Nhiệm vụ chính của vị "thần hồn" này là chế tác chơi được tất cả những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Pacô, Vân Kiều, nghệ nhân ấy chính là Mai Hoa Sen.
|
Nằm bên dòng sông Đakrông thơ mộng có bản Kahẹp, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị. Ở đây chỉ có một người Pacô rất "giữ lửa" cho đại ngàn Trường Sơn. Nhiệm vụ chính của vị "thần hồn" này là chế tác chơi được tất cả những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Pacô, Vân Kiều, nghệ nhân ấy chính là Mai Hoa Sen.
Tiếng đàn Ưkơrao(đàn môi) của già Sen lúc trầm, lúc bổng như đuổi hết cái vắng lặng của một Trường Sơn huyền bí. Nửa mặt trời đã xuống cái chòi canh rẫy trên núi Hêlơ bỗng vang ngân khúc dập dìu, tiếng đàn của già Sen như đuổi hết mọi sự mệt mỏi của bà con dân bản sau một ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trên nương rẫy.
Người giữ hồn cho dân bản
Trong căn nhà bé nhỏ già Sen dành nguyên một góc để làm bộ sưu tập "bảo tàng" nhạc cụ riêng của mình. 67 tuổi đời và 30 năm tuổi Đảng, già như một "bảo tàng sống" âm nhạc truyền thống của dân tộc Pacô, Vân Kiều quý giá ở tỉnh Quảng Trị.
Cuộc sống của già là âm nhạc, già cho biết, hiện nay già đang lưu giữ hàng chục loại nhạc cụ gồm bộ Tale (chiêng) 6 chiếc theo kích cỡ, Cùng (cồng), Ciên (khèn bè), đàn Talư to nhỏ khác nhau, Ưkơrao (đàn môi), đàn A - Ben (gần giống đàn nhị), sáo Tiơre… Năm 2007, già là người đã sưu tập đủ bộ nhạc cụ của dân tộc Pacô và các vật dụng truyền thống như chày, cối giã gạo… cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Già kể ngày gia nhập quân ngũ ở tuổi 18. "Suốt thời gian tham gia chiến đấu, cây đàn Talư nhỏ và chiếc đàn môi già luôn mang theo bên mình. Già gảy lên những điệu nhạc dân tộc mình mỗi khi già thấy nhớ bản, nhớ bà con. "Nghệ sĩ tộc" là biệt danh đồng đội trong đơn vị đặt cho già" - già Sen hồi ức.
Lúc còn nhỏ, Mai Hoa Sen được cha mẹ là những nghệ nhân truyền lại tất cả những điệu đàn, khúc hát truyền thống. Sen thấy đam mê và yêu sâu sắc nền văn hoá dân tộc mình. Đến nay, già thuộc số nghệ nhân hiếm hoi biết làm nhạc cụ và chơi được tất cả các bản nhạc truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá Pacô, Vân Kiều.
Theo chủ trương của Phòng Văn hoá huyện Đakrông, già Sen đứng ra thành lập Đội cồng chiêng của xã Tà Rụt gồm 16 người ở tuổi thanh niên. Và chính Đội cồng chiêng xã Tà Rụt được đại diện cho tỉnh đi tham gia Festival cồng chiêng các dân tộc Trường Sơn tại Đắk Lắk - Tây Nguyên, Lễ hội Văn hoá - Thể thao huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình, Lễ hội Nhịp cầu Xuyên Á lần I, TX.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Cách đây khoảng 6 năm, nghệ nhân Mai Hoa Sen được mời về dạy các em ở Hội người mù tỉnh Quảng Trị cách đánh đàn, thổi sáo. Rồi tham gia dàn dựng và viết kịch bản cho Lễ hội mừng lúa mới huyện Đakrông. Tháng trước, già là "thầy chủ nhiệm" của lớp học chế tác nhạc cụ do Phòng Văn hoá huyện tổ chức tại Làng Cát, xã Đakrông, huyện Đakrông.
Cuộc sống của người Pacô, Vân Kiều đan xen hoà chung bản làng ở các huyện miền núi Tây Quảng Trị. Đời sống văn hoá tinh thần của hai dân tộc này cũng có nhiều nét tương đồng. "Cái nhạc của dân tộc Pacô, Vân Kiều nghe hay cái tai lắm. Lời hát, điệu đàn diễn tả hết những cung bậc tình cảm, nét văn hoá riêng của dân tộc" - già Sen không giấu giếm vẻ tự hào.
