuyến mãi để đẩy hàng.

“Thời gian qua, các đại lý ở các quận vùng ven như Gò Vấp, quận 12 báo về là cứ một hai bữa lại có khách mang vỏ bình gas đến trả để lấy lại tiền thế chấp. Như vậy tức là họ đã chuyển sang loại nhiên liệu khác. Do vậy, chúng tôi hy vọng đợt giảm giá này sẽ giúp đẩy hàng, bớt người bỏ gas”, ông Tuấn nói.

Về giá thế giới, đại diện các công ty gas cho rằng, giá hợp đồng được Công ty dầu khí Saudi Arabia (Aramco) cập nhật trong mấy ngày qua đã giảm 60 đô la Mỹ/tấn so với thời điểm đầu tháng 3. Bên cạnh đó, giá gas trong tháng 4 được dự báo sẽ giảm sâu vì thời tiết tại nhiều nước châu Âu bắt đầu ấm lên, đúng như quy luật mọi năm.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại mới có 2 thương hiệu kể trên xác nhận giảm giá. Nhiều thương hiệu có thị phần lớn vẫn chưa có động tĩnh.

Nói với chúng tôi chiều 8-3, đại diện một thương hiệu có thị phần lớn ở TPHCM cho hay, đúng là giá thế giới mấy ngày qua đang giảm nhưng đơn vị này chưa tính đến phương án giảm giá bán lẻ. Bởi lẽ, mức lãi hiện nay đang ở mức thấp. Không nói cụ thể mức lãi hiện nay là bao nhiêu nhưng ông nói rằng điều này thể hiện qua việc bán hàng ít khiến tổng doanh thu bán hàng giảm, tức lợi nhuận giảm.

Nguyên nhân thứ hai khiến doanh nghiệp ngại giảm giá là do gas phải đăng ký giá. “Giảm giá thì dễ, chỉ cần báo với cơ quan đăng ký giá là được. Nhưng lỡ vừa giảm xong, giá thế giới quay đầu lên lại thì doanh nghiệp không biết giải trình thế nào trong đăng ký giá”, ông này nói thêm.

Giám đốc Công ty Kim Long, một tổng đại lý phân phối gas ở khu vực Tiền Giang và Bến Tre cho biết, các thương hiệu mà đơn vị này phân phối chưa có thông báo giảm giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh các thương hiệu cạnh tranh gay gắt và giá gas cao khiến sức mua bị sụt giảm như hiện nay thì bản thân công ty ông cũng phải tìm mọi cách để đẩy hàng. “Giá bán của chúng tôi thấp hơn mười mấy ngàn đồng so với giá công bố của các công ty”, vị lãnh đạo này nói.

Đại diện một công ty gas đầu mối cũng thông tin thêm, hiện nay các tổng đại lý ở khu vực miền Tây đang giảm từ 7.000 - 10.000 đồng/bình để đẩy hàng do trước đó đã ôm hàng quá nhiều nhưng hàng ra lại rất ít khiến tồn kho cao.

Theo đại diện công ty Kim Long, khối lượng gas bán ra của đơn vị này đã giảm từ 25-30% so với cùng kỳ khi tất cả các đối tượng khách hàng, từ người tiêu dùng lẻ đến nhà hàng, khách sạn đều tiết giảm. Dự báo, khối lượng tháng này cũng sẽ giảm thêm 25-30%. “Tính ra, chúng tôi đã bị sụt giảm đến 50 - 60% so với cùng kỳ”, ông này nói thêm.

TBKTSG
Tag: Thị trường gas , Giá gas , Kinh doanh gas , Bình ổn giá gas