Một tin nhắn nhầm, quá yêu, diện đồ ngắn đi ăn tiệc... là những lý do rất ngớ ngẩn nhưng đã khiến không ít chị em phụ nữ.
|
Phải chịu những trận đòn tơi tả thậm chí mất mạng.
Lấy chồng mà cậy chi chồng…
Chị Nguyễn Thị Hường (24 tuổi) và anh Nguyễn Văn Kiều (29 tuổi) yêu nhau 3 năm mới quyết định tiến đến hôn nhân. Cuộc hôn nhân ấy được mọi người đánh giá là đã đủ chín muồi để đem đến một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng cưới nhau xong rồi, chị mới nhận ra anh là kẻ ghen tuông đến cuồng loạn. Vì vậy, dù có 3 mặt con với nhau nhưng chị vẫn thường xuyên chịu những lời sỉ nhục và những trận đòn liên tiếp của chồng.
Đỉnh điểm là trận đòn xảy ra ngày 19/11/2013 khi một tin nhắn nhầm của một số điện thoại lạ gửi vào máy chị. Cơn ghen nổi lên, Nguyễn Văn Kiều bắt chị quỳ suốt 10 tiếng đồng hồ trong nhà.
Chưa dừng lại ở đó, hắn còn bắt chị tự dùng kéo cắt tóc, tự dùng dao lam rạch nát khuôn mặt của mình nhưng hắn vẫn chưa nguôi cơn ghen. Đây có lẽ cũng là trận đòn bạo lực cuối cùng chị phải gánh chịu suốt gần chục năm chịu đựng, khi làng xóm phát hiện và giải thoát cho chị.
Hình ảnh chị Hường bị chồng bắt cắt tóc và dùng dao lam rạch mặt khiến dư luận bức xúc một thời.
Không giống chị Hường, chị Nguyễn Thị Phương (29 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Mai (49 tuổi, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã bắt đầu cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt trước. Chỉ vì quan niệm “Con gái mà gả chồng gần - Có bát canh cần nó cũng mang cho” nên cuộc hôn nhân diễn ra như ý muốn của các cụ. Nhưng họ không biết rằng, chính họ đã đẩy con mình vào hố sâu bất hạnh.
Những cuộc hôn nhân ấy đều kéo dài từ 10 đến 20 năm và có lẽ thời gian sẽ còn kéo dài thêm nữa nếu các chị cứ tiếp tục im lặng. Cho đến khi các chị được giải thoát thì mọi người mới hiểu rằng, những người đàn bà khốn khổ này đã phải ngậm đắng nuốt cay suốt một thời gian dài.
Chị Mai với 20 năm đằng đẵng chịu cảnh bạo lực tình dục của chồng, với những cơn ghen vô cớ và thói “yêu” quái dị nên đối với chị, màn đêm là một nỗi ám ảnh kinh hoàng không tả xiết.
Có lẽ, chuyện của chị Nguyễn Thị Phương (SN 1987) là trường hợp hi hữu. Chị không thể tiếp tục sống trong những cơn bạo lực tinh thần của ông bố chồng mình. Cũng vì sợ bôi tro chát trấu vào mặt bố mẹ, chị Phương ngậm ngùi lên xe hoa khi không một chút cảm tình với anh Quang, chồng mình.
Ông Hùng, bố anh Quang, một người đàn ông ngoài 50, suốt cuộc đời chưa một lần nhúng tay vào việc gì, ngoài việc tính lô, đề và xin tiền con dâu uống rượu. Chồng đi làm xa, chị bụng mang dạ chửa, lại có con nhỏ, nhưng không ngừng phải cấp tiền cho bố chồng đều đều. Khi ông hỏi xin, nếu có tiền thì không sao, lần nào không có tiền là những lần ông không ngừng nhiếc móc, xúc phạm bố mẹ chị.
Mỗi lần vợ bị bố mắng chửi, anh Quang chỉ biết động viên vợ: “Nếu còn thương anh, xin em hãy chịu nhịn bố một chút...”. Và chỉ vì chị chịu nhịn, nên cuộc hôn nhân ấy kéo dài trong 10 năm chị cùng cực!
Ngày chị bị chính bố chồng bạo hành cũng chính là ngày chị được giải thoát khỏi những trận đòn tinh thần ám ảnh. Chỉ vì không cho ông Hùng tiền uống rượu mà chị đã bị một trận đòn như vũ bão từ chiếc điếu cày trên tay ông.
Vừa sinh con được 13 ngày, cơ thể mỏng manh của chị không chịu nổi những cú đánh như trời giáng của bố chồng, chị khuỵu xuống bất tỉnh, đến khi tỉnh dậy mới biết mình được hàng xóm đưa đến viện lúc nào không hay. Và đó cũng là ngày chị tìm về được với tự do của cuộc đời mình…
Càng nhịn càng đau
Những người đàn bà khốn khổ ấy, bây giờ, tuy miệng đã nở nụ cười, nhưng có những lúc trong ký ức chợt nhớ về, họ vẫn không khỏi rợn người khi nghĩ lại thời kỳ đen tối ấy.
