Đua lấy bằng Anh văn quốc tế từ tiểu học
Thứ sáu, 08/03/2013 15:18

Mong muốn con lấy chứng chỉ Anh văn Cambridge, văn bằng được thế giới công nhận, nhiều phụ huynh bậc tiểu học ở TP HCM sẵn sàng chi tiền cho con học ngoại ngữ.

Các bậc cha mẹ học sinh tiểu học tốn một khoản tiền không nhỏ mua cả chục cuốn sách ôn luyện cho con lấy chứng chỉ Anh văn quốc tế, giá mỗi cuốn khoảng hơn 100 nghìn đồng. Ảnh: Hương Giang.

Các bậc cha mẹ học sinh tiểu học tốn một khoản tiền không nhỏ mua cả chục cuốn sách ôn luyện cho con lấy chứng chỉ Anh văn quốc tế, giá mỗi cuốn khoảng hơn 100 nghìn đồng. Ảnh: Hương Giang.

Nhắc tới quãng thời gian xin học cho con, chị Thanh Hiền (quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn tự hào khi đã sát ngày khai giảng, chị vẫn chuyển cho con sang một trường ở quận 1 vì ở đó có chương trình dạy tiếng Anh tăng cường.

Cả TP HCM chỉ có 172 trong tổng số 492 trường tiểu học (chiếm 39,9%) tổ chức dạy tiếng Anh tăng cường do đáp ứng đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất... Tại những trường này, ngay đầu lớp 1, phụ huynh có quyền đăng ký cho con vào lớp tăng cường để các em được học 8 tiết tiếng Anh/tuần, khác với lớp học tiếng Anh tự chọn hay học theo chương trình tiếng Anh của Bộ GD&ĐT chỉ có 4 tiết. Vào cuối lớp 2, các em sẽ dự thi chứng chỉ Starters của đại học Cambridge, nếu đạt yêu cầu mới được học tiếp lớp 3.

Vì số lớp tăng cường tiếng Anh không nhiều trong khi nhu cầu lớn nên ngay từ khi con còn nói tiếng Việt chưa sõi, phụ huynh đã bắt đầu cho con đua học tiếng Anh.

Chị Hiền thừa nhận, nhà không mấy khá giả nhưng phải thắt chặt chi tiêu để con được học tiếng Anh theo "chuẩn quốc tế” từ nhỏ. Sợ con không thể vượt qua được kỳ thi lấy chứng chỉ Starters, ngoài học trên lớp, chị còn cho cậu con trai 6 tuổi đi học thêm ở trung tâm. "Thấy mọi người không cho con học thêm cô giáo thì cũng đi học trung tâm, con mình mà không đi học e thi không đạt, bị loại vào lớp thường thì thiệt thòi cho cháu...”, chị Hiền chia sẻ.

Mỗi tháng, chị Hiền mất khoảng 2,5 triệu đồng tiền học cho trung tâm tiếng Anh và vài trăm nghìn tiền giáo trình, sách vở học thêm. Trong khi đó, tiền học phí và tiền ăn, tiền học các môn năng khiếu, tiếng Anh… ở trường tiểu học chỉ mất khoảng trên dưới một triệu đồng/tháng. "Cho dù trường đã dạy 8 tiết/tuần nhưng cũng khó có thể giúp con thi Starters đạt điểm tốt. Thấy tiếng Việt cháu còn chưa rành, giờ đốc thúc cho học tiếng Anh, tôi thấy phiêu lưu quá nhưng không thế không được”, chị Hiền thú thật.

Cũng như chị Hiền, nhiều gia đình ở TP HCM dành ra khoảng trăm triệu đồng cho việc học tiếng Anh của con trong bậc tiểu học. Chỉ tiêu đặt ra là sau khi học hết lớp 2, các bé phải lấy được chứng chỉ Starters, học xong lớp 4 phải có chứng chỉ Movers mới được chọn vào lớp 5 tiếng Anh tăng cường. Và sau khi học xong lớp 5, các em phải có chứng chỉ Flyers để vào được lớp 6 tiếng Anh tăng cường.

