Cột đá Thề thiêng liêng ở Đền Hùng bị thay bằng "cột đá lạ"
Thứ tư, 05/06/2013 14:28

Cột đá Thề ở Đền Hùng đã đã được thay bằng một cột đá hoa cương bóng nhoáng nhưng đằng sau sự bóng nhoáng đó còn có gì uẩn khúc?

“Cột đá lạ” ở Đền Thượng, Đền Hùng

“Cột đá lạ” ở Đền Thượng, Đền Hùng

Dư luận cả nước còn chưa hết bất bình về việc một hòn đá "trấn yểm" kỳ lạ được đưa vào Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng thì lại tới chuyện Cột đá Thề trước cửa Đền Thượng bị người ta ngang nhiên dời đi để thay bằng một khối đá hoa cương lạ lẫm.

Cột đá Thề là nơi các vị vua xưa làm lễ

Hẹn gặp KTS Nguyễn Ngọc Dũng (hiện là trưởng bộ môn Dưỡng sinh tổng hợp cổ truyền Tâm khí Việt của UIA) tại một quán trà-thiền ở phố Trần Quang Diệu, tôi thấy ông vẫn chưa hết bức xúc về câu chuyện nói trên. Là một KTS từng tu nghiệp ở Ba Lan, sau đó về nước, có thời gian công tác trong ngành bảo tồn di tích, nên ông Dũng nắm rất rõ những vấn đề liên quan đến các quy định về tôn tạo và bảo tồn. Vì thế, khi phát hiện việc người ta di dời Cột đá Thề có từ xưa trước cửa Đền Thượng (tục truyền từ thời Hùng Vương, các vị vua hàng năm đều tới đứng trước hòn đá thiêng này cầu cho quốc thái dân an) ra khỏi Khu di tích Đền Hùng, ông Dũng vô cùng đau xót. Sau đây là cuộc phỏng vấn của PV với KTS Nguyễn Ngọc Dũng.

Thưa ông, được biết tên tuổi ông gắn liền với những thành công của bộ môn dưỡng sinh cổ truyền bằng "Tâm khí Việt" mà hiện nay có rất nhiều người đang theo học. Được biết, cũng bằng "Tâm khí Việt", ông là người đã cảm nhận được năng lượng đặc biệt phát ra từ Cột đá Thề ở cửa Đền Thượng trước khi bị người ta di dời đi. Xin ông cho biết cụ thể chuyện này?

Vào năm 2007, tôi có cơ duyên được lãnh đạo nhà máy giấy Bãi Bằng mời về dạy một lớp Thái cực quyền cho câu lạc bộ dưỡng sinh của nhà máy. Sau lớp học tôi và một số phóng viên truyền hình cùng câu lạc bộ dưỡng sinh đi dã ngoại lên lễ Đền Hùng. Khi đoàn chúng tôi leo dốc đá lên đến Đền Thượng thì nghỉ chân để chuẩn bị vào lễ. Đang ngồi nghỉ tôi cảm thấy như có lực hút khá mạnh ở phía sau lưng. Những người luyện tập võ thuật, khí công lâu năm như chúng tôi rất nhạy cảm với những gì gọi là năng lượng. Tôi đi tìm và phát hiện lực hút này từ một cột đá cao chừng 1,6m. Tôi thấy lạ là cột đá này được đặt trên một bệ thờ có bát hương. Tôi nghĩ cột đá này cũng có lịch sử của nó và tôi hỏi vị thủ từ ngôi đền về nguồn gốc cột đá.

Ông thủ từ nói đây là "Cột đá Thề ngàn năm" có từ xưa, tục truyền từ thời vua Hùng, các vị vua hàng năm đều lên núi tế trời đất và đứng trước hòn đá thiêng này cầu cho quốc thái dân an và thề nguyện dốc lòng xây dựng đất nước phồn vinh. Sau khi biết như vậy, tôi quan sát thấy Cột đá Thề đứng trên đỉnh núi cao ngàn năm như vậy chắc thu hút được rất nhiều năng lượng dương khí và có thể chữa bệnh bằng năng lượng quý hiếm đó. Tôi thực sự ngưỡng mộ và cảm nhận năng lượng linh thiêng của tảng đá tiếp nối khí thiêng của trời đất Việt, chứng kiến biết bao thăng trầm qua hàng ngàn năm lịch sử.

Tôi chợt nghĩ hòn đá này mang dương khí trên đỉnh núi, tích chứa năng lượng sung mãn của trời đất có thể chữa được các bệnh nên đã nói với mọi người trong đoàn rằng: "Đây là nơi linh địa tụ hội khí thiêng và tảng đá này đã tiếp nối được một nguồn năng lượng lớn như vậy. Cột đá này mang dương khí nên có thể chữa được một số bệnh thuộc về âm khí như mặc cảm, tự ti hoặc áp huyết thấp và những bệnh mang chứng hàn lạnh, trầm uất, trệ khí…".

Tôi bảo mọi người lần lượt  áp tay vào tảng đá còn tôi sẽ vận dụng khí công để tiếp nối với năng lượng của trời đất qua tảng đá nhiều dương khí để cân bằng âm dương cho cơ thể giúp mọi người có thể chữa được bệnh. Hôm đó mọi người cung kính, ngưỡng mộ trước Cột đá Thề linh thiêng trên đỉnh núi Đền Thượng và đều được tiếp nhận năng lượng khá hiệu quả, thấy dễ chịu, thoải mái, hết mệt mỏi. Trong số đó, có bác Khánh người ở phố Hà Trung- Hà Nội đang bị viêm xoang cấp tính sổ mũi và sổ cả máu, thế mà sau năm phút bác thấy khỏi đau, khô mũi, cảm giác như không còn bệnh xoang.

Về Hà Nội khoảng bốn tháng sau, tôi gặp lại bác Khánh, bác có nói: "Kỳ diệu thật tôi chữa mãi không khỏi bệnh xoang lâu năm rồi thế mà sau chuyến đi đó tôi khỏi hẳn không thấy bị lại". Sau sự việc trên, tôi nghĩ rằng: Đây là một nơi linh địa nên có những năng lượng đặc biệt là việc tất yếu và Cột đá Thề trên đỉnh núi là báu vật linh thiêng đã được truyền tụng qua bao đời. Có một điều quan trọng nữa tôi phát hiện thấy ở Đền Hùng là Cột đá Thề trước cửa Đền Thượng mang năng lượng dương khí rất cao và chiếc giếng thiêng trong ngôi Đền Giếng lại mang năng lượng âm khí rất đặc biệt. Một nơi là cực dương và một nơi là cực âm và đây chính là sự chuyển hóa âm dương linh thiêng của Khu di tích lịch sử này. Theo tôi, Đền Giếng chính là nguồn sữa mẹ của vùng linh địa này.

Cũng trong chuyến đi đó, tôi và không ít người trong đoàn đã cảm nhận được sự linh ứng của "nguồn sữa mẹ" từ ngôi Đền Giếng với một số hiện tượng rất khó lý giải và mang tính tâm linh.

Cột đá Thề

Vi phạm Luật Di sản khi di dời Cột đá Thề

Thưa ông, mọi việc sẽ không có điều gì phải bàn cãi, nếu như báu vật Cột đá Thề linh thiêng không bị người ta di dời đi đâu không rõ để thay vào đó bằng một tảng đá kỳ lạ khác mà chính ông lại là người phát hiện chuyện đó?

Mấy năm sau khi phát hiện thấy năng lượng đặc biệt của Cột đá Thề, tôi có kể lại cho một số bạn bè về câu chuyện kỳ bí nói trên, họ rất thích và vì cũng đang mắc một số bệnh thuộc dạng âm hàn và huyết áp thấp nên cuối năm 2012, tôi cùng họ hồ hởi lên Đền Hùng để cảm nhận điều thiêng liêng ấy. Khi lên đến nơi, tôi thấy rất thất vọng vì có sự thay đổi lạ lùng khi Cột đá Thề không còn nữa và thay vào đó là một tảng đá mới.

