Gameshow truyền hình: Gồng mình để sớm trở thành 'Sao'
Thứ tư, 01/10/2014 08:35

Thể hiện bài hát quá tuổi, đối đáp “khôn ngoan”, thí sinh “nhí” của một số chương trình gameshow truyền hình đang phải gồng mình thực hiện ước mơ sớm trở thành “sao".

Gồng mình để sớm thành 'sao'

Gồng mình để sớm thành 'sao'

Không khó để nhận thấy, ở các gameshow dành cho thiếu nhi trên truyền hình hiện nay như: “Đồ rê mí”, “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, không ít thí sinh bị người lớn “nhào nặn”, “lập trình” hát những bài hát quá sức đối với trẻ.

Bắt trẻ hát những bài đầy triết lý

Sự hồn nhiên, ngây thơ của các em đã bị người lớn “đánh cắp”. Thay vào đó, các em phải “già” trước tuổi từ phong cách biểu diễn tới việc hát những bài không phù hợp. Có bé 4-5 tuổi, nói tiếng Việt chưa sõi hẳn đã phải hát tiếng anh, hay những bài dân ca vượt quá sự hiểu biết. Các bé hát như được “lập trình” để rồi không hiểu bài hát ấy có nghĩa gì. Tại “Đồ rê mí”, “chú Cuội” Xuân Bắc hỏi: “Con có biết cái bài Ngựa Ô con vừa hát đó mang âm hưởng của làn điệu dân ca nào không?” Bé hồn nhiên: “Dân ca quan họ ạ!”. “Thế con có biết ngựa ô lông nó màu gì không?”. “Dạ, lông nó màu vàng ạ!”. Cách đây không lâu, một diva Việt cũng bày tỏ: “Các con thi Đồ rê mí mà cứ như các cụ đi họp. Lỗi tại người lớn thích cái gì lên hình cũng phải tròn trịa, hoàn mỹ; sợ nhiều thứ quá, bắt trẻ con khổ theo. Các bé bị diễn gồng quá, mất đi sự trong sáng, ngây thơ”.

Người xem thấy tội cho các thí sinh phải gồng mình làm người lớn trong những ca khúc mà có thể các em còn chưa hiểu hết nội dung. Cuộc thi âm nhạc dẫn đầu tranh cãi về việc chọn bài cho thí sinh có lẽ là chương trình “Giọng hát Việt nhí”. Các bé sún răng, “nổi gân cốt” thể hiện những tác phẩm như: “Xa khơi”, “Việt Nam quê hương tôi”, “Huyền thoại hồ Núi Cốc”, “Giấc mơ Chapi”, “Làng lúa làng hoa”, “Dòng máu Lạc Hồng”, “Khúc hát sông quê” … đến những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như “Cát bụi”…

Vì không “cảm” được ý nghĩa các em (tuổi 9-13) hát không có hồn, các hát càng đuối, “lọt thỏm” giữa rừng đạo cụ. Huấn luyện viên Hồ Hoài Anh từng thốt lên: “Ở lứa tuổi hồn nhiên của mình, các con phải hát những ca khúc đề tài này cũng là điều quá sức với các con. Ở tuổi của các con, có lẽ các con không thể hiểu được ý nghĩa của các ca khúc ấy đâu. Có những người đi dến cuối đời có khi còn không hiểu được hết…”(!).

gong-minh-de-thanh-sao-3

Hai bé Thiện Nhân và Mai Chí Công nắm tay thể hiện ca khúc "người lớn" Thương nhau lý tơ hồng” (ảnh minh họa)

Dáng điệu gợi cảm như người lớn thể hiện “tài năng vượt trội”

Dường như ban tổ chức, các huấn luyện viên, gia đình muốn cho các con nhanh chóng phát huy “tài năng” nên cố ép các bé hát bài người lớn để “hơn người”. Nghe các trẻ nhăn nhó, đau khổ thể hiện cảm xúc như người lớn, không ít khán giả tự hỏi, liệu đây có thực là cuộc thi dành cho các em thiếu nhi?

Không chỉ hát, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, Vũ điệu tuổi thơ mùa đầu tiên đã không tránh khỏi những phàn nàn vì “gợi cảm hóa” thí sinh. Sự mềm mại, dẻo dai là tính chất của các điểu nhảy như Dance Sport, Belly Dance… Nhưng điều đang nói là các em lại bị thêm thắt vào những cử chỉ, động tác uốn éo, thậm chí có phần khêu gợi, “gợi cảm” như người lớn.

Trong giây phút công bố kết quả của chương trình “Giọng hát Việt nhí” vừa qua, Quỳnh Anh và Đoàn Minh Tài đã khóc từ sân khấu vào hậu trường khi biết mình bị loại. Chứng kiến cảnh bé Quỳnh Anh gầy gò, mắt đỏ và sưng húp, mệt lả, sắp ngất vì khóc, không ít người chạnh lòng xót xa về những hậu quả xấu có thể xảy ra với em.

Đây không phải là lần đầu tiên trẻ khóc sướt mướt, rũ rượi sau mỗi đêm thi. Trước đó, trong chương trình “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, khi biết mình bị loại, bé gái 8 tuổi Phương Trinh cũng bất ngờ thét lên và khóc òa. Cả đội phải vây quanh Trinh để an nủi, động viên nhưng cô bé càng khóc to hơn trên sân khấu.

gong-minh-de-thanh-sao-2

 Việc bình chọn và loại các thí sinh “nhí” là màn các em bị “tra tấn” tâm lý nặng nề nhất. (ảnh minh họa)

Việc “câu giờ” nói vòng vo quyết định loại một trong hai thí sinh của huấn luyện viên khiến các em co rúm, khuôn mặt căng thẳng đến tội nghiệp. Điều đáng lo hơn nữa là vào các vòng loại, quyết định của các huấn luyện viên hay các đối xử của Ban tổ chức sẽ không ít lần làm tổn thương thí sinh “nhí”, vốn dễ mau nước mắt và dễ buồn.

Chưa kể tới sự “tâng bốc” trẻ của các gameshow “nhí” khiến khán giả “gai người”. Những nhận xét theo kiểu “giọng hát của em quá tuyệt vời”, “về đội của chị, em sẽ là viên ngọc quý nhất”, “chúng tôi khao khát có được em”…, dễ làm các em ngộ nhận về tài năng của mình. Sự lầm tưởng về tài năng có thể dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và sự phát triển. Nó có thể làm thui chột, làm méo mó sự ngây thơ, trong sáng và năng khiếu của trẻ. Với tâm lý “ăn thua”, các phụ huynh, các thầy dạy nhạc luôn cố gắng chọn những bài mới, khó để các con dễ ghi điểm cao, tạo ấn tượng. Để thu hút doanh thu quảng cáo, thu hút người xem, người làm chương trình chẳng dại gì mà “ngăn cản’.

Đành rằng, gameshow là bệ phóng lý tưởng cho những tài năng âm nhạc “nhí”, song ai có thể dám chắc những đàm tiếu bủa vây từ dư luận không trở thành gánh nặng với những tâm hồn non nớt và trở thành nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời các em. 

Thùy Dương (Văn Hóa) - Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Thi sinh nhi uoc mo thanh sao , giong hat Viet nhi , tuoi tho , thieu nhi , tin , bao.