Đũa dùng một lần chứa lưu huỳnh chống mốc
Thứ ba, 25/09/2012 08:34

Kết quả kiểm nghiệm đũa sử dụng một lần lấy mẫu cho thấy, nước ngâm chiếc đũa có chứa hàm lượng lưu huỳnh với nồng độ 60mg/lít.

Do tiện lợi, nhiều quán ăn cho khách sử dụng đũa ăn một lần.

Do tiện lợi, nhiều quán ăn cho khách sử dụng đũa ăn một lần.

Các chuyên gia cho rằng, kết quả này chứng tỏ lưu huỳnh được sử dụng vào mục đích thương mại, cụ thể là chống mốc. Tuy nhiên, mức độ độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người còn nhiều điều đáng bàn.

Nước vàng, mùi hắc và lưu huỳnh

Thời gian qua, PV đã nhận được phản ánh của nhiều độc giả bày tỏ lo lắng về đũa dùng một lần có thể chứa hóa chất gây tác động đến thực phẩm và sức khoẻ người dân. Loại hóa chất nhiều người đồn đoán được sử dụng trong quá trình bảo quản đũa là lưu huỳnh. Với cách làm việc khách quan, khoa học, ngày 12/9, phóng viên đã mua túi đũa dùng một lần gồm 50 đôi đũa bán tại tiệm tạp hóa ở chợ Pháo Đài Láng (Hà Nội) để đưa đi xét nghiệm.

Túi đũa được đóng trong bao bì bằng nilon mỏng theo từng đôi. Ngoài tên T.A cùng một vài hoa văn đơn giản, trên bao bì không có bất kỳ thông tin gì về địa chỉ cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng... Khi bóc bao bì, bằng cảm quan, phóng viên nhận thấy đũa màu trắng vàng, ngửi có mùi tre non lẫn mùi hắc nhẹ. Thân đũa không có dấu hiệu mốc, bẩn.

Quy trình làm mẫu xét nghiệm tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam được thực hiện như sau: Lấy 15 đôi đũa ngâm cùng 1,5 lít nước cất trong vòng 6 giờ ở nhiệt độ thường. Mẫu nước chiết có màu vàng nhạt, thoảng mùi tre ngâm. Dịch chiết được chuyển đến phòng thí nghiệm phân tích thuộc Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Chỉ tiêu xét nghiệm là lưu huỳnh tổng, tức bao gồm đồng thời 3 dạng lưu huỳnh là sunfit (SO32-), sunfat (SO42-) và sunfua (S2-). Chỉ tiêu này nhằm xác nhận sự có mặt của các hợp chất lưu huỳnh trong đũa ăn.

Kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng lưu huỳnh tổng trong nước ngâm chiết đũa là 60mg/lít, tương đương 60ppm. Điều này khẳng định: Lưu huỳnh đã được sử dụng trong qui trình sản xuất loại đũa ăn dùng một lần này.

Không gây độc

Phân tích về lý do sử dụng lưu huỳnh nhằm mục đích chống nấm mốc, ThS Trần Quốc Tuấn, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nấm mốc phát triển từ các bào tử nấm trên đũa trong môi trường ẩm (do đũa làm từ tre non). Các bào tử nấm mốc có mặt trên đũa thông qua hai con đường là có sẵn trong tre hoặc xâm nhập từ không khí bên ngoài. Nếu trong quá trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh, không diệt hết bào tử hay bao bì bảo quản không tốt sẽ tạo điều kiện cho các bào tử phát triển nhanh, đồng nghĩa với việc đũa sẽ bị mốc nhanh hơn.

Để loại trừ bào tử nấm mốc, người sản xuất có thể sử dụng nhiều cách như sấy khô tre đũa, sử dụng hóa chất... Trong đó, phương pháp sấy khô tre rất ít được áp dụng với sản phẩm rẻ tiền như đũa ăn dùng một lần với giá khoảng 100 - 300đ/đôi. Bởi tre non khá ẩm làm cho quá trình sấy sẽ diễn ra rất lâu, khi sấy tre bị cong, vênh; chi phí mua lò sấy và tiền nhiên liệu cao... Nhằm tiết kiệm chi phí, sản xuất nhanh người ta thường áp dụng cách sử dụng hóa chất. Lưu huỳnh là chất có thể được sử dụng bởi giá thành rẻ, dễ mua, cách làm đơn giản...

Sử dụng lưu huỳnh để diệt bào tử nấm mốc dựa trên nguyên lý: Đốt lưu huỳnh trong không khí (S + O2 = SO2) tạo thành khí sunfuarơ, dùng khí sunfuarơ để khử khuẩn. Tuy nhiên, khi xông hơi đốt lưu huỳnh, quá trình diệt bào tử nấm mốc chỉ có tác dụng trên bề mặt, không đi sâu vào thớ tre nên sau một thời gian dài đũa vẫn có thể xuất hiện nấm mốc.

Trước lo lắng về việc tồn dư lưu huỳnh trên đũa có thể gây độc cho người sử dụng, các chuyên gia viện Hóa học công nghiệp Việt Nam khẳng định, việc đốt lưu huỳnh xông khói diệt bào tử nấm mốc không có hại cho người dùng. Bởi sau khi xông lưu huỳnh, khí SO2 tồn dư trên đũa dưới dạng SO32- hòa tan sẽ dễ dàng bị phân hủy ở ngay điều kiện bình thường. Có thể phát hiện ra mùi đặc trưng của đũa sau khi xông hơi đốt lưu huỳnh là mùi hắc nhẹ.

Kết quả mẫu đũa do phóng viên xét nghiệm tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam.

Kết quả mẫu đũa do phóng viên xét nghiệm tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam.

"Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên lựa chọn đũa ăn một lần như sau: Bao bì bảo quản đũa không rách thủng, đũa có màu trắng ngà, không đốm đen, có mùi nhẹ. Đặc biệt, chỉ mua đũa 1 tuần trước khi ăn", ThS Trần Quốc Tuấn.

Tại phòng thí nghiệm thuộc Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, ThS Trần Văn Sơn đã thử sự có mặt của axit trong nước chiết ngâm đũa bằng giấy quỳ. Kết quả cho thấy, giấy quỳ không đổi màu, chứng tỏ đũa không bị sử dụng axit vào các mục đích có thể như tẩy trắng...

 

Kiến thức
Tag: Lưu huỳnh , Đũa , Hóa chất độc hại , Hà Nội , Chống mốc