Vừa kể ra các vần điệu, nhịp đàn già Sen vừa "chứng minh" bằng nhiều nhạc cụ khác nhau: trai gái đi sim tìm hiểu nhau có lời hát và đệm đàn Talư có bài A Dà lúc tha thiết nhớ thương, lúc trách hờn; điệu Pổ xu (múa quanh) ngọn lửa nhịp nhàng; bài Păn tưi (lẻ loi) da diết bằng Ưkơrao về nỗi buồn của chàng trai vượt núi băng sông tìm bạn yêu nhưng người ấy đã bị chàng trai khác giành mất; Tarần téctơn oán trách vì người yêu đã đi theo người khác; sự hoà nhịp của đủ bộ chiên cồng, đàn Talư, khèn bè Ciên, đàn A - ben với điệu Hiê trong những cuộc hội vui…
Cơn mưa nhẹ giữa chiều giăng xuống đại ngàn Trường Sơn càng làm cho tiếng đàn, âm khèn thêm dào dạt lòng người nghe. Và người nghệ nhân Mai Hoa Sen điêu luyện có thêm cảm xúc, nặng thêm nỗi niềm trăn trở…
Quá khứ đẹp và những nỗi niềm
Những ngày sau mùa rẫy, ở đây các bản thường chuẩn bị cho Hội mừng lúa mới. Đêm trăng Trường Sơn vằng vặc sáng, Hội mừng lúa mới được tổ chức ở sân rộng nhất của bản.
Bà con Pacô, Vân Kiều ăn miếng cơm từ lúa mới với những miếng thịt ngon, uống ngụm rượu cần chếnh choáng men nồng. Trai gái nắm tay nhau quanh ngọn lửa lớn, nhảy điệu truyền thống hoà quyện trong tiếng chiêng cồng ngân vọng, tiếng đàn Talư, A - ben… thánh thót với bản nhạc Hiê mừng lúa mới. Đêm ấy, đại ngàn Trường Sơn thật vui. Hội kéo dài đến gần tới sáng. Tất cả người dân trong bản đều cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, thú dữ không về phá rẫy, dân bản ấm no hạnh phúc.
Những cảnh tượng ấy, giờ chỉ còn trong ký ức của những người Pacô, Vân Kiều già tuổi như nghệ nhân Mai Hoa Sen mà thôi. Già Sen ngậm ngùi: "Đã mười mấy mùa rẫy qua, cả bản chẳng nghe ai buồn nhắc đến hội mừng. Dân bản chẳng mấy ai mặn mà với Talư, A - ben… nữa. Trai gái trẻ hẹn hò chỉ thích vào các quán cà phê nhạc xập xình, hát karaoke, uống bia và nhảy nhót theo cái nhạc mới trong đầu máy thôi".
Sau khi xuất ngũ vào năm 1977, già Sen về lại Kahẹp, cũng nhờ tiếng Talư mà già Sen tìm được vợ. Nay lập ra được Đội cồng chiêng, già phải đi vận động khắp xã cả tháng trời, mới có 16 thanh niên ưng cái bụng. Già hứng khởi hơn: "Nhưng vào đội rồi, già nói cho chúng nó hiểu cái hay của nhạc dân tộc mình. Chúng nó có vẻ thích. Già mừng lắm, cội nguồn chúng nó đó mà…". Những lúc rảnh, già tận tình truyền dạy cho hai đứa con của mình là Mai Thị Liên (9 tuổi) và Mai Cổng Công (11 tuổi) từng điệu nhạc đến cách sử dụng và chế tác nhạc cụ.
Cuối chiều, trên bản Kahẹp nghe đâu đó bài nhạc của mấy ca sĩ hải ngoại vang lên từ cái "âm ly" nào đó. Vì nhọc nhằn với những mưu sinh cơm gạo mà tiếng A - ben, tiếng Ưkơrao, Tiơre… cũng phai nhạt dần trong cuộc sống tinh thần người Pa Kô, Vân Kiều. "Cuộc sống nay khác rồi. Cái gạo, cái cơm bà con không còn lo nhiều nữa. Phải tìm cách đưa cái "hồn" về lại cho bà con thôi! Không ai nhớ A Dà, Păn Tưi, Hiê nữa thì bà con Pacô, Vân Kiều như con suối Trường Sơn mà không cái nguồn vậy" - già Sen quả quyết.
Hoàng hôn xuống, uống lấy ngụm nước, già sẽ lại lên núi Hêlơ. Đàn, khèn đã có sẵn trên chòi…
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?