Ông là vị giáo sư khởi nghiệp với những nghề bị chê như gác cửa, giữ xe; làm việc vào những giờ không ai muốn làm (từ 1-5h sáng)...
|
Kết thúc buổi hội thảo tại TP. HCM lúc 9h tối, sáng sớm hôm sau, GS. Hà Tôn Vinh đã có mặt ở Hải Phòng tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh trí thức khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2011 và thuyết trình về mô hình nghiên cứu khoa học công nghệ tại Mỹ. Buổi chiều, ông tới Hạ Long gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao đổi về vấn đề kinh doanh casino tại Việt Nam. Sáng sớm hôm sau, ông trở lại TP. HCM và đến buổi chiều đã thấy ông ngồi ở hàng ghế danh dự tại lễ ra mắt một tạp chí với tư cách là cố vấn nội dung. Hỏi ông: “Có tuổi rồi, sao ông vẫn chạy đua với công việc dữ vậy?”, ông nói: “Ngày nào còn cựa quậy được, tôi vẫn muốn làm việc. Tôi vốn là người quen làm việc và thích bận rộn vì không muốn thời gian bị phí phạm, hơn nữa, làm việc cũng là cách để tôi rèn luyện sức khỏe. Khi được làm việc, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì công việc mình làm còn có ích cho mọi người và được bạn bè, đồng nghiệp trân trọng, quý mến”.
* Từng là doanh nhân, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin khá thành công tại Mỹ, nhưng tại sao khi về Việt Nam, ông không tiếp tục làm về lĩnh vực này, mà lại đi dạy và chọn lĩnh vực đào tạo, tư vấn?
- Trước khi về Việt Nam, tôi đã từng làm việc tại vùng châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Tây Phi trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh doanh, quản lý, cải tổ và sáp nhập doanh nghiệp. Thời gian này tôi cũng làm chuyên gia tư vấn cao cấp vùng châu Á cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới ở nhiều nước như: Trung Quốc, Philippines, Mông Cổ, Việt Nam, Lào...
Những năm ở Mỹ, nhờ dành dụm được chút vốn liếng và tích lũy được kha khá kiến thức, tôi thành lập công ty công nghệ, cung cấp máy móc, phần mềm, dịch vụ máy tính cho doanh nghiệp và các cơ quan Hoa Kỳ. Đang kinh doanh khá ổn định, tạm gọi là thành công và có tên tuổi ở Mỹ, bạn bè rủ sang châu Phi đầu tư vào lĩnh vực tàu bè, đánh tôm cá.
Do tập trung vào lĩnh vực mới, tôi phải giao công ty ở Mỹ cho người khác quản lý. Sau một vài năm, việc đầu tư ở châu Phi không thành công, trở về Mỹ thì công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn do quản lý lỏng lẻo, tài sản thất thoát, kinh doanh thua lỗ.
GS. Hà Tôn Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Giáo dục Đào tạo và Tư vấn Stellar Management
Bài học kinh doanh này giúp tôi rất nhiều trong lĩnh vực tư vấn, phát triển, đầu tư quốc tế, và trong quá trình giảng dạy, tư vấn, ngoài truyền đạt những kiến thức chung như học thuật, kinh nghiệm quản trị của các nước, tôi đã chia sẻ với học viên câu chuyện thành công, thất bại của bản thân.
Theo tôi, người khác học được từ thất bại của tôi và của các doanh nghiệp khác là họ đã có thể thành công 50% rồi, và càng bén rễ với công việc, tôi càng cảm thấy hạnh phúc vì việc mình làm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới bắt đầu bước vào con đường kinh doanh.
* Nhưng thời điểm ông về nước, khoảng năm 1996 - 1997, hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa có khái niệm về tư vấn cũng như chưa thấy cần phải được tư vấn, trong khi nhiều lĩnh vực kinh doanh khác ở Việt Nam lại đang có rất nhiều cơ hội?
- Nếu nói là cơ hội thì lĩnh vực tôi đang làm cũng là một cơ hội, bởi thời điểm nền kinh tế hội nhập và mở cửa, các chủ doanh nghiệp thật sự bắt đầu có nhu cầu nâng cao kiến thức, năng lực quản trị.
Rất nhiều khóa đào tạo quản trị được mở ra và một số trường đã mời tôi đến giảng dạy, tham dự các buổi nói chuyện chuyên đề, chia sẻ những kinh nghiệm, những kiến thức học thuật. Có dịp tiếp xúc với các chủ doanh nghiệp, tôi nhận thấy kiến thức quản trị của nhiều người còn hạn chế, nhiều công ty khi phát triển, mở rộng quy mô hoạt động đều rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Cũng có không ít doanh nghiệp đang đi vào “ngõ cụt” hoặc mắc phải những sai lầm như tôi từng mắc mà họ không hề hay biết. Thực tế, cũng có một số lãnh đạo, nhất là giám đốc các tổng công ty nhà nước, thường rất ngại đi học và coi nhẹ việc tư vấn, bởi họ không thích bị người khác nói mình yếu kém.
Vì vậy, tuy chưa phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được sự cần thiết phải có tư vấn và phải tham gia các khóa đào tạo quản trị, nhưng với những lợi ích tư vấn mang lại cùng với nhu cầu phát triển, tôi tin nhu cầu được đào tạo trong tương lai sẽ rất lớn.
* Ông nghĩ sao khi có nhiều doanh nhân sau khi tham dự các khóa đào tạo quản trị cho rằng, bài giảng chỉ là kiến thức học thuật, khó áp dụng vào thực tế doanh nghiệp tại Việt Nam?
- Đúng là nhiều người cho rằng học thuật chỉ là lý thuyết, không cần phải học, và thực tế, không ít học viên khi đến các khóa đào tạo đều kỳ vọng có ngay những “đáp án” để giải quyết, áp dụng vào những vấn đề mà doanh nghiệp, công ty của mình đang gặp phải, đó là điều khá sai lầm.
Học thuật không phải là lý thuyết suông, mà là kinh nghiệm từ nhiều đời, của nhiều người, là nền tảng để học viên học được kiến thức, khoa học và kinh nghiệm, từ đó áp dụng linh hoạt vào từng trường hợp của doanh nghiệp mình. Nói nôm na là tôi cung cấp cho học viên nguyên liệu để thực hiện một bữa cơm, còn nấu như thế nào, thịnh soạn hay đạm bạc, ngon hay dở là do họ.
* Ông kiêm nhiệm rất nhiều vai: nhà cố vấn chiến lược, chuyên gia tư vấn quản lý tài chính, diễn giả, doanh nhân, giảng viên quản trị kinh doanh, làm thế nào ông tích góp được nhiều kinh nghiệm và nguồn kiến thức rộng như vậy?
- Những năm ở nước ngoài, tôi làm việc và học hành rất chăm chỉ. Một phần để kiếm sống, một phần để chứng tỏ bản thân và cho thấy mình không thua kém người bản xứ.
Tuy nhiên, dù nỗ lực đến mấy chúng tôi cũng khó kiếm được một việc làm tốt, vì vậy, khi khởi nghiệp tôi phải làm tất cả những việc người dân Mỹ “chê” như: Gác cửa, giữ xe, dọn vệ sinh trường học..., phải làm việc vào những giờ chẳng ai muốn làm, từ 1-5h sáng.
Vừa học xong Cao học Ngoại giao và Phát triển kinh tế tại Đại học Georgetown (Hoa Kỳ), tôi được đề cử nhận học bổng học tiếp Tiến sĩ Quản trị công tại Đại học Catholic University of America. Sau khi tốt nghiệp, tôi lại học, lại làm việc và tìm tòi thêm kiến thức, kinh nghiệm.
Lúc đó, tôi hình dung mình giống như một anh hề trong gánh xiếc, một lúc cầm nhiều quả bóng tung liên tục nhưng không được làm rơi. Và để tung được một lúc nhiều quả bóng, lúc đầu tôi cũng phải học tung từng quả bóng một, sau đó tăng dần lên.
Chính quãng thời gian dài học tập, rèn luyện, kiên trì tích góp đã giúp tôi có được nguồn kiến thức dồi dào như vậy.
* Ông còn đang giữa vị trí Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục và Đào tạo Cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam. Thích giảng dạy nhưng tại sao ông lại không muốn mọi người gọi ông bằng thầy?