Tôi thấy ngạc nhiên và hỏi mấy nhân viên thì họ cho biết: "Trong lần tu sửa mới đây nhất của Khu di tích lịch sử để đón nhận bằng của tổ chức UNESCO quốc tế công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, tảng đá cũ đã bị dời đi và thay bằng tảng đá này". Tôi có nói với họ rằng: "Tôi là một KTS đã từng một số năm làm công tác tu bổ di tích, nên biết rõ nguyên tắc quan trọng của bảo tồn di tích là không được phép thay đổi, di dời, làm mới một cái gì đó mang tính lịch sử. Và việc di dời Cột đá Thề để thay bằng tảng đá này là vi phạm Luật Di sản. Vậy cột đá cũ để ở đâu?". Họ nói tảng đá ấy đã đưa xuống nhà bảo tàng của khu di tích. Tôi xuống nhà bảo tàng hỏi tìm tảng đá cũ thì họ nói không biết. Và, cho đến giờ tôi cũng không biết tảng đá ấy đã bị đập vỡ hay bị vứt đi vào chỗ nào đó hoặc mất tích rồi? Thay vào chỗ Cột đá Thề xưa là một tảng đá hoa cương bóng lộn. Họ bảo tảng đá mới đã được làm phép, đã được đo năng lượng thấy cực mạnh rồi! Nhưng bằng chuyên môn riêng, tôi kiểm chứng thấy không phải như vậy và tảng đá mới, theo cảm nhận của riêng tôi, năng lượng  chỉ bằng khoảng 15% so với năng lượng tảng đá cũ khi tảng đá mới khá lạnh lẽo và năng lượng yếu hơn nhiều. Việc này làm tôi rất thất vọng.

Được biết sau chuyến đi cuối năm 2012 và phát hiện việc người ta thay Cột đá Thề bằng một tảng đá hoa cương lạ, ông có ý kiến với cơ quan chức năng và trở lại Đền Hùng một lần nữa để tìm hiểu sự việc trên, cụ thể như thế nào, thưa ông?

Sau sự việc trên, về Hà Nội tôi có kể chuyện này với một số người bạn và học trò với tâm trạng rất  buồn phiền. Thật may, có một học viên của tôi là cô Tố Tâm, chuyên viên cao cấp của bộ Ngoại giao. Cô Tâm hỏi cặn kẽ về sự việc và gọi điện cho ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng bộ Ngoại giao, người đang chỉ đạo việc lập hồ sơ giai đoạn cuối để UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông Sơn đã gọi điện ngay cho UBND tỉnh Phú Thọ, họ nói đã tiếp nhận thông tin của tôi và họ mời tôi lên để xem xét việc này. Tôi mừng quá hẹn cùng đi với đoàn bộ Ngoại giao. Cô Tố Tâm còn mời cả một nhà ngoại cảm là "thầy Cường" ở Cầu Diễn cùng đi.

Chúng tôi đến UBND tỉnh Phú Thọ tại thành phố Việt Trì vào buổi chiều, các anh lãnh đạo tỉnh tiếp đón và mời chúng tôi ăn tối trước rồi lên Đền Hùng. Nhưng tôi và thầy Cường đề nghị đi làm việc luôn vì rất sốt ruột. Khi lên đến Đền Thượng, chúng tôi thấy trước tảng đá hoa cương bóng lộn họ đã chuẩn bị một đàn lễ khá long trọng. Chờ một lúc thì thấy có mặt một số vị lãnh đạo của tỉnh Phú Thọ cùng một số cán bộ Ủy ban, cả bà Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách văn xã vừa mới về hưu cũng có mặt. Nhưng một lần nữa chúng tôi hoàn toàn thất vọng vì các vị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ nói rằng: "Chúng tôi mời các thầy lên đây cùng làm lễ với một vị "pháp sư" của Phú Thọ rất giỏi về phong thủy, trấn yểm năng lượng. Họ hỏi tôi có biết thầy pháp sư này không?".

