TS. Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ UIA đã có những chia sẻ về "Cột đá lạ" ở Đền Hùng.
Cột đá Thề |
Mới đây, dư luận lại dấy lên câu chuyện Cột đá Thề trước cửa Đền Thượng của khu di tích này (tục truyền từ thời Hùng Vương, các vị vua hàng năm đều tới đứng trước hòn đá thiêng này cầu cho quốc thái dân an) đã bị ai đó ngang nhiên di dời để thay bằng một “cột đá lạ” bằng đá hoa cương lạ lẫm, “vô hồn”.
Ngay sau khi công luận đưa tin về sự việc này, TS. Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ UIA cho biết, chính ông là người đã đề nghị KTS. Nguyễn Ngọc Dũng, phó TGĐ của UIA cung cấp thông tin cho báo giới về vấn đề nghiêm trọng này.
Trao đổi với PV, TS. Vũ Thế Khanh đã phân tích và lên án về vụ việc này một cách khá gay gắt nhưng sòng phẳng. Với tư cách là một người từng nghiên cứu sâu về một số môn khoa học có liên quan đến vấn đề tâm linh, ông Khanh khẳng định: Việc thời gian vừa qua người ta tùy tiện đưa vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng thiêng liêng của Quốc gia một “hòn đá lạ” và “một cột đá lạ” là những việc mê tín dị đoan. Họ đưa vào hai tảng đá được mệnh danh là đá “trấn yểm” và đá “phong thủy” có nhiều năng lượng để lừa bịp mọi người cùng nhiều lý do để che đậy việc làm vi phạm của họ! Và tôi cũng không hiểu vì sao một số người có trách nhiệm của tỉnh Phú Thọ lại để cho họ làm những việc tùy tiện như thế mà không cảnh báo và ngăn chặn!?”... Xung quanh vấn đề này PV đã có cuộc phỏng vấn khá cởi mở với ông Vũ Thế Khanh.
Ai phong là “nhà pháp sư ngoại cảm” để mấy “ông” ở Phú Thọ tin theo?
Thưa ông, trước khi đưa những “hòn đá lạ” này vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng, họ đã “ngụy trang” bằng một câu chuyện ly kỳ là qua việc tu bổ di tích, tình cờ họ phát hiện thấy dưới nền di tích một viên gạch cổ “trấn yểm” có chữ của người Tàu do quân Nguyên Mông bằng cách nào đó bí mật đưa tới đây từ thời xưa để “trấn yểm” với dụng ý xấu đối với đất nước ta. Ông đánh giá thế nào về câu chuyện này khi họ mượn cớ như vậy để đưa một hòn đá lạ vào để “trấn yểm” lại viên gạch kỳ bí kia?
Đây rõ ràng là trò lừa đảo và bịa đặt, làm gì có chuyện quân Nguyên Mông sau khi bị quân dân nhà Trần ba lần đuổi khỏi bờ cõi lại bí mật cử người mang một viên gạch lên “trấn yểm” ở Đền Hùng. Vậy thử hỏi, cái viên gạch “trấn yểm” của quân Nguyên Mông mà các vị phát hiện được bây giờ đang nằm ở đâu? Nếu còn viên gạch cổ ấy thì đề nghị cơ quan chức năng gửi ngay cho Viện Khoa học Hình sự bộ Công an (nơi vẫn đang cộng tác với Liên hiệp khoa học UIA trong việc xác minh, thẩm định những vấn đề liên quan tới ngoại cảm và khoa học tâm linh). Chắc chắn chỉ trong một thời gian ngắn, bằng các máy móc, thiết bị khoa học chuyên dùng, các chuyên gia sẽ xác định được niên hạn xuất hiện của viên gạch cổ ấy là vào thời nào, được làm bằng vật liệu gì, loại men gì, được sản xuất ở đâu và mọi chuyện lừa đảo này sẽ bị lật tẩy.
Theo tôi, có thể đây là “mánh” làm ăn của một số kẻ “buôn đá phong thủy” theo kiểu bất lương. Họ có thể tung tin về việc có viên gạch “trấn yểm” thời Nguyên Mông, hoặc giả dụ họ lén mang một viên gạch cổ vào khu di tích đang tu bổ rồi bịa đặt ra chuyện này để đưa hòn đá lạ vào đó. Theo tôi, đây có dấu hiệu của việc hành nghề mê tín để bán đá theo kiểu lòe bịp bằng các đạo bùa chú khắc vẽ lăng nhăng trên đá.
Cột đá “lạ” trước cửa đền Thượng
Ông có nhận xét gì về hòn đá lạ“trấn yểm”có nhiều hình vẽ kỳ dị và những ký tự bí hiểm vừa bị bộ VHTT&DL yêu cầu phải đưa ra ngay khỏi Đền Hùng?
Đây lại là trò “lòe bịp” thiên hạ. Người ta đã khắc một số ký tự trong sách của Phật và một số chữ cổ trong sách của người Tàu lên trên hòn đá lạ. Thậm chí, họ dám mạo danh cho rằng, trong số những hình vẽ, ký tự đó có một số đạo bùa chú của Phật Tổ. Không thể có chuyện ấy vì Phật Tổ xuất hiện cách đây 26 thế kỷ, nên không có lý gì Phật Tổ lại phải dùng “trận đồ bát quái” của những người xuất hiện muộn sau đó hàng chục thế kỷ để tạo nên một trận đồ “trấn yểm” trên hòn đá này như cách giải thích của người đưa viên đá vào khu di tích.