Đã hai năm kể từ ngày Hường quyết định ly dị để giải thoát cho cuộc đời mình, khi tôi tìm đến nhà chị, anh Kiều, chồng Hường vừa cưới vợ mới; còn Hường vẫn đang chật vật với những tháng ngày quên đi quá khứ. Qua lời kể của anh Tiến, anh trai của Hường, tôi được biết chị đã về Hòa Bình sống cùng bố mẹ được một thời gian, tư tưởng đã thanh thản hơn nhiều. Nhưng rồi chị đã không thoát khỏi nỗi ám ảnh của những trận đòn, chị bỏ nhà đi một nơi rất xa. “Gần đây, Hường mới liên hệ với tôi qua điện thoại, nhưng không chịu nói đang ở đâu...”, anh Tiến bùi ngùi chia sẻ.
Cuộc trò chuyện qua điện thoại với Hường cho tôi hiểu rằng, những tháng ngày tăm tối trong quá khứ vẫn là những ám ảnh trong giấc ngủ của chị mỗi đêm: “Em không muốn ở nhà, vì bố mẹ thấy em vậy thì xót xa lắm. Mỗi đêm, cứ đặt lưng xuống, em lại ám ảnh chuyện cũ, hình ảnh mái tóc bị cắt cụt, khuôn mặt bị rạch bao nhiêu vết dao lam... Em sợ mà không thể chợp mắt chị ạ...”.
Dù đã được giải thoát, nhưng những ký ức trong tâm hồn mãi là vết dao ám ảnh trong chị. Người đàn ông phụ bạc kia đã nhanh chóng tìm cho mình bến đỗ mới, nhưng phận đàn bà bạc bẽo đâu dễ gì quên đi được những sự việc đã qua.
Thời gian này, chị coi thuốc an thần là bạn, vì tâm lý của chị đang bị suy sụp nghiêm trọng. Những đêm dài triền miên thức trắng khiến chị gầy sọp đi, trong giọng nói chứa đầy sự mệt mỏi và phiền não. “Em sợ lắm, sợ khi màn đêm buông xuống, sợ khi cơ thể mệt nhoài, muốn thiếp đi mà vừa nhắm mắt là ký ức khủng khiếp ấy cứ lởn vởn trong đầu”, chị Hường òa lên trong điện thoại.
Đôi mắt thăm thẳm nhìn xa xăm, chị Phương mỉm cười nhẹ nhõm. Hiện tại, chị đang sống cùng mẹ đẻ, những tháng ngày tăm tối đã qua, nhưng trong đầu chị chưa một phút nguôi ngoai về ký ức. “Suốt thời gian em về nhà ngoại, bố mẹ chồng đặt điều nói xấu em đủ thứ. Suốt mấy tháng trời, em không bước chân ra ngoài, người đời nhìn mẹ con em như kẻ mắc hủi vậy. Em chỉ nghĩ đến bến sông, chẳng lẽ ôm con ra đó trẫm mình cho nhẹ nhõm”, chị Phương nghẹn ngào.
Dù tôi thấy nụ cười đã nở nhiều hơn trên môi chị Mai, nhưng khi chợt nghĩ về chuyện cũ tôi lại rợn người..., bởi nó khủng khiếp quá. “Đôi lúc những câu nói của chồng tôi với tôi vẫn văng vẳng bên tai: “Mày đẹp mày đi ra đường chúng nó lại thích mày, tao làm sao mà chịu nổi. Mày không phải đi làm gì, ở nhà làm ruộng với tao, tao yêu mày lắm”. Những lúc ấy, gai lưng của tôi lạnh toát và tinh thần lại suy sụp nghiêm trọng, tôi lại phải uống thuốc an thần”, chị Mai nói.
Xưa nay, chị em phụ nữ luôn được gắn cho cái mác là những người đàn bà giỏi chịu đựng. Câu nói ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, nên khi bị người khác đánh đập, chửi mắng thậm tệ, họ chỉ biết nín nhịn. Cũng chỉ vì tư tưởng: “Một điều nhịn là chín điều lành”, cho nên dưới những trận đòn roi, nạt nộ, họ âm thầm gánh chịu một mình. Đó có lẽ là một sai lầm lớn nhất của người phụ nữ…
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Việt Hà (công ty Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn) cho biết: “Vẫn biết trong đời sống vợ chồng, tình dục đóng vai trò rất quan trọng, gắn kết tình cảm, nhân lên hạnh phúc, nhưng nó phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tôn trọng nhau. Những hành vi ép buộc, bạo hành, cố tình xâm hại đều gây tác dụng ngược, nạn nhân ngoài việc đau đớn thể xác, còn tổn thương tinh thần khi liên tục bị biến thành “trò chơi” trong cuộc “ân ái”. Lâu dần, bạo hành tình dục sẽ là nỗi khiếp đảm, ám ảnh, từ đó hạnh phúc gia đìnhdần rạn nứt”.
90% trong số phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ
Tại Hội thảo Đại biểu Quốc hội với chính sách chăm sóc sức khỏecho nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ), ngày 12/11, bà Vũ Song Hà - chuyên gia giới của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) - cho biết: Nhiều phụ nữ bị bạo hành không dám đi ra khỏi nhà vì sợ xấu hổ, sợ mất con, sợ bị trắng tay và sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử… Tất cả điều đó là rào cản khiến 90% trong số phụ nữ bị BLGĐ không tìm kiếm sự giúp đỡ và 50% không dám nói với ai. Họ lo ngại có nguy cơ bị chính người được nghe cho rằng đó là lỗi của họ.
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?