Tôi trả lời không biết ông ấy là ai và năng lực thế nào, mặc dù tôi là phó tổng giám đốc liên hiệp khoa học UIA, nơi có nhiều trung tâm nghiên cứu ứng dụng các bộ môn khoa học về phong thủy, năng lượng cảm xạ, cảm ứng, dưỡng sinh, tâm linh ngoại cảm, nhưng tôi chưa nghe thấy danh ông thầy này và công trình nghiên cứu khoa học tâm linh của ông bao giờ.

Lúc này thầy Cường (cùng đi từ Hà Nội với đoàn chúng tôi) đề nghị sẽ dùng khả năng ngoại cảm của mình để thỉnh chuông, làm lễ xin hỏi về sự việc này. Sau đó thầy Cường cho biết thông tin, đại ý là: "Hòn đá thiêng, đá thề nghìn năm đã bị đập vỡ, nó mang năng lượng ngàn xưa, nay thay vào hòn đá hoa cương, tuy đẹp và đắt giá nhưng chẳng có năng lượng gì. Và vì phá vỡ hòn đá thiêng nên đứt mạch, mấy năm qua đã có nhiều chuyện xảy ra (cho phép tôi không nói rõ cụ thể xảy ra việc gì vì không cần thiết nói ở đây)".

Làm lễ xong, chúng tôi ra ngoài, tôi hỏi thẳng cách giải quyết của lãnh đạo tỉnh về việc này, vị Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã mới về hưu thanh minh rằng: Hòn đá mới thay thế là hòn đá hoa cương mang nhiều năng lượng hơn đã được "Thầy pháp sư" kiểm chứng, vả lại hòn đá cũ cũng chưa chắc là từ nghìn xưa, hình như trước đây mấy chục năm ai đó mới đặt lên thờ mà thôi, mặt khác đây là dự án của Trung ương do bộ Văn hóa chỉ đạo, thứ trưởng Bộ Văn hóa Lưu Trần Tiêu trực tiếp là Chủ tịch Hội đồng Khoa học chủ trì, nên bây giờ muốn thay lại hòn đá cũ cũng không được. UBND tỉnh không có quyền hạn, phải Hội đồng Khoa học bộ Văn hóa mới có quyền.

Thấy cách trả lời loanh quanh và không thuyết phục của họ, tôi quay sang nói với thầy Cường: "Thôi chúng ta đi về, có nói cũng không giải quyết được việc gì. Nếu ở lại tham dự lễ với "thầy pháp sư" này thì mặc nhiên chúng ta đồng lõa, công nhận việc làm này là đúng". Sau đó chúng tôi về Hà Nội luôn không kịp cả ăn tối.

Cần làm rõ: Ai phải chịu trách nhiệm?

Ngay thời điểm ấy, tại sao ông không phản ánh cho công luận sự việc nhạy cảm trên để các cơ quan chức năng làm rõ?

Lúc đó, tôi rất bức xúc, thất vọng và mất niềm tin, không hiểu những người có trách nhiệm suy nghĩ gì khi triển khai xử lý công việc một cách tùy tiện như vậy, đặc biệt là với một Khu di tích lịch sử nổi tiếng và linh thiêng của đất nước như  Đền Hùng. Nhưng tôi không muốn lên tiếng lúc đó bởi có thể sẽ ảnh hưởng tới việc UNESCO đang duyệt hồ sơ công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Và đến thời điểm này, ông mới công bố những phát hiện cách đây gần một năm và những bức xúc của mình về sự việc người ta tùy tiện thay Cột đá Thề bằng một tảng đá lạ?

Về sự việc này, thời gian gần đây, ông Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ UIA và một vị nguyên là phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ có bảo tôi: Anh phải nói cho mọi người biết rõ vấn đề này vì thực ra đây là việc làm vi phạm rất tùy tiện và thái quá của một số người ở tỉnh Phú Thọ, và cứ để cho họ xâm hại di tích Đền Hùng thiêng liêng là không được.