Theo tôi, người “pháp sư” được mệnh danh là nhà ngoại cảm đứng sau vụ đưa các hòn đá lạ vào khu di tích Đền Hùng thật ra không có trình độ gì cả, ông ta khắc vẽ nhăng nhít trên hòn đá lạ theo một số ký tự bắt chước của người xưa để “lòe bịp” người thời nay để cho rằng, hòn đá ấy rất thiêng và có tác dụng “trấn yểm”. Vậy tôi xin đặt một câu hỏi: Cơ quan nào, đơn vị nào, tổ chức nào phong cho ông này là nhà pháp sư ngoại cảm mà mấy ông ở Phú Thọ lại tin vào chuyện ấy? Có thể nói, ông này chỉ là người hành nghề mê tín dị đoan và không hề có tên tuổi trong số 20 nhà ngoại cảm có uy tín hiện nay mà Liên hiệp khoa học UIA, Viện Khoa học Hình sự- Bộ Công an và Trung tâm Bảo trợ văn hóa truyền thống đang tiến hành khảo nghiệm, nghiên cứu về khả năng của họ.
Theo tôi, việc đưa hai hòn đá lạ vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng là việc làm xấu, thật sự gây sự hoang mang mê tín trong không ít người dân cứ tin vào sự “trấn yểm” ấy mà sao nhãng niềm tin vào sự chấn hưng đất nước trong giai đoạn khó khăn này. Đặc biệt, ở đây không những họ đã làm sai lệch tinh thần của Đạo Phật mà việc làm của họ còn xúc phạm tới Đạo Phật vì Phật không bao giờ dùng các đạo bùa chú để “trấn yểm”, nhất là Phật không bao giờ dùng các “trận đồ bát quái” để trấn yểm ai.
Cột đá Thề cổ, bây giờ đang... ở đâu?
Sự việc về Cột đá Thề, ông cũng là người biết rõ từ năm 2012, khi KTS Nguyễn Ngọc Dũng là cấp phó của ông báo cáo về chuyện người ta đã chuyển Cột đá Thề cũ đi để thay vào đó bằng cột đá mới. Vậy sao các ông không tố giác việc này từ thời gian ấy?
Năm 2012, đúng là KTS. Dũng có nói với tôi về chuyện thay đổi đáng tiếc này, nhưng thời điểm ấy UNESCO đang xét công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản phi vật thể nhân loại, nên tôi bảo ông Dũng chưa công bố gì vội vì có thể ảnh hưởng tới việc xét duyệt. Đợi sau đó mọi việc xong xuôi tốt đẹp thì ta nói ra cũng không muộn vì đằng nào họ cũng đã dựng cột đá mới xong từ trước đó rồi, còn Cột đá Thề cũ thì giờ không biết ở đâu?
Theo ông, qua hai vụ việc tùy tiện đưa hai hòn đá lạ vào Đền Hùng thì vụ việc nào nghiêm trọng hơn và các cấp ngành phải xử lý nặng vụ nào hơn?
Rõ ràng vụ thứ hai nghiêm trọng hơn nhiều, vì họ dám ngang nhiên thay đổi hiện vật cũ hiện có trong Khu tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng bằng một hiện vật mới không gắn gì với quá trình tồn tại lâu đời của khu di tích thiêng liêng này. Việc thay đổi này có thể gọi là hành vi phá hoại di tích lịch sử. Và điều đặc biệt, họ đã dùng mê tín dị đoan để phá hoại di tích. Theo tôi đây là sự “phản động về đạo” và sự “phản động về đời”.
Theo ông, có loại đá kỳ bí nào có khả năng “trấn yểm” hay không?
Tôi không tin có chuyện ấy và xác định không hề có loại đá nào có tác dụng “trấn yểm” như người ta đã đưa các hòn đá lạ vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Sự linh thiêng là ở trong lòng dân, ví như lá cờ của Tổ quốc ta tượng trưng cho máu xương của bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống nơi sa trường để mang lại độc lập tự do cho Đất nước nên khi ngắm màu cờ đỏ sao vàng ấy mọi người đều thấy thiêng liêng. Vậy sự thiêng liêng ấy là xuất phát từ lòng dân. Và mê tín dị đoan thì không bao giờ có được sự linh liêng, nhất là vào thời điểm đất nước chúng ta đang phải vượt qua bao nhiêu khó khăn để vượt qua suy thoái kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo, thì một số người lại tin vào trò “trấn yếm” ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng lớn nhất nước là điều không thể chấp nhận được.
Xin cảm ơn TS. Vũ Thế Khanh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Việt Nam có 'miền gái đẹp' nức tiếng, đàn ông đến đây chẳng muốn quay về
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Quy định độ tuổi tối thiểu và tối đa được phép lái xe theo Luật mới từ ngày 1/1/2025
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar