Bản Lung Tang thuộc xã Hồng Ngài là vùng đất xa xôi, heo hút nhất của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Từ thị trấn Bắc Yên vượt hơn 50km đèo núi chúng tôi mới găp được anh Đinh Văn Của, người được mệnh danh là "vua" chuột.
|
Diện kiến "vua" chuột
Năm nay vừa tròn 30 tuổi, Đinh Văn Của là người Mông, đã có vợ và 4 người con, nhưng vì bệnh tật nên hai đứa con đầu đã "theo núi rừng" từ khi mới chập chững biết đi. Giờ còn 2 đứa, đứa lớn lên 10 tuổi, đứa bé kém hơn 1 năm. Vợ chồng Của nghề chính vẫn là trồng ngô, trồng lúa và sắn trên những dãy đồi cao ngút ngàn của bản Lung Tang nhưng nghề săn chuột đá cũng mang lại một khoản tiền không nhỏ cho gia đình Của.
Trên bản Lung Tang này, gần như tất thảy là người Mông sinh sống, do ở nơi xa xôi và hẻo lánh cùng con đường dốc thẳm khúc khuỷu nên rất khó khăn tôi mới tìm được đường đến nhà Của. Mới gần 5h chiều mà bản Lung Tang đã gần như đắm chìm trong bóng tối, điện chưa có, nước cũng chẳng nhiều để chạy máy phát điện nên gần như cả bản chỉ có ánh đèn dầu chập chờn. Trong ngôi nhà nhỏ bằng gỗ ẩm thấp lè tè, nhà Của nằm ẩn dưới một ngọn núi cao và con đường dốc dựng đứng. Trước nhà, hai đứa trẻ con Của đang nghịch cát. Gặp tôi, những người "xa lạ" ở dưới xuôi, chúng nhìn với ánh mắt đầy "dò xét" rồi chạy ùa vào nhà í ới tiếng Mông gọi bố mẹ. Của biết tiếng Kinh không nhiều, nhưng cũng ngọng nghịu giao tiếp được.
Khi tôi xưng là phóng viên lên đây công tác, muốn xin theo Của để đi săn chuột cùng thì Của tỏ ra lạ lẫm. A Mẩy, vợ Của bảo, có "cán bộ" nên bữa cơm thường ngày gia đình Của vui hẳn lên, vợ và con Của không biết nói tiếng Kinh nên hỏi gì, nói gì đều được Của phiên dịch. Vợ lớn hơn Của 1 tuổi, nhưng Của bảo vì nó là vợ nên cho nó ít tuổi thôi. Nó không được nhiều tuổi hơn mình. Thế nên, Của cho vợ "ít hơn" mình 2 tuổi. "Vị chi" vợ Của năm nay mới có 28. Hai đứa con, Của cũng chẳng nhớ sinh năm nào, chỉ áng chừng từng đó tuổi. Nghề săn chuột với Của tính đến nay cũng ngót nghét 10 năm. Ở cả cái bản làng này chỉ có mỗi mình Của là người theo cái nghề này lâu nhất.
"Vua" chuột Đinh Văn Của trong một lần đi săn.
"Ngày đó mình đi nhiều người lắm, đến nhà A Mẩy thì mình ngồi chờ ở bên ngoài. Khi thấy Mẩy ra ngoài nhà là bọn mình lao lên hết, mấy đứa đi cùng thì giữ lấy bố mẹ Mẩy, còn mình và mấy đứa nữa thì kéo Mẩy chạy thật nhanh về nhà. Sau khi cúng con ma trong nhà cho Mẩy, thì Mẩy trở thành vợ mình đấy", Của kể về việc lấy vợ "vất vả" như thế.
A Mẩy, vợ Của bảo lúc đó sợ lắm, khi mới về nhà Của thì nhớ bố mẹ, nhớ mấy đứa em. Nhưng bố mẹ Mẩy bảo giờ Mẩy là người nhà Của, làm ma nhà Của và phải sinh con đẻ cái cho Của nữa. Từ giờ Mẩy không phải là con của bố mẹ. Mẩy sợ, khóc đến mấy ngày mới thôi.
Giờ Mẩy đã là vợ của Của và hai đứa con trong nhà rồi. Của bảo không sinh con nữa đâu, Nhà nước bảo sinh ít con để cho chúng khỏe mạnh, để được học hành, cho chúng đỡ khổ và ăn no cái bụng hơn. Tôi vờ hỏi đùa, có khi nào Của sợ "vỡ kế hoạch" không? Rít điếu thuốc đang cháy dở từ bàn tẩu, Của cười khì và bảo "giờ vợ mình "khóa" mất rồi, có muốn mình cũng chẳng thể sinh con được nữa. Tiếng cười đầy sảng khoái vang lên trong ngôi nhà đèn dầu chập choạng.
Gần 22h tối, khi sương đã phủ kín cả bản Lung Tang, khi những người dân trong bản đã chìm trong giấc ngủ thì cũng là lúc Của bảo tôi chuẩn bị để đi săn chuột. "Sẽ vất vả đấy nhé, cán bộ phải đi theo mình đấy, kẻo lạc đường là không tìm về được nhà đâu", Của dặn dò tôi trước khi lên xe tiến về phía cánh rừng heo hút và lạnh lẽo.
Trắng đêm "săn" chuột đá
Nơi Của đưa tôi đến cách nhà khoảng 20 phút đi xe. Của quen đi xe Win rồi, nhưng hôm nay xe hỏng nên Của bảo đi xe tôi. Dụng cụ mà Của mang theo là chiếc đèn soi buộc trên đầu cực sáng, Của khoe, nhà phải bán mất 2 tạ ngô mới xuống thị trấn mua được chiếc đèn pin này đó. Của không quên khen "người Kinh mình giỏi thật, làm được chiếc đèn bé tẹo này mà lấy đi của nhà mình hết 300 nghìn đồng từ tiền bán ngô đấy”. Tuy cái đèn chỉ to bằng bắp ngô nhưng mỗi lần xạc pin, Của dùng được 4, 5 ngày. Hết pin, Của lại đi sang nhà hàng xóm có máy nổ phát điện để xạc nhờ. Ngoài chiếc đèn, đeo bên mình là chiếc túi nhỏ để đựng chuột và một ít mồi như dế, châu chấu đã được Của nướng thơm.
Là người ở bản nên việc đi lại trên những con đường quanh co và đầy dốc xiết với Của không khó khăn lắm. Trong đêm tối mịt mùng, con đường chúng tôi đi đã mòn theo dấu chân của dân bản. Tay lái lụa cừ khôi Đinh Văn Của xé toạc màn đêm đầy sương mù và cây rừng thẳng tiến. Ngồi đằng sau, hai tay tôi bám chặt vào áo Của mà tim vẫn đập thuỳnh thuỵch. Trời lạnh cóng mà toàn thân toát cả mồ hôi vì hồi hộp và căng thẳng. Nhiều đoạn, con đường bé tí, bên là núi cao, bên là vực sâu hun hút mà Của cứ phóng như đi đường... cao tốc.
Đến nơi, Của dừng xe ở chân núi, bảo tôi bật đèn pin để chuẩn bị đi xem bẫy. Đây là những chiếc bẫy chuột mà Của đã đặt từ lúc sáng nay trước khi chúng tôi đến nhà. Của bảo, đặt sớm như thế vì còn về ăn cơm, đó cũng là giờ chuột thường đi kiếm ăn buổi tối. Theo kinh nghiệm trong "nghề" mà Của cho biết thì chuột thường ăn từ lúc khoảng 18h đến khoảng 21h và khoảng thời gian từ 5 đến 7h sáng.
Trước thì Của thường làm bằng bẫy tre, giờ người ta đã sản xuất các loại bẫy bằng sắt rất chắc chắn lại đơn giản và hiệu quả rồi. Toàn bộ bẫy chuột Của mua ở dưới thị trấn Bắc Yên. "Dùng mấy năm rồi mà chẳng hỏng cái nào, trước đi đặt bẫy tre vừa vất vả mà lại bẫy được ít lắm. Giờ bẫy bằng sắt, đêm nhiều thì trăm con, vài trăm con cũng có", Của bảo.
Nơi Của đặt bẫy chuột là ruộng ngô nằm cheo leo, lọt thỏm giữa các mô đá cao. Ngay khi bắt đầu leo núi, Của dặn dò tôi cẩn thận kẻo trượt ngã. Tôi nhủ thầm, mình thì giày đinh "chính hiệu" chuyên leo núi mà Của thì một đôi dép đã mòn cả gót thì tôi phải dặn Của chứ? Nhưng trong hành trình mới thấy, đúng là thợ săn có khác, Của cứ leo thoăn thoắt còn tôi thì toát mồ hôi vẫn không tránh khỏi trượt chân và té ngã. Nhìn theo ánh sáng của chiếc đèn pin, tôi thấy vực sâu thăm thẳm, Của bảo ở dưới chân đồi là dòng suối. Cẩn thận không trượt ngã là rơi tọt xuống đó thì chết đấy. Tôi ớn lạnh.
Dò dẫm theo chân Của, chúng tôi đi một vòng kiểm tra khoảng 50 chiếc bẫy ở nhiều vị trí. Trong bóng tối và cây cối heo hút như vậy mà Của nhớ không sót một chiếc bẫy nào. Lượt đi này, chúng tôi thu được khoảng 30 con chuột đá. Vì đang vào mùa ngô nên những con chuột đá trông béo ngậy. Theo Của thì chỉ đi săn vào mùa ngô thôi, vì không phải mùa thì chuột vừa ít, vừa không béo.
Những con chuột này, thường thì Của bán 5.000 đồng. Có hôm được nhiều, Của cũng thu được khối tiền. Của bảo: "Hôm nào nhiều mình mới bán, chứ đi săn thế này về chủ yếu cho con và vợ ăn thôi. Ở đây người nào cũng muốn mua lắm nhưng mình không bán hết đâu. Thịt chuột còn ngon hơn cả gà, cả lợn cho nên để ăn cán bộ ạ". Mỗi chuyến đi săn thế này, thường Của sẽ ngủ lại nương rẫy luôn. Hôm nay có tôi nên Của bảo sẽ về nhà, "kẻo cán bộ ngủ không quen lại ốm thì mình không vui cái bụng đâu". Tôi bảo cứ yên tâm, mặc ấm thế này không sao. Của cười!
Đinh Văn Của.
Trong màn đêm sương phủ kín núi đồi, khi tiếng dế kêu ken kít thì tôi, một "cán bộ" dưới xuôi lên, cùng Của, một người Mông dân bản ngọng ngịu tiếng Kinh trò chuyện trên đồi cao, rừng thẳm. Của hỏi tôi về nhiều thứ lắm, về Hà Nội, về Bác Hồ, về những thứ mà Của chưa bao giờ nhìn thấy như máy tính xách tay, máy chụp ảnh, "chụp xong thấy mình ở trong đó, cán bộ nhỉ"... Cái gì Của cũng bảo ở dưới Hà Nội thú vị thật. Ở trên này chẳng có gì để chơi, sáng ngủ dậy lên nương, chiều về ăn cơm rồi ngủ. "Nhưng sống quen rồi mình vẫn yêu quê mình, dưới kia toàn xe cộ, không nghe được tiếng chim, gió rừng thì buồn lắm cán bộ ơi", Của yêu quê mình đến như thế.
Chúng tôi ngồi nói chuyện khoảng nửa tiếng thì Của bảo buồn ngủ. Của nhường cho tôi ngay mảnh đất phẳng mà thường ngày Của vẫn nằm. Còn mình, Của ngả lưng vào gốc cây khô còn sót lại, Của ngủ một cách ngon lành. 1h sáng, tiếng chuông báo thức từ chiếc điện thoại của tôi hẹn giờ reo vang, tôi và Của trở mình tỉnh dậy. Những giọt sương phủ trắng trên những tóc, mi mắt, đôi tay tôi lạnh cóng.
Chúng tôi thêm một vòng đi kiểm tra bẫy, lần này thu về khoảng 20 con chuột nữa. Cái túi xách bên mình Của đã nặng hơn. Chúng tôi lại ngồi ở vị trí cũ, Của bật lửa nhóm lên những ngọn lửa cháy bùng giữa rừng núi hoang vu. Của tìm kiếm một vài bắp ngô còn tươi, chúng tôi cho lên bếp than hồng. Mùi thơm dậy cả núi rừng. Hơi ấm tỏa ra, chúng tôi ăn, rồi trò chuyện và lại chìm trong giấc ngủ.
Sáng sớm, khi tiếng chim đã cất lên. Khi tiếng dế đã không còn "nghiến răng" nữa. Chúng tôi trở về khi mặt trời đã lấp ló ra phía trên đầu đỉnh núi xa xa. Một chuyến đi săn, hơn 60 con chuột béo ngậy. Vì có "cán bộ" nên Của bảo sẽ không bán mà sẽ làm bữa thịt chuột để uống rượu, để "đãi" tôi.
Những con chuột được làm sạch lông, được nướng trên bếp than hồng bùng bùng rực mùi thơm phưng phức. Chuột chín, thịt được thái nhỏ, được rang với dầu, với gừng và hương vị của núi rừng. Một mùi thơm nồng đặc trưng và béo ngậy. Những tiếng vui cười, những lời chúc tụng vang vọng giữa núi rừng. Một bữa rượu với thịt chuột, với người Mông, với "vua" săn chuột đá Đinh Văn Của ở đỉnh Lung Tang... một lần nhớ mãi không quên.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%