Đặt chỗ mua vé tàu tết thành công trong ngày 1/12 nhưng đến sáng 2/12, nhiều người đã gặp rắc rối trong việc thanh toán tiền.
Đặt chỗ thành công, vé tàu không có! |
Không ít trường hợp phát hiện bị mất vé dù trước đó đã đặt chỗ thành công.
Khoảng 8h ngày 2/12, ông Vũ Huy Điệp (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đến Bưu điện Q.Bình Thạnh thanh toán tiền vé tàu tết đã đặt chỗ trong ngày 1/12, nhưng khi ông đưa mã số thanh toán cùng chứng minh nhân dân cho nhân viên bưu điện thì bị trả lại với lý do: mã thanh toán hết hạn.
Mua một vé phải trả tiền hai vé
Dù ông Điệp giải thích theo quy định của ngành đường sắt thì sau 48h kể từ khi đặt chỗ thành công, nếu không thanh toán tiền thì mã thanh toán và mã đặt chỗ mới mất giá trị (hết hạn), nhưng nhân viên bưu điện vẫn không nhận tiền thanh toán và nói ông Điệp có thắc mắc gì thì đến ga Sài Gòn để được giải quyết.
Tại ga Sài Gòn, sau khi kiểm tra, nhân viên kỹ thuật khẳng định chỗ của ông Điệp vẫn còn trên mạng và chỉ ông quay lại bưu điện để thanh toán. Nhưng khi ông Điệp quay lại bưu điện, nhân viên thu tiền vẫn từ chối nhận tiền thanh toán và viết vào tờ giấy thanh toán hai chữ “hết hạn”.
Do sợ không kịp thanh toán sẽ bị mất chỗ, ông Điệp chạy đến điểm giao dịch của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh) và trả được tiền vé, chỉ chờ đến ngày lấy vé tàu.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tuyết Sương (ngụ Q.10, TP.HCM) cho biết ngày 1-12 chị đặt hai vé tàu tết chặng Quảng Ngãi - Sài Gòn (đi ngày 26-2-2015) gồm một vé giường nằm và một vé ghế ngồi.
Tuy nhiên khi đặt vé xong, chị phát hiện mình đã nhập sai số chứng minh nhân dân khi đặt vé giường nằm nên hủy chỗ này (hệ thống xác nhận việc hủy chỗ đã thành công và chỉ hiển thị một vé ghế ngồi).
Thế nhưng sáng 2/12, chị Sương đến Bưu điện Bàn Cờ (Q.3) thanh toán tiền thì nhân viên bưu điện thông báo chị phải thanh toán cả hai vé với số tiền 1.979.000 đồng.
Dù chị Sương giải thích mình đã hủy một vé nhưng nhân viên bưu điện vẫn không chịu, yêu cầu chị phải thanh toán tiền hai vé và đề nghị chị đến ga Sài Gòn giải quyết chuyện hủy vé.
Cuối cùng, chị Sương phải trả tiền cả hai vé. Cùng ngày, chị Sương đến ga Sài Gòn trình bày sự việc, nhân viên tại ga xác nhận trên hệ thống báo chị chỉ mua một vé và hướng dẫn chị quay lại bưu điện để lấy lại tiền. Chị Sương quay lại bưu điện thì nhân viên tại đây xin số điện thoại để giải quyết sau. Chị Sương lại quay ra ga Sài Gòn để khiếu nại!
Đại diện Bưu điện TP.HCM cho biết hiện nay hệ thống bưu cục chỉ hợp tác với ngành đường sắt làm dịch vụ thu hộ và hệ thống đặt chỗ qua mạng Internet không cho các bưu cục thực hiện thao tác hủy chỗ đặt theo yêu cầu của hành khách.
Trường hợp hành khách không có nhu cầu đi nữa thì không cần tới bưu cục đóng tiền, mà sau 48 giờ hệ thống tự động hủy tất cả chỗ đặt, nếu hành khách muốn hủy một trong các chỗ đã đặt thì phải trực tiếp đến ga Sài Gòn để được giải quyết.
Theo ông Nguyễn Văn Thành - trưởng ga Sài Gòn, những trường hợp hành khách muốn hủy một chỗ nhưng phải trả tiền hai chỗ cho các bưu cục hay chưa thanh toán tiền thì đến ga Sài Gòn gặp ông sẽ được giải quyết và được hoàn tiền vé muốn hủy.
Mặt khác, ông Thành cũng cho hay dù đến ngày 6/12 mới bán vé trực tiếp tại ga, nhưng một số trường hợp đã đặt chỗ thành công, đã thanh toán tiền có nhu cầu đến ga lấy vé sớm thì ga Sài Gòn cũng linh động giải quyết.
