Đằng sau cái chết của cặp đồng tính tự tử mong hóa 'đôi bướm'
Thứ ba, 15/04/2014 14:57

Điều đáng tiếc, đằng sau cái chết thương tâm của hai thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp này, là câu chuyện đáng suy ngẫm về trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ.

Hình ảnh của cặp tự tử ngày 10/4 gây xôn xao cộng đồng mạng

Hình ảnh của cặp tự tử ngày 10/4 gây xôn xao cộng đồng mạng

Tối 10/4, vụ việc hai thiếu nữ buộc chân nhau không rời rồi cùng treo cổ tự tử trong một nhà nghỉ tại quận Hà Đông (TP.Hà Nội) đã gây không ít xôn xao trong dư luận. Điều đáng tiếc, đằng sau cái chết thương tâm của hai thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp này, là câu chuyện đáng suy ngẫm về trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ. Nếu như họ chịu quan tâm, để ý hơn tới những xung đột tâm lý trong tuổi mới lớn của con cái thì có lẽ bi kịch đau lòng này đã không bao giờ phải xảy ra...

Kết thúc đau lòng của mối tình ngang trái

Khoảng 21h tối 10/4, tại nhà nghỉ Ngọc Bích, đường Ngô Quyền, quận Hà Đông (Hà Nội), chủ nhà nghỉ là bà Lê Thị N đã phát hiện ra hai thi thể một nam, một nữ thắt cổ tự tử trong phòng, hai chân buộc chặt vào nhau không rời. Ngay lập tức, bà N vội vàng cấp báo vụ việc tới cơ quan công an. Tại hiện trường, danh tính của hai nạn nhân nhanh chóng được xác đinh là Trần Thị Vân Anh (tên facebook là “Trần Anh”) và Hoàng Thị Tú Anh (tên facebook là “Tú Ank”) cả hai đều cùng sinh năm 1993 và sống ở quận Hà Đông. Điều đáng nói phải cho đến khi khám nghiệm tử thi các giám định viên mới phát hiện cả hai nạn nhân đều là con gái.

Điều này có lẽ chỉ bất ngờ đối với công an, ekip giám định viên và người dân tò mò kéo đến xem lúc đó. “Ban đầu nhìn hình dáng và cách đi đứng của “cậu” ta (ý nói Trần Anh-PV), tôi lại không nghĩ đó là con gái”, bà N chủ nhà nghỉ buồn rầu cho biết. Nhưng đối với người nhà, bạn bè của hai bạn trẻ này thì dường như không có gì đáng để ngạc nhiên cả. “Cái chết của Trần Anh và Tú Anh , đã được dự báo từ trước nhưng không ai biết làm cách nào để có thể ngăn cản. Vấn đề chỉ là thời gian thôi”, em Nguyễn Tuấn Anh (bạn thân của Trần Anh) buồn rầu chia sẻ.

Theo những người sống xung quanh gia đình nạn nhân Trần Thị Vân Anh đều có chung một nhận xét thủa còn sinh thời đây là một cô bé ngoan, có nước da trắng trẻo, nụ cười xinh và đôi mắt tinh khôn đen láy. Duy chỉ có sự khác biệt, là ngay từ lúc nhỏ Vân Anh đã chỉ thích chơi những trò chơi nam tính như đá bóng, bắn trận giả… cùng với những bé trai ở trong khu. Có lẽ vì vậy khi lớn lên chút nữa thì cô bé không còn thích mọi người gọi mình với cái tên cúng cơm là Trần Thị Vân Anh mà thay vào đó là cái tên đầy nam tính Trần Anh. Sống cùng em gái sống trong một ngôi nhà to rộng, cao 4 tầng và đầy đủ tiện nghi.

Nhưng dường như chưa bao giờ em có được cảm giác một mái ấm hạnh phúc đúng nghĩa. “Bố không về, mẹ thì đêm muộn mới về, có hôm đi cả đêm, lần nào ngồi ăn cơm cũng chỉ có anh Trần Anh và em”, Thùy Dung (em gái của Trần Anh) hồn nhiên kể với phóng viên. Từ lâu, không có bàn tay săn sóc của người cha, Trần Anh gần như phải gánh vác mọi công việc trong nhà. Đến nỗi “cậu” ta quên cả giới tính thật của mình. Chứng kiến nhiều lần mẹ khóc, em gái bị bắt nạt, ống nước bị dò, hay cần phải đóng cây đinh để mắc màn... ở vị trí của Trần Anh, “cậu” ta không cho phép mình được yếu đuối.

cap-doi-dong-tinh-tu-tu2

Trần Anh thích tóc ngắn, mặc quần jean, áo phông, đi giày thể thao gọn gàng và khỏe khắn. Tuy học không giỏi, ở lớp cũng chưa từng giữ chức vụ gì nhưng bạn bè vẫn quen gọi Trần Anh bằng “anh” vừa thân mật tình cảm mà vừa là điều mà “cậu” ta thích thú. Trái ngược với dáng vẻ ngoại hình cứng cỏi bên ngoài, Trần Anh lại có một đời sống nội tâm sâu sắc trên trang face­book cá nhân của mình. Tất cả những tâm tư, suy nghĩ của Trần Anh được chia sẻ và đăng tải một cách đều đặn. Nhận được rất nhiều lời nhận xét, động viên của bạn bè, Trần Anh hi vọng mình sẽ có thể sống vui tươi, lạc quan, bớt thiếu thốn tình cảm phần nào. Nhưng rồi tất cả dường như mọi cánh cửa của tương lai đã đóng sập lại trước em, khiến Trần Anh một thời gian bị rơi vào trạng thái trầm cảm, tự nhốt mình trong phòng không giao tiếp quan hệ với ai. Điều này bố mẹ của Trần Anh không hề biết, chỉ có cô em gái Thùy Dung là người hiểu chị mình rõ nhất. Thùy Dung nói: “Đó là khoảng thời gian “anh” ấy phát hiện mình đã yêu chị Tú Anh rất nhiều!

Xin được trích những dòng chia sẻ của Trần Anh trong khoảng thời gian đó: “Em à! Không biết anh sao nữa... anh xa em em sẽ thế nào? Anh không tin tưởng anh sẽ giữ nổi em, anh sợ lắm... sợ lại mất đi người mình yêu thương, sợ mất hạnh phúc... Thật sự anh mới là người vô dụng khi có em rồi thì anh chưa làm gì được cho em cả...

Mối tình không lối thoát

Cũng giống như người yêu của mình, Tú Anh luôn khao khát có được mái ấm gia đình. Cuộc sống của Tú Anh chẳng thiếu thốn thứ gì, nhưng lại rất thiếu sự quan tâm của mẹ, sự dìu dắt của cha. Thời gian quen nhau cả hai thường xuyên đưa đón nhau đi học, cùng trò chuyện tâm sự về hoàn cảnh của mình, cùng đi chơi, cùng ôn bài... rồi dần dần hợp nhau từ những điều rất nhỏ, đôi bạn này làm gì cũng có nhau như hình với bóng. Họ trở nên thân thiết rồi không biết bắt đầu “yêu” nhau từ bao giờ.

Tú Anh được bạn bè nhận xét sống trầm và có vẻ khép kín với người lạ mới gặp nhưng với những người cô yêu quý thân thiết thì luôn vui vẻ và hết mình giúp đỡ. Tú Anh rất thích làm đẹp và thường xuyên theo dõi những chương trình, tạp chí thời trang. Ước mơ của cô bé là sau này trở thành một nhà tạo mẫu tóc nhưng mẹ lại muốn hướng Tú Anh theo sự nghiệp của gia đình.

Không phải tình cảm chỉ đơn phương xuất phát từ Trần Anh, mà cả Tú Anh cũng yêu ‘cậu trai” này như điên dại. Nhưng khác với người yêu, Tú Anh không nhốt mình trong phòng mà tỏ ra quyết đoán và công khai trong chuyện tình cảm. Tú Anh đã từng đáp lại những dòng tâm sự của Trần Anh trên trang cá nhân mặc dù cô biết sẽ có rào cản, có sự hạnh phúc xen lẫn mặc cảm trong đó: “Cảm thấy hạnh phúc vô cùng... muốn mãi mãi như bây giờ. Liệu hạnh phúc này còn kéo dài được bao lâu khi qua nhiều trắc trở? Tôi muốn hét to lên cho mọi người biết là: Tôi yêu Anh! Nhưng...”.

Được biết, từ khi bố mẹ sống ly thân, Tú Anh có thói quen đi chùa, rồi thường xuyên đi xem tử vi, xem bói. Mỗi lần đi như thế Tú Anh lại rủ Trần Anh hoặc Trà Giang (bạn thân của Tú Anh) đi cùng. Cô đặc biệt tin vào chuyện thần thánh. nhất là khi “Có một ông thầy từng nói với Tú Anh, gia đình cô không tốt, bị vong lạc vào nhà quấy phá. Nay mai sẽ có cảnh ly tán”, Trà Giang kể lại. Đúng khoảng một tuần sau thì bố mẹ Tú Anh quyết định ly dị rồi mẹ Tú Anh về ở với cậu của Trần Anh. Từ đó, Tú Anh càng thêm suy nghĩđến nỗi hay nằm mơ linh tinh.