- Ở Việt Nam, người thầy được đặt ở vị trí quá cao. Thầy thường được coi là người giỏi, người biết hết mọi thứ, và thầy nói gì trò cũng phải nghe. Đó là thiệt thòi rất lớn của người thầy, và cả người đi học vì họ bị đặt vào vị trí thụ hưởng, không dám phản biện, tranh luận.
Trong khi đó, muốn là người giỏi thì phải luôn được đào tạo, trau dồi, kiến thức cho đi thì phải được nhận lại. Và cách nhận lại tốt nhất là cái gì tôi biết, tôi chiêm nghiệm được, tôi sẽ truyền đạt cho học viên. Ngược lại, học viên cũng có thể nói rằng: “Điều thầy dạy chưa đúng, chưa đủ, cần phải bổ sung và điều chỉnh”. Như vậy, cả hai cùng có cơ hội phản biện lẫn nhau, tìm tòi cái mới và mở mang kiến thức.
* Vậy trong các vai ông đang đảm nhiệm, ông thích mọi người gọi mình là gì?
- Là “người đưa tin”, luôn đứng phía trước để nhắc mọi người: “Các anh chị ơi, đừng đi vào con đường đó, nó sẽ dẫn anh chị đến đường cùng. Đây mới là cơ hội, người ta làm thế này mới thành công...”.
* Có một học viên nói rằng, ngày đầu tiên học với ông, anh ta rất sốc vì câu nói của ông: “Đã học với tôi thì anh, chị phải coi mình là con nít”. Ông có thể giải thích câu nói này?
- Một trong những điểm yếu của học viên và của cả doanh nhân Việt Nam là rất ngại hỏi, chỉ có con nít mới luôn miệng hỏi người lớn “tại sao”. Vì vậy, thông điệp tôi muốn nói với họ là: Muốn vỡ ra nhiều điều và khai thông những điều mình chưa biết thì phải luôn miệng hỏi.
Và để học viên cùng tham gia vào lớp học thì người thầy cũng phải có phương pháp giảng dạy để lôi cuốn họ. Phương pháp của tôi đầu tiên là kể chuyện, dẫn dắt bằng nhiều câu chuyện khác nhau, sau cùng mới đưa ra kết luận.
Song, kết luận tôi đưa ra lại không giống suy nghĩ và cách tư duy của mọi người, thường là không ai đoán được nên học viên ngạc nhiên, ồ lên thích thú và rất hào hứng tham gia bài học.
* Hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại vùng châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Tây Phi trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế, quản lý, cải tổ và sáp nhập doanh nghiệp, ông có nhận xét gì về những chuyển biến của nền kinh tế Việt Nam những năm qua cũng như quá trình quản lý, cải tổ đã diễn ra khá sôi nổi thời gian qua?
- Chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước nhìn chung có định hướng và chiến lược, nhưng điểm yếu thường ở việc đưa ra lộ trình và thực hiện. Không thể thành công nếu cứ lấy ý tưởng cũ, phương pháp cũ để giải quyết vấn đề mới.
Hơn nữa, khi đưa ra chính sách thì phải sâu sát với tình hình thực tế. Chẳng hạn, một người làm quan chức nhà nước, không làm kinh doanh, không lo trả nợ, trả lương, không có sản phẩm, không có cạnh tranh..., tóm lại là ít hiểu về đời sống và cảm thông với trăm ngàn nỗi khó của doanh nghiệp mà lại là người làm chính sách cho doanh nghiệp thì vô vàn phi lý đương nhiên sẽ xảy ra.
Và một khi doanh nghiệp bị suy yếu, lung lay, thì xã hội và chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Nhìn lại chính sách điều hành kinh tế và tài chính của Nhà nước trong hơn ba mươi năm qua, tôi thấy chúng ta thường điều hành nền kinh tế bằng rất nhiều giải pháp ngắn hạn và tức thời.
Chiến lược kinh tế tài chính không thể mang lại hiệu quả dài hạn nếu các giải pháp được áp dụng tùy tiện. Theo tôi, tái cơ cấu nền kinh tế và chính sách ổn định kinh tế vĩ mô nhất thiết phải theo hướng phục vụ cho xã hội, cho cộng đồng và chú trọng nhiều hơn đến các khía cạnh của nền kinh tế phi thị trường.
* Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao phải chú trọng đến kinh tế phi thị trường?
- Kinh tế thị trường chú trọng sản xuất, lợi nhuận, trong khi kinh tế phi thị trường mang lại sự phát triển bền vững cho xã hội, như: môi trường sống, hạ tầng, y tế cộng đồng cho trẻ em, người già, văn hóa, giáo dục... Đơn cử, muốn du khách đến Việt Nam thì phải đầu tư vào môi trường, đào tạo hướng dẫn viên.
Một môi trường không đẹp, không thu hút du khách; một hướng dẫn viên không giỏi, không biết giới thiệu với du khách vẻ đẹp của quê hương đất nước; một người công nhân không khỏe thì không làm việc được... Như vậy, muốn một xã hội, một đất nước phát triển mạnh và bền vững thì không thể xem nhẹ kinh tế phi thị trường.
Thời gian qua chúng ta nói nhiều đến phát triển kinh tế, nhưng nếu không chú trọng phát triển kinh tế phi thị trường, chúng ta sẽ không có một nền giáo dục tốt, không có một đất nước văn hóa.
Chúng ta từng biết thảm họa sóng thần vừa qua ở Nhật Bản gây thiệt hại lớn như thế nhưng người dân xứ ấy vẫn sống trong trật tự, bình thản..., điều đó chính là niềm tự hào, là nét văn hóa của đất nước này khiến cả thế giới phải khâm phục.
Đó cũng là kết quả của sự giáo dục, đào tạo trong suốt một thời gian dài. Nhìn lại chúng ta, hiện nay có rất nhiều người, nhiều doanh nghiệp đang sống và hành xử rất tùy tiện, không có đạo đức kinh doanh và văn hóa, nhưng không được chế tài bằng pháp luật, hoặc nếu có cũng không đủ sức răn đe, không áp dụng triệt để.
* Nhiều Việt kiều về nước đều chia sẻ: “Động lực của họ là muốn trở về Việt Nam để cống hiến cho đất nước”, điều này với ông chắc cũng không là ngoại lệ?
- Động cơ khiến tôi trở về nước trước hết là vì cá nhân tôi, vì tôi được làm những điều mình thích. Tôi quan niệm: “Sống là để mưu cầu hạnh phúc” và đây chính là hạnh phúc của tôi.
Tuy nhiên, khi trở về nước vào năm 1995-1996, tình cờ tôi đọc được bài báo viết rằng: “Với đà phát triển như hiện nay, Việt Nam sẽ đi sau Thái Lan 32 năm, mà trước đó tôi biết Thái Lan không đi trước mình bao nhiêu. Rồi giám đốc một quỹ tiền tệ tại Việt Nam ví von: “Việt Nam hiện tại đi sau Hàn Quốc tới 80 năm”, tôi rất xấu hổ và cảm thấy tự ái dân tộc nổi lên.
Cùng thời điểm đó, khi về Hải Phòng, qua phà Bính, một bác đội mũ cối, mặc áo bộ đội hỏi tôi: “Anh ở đâu về?”. Khi tôi trả lời: “Ở Mỹ”, bác ta chửi um lên: “Anh là người phản bội Tổ quốc, khi đất nước có chiến tranh, anh bỏ đi, bây giờ hòa bình anh lại về thụ hưởng”.
Tôi nói: “Bác là người hy sinh cho cuộc chiến, cho hòa bình. Bác là người đá quả bóng lịch sử, bây giờ em là người thay bác đá tiếp quả bóng ấy”. Từ đó tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó để đóng góp cho đất nước, cho niềm tự hào dân tộc.
Chúng ta đã có những thời kỳ rất đáng tự hào và bây giờ, tài sản lớn và nguồn tiềm năng lớn của chúng ta đang có là trí tuệ Việt, sự cần cù, nhẫn nại, kiên nhẫn..., chỉ cần có chính sách cởi mở cho con người, có chính sách huy động tài lực, trí tuệ... thì khối tài sản tiềm năng to lớn này sẽ được chuyển thành động lực và tài sản giá trị.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ rất cởi mở.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%