Trước khi có chiến dịch 'giải cứu' dưa hấu rầm rộ suốt nửa tháng qua, một số thương lái đã ép nông dân Đại Lộc bán dưa từ 4.000 đồng xuống còn 1.000 đồng/kg.
|
Đến ngày 16/4, hàng chục tấn dưa của nông dân huyện Điện Bàn và Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã được bán hết với giá từ 2.800 đến 3.000 đồng/kg.
Thương lái lợi dụng mưa lũ, ép giá người trồng dưa
Cuối tháng 3 vừa qua, cơn lũ trái mùa bất ngờ tràn về lúc đêm khuya khiến hàng chục hecta dưa hấu của nông dân huyện Đại Lộc chìm trong biển nước. Hơn 100 ngày vất vả chăm dưa, bao công sức của người dân bị cuốn theo dòng nước xiết.
Cuối năm 2014, hai nông dân Dương Mỹ và Phạm Trong (cùng ở thôn Thượng Phước, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) góp gần 50 triệu đồng trồng hơn 2 mẫu dưa hấu. Cần cù chăm sóc suốt hơn 3 tháng, họ hồ hởi vì vườn dưa cho trái rất nhiều. Tuy nhiên, lũ tràn về bất ngờ, toàn bộ ruộng dưa bị lũ cuốn trôi.
"Khi lũ rút, tôi ra ruộng thì chỉ còn lác đác vài chục quả nằm sót lại do bị mắc kẹt. Những gia đình khác còn vớt vát được chút ít, chứ chúng tôi thì mất trắng", ông Mỹ xót xa kể.
Lũ trái mùa về bất ngờ, nhiều người trồng dưa rơi vào cảnh trắng tay.
Ảnh: Đoàn Nguyên.
Cùng chung hoàn cảnh, ông Bùi Xuân Quán cho hay, cuối tháng 11/2014, ông vay mượn khắp nơi được hơn 15 triệu đồng mua phân, giống về trồng dưa. Gần đến ngày thu hoạch, hơn một sào dưa bị lũ cuốn trôi. Tuy nhiên, ông may mắn thu hoạch được chỗ khác do lũ chưa đến nơi.
"Sợ lũ tiếp tục xảy ra, gia đình hái hơn 1 tấn chất trong nhà. Thương lái thấy vậy nên ép giá chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg", ông Quán nói. Nông dân này cho biết, thương lái đánh đồng dưa chất lượng bình thường với dưa bị ngập nước để ép người nông dân bán với giá thấp.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Lộc, trong đợt lũ bất thường vừa qua, toàn huyện có gần 90 ha dưa bị úng ngập. Đặc thù cây dưa hấu là khi ngấm nước lũ sẽ thối toàn bộ. Vì thế, dù diện tích trồng loại quả này không bằng các hoa màu khác nhưng thiệt hại về kinh tế rất lớn.
Sau đợt lũ, một số vùng trồng dưa huyện Đại Lộc không bị ảnh hưởng nhưng các thương lái “quy” hết thành dưa bị ngập. Những người này ép giá từ 4.000 đồng xuống còn hơn 1.000 đồng/kg. Vì vậy, phần lớn số dưa người dân "cứu" kịp không tiêu thụ được. Trước tình cảnh đó, hàng loạt các CLB, hội thiện nguyện... đã cùng chung tay bán giúp bà con.
Tình người mùa "dưa đắng"
Suốt hơn hai tuần qua, “chiến dịch” giải cứu dưa hấu Quảng Nam đã diễn ra sôi động với sự tham gia góp sức của rất nhiều người, các tổ nhóm, câu lạc bộ tình nguyện... Một số cá nhân từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An đã tổ chức cả mạng lưới bán dưa hấu vùng lũ. Giá thu mua của các nhóm này cao hơn thương lái.
Chia sẻ với những khó khăn của người nông dân, nhiều tổ chức, cá nhân
ở Hà Nội vào Quảng Nam mua dưa cho nông dân với giá cao hơn
so với thương lái. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Đại diện CLB từ thiện cháo Quảng Nam cho biết, đã cùng với CLB Đà Nẵng trao 480 triệu đồng cho nông dân hai huyện Điện Bàn và Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) sau cuộc vận động “Bán nông sản giúp bà con nông dân vùng ngập lũ”.