Anh Tiến Hùng, tiến sĩ từng đi học nước ngoài về cũng đang cùng con đua lấy chứng chỉ Cambridge nói: “Việc đầu tư cho con học tiếng Anh từ nhỏ rất cần thiết. Khi có tiếng Anh thì việc đọc tài liệu của thế giới và đi du học sẽ dễ dàng hơn". Anh cũng thừa nhận, ở nước ngoài, nhất là các nước phát triển, trẻ con sướng, học ít hơn. "Ở nước họ không lo thất nghiệp, lúc ốm đau đã có phúc lợi xã hội, dân số ít, người ta có đủ điều kiện chăm lo cho học sinh. Còn ở nước mình, không học từ bé cho giỏi lớn lên là chết, là nghèo, là không có việc làm tốt", anh nói.

Chứng chỉ Anh văn quốc tế Starters của một học sinh lớp 2 đạt điểm tuyệt đối (15 khiên). Để có chứng chỉ này, em đã phải học thêm ở trung tâm và tự ôn luyện rất nhiều. Ảnh: Hương Giang.

Mỗi tuần anh Hùng cho con đi học thêm tiếng Anh vào 3 buổi tối từ 17h30 đến 19h. Những hôm này, anh chấp nhận để con bỏ qua các môn Toán, tiếng Việt... “Thấy cháu mệt, tôi cũng xót lắm chứ. Ai mà chẳng muốn sướng, nhưng cả xã hội đang đua mà chẳng lẽ mình dừng cuộc”, anh bộc bạch.

Người đàn ông này cho hay, dù đã chi khoảng 30 triệu đồng cho mỗi năm học ngoại ngữ của con ở trung tâm tốt, nhưng thấy lớp khá đông, sợ không hiệu quả, anh dự định mời giáo viên đến dạy kèm tại nhà, sẵn sàng trả cao hơn. "Khi còn lớp tiếng Anh tăng cường thì phụ huynh còn mơ ước cho con vào đó, còn thi là còn đua", anh Hùng nói

Anh David Warriner, người bạn đến từ nước Anh của anh Hùng lắc đầu khi nghe lịch học tập của cậu bé lớp hai. "Tôi thấy thương học sinh Việt Nam quá. Ở Anh trẻ tiểu học học rất nhẹ nhàng, thời gian đi học từ 9h đến 15h, sau đó chơi thể thao. Đồng ý là học tiếng Anh rất hữu ích và cần thiết, nhưng liệu ngành giáo dục có cách nào để không còn thi cử, tránh áp lực cho các em nhỏ?", anh Warriner nói.

Một giáo viên dạy lớp tăng cường tiếng Anh cho biết, sau khi trúng tuyển không phải em nào cũng đủ sức học tốt. Nhiều em ở lớp 3 đã bắt đầu đuối với hai môn Toán và tiếng Việt. Cũng có em theo không nổi, phải chuyển qua học lớp thông thường.

* Trước năm 2010, để được chọn vào lớp 1 tiếng Anh tăng cường, học sinh phải thi tuyển, tuy nhiên điều này dẫn tới việc luyện thi tiếng Anh từ mẫu giáo gây bức xúc dư luận. Từ năm 2010, Sở Giáo dục TP HCM quy định, phụ huynh nào cũng có thể đăng ký cho con học lớp tiếng Anh tăng cường, tuy nhiên, do mỗi trường chỉ có vài lớp nên sau năm lớp 2 thì phải chọn lọc học sinh bằng kỳ thi.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học TP HCM cho biết, nếu tổ chức kỳ thi loại thông thường thì lập tức có tiêu cực. Do vậy, Sở quyết định dùng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cho công bằng, không còn tình trạng quen biết, gửi gắm nữa.

Chứng chỉ Starters, Movers và Flyers do Hội Đồng Khảo Thí Tiếng Anh ĐH Cambridge tổ chức thi và cấp bằng dành cho học sinh từ 7 đến 12 tuổi, được công nhận trên 160 quốc gia. Starters dành cho thí sinh từ 7 tuổi với khoảng 100 giờ học tiếng Anh. Movers dành cho thí sinh 7-11 tuổi đã hoàn tất khoảng 175 giờ học tiếng Anh. Flyers dành cho thí sinh 9-12 tuổi đã hoàn tất khoảng 250 giờ học tiếng Anh.

PLTP

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Giáo dục tiểu học , Học Tiếng Anh , Anh văn , Học ngoại ngữ