Động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 dường như đang cố “thử sức bền” của người dân Bắc Trà My.
Người dân ở huyện Bắc Trà My lo lắng vì động đất ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trận động đất có độ rung chấn lớn nhất từ trước đến nay vào đêm qua (22/10), đã làm người dân hoảng sợ, thức trắng đêm để “canh” động đất.
Trắng đêm Bắc Trà My
Không chỉ người dân huyện Bắc Trà My sợ hãi bởi trận rung chấn được cho là mạnh nhất từ trước đến nay, người dân ở bốn huyện lân cận cũng đã sống trong nỗi lo nơm nớp... chờ động đất. Thủ phủ tỉnh Quảng Nam - TP.Tam Kỳ cũng đã chịu ảnh hưởng của cơn rung chấn này.
Ngay sau cơn rung chấn, vẫn chưa hết hốt hoảng, ông Nguyễn Hữu Trung - Chủ tịch UBND xã Trà Tân - nói qua điện thoại với phóng viên vào lúc 21h: Người dân Bắc Trà My hy sinh quá nhiều cho thủy điện Sông Tranh, chưa được hưởng lợi gì từ công trình này thì đã luôn phải sống trong sợ hãi vì quá nhiều trận động đất, trận sau mạnh hơn trận trước. Có ngày xảy ra tới 7 lần rung chấn, sống sao xiết. Người dân hết chịu nổi rồi. Bà con thức trắng đêm, không ai dám ngủ trong nhà, ngồi canh động đất.
Viện Vật lý địa cầu vừa mới khánh thành trạm quan trắc đầu tiên vào ngày 19/10 và được đánh giá là hiện đại, đặt ngay dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2. Lãnh đạo viện giới thiệu rằng trạm quan trắc này có khả năng ghi nhận những trận động đất dưới 3 độ richter, có độ chính xác rất cao.
Những trận động đất nhỏ tại khu vực thủy điện Sông Tranh đã xảy ra mà người dân cảm nhận được, nhưng các trạm trạm quan trắc được đặt ở Huế và Bình Định không ghi nhận được, vì cách xa thủy điện Sông Tranh 2 hàng trăm cây số. Khi có động đất xảy ra, trạm quan trắc động đất này sẽ truyền ngay tín hiệu ra Viện Vật lý địa cầu ở Hà Nội, từ đó sẽ xử lý thông tin và nơi đây sẽ phát tin cảnh báo cho người dân biết.
Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc - cho hay: Ngay sau khi động đất, chúng tôi liên lạc với BQL Dự án thủy điện 3 để hỏi kết quả động đất ở trạm quan trắc, nhưng hơn 45 phút sau vẫn chưa có thông tin.
Sáng 23/10, chúng tôi đọc được trên trang web của Viện Vật lý địa cầu đã thông tin về trận động đất vào đêm 22 :Vào hồi 13h41 phút 28 giây (giờ GMT) - tức 20 giờ 41 phút 28 giây (giờ Hà Nội) ngày 22/10/2012, một trận động đất có độ lớn 4.6 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.329 độ vĩ Bắc, 108.153 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 7km. Động đất xảy ra trong khu vực địa phận huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Theo đánh giá động đất gây nên rung động cấp VI (theo thang MSK-64) ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Máy quan trắc... chưa hoạt động
Sáng sớm 23/10, ông Nguyễn Hữu Trung cho hay đến 6h sáng - sau 9 tiếng xảy ra động đất - người dân mới biết cường độ của động đất qua Đài Tiếng nói VN. Liên lạc ngay với ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - chúng tôi nhận được câu trả lời đầy lo lắng của ông: Sau động đất tôi đã liên hệ ngay với BQL Dự án thủy điện 3, nhưng chờ hoài vẫn chưa có kết quả. Trạm quan trắc mới khánh thành mà cả tiếng đồng hồ vẫn chưa có kết quả về động đất thì làm sao mà cảnh báo cho người dân biết được.
Vì sao trạm quan trắc hiện đại lại “chậm” cho kết quả, tìm hiểu tại Viện Vật lý địa cầu mới hay, do trạm chưa nối mạng, chưa hoạt động. Cường độ trận động đất đêm 22/10 ở Bắc Trà My đều được các trạm quan trắc như ở Vinh, Bình Thuận, Bình Định... ghi nhận được, sau khi trung tâm phân tích mới có kết quả.
An toàn ở... Hà Nội
Chủ tịch UBND xã Trà Tân đã bật loa điện thoại để chúng tôi nghe được những lời bàn tán của bà con về trận động đất có cường độ mạnh nhất đã khiến bà con một đêm mất ngủ. Một người dân “xin” được bày tỏ tâm trạng với nhà báo: Qua báo chí, chúng tôi biết các lãnh đạo mấy bộ và chủ đầu tư vẫn khẳng định độ an toàn của công trình. Nói thật, tư tưởng người dân chúng tôi không yên tâm sống khi động đất triền miên và mạnh như vậy.
Ông Nguyễn Hữu Trung nói rằng: Ai bảo dân yên tâm sống, hãy vào sống thử với bà con thì có thấy yên tâm không. Bà con Trà Tân dựng lán mời vào sống để hiểu và chia sẻ với bà con. Đúng là rất yên tâm, an toàn ở Hà Nội..., còn ở Bắc Trà My thì dân không thấy an toàn và yên tâm.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - day dứt: Người dân lúc nào cũng thấy bất an, bất an cả trong giấc ngủ. An toàn của thủy điện Sông Tranh 2 cần được đánh giá một các căn cơ, cần thiết phải tổ chức phản biện của các nhà khoa học trên tinh thần tích cực, không thể nói “an toàn” theo lý thuyết, người dân họ không tin. Chính quyền lo tái định cư để ổn định đời sống cho người dân chưa xong thì liên miên xảy ra động đất. Khó khăn được nhân lên gấp đôi, gấp ba cho chính quyền địa phương, nói vậy để hiểu và chia sẻ về những khó khăn với chính quyền và nhân dân Bắc Trà My.
Được biết năm 2011, huyện Bắc Trà My vừa mới được Chính phủ “bổ sung” là một trong bảy huyện nghèo theo Quyết định 615/2011, năm 2012 mới được nhận tiền hỗ trợ. E rằng những trận động đất khiến bà con không còn tâm trạng lo cho sản xuất, bà con đã nghèo lại “gặp eo” thì biết đến bao giờ mới thoát nghèo.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?