Những người đi bắt cá anh vũ không bao giờ dùng đến cần câu, bởi có câu cả ngày cũng không câu được. Cá anh vũ chỉ sống ở sâu trong các hang đá vì chúng ưa nhiệt độ lạnh. Ngư dân phải cầm theo lưới và tự mình lặn sâu xuống dưới nước.
|
Loài cá huyền thoại
Nhiều người vẫn thường hay nghe kể về loài cá anh vũ, còn được gọi là loài cá tiến vua nổi tiếng mang đầy những màu sắc huyền thoại. Thế nhưng, không phải ai cũng từng có “duyên” để được nhìn thấy loài cá này để xem hình thù thế nào, dài ngắn, nặng nhẹ ra sao, chứ chưa kể đến việc được thưởng thức loài cá mà chỉ có vua chúa ngày xưa mới được dùng.
Trước đây, ngư dân ở Cao Bằng vẫn thường hay kéo nhau ra sông Gâm đoạn chảy qua thị trấn Pác Miều (Bảo Lâm) để tìm săn cá anh vũ. Bởi lẽ, nơi đây có hai con suối Nà Làng và suối Nam Quang cùng đổ vào sông Gâm, hai bên núi đá dựng đứng có nhiều hang hốc, nên cá anh vũ sinh sống rất nhiều.
Tuy nhiên, do quá quý, cá anh vũ trở thành mục tiêu săn bắt đến mức bị tận diệt. Chẳng phải riêng những tay săn cá lão luyện ở Bảo Lâm mà vô số người từ nơi khác cùng kéo về. Họ thành phường, thành đội ngày đêm bám lấy sông bắt cá. Đặc biệt dân từ Hà Giang, Việt Trì (Phú Thọ) lên sông Gâm, họ trang bị lưới và phương tiện tàu thuyền, đánh bắt hiện đại. Lưới được giăng kín dòng sông, sau đó họ dùng kích điện, cá to, cá nhỏ đều bị bắt hết, khiến loài cá anh vũ một thời là thứ “báu vật” trời ban bỗng dưng biến mất.
Đã có thời, sông Gâm là nơi sinh sống của loài cá được mệnh danh là "báu vật" trời cho.
Tưởng chừng như cái cơ duyên được tận mắt nhìn thấy loài cá huyền thoại của tôi đành phải dang dở, nhưng may mắn thay, theo sự mách bảo của những tay săn cá, giờ muốn tìm cá anh vũ chỉ có đến dòng sông Bằng, tôi liền dùng con “ngựa sắt” đi thẳng một mạch đến nơi để đi tìm loài cá tiến vua.
Dòng Bằng Giang vốn bắt nguồn từ vùng núi Nà Vài cao 600 m, chảy theo hướng tây bắc - đông nam qua biên giới Việt - Trung ở Thuỷ Khẩu, rồi nhập vào sông Tây Giang ở Long Châu. Đây là sông lớn thứ hai trong hệ thống sông Kỳ Cùng. Chiều dài của sông trên đất Việt Nam là 108 km.
Lang thang trên phía bờ sông hồi lâu, cuối cùng tôi cũng tìm được ông Phùng Văn Quảng, một ngư dân hiếm hoi trên dòng Bằng giang. Khi tôi hỏi ông Quảng về loài cá anh vũ quý giá hiện vẫn còn sinh sống tại dòng sông này, tưởng chừng ông sẽ thuộc vanh vách mà kể cho tôi nghe, nào ngờ lão ngư này lại tỏ ra ngây ngô như chưa hề biết. Đến khi tôi phải sử dụng đến công nghệ, dùng điện thoại cho ông Quảng xem một tấm hình ở trên mạng, ông Quảng mới cười khì khì mà bảo rằng: “Ở đây chúng tôi chẳng ai gọi là cá anh vũ đâu, toàn gọi là cá mõm lợn thôi”. Quả thực là khi ông Quảng nói tôi cũng chột dạ, bởi lẽ nhìn hình ảnh về loài cá huyền thoại thì đích thực có thấy phía mõm trông như mõm lợn.
Phần miệng có hình thù giống với mõm lợn khá đặc biệt của loài cá anh vũ
Ông lão trong gia đình đã 3 đời truyền nhau cái nghề gắn với sông nước kể rằng: “Cá anh vũ sống theo bầy đàn , con cá trông giống như con cá trôi (dân câu hay gọi là trắm trôi Ấn Ðộ) lớn nhưng bộ vảy óng ánh, sặc sỡ. Cá anh vũ chỉ ăn rêu suối, sống ở nước xiết, nên thịt săn chắc, thơm ngon và tinh khiết vô cùng. Cũng do sống ở nước xiết, nên cá phải có cái miệng cực khoẻ để há ra, bám vào vách đá cho khỏi bị trôi đi, để cái miệng ấy hằng ngày hằng giờ cạo vào rêu đá, bóc rêu ra ăn. Lâu dần cái mõm cá hóa ra giống cái mõm lợn, vì vậy mà người dân hay gọi là cá mõm lợn cho nó xuôi tai. Cá anh vũ mỗi khi bắt được phải đem thả vào nước thật sạch và thay nước liên tục vì cá này rất dễ chết. Chỉ cần bắt lên bờ thả vào nước không sạch vài ba tiếng là chết ngay. Thời trước, mỗi khi bắt được cá mõm lợn lớn một chút, người dân thường phải đem tiến lên vua chúa, nếu cố tình giấu để ăn hoặc bán bị phát giác sẽ chịu tội nặng”.
Sinh nghề tử nghiệp
Một điều đặc biệt là những người đi bắt cá anh vũ không bao giờ dùng đến cần câu, bởi có câu cả ngày cũng không câu được. Ông Quảng nói, cá anh vũ chỉ sống ở sâu trong các hang đá vì chúng ưa nhiệt độ lạnh. Người đi bắt cá anh vũ phải cầm theo lưới và tự mình lặn sâu xuống dưới nước.
“Một thợ lặn không những phải có sức khoẻ để đủ sức lặn sâu, mà còn phải có tài nghệ dùng lưới quây cá. Cách tốt nhất để đi săn cá anh vũ là phải có 3 người, cùng lặn xuống đáy sâu rồi mỗi người cầm một góc lưới để quây kín các hốc đá, rồi sau đó mới đánh động để cá chạy ra ngoài. Càng là những hôm trời lạnh thì khả năng bắt được cá anh vũ lại càng cao. Phải lặn xuống sâu, nhiệt độ nước lạnh nên những tay thợ săn đều phải cắn răng uống nước mắm nguyên chất mà lặn xuống, ngậm ống tiro, đeo kính lặn để lần mò. Không ít người, vì lặn sâu quá bị sức ép đến ứa máu tai máu mũi rồi chết mất xác dưới lòng sông chỉ vì loài cá huyền thoại. Vất vả như thế, vậy mà may mắn bắt được con cá, ai cũng chỉ biết hân hoan ngửa mặt nhìn trời, coi như trời cho. Một năm bám trụ trên dòng sông, chỉ cần mươi lần bắt được cá anh vũ cũng đã là một điều hạnh phúc lắm với mỗi ngư dân.”, ông Quảng nói.
Cá anh vũ cũng rất kì lạ, có con cá dù sống lâu cũng chỉ to hơn cổ tay một chút, nhưng có con lại to đến gần 3kg, ông Quảng vẫn nhớ như in kỷ niệm khi ông còn nhỏ, vào đúng dịp sát tết, đám ngư dân trong làng đi đánh cá đã bắt được một con cá anh vũ loại “khủng”. Sau khi đám thanh niên mang đi cân tay tính được 2,6kg. Cả làng hôm đó đã mở tiệc ăn mừng, khi mổ bụng cá ra, ruột của cá anh vũ hẹp và mảnh nhưng lại rất dài, dễ đến vài chục mét. Có lẽ vì chỉ chuyên ăn rong, rêu mềm nên ruột cá anh vũ mới đặc biệt như vậy.
Quý hiếm là thế nên cái giá của loài cá anh vũ cũng không phải là nhỏ, người ta sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để một lần được thưởng thức thứ của ngon vật lạ mà ngày xưa chỉ có vua chúa mới được ăn. Thông thường, chỉ riêng ở các quán nhậu ở huyện quanh khu vực sông Gâm, muốn thưởng thức 1kg cá anh vũ, khách cũng phải bỏ ra ít nhất là 1 triệu đồng. Những tay ngư dân thuộc dạng tinh khôn, sau khi bắt được cá anh vũ là lấy xe máy phóng cấp tốc xuống trung tâm thị xã Cao Bằng để bán cho những tay buôn chuyên mua cá anh vũ mang về xuôi bán cho các nhà hàng làm đặc sản.
Để thưởng thức loài cá huyền thoại, theo ông Quảng thì ngon nhất vẫn là món hấp cá,do cá anh vũ có tình hàn nên sau khi cá được rửa sạch rồi mổ sẽ được ướp với gừng, muối và mắm ngon, sau đó đặt cá lên trên một lớp lá gừng rồi đưa vào hấp chín. Đây là món được ưa chuộng nhất vì hấp cá sẽ giữ được nguyên trạng và thơm ngon hơn bất cứ các món chế biến khác.
Khi ăn thịt cá anh vũ, người ta thường ăn với khế xanh, chuối xanh và bánh tráng mỏng, các loại rau như tía tô, dấp cá, xương sông... đều là những vị thuốc bổ trợ cho thịt cá anh vũ. Ngoài ra còn có thể nấu giấm mẻ, nướng chả, và kho như kho tộ ăn với cơm. Nhiều người còn nói rằng, loài cái anh vũ còn chữa được một số bệnh về nhiệt và bồi bổ thận.
Trong lúc nguy cơ về sự tuyệt chủng của loài cá đã được cảnh báo và ghi trong sách đỏ thì mới đây, một tin vui vừa xuất hiện khi đã có kỹ sư ở Phú Thọ thực hiện việc nhân giống thành công loài cá huyền thoại này và đã mang thả lại vào môi trường tự nhiên để gây dựng lại nguồn gen cá quý hiếm. Hy vọng, trong một tương lai không xa, thứ “báu vật” sông nước tưởng chừng đã một đi không trở lại sẽ được sinh sôi nảy nở như đã từng có ở sông Gâm huyền thoại.
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?