Việc thần thánh hóa một trận đấu là điều rất bình thường của văn hóa thưởng thức bóng đá. Bất cứ ai yêu bóng đá sẽ tự có cảm xúc mãnh liệt trước những trận đấu lớn.
|
1. Hôm qua, cựu đội trưởng Juan Carlos Perez Lopez của Barcelona qua đời ở tuổi 67. Không phải một tượng đài, nhưng với 163 trận tại La Liga trong màu áo Barca, đeo băng thủ quân trong mùa giải 1973/74 (khi “thánh” Johan Cruyff mới đến Nou Camp), Juan Carlos vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng NHM xứ Catalan.
Real - Barca đang được thần thánh hóa. Ảnh Internet
Có một chi tiết đặc biệt liên quan đến Juan Carlos: ông đã đeo băng đội trưởng trong lần đầu tiên Barca đánh bại Real Madrid 5-0 ngay tại Bernabeu, chiến thắng đậm nhất dành cho đội khách của trận El Clasico cho đến lúc này. Chính chi tiết ấy làm nên một vụ ồn ào nhỏ của ngày hôm qua.
Tờ Sport, nhật báo có tiếng của Tây Ban Nha thân Barca giật tít: “Người đội trưởng của trận thắng đầu tiên 5-0 trước Real qua đời”. Độc giả của Sport nổi trận lôi đình: thế nào mà một con người đã sống 67 năm trên đời, đã cống hiến cho Barca nhiều như thế, đến ngày chết đi tiêu đề của bài thông báo lại chỉ có cái trận thắng 5-0 kia thôi?
“Chúa ơi, có người chết, thế mà họ còn phải lôi Real Madrid vào” – những lời bình luận xôn xao giận dữ.
2. Bia mộ của Juan Carlos Perez Lopez chắc chắn sẽ không ghi rằng ông là thủ lĩnh của trận thắng 5-0 trước Real. Có thể sẽ là một người cha, người chồng tốt, hoặc nếu có nhắc đến bóng đá cũng sẽ chỉ là một cầu thủ tận tụy.
Bài viết bị lên án của Sport không đáng gọi là một scandal, nhưng nó đáng là một bằng chứng cho thấy mối thù giữa Real và Barca có thể hủy hoại tâm trí người ta ghê gớm thế nào. Người chết cũng không được… chết cho đàng hoàng, mà trở thành một thứ vụn vặt tô điểm cho cái gọi là El Clasico.
Văn hóa câu khách của báo chí phương Tây là một chủ đề hay, nhưng có lẽ sẽ phải để dành ở một nơi khác. Cái cần quan tâm ở đây là El Clasico có xứng đáng trở thành thứ khiến người chết không yên như thế không?
Kẻ thực dụng Mourinho có lẽ sẽ bảo không. Thắng một trận đánh không có nghĩa là thắng một cuộc chiến. Ông đã thua El Clasico, nhưng vẫn giữ được ngôi đầu bảng La Liga.
Pep Guardiola chắc cũng không phải mẫu người đến đám ma nhà người ta để nói chuyện về El Clasico. Trước trận lượt đi giữa 2 đội tại La Liga hồi tháng trước, ông bảo rằng “giải cứu kinh tế của khu vực đồng euro còn quan trọng hơn El Clasico”. Rồi ông nói rằng với trách nhiệm của một đội bóng lớn, Barca cần thắng tất cả các trận, mà El Clasico chỉ là một trong số đó.
Với cuộc đua thể thao, El Clasico không phải là gì ghê gớm. Với cuộc sống, nó lại càng chẳng là gì. Ý nghĩa lớn nhất của trận đấu ấy, chỉ là một cuộc trình diễn bóng đá có chất lượng cao.
3. Việc thần thánh hóa một trận đấu là điều rất bình thường của văn hóa thưởng thức bóng đá. Bất cứ ai yêu bóng đá sẽ tự có cảm xúc mãnh liệt trước những trận đấu lớn.
Nhưng nếu so sánh cả ý nghĩa nhân văn lẫn thể thao, thì El Clasico chưa đến tầm của một trận vòng 1/8 World Cup. Những quy kết về cánh hữu (Real) và cánh tả (Barca) cũng đã mang màu sắc cường điệu. Cái định danh “Kinh điển” cũng có phần cường điệu. Năm nào nó cũng diễn ra, đôi khi chẳng để giải quyết vấn đề gì.
Trước một trận El Clasico, khi cảm xúc lại lên cao, có lẽ cần làm hơi ngược đời và nhắc nhau rằng: đó cũng chỉ là một trận đấu. Đẳng cấp thể thao chưa thể được phân định ở đây. Chuyện sống chết của đời người cũng chẳng ở đây.
Và nếu ở một kênh khác có các nguyên thủ đang họp về việc giải cứu kinh tế thế giới, Guardiola cũng khuyên bạn nên chuyển kênh.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?