Sau hơn hai tuần phát động, với sự chung tay đồng loạt của các CLB, 282 tấn dưa hấu (huyện Đại Lộc 147 tấn, huyện Điện Bàn 135 tấn) đã được bán hết. Hơn 840 triệu đồng cũng được thu về cho người trồng dưa ở vùng lũ Quảng Nam.
“Dưa đã được bán hết, bà con chúng tôi vui lắm. Rất cảm ơn các cháu trong các CLB từ thiện đã không ngại vất vả giúp bà con nông dân vùng lũ chúng tôi bán dưa”, ông Trịnh Văn Mười (người dân xã Đại Quan, huyện Đại Lộc) hồ hởi nói.
Là một trong số hàng chục hộ dân ở xã Đại Hòa may mắn thoát khỏi cảnh tay trắng, bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền nói, 2 trên 5 sào dưa của gia đình bà bị lũ nhấn chìm. Lũ đi qua, số dưa hái được về chỉ 1,5 tấn. Trong lúc bà đang tính bán cho thương lái 1.000 đồng/kg, một số cá nhân ở Hà Nội vào hỏi mua giá 2.800 đồng/kg. Sau khi cân nhắc, bà cùng với nhiều người khác đã đồng ý bán dưa cho người này.
Ông Nguyễn Ra khẳng định, ở thôn Thượng Phước không có người dân nào
bán dưa với giá dưới 2.800 đồng/kg. Ảnh: Đoàn Nguyên.
"Chỉ trong vòng hai ngày, hàng chục tấn dưa của các hộ dân được người ở Hà Nội mua hết. Với giá 2.800 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí, chúng tôi hòa vốn. Bị lũ trái mùa dồn về mà vẫn may mắn bán được với giá như thế là tốt rồi", bà Huyền nói.
Trước đó, trên một số diễn đàn, phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin có người mua dưa của dân với giá rẻ dưới 1.000 đồng/kg và bán lại giá cao ở Hà Nội dưới danh nghĩa từ thiện. Trao đổi với Zing.vn, nhiều lãnh đạo thôn, xã và huyện Đại Lộc đều bác bỏ tin này.
"Tôi khẳng định, những người thiện nguyện đến thôn này mua với giá từ 2.800 đến 3.000 đồng/kg dưa hấu. Họ mua cao hơn thương lái nên chúng tôi bán. Còn về Hà Nội, những người này bán với giá bao nhiêu, chúng tôi không biết", ông Nguyễn Ra - trưởng thôn Thượng Phước, xã Đại Hòa - nói.
Ông Ra cũng cho rằng, trong cách nhìn của bà con nông dân, người mua dưa đã giúp họ thoát cảnh trắng tay sau đợt lũ.
Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài
- Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất nhì thế giới, nguyên nhân do đâu?
- Vợ Quang Hải - Chu Thanh Huyền tiết lộ mối quan hệ với mẹ chồng, thân thiết như chị em
- Hình ảnh hiếm thấy của Cường Đô La khi vắng bóng Đàm Thu Trang
- Bỏ đếm giây đèn tín hiệu, nâng mức xử phạt vượt đèn đỏ lên 20 triệu đồng, nhiều người lo lắng, cục CSGT lên tiếng
- Virus HMPV là gì? Virus đang lây lan bệnh hô hấp tại Trung Quốc có nguy hiểm như Covid-19?
- Lừa đảo cận Tết ngày càng tinh vi, chủ tài khoản ngân hàng cần làm ngay việc này để tránh bị 'bay' sạch tiền
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày nào?
- Khu đô thị nào có giá cao nhất Hà Nội, lên tới 113 triệu đồng/m2?
- Từ nay ai dùng căn cước công dân theo cách này có thể bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng
- Cầu thủ Nguyễn Xuân Son là ai? Cơ duyên nào đưa Nguyễn Xuân Son đến với đội tuyển Việt Nam?
- Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?