Sáng ngày 10/3 Tú Anh rủ Trần Anh đi chùa cầu bình an thì đến đêm ngày 12/3, khoảng 1h25 phút sáng, Tú Anh lên mạng facebook kể lại giấc mơ vừa hư vừa thực của mình: “1h25’ tỉnh dậy... Mình vừa nằm mơ đi thắp hương ở một ngôi miếu, trong phòng bé lắm, vẫn nhớ như in vị trí trong đó. Mình quỳ xuống khấn xin cho người yêu mình có một cuộc sống hạnh phúc còn mình ra sao cũng đc. Khi chắp tay lạy xong bỗng thấy người lảo đảo, rồi ngất đi. Lúc đó tay chân mình không thể cử động và mở mắt ra được, nhưng tai vẫn nghe thấy thầy Sư nữ trụ trì và người yêu nói bên cạnh.

Khoảng 2 phút sau, mình choàng dậy bật khóc bám lấy tay người yêu và nói: “Anh ơi, đưa e ra khỏi đây”. Khi anh rìu (dìu-PV) mình ra ngoài thì mình mới cảm thấy bình thường trở lại. Lúc ra về, vị Sư trụ trì còn nói với mình: “Người đã chọn con phải trông ngôi miếu này... con sẽ không được lấy chồng hay làm bất cứ chuyện gì... con có nhiều vong theo lắm, cũng không sống yên ổn đc đâu”. Mắt ướt lệ, quay ra nhìn người mình yêu thương nhất ngồi đằng xa kia... khóc và chỉ biết khóc. Bật dậy, kết thúc 1 giấc mơ mà mình vẫn nhớ như in ngôi miếu, khuôn mặt thầy trụ trì và đã nói chuyện những gì. Quay sang nhìn anh đang ngủ, mình bật khóc... nghĩ liệu có phải sự thật không? Nếu là thật liệu mình có đồng ý đi tu để anh có được cuộc sống hạnh phúc? Quá yêu anh, không bao giờ dám nghĩ đến xa anh... thì mình sẽ làm gì đây? Chỉ là giấc mơ thôi mà không hiểu sao lòng rất rối!

Nhớ lại ngày 26/3/2006 , khi đó cô béTú Anh mới chỉ có 13 tuổi, trong một lần sang nhà bác họ chơi đã suýt “chết hụt” vì bị ngộ độc khí gas của bình nóng lạnh. Nhưng may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời. Có lẽ vì vậy nên Tú Anh càng ngh ĩviệc mình không thể sống yên ổn là có cơ sở. Trà Giang nói tiếp: “Tú Anh đã từng buồn bã, tiêu cực tâm sự rằng sẽ đi tu vì bị bố mẹ ngăn cấm chuyện yêu đương giữa hai người, thậm chí còn ép Tú Anh lấy một người mà bạn ấy không thích”.

Theo những người bạn thân của Tú Anh đều biết, nguồn cơn dẫn đến bi kịch đau thương này cũng một phần vì hiện mẹ Tú Anh đang sống cùng với cậu của Trần Anh. Trong khi đó hai bên gia đình thực chất đã chẳng ưa gì nhau, giờ lại thêm chuyện hai đứa con gái đồng tính yêu nhau. Về cơ bản là không ai có thể chấp nhận được. Không ít lần người nhà Trần Anh chửi bới Tú Anh bệnh hoạn và ngược lại họ hàng nhà Tú Anh nói Trần Anh cũng chẳng kém. Mọi người đều cho rằng cặp đôi này không bình thường và ra sức ngăn cản, lên án.

cap-doi-dong-tinh-tu-tu1

Bi kịch được báo trước

Quá buồn bã và chán nản vì tình yêu bị ngăn cấm, nhưng nỗi nhớ nhung giằng xékhiến Trần Anh và Tú Anh tìm cách liên lạc với nhau. Mẹ của Tú Anh còn đến gặp bạn bè, cô giáo chủ nhiệm để nhờ khuyên ngăn. Nào ngờ, chính cô giáo chủ nhiệm của Tú Anh khi biết chuyện học trò mình yêu một người cùng giới đã tỏ ra vô cùng kinh ngạc, bối rối. Không có ai ở bên, họ nhớ nhau, sợ xa nhau nên chỉ còn cách thể hiện sự thương nhớ đó qua những dòng viết ngắn ngủi trên face­ book. Nhiều người bạn bè họ cập nhật và tỏ xót thương trước hoàn cảnh chớ trêu của đôi bạn trẻ.

