Đột nhập cơn "bão đêm" của quái xế Hà thành
Thứ ba, 10/04/2012 13:12

Hồ Gươm 1h sáng của ngày Chủ nhật rất đông đúc, không chỉ có xe máy mà còn cả dàn xế hộp chở các em chân dài cũng hào hứng tham gia cuộc đua.

Thời gian vừa qua, mặc dù lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý những hành vi đua xe, lạng lách, bắt giữ hàng loạt “quái xế” nhưng hiện tượng này vẫn chưa chấm dứt. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm,  các con đường trong phố cổ, dọc đường Bà Triệu, Phố Huế, Hàng Bài, những chuyến “bão đêm" vẫn gầm rú, gào thét gây nên nỗi bức xúc và mang lại mối nguy hiểm đến tính mạng cho những người đi đường.

Hà Thành 1h sáng của ngày Chủ nhật, hầu hết các con đường đều đã vắng hoe, không bóng người qua lại. Chỉ riêng khu vực hồ Gươm vẫn rất đông đúc. Theo chân cậu em Q., một quái xế  từng làm mưa làm gió trong những cuộc đi bão cuối tuần nhưng nay đã giải nghệ, tôi được Q. chở trên chiếc Dream "chiến" làm một vòng quanh bờ hồ.

Cứ đi một quãng, lại dễ dàng bắt gặp ít thì một tốp dăm ba chiếc xe máy lạng lách đánh võng, nhiều thì cả đám đông choai choai tụ tập vừa phóng xe điên cuồng vừa hú hét inh ỏi, thay vì đội mũ bảo hiểm, những thanh niên đi đêm này chỉ đội mũ lưỡi trai, như là một dạng “đồng phục”  đặc trưng của giới đi bão đêm. Thỉnh thoảng tôi lại giật thót mình bởi tiếng xe phóng vun vút lao từ phía sau xẹt qua tai với tốc độ kinh hoàng.

Nhiều cuộc bão đêm vẫn diễn ra vào những dịp cuối tuần ở hồ Gươm

Đặc biệt, có nhiều thanh niên "gia đình có điều kiện" còn mang hẳn những dòng xe phân khối lớn đắt tiền, thậm chí là xe ô tô lên khu vực hồ Gươm để “tỉ thí” bằng những cuộc đua đêm cuối tuần. Vừa đi chầm chậm, Q. vừa nói cho tôi nghe: “Bão đêm cuối tuần ở Hà Nội bây giờ có nhiều “xế hộp” hạng sang tham gia lắm. Đây chính là thứ gia vị để đi bão không bị nhàm chán. Khác với đi bão bằng xe máy, đua ôtô chứng kiến nhiều màn đua tốc độ “khủng” hơn, liều lĩnh hơn, thậm chí có đêm dân tổ lái xe máy trở thành những cổ động viên bất đắc dĩ cho các tay đua ôtô. Phần lớn các đối tượng đua ôtô đều là những thiếu gia con nhà giàu...".

"Thường thì thời gian từ 24h-2h sáng các “quái xế” chỉ diễu hành quanh các phố lớn để “rê đoàn”, sau đó sẽ tập trung “xếp lốp” tại khu vực vòi phun nước, khi đã đông đủ mới bắt đầu đua. Để tạo sự phấn khích, những “chân dài” còn thò đầu ra khỏi cửa nóc ôtô, thậm chí leo lên nóc để kích động các xe khác”.

Dừng xe rẽ vào một quán nước bên đường Đinh Tiên Hoàng, cậu em Q. khe khẽ nói nhỏ với tôi: “Đến giờ đi bão rồi, hai anh em mình ngồi đây mà xem, chứ đi lòng vòng ở hồ dễ bị “bão cuốn” lắm”. Để ý xung quanh, tôi thấy không chỉ có tôi và Q. mà vô số nam nữ thanh niên còn rất trẻ ngồi la liệt, dọc theo vỉa hè. Tôi thắc mắc thì được Q. cho biết rằng, nơi này giống như một “khán đài” dành cho những người người đi chơi đêm ngồi xem quái xế phóng xe quanh bờ hồ. Phần lớn những thanh niên này đều thuộc dạng chơi bời, quen thức đêm, sau khi đi chơi chán chê, đến khoảng gần 12h đêm lại tụ về khu vực đường Đinh Tiên Hoàng.

Khẽ vuốt mái tóc để dài, nhuộm vàng hoe của mình, Q. thổ lộ, trước đây đã có thời cậu từng dẫn đoàn hơn 30 chiếc xe máy tung hoành dọc theo Hàng Ngang - Hàng Đào - Đồng Xuân – Bốt Hàng Đậu… vào những đêm cuối tuần.

"Cũng chẳng phải hẹn hò hay lên lịch, cứ tối cuối tuần em và bọn bạn lại cùng nhau “đóng xe” lên hồ bốc đầu, đánh võng trên 70 km/h ở quanh các con phố. Có tối nhiều người đứng xem khiến anh em hưng phấn, cứ “đi bão” hết những con phố này qua con phố khác đến tận sáng mới chịu tan”, Q. nhớ lại.