Hơn 200 người bị mất vé
Nhiều trường hợp đặt chỗ thành công, đã thanh toán tiền nhưng lại không có vé. Ngày 2-12 tại ga Sài Gòn, chị Lương Thị Mỹ Dung (ngụ Bình Dương) cho biết: “Ngày 1-12, tôi đặt bốn chỗ thành công trên mạng và đã thanh toán tiền qua ngân hàng. Nhưng khi gõ mã đặt chỗ để kiểm tra lại vé trên mạng thì nhận được thông báo đã hết thời hạn tạm giữ vé”.
Một hành khách khác là anh Võ Văn Trung cho biết đã đặt hai vé đi Đà Nẵng ngày 15-2-2015 cho vợ chồng anh, nhưng khi đến ngân hàng thanh toán tiền thì hệ thống tại đây báo chỉ có vé của vợ anh, còn vé của anh không có.
Trong khi đó, anh vẫn phải trả tiền cho cả hai vé là 2,6 triệu đồng. “Tại sao tôi đặt thành công hai vé và không hủy vé mà khi đi đóng tiền lại chỉ có một vé?” - anh Trung bức xúc.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, trong quá trình vận hành hệ thống đặt chỗ qua mạng do FPT cung cấp còn một vài sơ suất nhỏ. Cụ thể, khi hành khách đặt chỗ thành công từ hai chỗ trở lên nhưng vì lý do gì đó muốn hủy một chỗ thì hệ thống không cho phép hủy. “Chúng tôi đã yêu cầu FPT hoàn thiện lại hệ thống này để người không có nhu cầu có thể hủy chỗ để hành khách khác chọn chỗ được hủy này. FPT hứa sẽ khắc phục sự việc này trong ngày 3-12” - ông Thành cho biết.
Trả lời về tình trạng hành khách bị mất vé sau khi đã đặt chỗ thành công, ông Nguyễn Hồng Hải - phó giám đốc Trung tâm Giải pháp ITS (Công ty Giải pháp công nghệ FPT), đơn vị cung cấp dịch vụ mạng bán vé tàu tết - cho biết khi xây dựng hệ thống này, FPT xây dựng trên cơ sở lấy booking (đặt vé) vé máy bay làm tham chiếu. Và mục tiêu là làm thế nào để thuận tiện hơn đặt vé máy bay.
Theo đó, hành khách không cần nhập tài khoản, email, số điện thoại nhưng quy trình này đang bộc lộ một số điểm yếu: khi có ai đó ăn cắp được mã booking của người khác (bằng cách này hay cách khác) thì hoàn toàn có thể lên trang web gỡ vé đó ra khỏi mã booking. Một số kẻ xấu đã nhìn thấy điểm yếu của hệ thống này nên lợi dụng tranh thủ khai thác nhằm trục lợi.
Sự việc này đã xảy ra trong ngày đầu bán vé qua mạng. Hơn 200 trường hợp bị mất vé sau khi đã đặt chỗ thành công. Cụ thể 8h ngày 1/12, hành khách vào đặt vé thì đến 11g cùng ngày đã có dấu hiệu bị gỡ vé hàng loạt. Những trường hợp này khi hành khách đi thanh toán tiền sẽ bị lỗi. Một số hành khách đặt sáu vé thì có thể mất hai vé, thậm chí cũng có trường hợp bị mất toàn bộ số vé đã đặt.
Vì sự cố nói trên, phía FPT đã xin ý kiến chỉ đạo từ ngành đường sắt và hiện giờ đang tạm thời khóa chức năng hủy đặt chỗ. Như vậy, hành khách đặt vé qua mạng nhưng muốn hủy vé thì phải ra ga. Dự kiến hôm nay (3-12) hành khách có thể hủy vé trên mạng trở lại.
Phải cập nhật mã thanh toán mới nhất
Ông Đào Duy Hoạch, phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN, cho biết đến 16h ngày 2/12, sau hai ngày bán vé đã bán được 71.361 vé tàu tết qua hệ thống bán vé tàu điện tử.
Theo một cán bộ Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, mã thanh toán sẽ được thay đổi liên tục khi hành khách có sự điều chỉnh về chỗ đã đặt (như hủy bớt chỗ). Khi đến thanh toán tiền tại bưu điện hoặc ngân hàng, hành khách phải cập nhật mã thanh toán mới nhất mà ngành đường sắt cung cấp qua email hoặc điện thoại mới được thanh toán. Ngoài ra, nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng cũng nên tùy cơ ứng biến. Trường hợp hành khách chưa kịp cập nhật mã thanh toán mới thì nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng sẽ nhập mã đặt chỗ của hành khách lên trang web bán vé tàu và mã thanh toán mới cũng sẽ được cập nhật. Khi đó, các nhân viên sẽ sử dụng mã thanh toán mới này để thanh toán tiền cho khách. Trường hợp của ông Điệp cũng nhờ sự linh động của nhân viên ngân hàng nên đã thanh toán thành công.
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%