Không thể chịu đựng được nữa, Trần Anh gặp bạn và nói gở: “Nếu một ngày tao mà bị tai nạn chết đi thì chúng mày cố mà sống cho tốt. Đừng bao giờ phải để như tao”. Trần Anh còn tâm sự trên facebook: “Tao sẽ chết! Không thể chịu đựng thêm một giây phút nào nữa rồi, chết cho mọi người bớt khổ”. Người hiểu chuyện thì khuyên nhủ, động viên Trần Anh “chuyện đâu còn có đó”. Nhưng nhiều bạn bè xã hội không hiểu lại buông những lời nói vô cảm trước nỗi đau của Trần Anh: “Có giỏi thì chết đi”, “Làm trò quá”, “Vẫn chưa chết à mà còn lên face”, “Tao tưởng mày chết lâu rồi”... Đêm 9/4, Trần Anh suốt đêm không ngủ, ngồi viết thư cho mẹ, nhưng viết rồi lại vò xé đến cả chục lần vì chẳng biết mình sẽ phải bắt đầu từ đâu. “Cậu” bèn viết lên facebook và cũng không hi vọng mẹ sẽ đọc được. Những dòng viết đầy cảm động về tình cảm mà Trần Anh dành cho mẹ, Tú Anh và cô em gái Thùy Dung, những người có ý nghĩa quan trọng đối với Trần Anh đã khiến nhiều người suy nghĩ.

Nội dung bức thư được chia làm ba phần, phần viết cho mẹ là nhiều nhất. Trần Anh nói xin lỗi mẹ vì đã không thể làm tròn chữ hiếu, “cậu” khao khát có được hạnh phúc gia đình, nhưng chưa bao giờ có được, luôn sống trong cô đơn và tủi thân, không ai ở bên, không ai ủng hộ. “Cậu” buồn chán và tuyệt vọng muốn đi đến một nơi mà mẹ không còn tìm thấy và cảm ơn công sinh thành của mẹ. Viết cho Tú Anh, Trần Anh ta không đành lòng xa người con gái yêu thương này, nhưng lại phải đi để mọi chuyện được êm đẹp hạnh phúc, “cậu” sẽ làm cái bóng dõi theo từng bước của Tú Anh, cầu chúc cho Tú Anh hạnh phúc. Viết cho em gái, “cậu” dặn em phải sống cho tốt, vì không cho một mình mình nữa mà còn sống cho người khác, “cậu” dừng trước vì đã quá mệt mỏi rồi. Sau đó là lời chào vĩnh biệt tất cả mọi người.

Như đoán được chuyện gì, ngày 10/4, Tú Anh bỏ trốn khỏi nhà đến tìm gặp Trần Anh nói chuyện lần cuối. Em gái Trần Anh vừa khóc vừa kể lại: “Lúc đó là khoảng 5h chiều, anh chị ấy nói chuyện với nhau ở dưới tầng 1, em không nghe rõ lắm, chỉ biết chị Tú Anh đòi anh Trần Anh cho đi theo. Một lúc lâu sau, hai anh chị ấy đèo nhau bằng xe máy và nói với em là đi chơi và ăn gì đó, lát nữa sẽ về nhưng rồi đi luôn không bao giờ về nữa”.

Khi chúng tôi tìm đến nhà thì gặp nhóm bạn chơi thân của Tú Anh đang cúi gằm mặt và mẹ Tú Anh đang ngồi bên cạnh nói chuyện vẻ buồn bã, mắt ai cũng đỏ hoe, sưng húp. Mẹ Tú Anh trả lời: “Cháu thông cảm, nhà bây giờ rối lắm, không muốn ai xoáy sâu thêm nỗi đau này của gia đình nữa. Cô không trả lời gì đâu, cảm ơn cháu đã quan tâm”. Rồi bà đóng cửa, kéo rèm, tránh tất cả câu hỏi của phóng viên về chuyện con bà.

Hỏi bạn bè của Tú Anh và Trần Anh mới biết, thật ra họ buồn là một chuyện nhưng họ còn không hiểu chuyện gì đang thực sự xảy ra với con mình để trả lời phóng viên. Mãi cho đến khi biết tin con mình chết, hai bên gia đình mới tìm hiểu đầu đuôi, dành chút thời gian đọc những dòng tâm sự của con mình trên facebook. Chịu lắng nghe và hiểu những tâm tư nguyện vọng của con mình. Trà Giang, bạn của Tú Anh và Trần Anh cho biết: “Khi tôi mở trang cá nhân của hai bạn cho bố mẹ của họ xem, họ đã khóc. Nhưng giờ cũng không thể thay đổi được gì...”.

Tự sát vì tình qua lăng kính tâm lý học

Theo Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Ngô Toàn nhận định: “Vào nhà nghỉ rồi treo cổ tự sát đa phần là vì nghĩ rằng nhờ thế sẽ thủy chung và trọn đời với nhau. Trong trường hợp này, một bên tiếp tục thấy không được gia đình yêu thương, một bên sắp lấy chồng, nghĩa là cả hai thấy nan giải. Cả hai mới yêu nhau tầm 1 tháng, nghĩa là thời điểm đang rất mặn nồng nên dễ bị chi phối bởi mặt cảm xúc. Họ chết vì tình, thực chất là có quá nhiều áp lực từ phía gia đình, nhà trường về yếu tố đồng tính. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận ở đây là sự phản giáo dục của nhà trường (cô giáo) lẫn tình yêu thương, cảm thông của các ông bố bà mẹ để chấp nhận con cái, học trò mình”.

Đây là một vụ tự tử chẳng thể “lãng mạn” hơn được. Họ tự tử vì nghĩ rằng nhờ thế sẽ được ở bên nhau, thể hiện ở chi tiết buộc chân. Vụ này tôi nghĩ cần nói về sự định kiến và thái độ thiếu đồng cảm của cha mẹ. Còn các cái chết vì tình, về mặt bệnh học đa số là cách nghĩ giải thoát, chấm dứt được tất cả âu lo, phiền muộn.

Trong tư duy và tâm lý của người tự sát vì tình, điều thôi thúc họ nhất chính là việc bị cấm đoán. Nhưng càng như vậy, họ lại càng muốn sát gần, gắn bó, đúng với câu “chỉ có cái chết mới chia lìa đôi ta”, kiểu như Romeo và Juliet. Thật ra, sự việc dễ hiểu và có thể lý giải được, tôi không đánh giá hành động tử sát là dại dột hay không, tôi chỉ quan tâm xem động cơ và lý do nào thúc đẩy họ làm thế. Nếu câu chuyện chỉ đơn giản từ bốc đồng, nông cạn thì ta nên hiểu vấn đề nằm ở kĩnăng sống cũng như khả năng cực đoan của người mới lớn trong ứng xử. Tôi đã tìm hiểu hoàn cảnh và tình huống thúc đẩy họ qua những dòng tâm sự và comment của họ với bạn bè qua trang cá nhân. Có thể nhận thấy nguyên nhân ở đây chính là tình yêu đồng tính bị ngăn cấm và cảm giác sắp phải chia lìa của hai người.

Nôm na với các bạn trẻ nói riêng và xã hội hiện nay nói chung, người ta đang tìm kiếm sự “chữa lành” trong các mối quan hệ thân mật. Điều này lý giải tại sao khi mình đau khổ, bị hắt hủi... thì dễ gần gũi, yêu nhau. Thường chúng ta bị hấp dẫn bởi người bị tổn thương đúng như mình từng bị trong thời thơ bé. Tâm trí ta tái tạo lại cảnh đau thương gốc. Rồi bao bọc mình bằng việc thay đổi cách nó kết thúc.

Tiếp lời chuyên gia này: “Tại sao chúng ta khao khát chữa lành những vết thương lòng đến thế? Thứ nhất, vì các lớp vỉa của cái tôi cảm xúc, như kiểu huyền thoại về một tình yêu mất mát, quằn quại, từ đó sẽ thấy hai bạn này yêu nhau như thế nào. Thứ hai, nó dẫn dắt họ tới ý nghĩphá hủy mọi thứ, kể cả cuộc sống của chính mình. Không khó để thấy hai bạn này bị cảm giác hụt hẫng và bị chối bỏ yêu thương từ cha mẹ và gia đình. Chính điều này khiến hai bạn ấy quấn lấy nhau và tăng mức độ nồng nàn, dẫn tới hành xử như vậy. Tình trạng các bạn trẻ hiện nay, đang bị nhiễm một tâm bệnh muốn chữa lành những vết thương nhưng lại không đủ kinh nghiệm để hiểu thấu đáo. Thành ra, không những không khỏi mà còn bị nặng hơn. Bi kịch của Trần Anh và Tú Anh là một ví dụ điển hình".

Thu Hương – Anh Thư – Phương Chi (Câu chuyện pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: dong tinh , cap doi tu tu , cap doi dong tinh , tu tu mong hoa buom , tin , bao