Q. cũng cho tôi biết rằng, đường Hà Nội thì nhiều vô số kể, nhưng con đường đua chính không đâu khác chính là đường vòng hồ Gươm. Đã là một quái xế đi bão đêm thì phải dám về số, vít ga, phóng  với tốc độ “bàn thờ” để vào cua trên đường hồ. Muốn trở thành một dân đi bão có “số má” được mọi người kiêng nể thì phải dám ốp cua với tốc độ nhanh qua “vỉa cảm tử”.

Tôi thắc mắc về “vỉa cảm tử’ thì được Q. cười khoái chí: “Nếu không phải là dân đi đua, chắc chả biết vỉa cảm tử là gì đâu. Nó chẳng ở đâu xa mà chính là khúc cua gần Tháp Bút - đền Ngọc Sơn, nơi có tượng đài cảm tử quân. Đây chính là thử thách có một không hai dành cho các tay lái. Nhiều dân đi chơi đêm còn gọi đây là “khúc cua tử thần” vì nó đã lấy đi sinh mạng của không ít những tay phóng xe đi bão đêm. Thoạt nhìn thì đoạn đường này trông rất rộng rãi nhưng lại cực kỳ khó xơi. Phải là những tổ lái tỉnh táo và có chắc tay lái lắm mới dám phóng lên tốc độ trên 80km/h để đi qua đoạn cua này. Chỉ cần sơ sẩy là sẽ phải trả bằng cả tính mạng”.

Rồi Q. kể cho tôi câu chuyện về một người bạn đi “bão đêm” xấu số của mình: “Hôm ấy, cũng một tối cuối tuần, em cùng thằng Sơn trọc sau khi thắng cá độ bóng đá đã rủ nhau lên hồ làm vài vòng cho mát máy. Mọi khi không sao, hôm đó chủ quan thế nào, lúc qua vỉa cảm tử, thằng Sơn bỗng loạng choạng, mất tay lái rồi đổ xe đâm thẳng vào cột điện trên vỉa hè, đầu không đội mũ bảo hiểm đập thẳng vào thân cột, vỡ sọ chết ngay tại chỗ”.

Cũng từ ám ảnh cái chết của bạn mình, Q. đã quyết định bán xe, từ bỏ thế giới của những cuộc chơi tốc độ để quay về mở tiệm cắt tóc, làm một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình.

Câu chuyện với Q. đang dang dở thì tiếng gào rú ầm ĩ của động cơ làm chúng tôi phải ngừng lại để xem có chuyện gì xảy ra. Một đoàn xe máy khoảng 20 chiếc bấm còi inh ỏi phóng vùn vụt qua. Điều khiển xe đều là những nam thanh niên đang độ tuổi “choai choai”. Nhiều xe còn kẹp theo sau một “chân dài” để làm tăng thêm sức hấp dẫn cho cuộc đi bão. Theo Q., các em gái này chính là nguồn động lực khiến các "dân tổ" hưng phấn trên đường đua. Các cô gái thường ăn mặc với phong cách “siêu thoáng”, thậm chí không ít em... cởi áo trên đường đua khiến đám thanh niên mới lớn chỉ cần một lần đi bão cũng sẽ đâm nghiền. Càng những tay lái đẳng cấp thì càng nhận được sự quan tâm, ngưỡng mộ của các em. Do đó, đích cuối cùng của cuộc đua thường là…nhà nghỉ để các tay đua, người đẹp cùng “đi ngủ”.

Lực lượng CSCĐ và CSGT phải làm việc hết sức căng thẳng để ngăn chặn những cuộc bão đêm

Thấy đoàn xe đi qua, những khán giả ngồi trên vỉa hè cũng ùa lên inh ỏi. Kẻ đứng, người ngồi tất cả đều hướng mắt về phía đoàn xe đang tung hoành trên con đường hồ. Chốc chốc, lại có ánh lửa lóe lên sau khi những chiếc xe này khi chúng nghiêng sát xuống mặt đường. Q. khẽ vỗ vai tôi bảo: “Bọn nó đá lửa đấy anh ạ. Thay vì đua tốc độ như trước đây, "dân tổ" hiện nay chủ yếu đọ sức với nhau về các pha biểu diễn mang tính kỹ thuật như: "bốc đầu", "bó vỉa ở khúc cua hẹp"; "đá lửa bằng pô”…

Để chống lại những cuộc đi bão, hằng đêm các chiến sĩ cảnh sát cơ động luôn phải làm việc hết sức căng thẳng. Ngoài những CSCĐ mặc sắc phục làm nhiệm vụ tuần tra, còn có đội hóa trang, mặc thường phục “tham gia” vào các đoàn đua để vây bắt. Những chiến sĩ này luôn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập. Bởi lẽ, khi các chiến sĩ trong đội hóa trang mặc thường phục, tham gia, theo dõi, mật phục và truy bắt các đối tượng có hành vi đua xe, việc không mang trên mình những sắc phục của ngành Công an là một lợi thế, nhưng cũng là một điều nguy hiểm cho các anh trong khi làm nhiệm vụ. Nhiều trường hợp, các quái xế không biết hoặc cố ý quay lại và tấn công chính lực lượng truy đuổi. Công việc của các anh luôn rình rập bên mình những nguy hiểm. Ranh giới giữa sự sống và cái chết đôi khi mong manh, dễ đứt như một sợi chỉ.

Zing/Infonet
Tag: Quái xế , Đua xe , Lạng lách , Đánh võng , Giao thông , Clip quái xế , Hà Nội , Bão đêm