Qua việc phát biểu trên công luận, tôi cũng muốn tỉnh Phú Thọ và các cơ quan chức năng làm rõ ba vấn đề: Thứ nhất, Cột đá Thề hiện nay có còn trong nhà bảo tàng không hay đã bị phá hủy và nếu còn thì ta sẽ phải xử lý thế nào? Thứ hai, làm rõ việc ai là người phê duyệt chủ trương thay thế hòn đá hoa cương mới vào vị trí của Cột đá Thề và lý do tại sao? Thứ ba, nếu Cột đá Thề không còn nữa (không thể phục hồi được nữa) thì phải ghi rõ dưới văn bia ở chỗ cũ rằng: Hòn đá mới này đã được đưa vào đây ngày, tháng, năm nào và lý do tại sao đưa tảng đá mới thay tảng đá cũ? Tôi nghĩ trách nhiệm của mình là phải đưa vấn đề này lên, còn việc xử lý thế nào là thuộc về các bộ ngành chức năng và UBND tỉnh Phú Thọ.

Thời gian qua, từ việc người ta đưa hòn đá lạ vào Đền Hùng bảo là để "trấn yểm" với nhiều ký tự, hình vẽ kỳ bí tới việc người ta di dời Cột đá Thề để thay bằng tảng đá hoa cương khác cho thấy họ rất tùy hứng và bất chấp Luật Di sản. Ông có ý kiến gì về hai vụ việc này?

Theo tôi, việc đưa bất kỳ một vật gì lạ vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng đều là việc làm sai sự thật, có tính mê tín dị đoan và vi phạm Luật di sản vì đây là khu vực thiêng liêng và có lịch sử từ ngàn xưa. Lẽ ra những việc như thế phải được các cấp ngành và tỉnh Phú Thọ xem xét rất cẩn trọng, xem đưa vào như thế có nên không, có thật sự mang lại những lợi ích cho khu di tích hay không? Và cấp nào (cấp trung ương hay cấp tỉnh) thì được phép duyệt cho mang những vật lạ ấy vào?

Tóm lại, không thể tùy tiện đưa vật lạ vào Khu di tích và cũng không thể tùy hứng thay đổi bất kỳ hiện vật cũ nào đã có từ xưa trong khu di tích này. Và điều quan trọng, các cấp ngành cần phải khẩn trương làm rõ việc ai là người phải chịu trách nhiệm về việc di dời Cột đá Thề đã có từ xưa để thay thế bằng một tảng đá hoa cương mới trước cửa Đền Thượng. Theo tôi, việc này nghiêm trọng hơn nhiều so với việc tùy tiện đưa hòn đá "trấn yểm" có ký tự lạ vào Đền Hùng. Vì việc di dời Cột đá Thề có từ xưa là ngang nhiên, trắng trợn vi phạm Luật Di sản và bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cùng với UBND tỉnh Phú Thọ cần phải vào cuộc nghiêm túc để làm rõ để trả lời trước công luận.

Xin cảm ơn KTS Nguyễn Ngọc Dũng về những thông tin ông đã cung cấp.

Ban Quản lý Đền Hùng từ chối trả lời

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho biết: Thông tin này nên đặt vấn đề với BQL di tích lịch sử Đền Hùng để làm rõ.

Trong khi đó, sau khi nghe thông tin PV bản báo cung cấp, ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ xin từ chối cung cấp thông tin với lý do bận họp và hướng dẫn PV liên hệ trực tiếp với BQL di tích lịch sử Đền Hùng. Để làm rõ thực hư, PV Người Đưa Tin đã trực tiếp liên lạc với ông Nguyễn Xuân Các, giám đốc BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng để cung cấp thông tin và đề nghị làm rõ. Tuy nhiên, sau khi nghe xong nội dung, ông Các một mực từ chối vì đang bận đi công tác. Mặc dù PV đã đề cập thông tin rất cần được kiểm chứng và đã được Phó Chủ tịch

UBND tỉnh Phú Thọ giới thiệu làm việc, nhưng thay vì trả lời, ông Các chối đây đẩy.

 

Nguoiduatin.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Đền Hùng , Cột đá Thề , Đá hoa cương , Cột đá lạ ở Đền Hùng , Di tích đền Hùng , Di tích lịch sử , Phú Thọ