Chỉ vì buồn chuyện tình cảm, bị cha mẹ mắng hay một phút nông nổi, nhiều bạn trẻ đã tìm đến những cây cầu để quyên sinh.
|
Trong số đó, rất nhiều người đã được “vị thần” may mắn ghé thăm vào phút chót. Sau thời khắc sinh tử ấy, khi tỉnh lại, liệu họ có nhận ra được hành vi của mình là sai trái?
Bị xâm hại, chia tay, chồng ghen là đi… nhảy cầu
Hẳn dư luận còn nhớ vụ CSGT giải cứu cô gái tự tử ở khu vực cầu Chương Dương (Long Biên, Hà Nội). Sự việc xảy ra vào khoảng 14h30 ngày 20/3. Lúc đó, thượng tá Lê Đức Đoàn (Đội CSGT số 1 - Phòng CSGT Hà Nội) đang đứng ở chốt đầu cầu thì thấy một cô gái trẻ đeo khẩu trang, mang túi học sinh đi bộ trên cầu với dáng vẻ buồn rầu. Đang đi bỗng cô gái dừng lại và khóc nức nở, thấy vậy thượng tá Đoàn tới gần cô gái. Khi sắp đến nơi, cô gái này đã leo một chân lên lan can thành cầu miệng gọi lớn tên của bố mẹ rồi buông tay lao xuống dòng sông Hồng cuộn chảy phía dưới. Trong nháy mắt, Thượng tá Đoàn đã lao tới kịp thời nắm được cánh tay của cô gái, kéo lại. Dù vậy, cô gái vẫn tiếp tục giãy dụa, kiên quyết quyên sinh. Lúc này, một đồng chí CSGT nữa đã nhanh chóng cùng Thượng tá Đoàn chạy tới cứu sống cô gái. Thân phận cô gái sau đó được làm rõ. Cô gái cho biết, trước đây cô từng bị một người hàng xóm xâm hại tình dục. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mẹ mất sớm, bố thì đang đau ốm và bị mẹ kế hắt hủi. Khi đỗ đại học, cô không có tiền đóng học, thường xuyên phải tá túc ở nhà bạn, cô cho biết cũng từng có ý định quyên sinh bằng thuốc ngủ hoặc thuốc diệt chuột nhưng không thành.
Giờ đây, khi nghĩ lại hành động nông nổi ngày đó, chắc hẳn nữ sinh quê Bắc Giang này sẽ cảm thấy hối hận và thầm cám ơn các chiến sĩ CSGT đã "sinh ra" mình lần thứ hai.
CSGT động viên cô gái nhảy cầu Chương Dương tự tử
Những người tìm đến cái chết ở lứa tuổi còn trẻ, ngoài đối tượng là sinh viên, học sinh buồn chuyện tình cảm, trục trặc với người yêu; còn có cả những trường hợp đã có gia đình, con cái. Cũng tại cầu Chương Dương, đầu năm 2011, thượng tá Đoàn đã cứu sống một cô gái còn rất trẻ, sắp sửa gieo mình xuống sông Hồng. Thậm chí, người phụ nữ đó còn cố vùng vẫy khỏi nắm tay của CSGT, quyết tìm đến cái chết. Sau khi thương thuyết thành công và cứu được cô gái, mọi chuyện mới vỡ lẽ ra rằng, vì không chịu được những cơn ghen dồn dập của chồng, cộng với áp lực của cuộc sống, cô mới có ý định quyên sinh. Sau đó, gia đình cô gái đã êm thấm, họ thường xuyên ghé thăm vị cảnh sát đã từng cứu mạng mình với những món quà quê thắm tình nghĩa. Mỗi lần đi qua nơi đã suýt trở thành điểm dừng chân cuối chốn trần gian trong cuộc đời mình, cô vợ trẻ vẫn cảm thấy rùng mình và thầm trách bản thân đã có hành động dại dột.
1001 lí do khác để… nhảy cầu
Giống như một loạt hiệu ứng dây chuyền, nhiều người trẻ tìm đến cái chết có lúc chỉ vì những lí do “không đâu”. Ở một số thành phố lớn, những cây cầu là địa điểm mà họ thường tìm đến để thực hiện "ý định" tự tử.
Vào một buổi chiều giữa tháng 11 năm ngoái trên cầu Chương Dương, chỉ vì những mâu thuẫn với bạn bè, một nam thanh niên đã bất ngờ nhảy khỏi xe máy bạn đang đèo, lao mình xuống sông tự tử. Chàng thanh niên này may mắn đã được một số ngư dân đang đánh cá dưới sông cứu sống.
Một trường hợp khác, địa điểm lần này là cầu Cần Thơ - cây cầu dài nhất Đông Nam Á. Công trình này được xem như là một chiếc cầu “Bến Thủy thứ hai” ở Việt Nam, bởi lẽ từ hai năm nay, kể từ khi khánh thành, đã có tới 15 trường hợp tìm đến cầu để nhảy xuống sông Hậu ở độ cao 40m. Những người làm công tác cứu hộ đường thủy ở khu vực cầu Cần Thơ còn nhớ rõ, khoảng 2h sáng ngày 24/4, khi nghe tiếng động lớn gần trụ số 6, nghi có chuyện chẳng lành, một số người nhanh chóng nhảy xuống ghe nổ máy chạy ra kiểm tra. Đúng như nhận định của đội, trong bóng đêm, chiếc đèn pha quét qua thân thể một người đang trồi lên hụp xuống dưới sông Hậu. Đội cứu hộ lập tức tiếp cận người sắp chết đuối, kéo vào bờ đưa sang Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu.
Nạn nhân là một thanh niên nam cao to, nặng gần 100kg. Trong tâm trạng hoảng loạn sau khi được kéo lên bờ, thanh niên này đã kêu cứu và nhờ gọi gia đình đến giúp. Đây là một nạn nhân cực kỳ may mắn. Bởi anh đã kịp nhận ra hành động dại dột khi một phần cơ thể vẫn còn nổi trên mặt nước để vùng vẫy, cố thoát khỏi cái chết.
Sau hai năm khánh thành, đã có 15 người nhảy cầu Cần Thơ tự tử.
Sự việc đau lòng nhất trong hàng loạt vụ nhảy cầu tự tử ở cầu Chương Dương xảy ra tối ngày 6/6. Vào thời điểm đó, người đi đường phát hiện trên cầu có 1 người phụ nữ bế con gái dừng xe máy có dấu hiệu bất thường. Ngay lập tức, các chiến sĩ CSGT Đội 1 và Đội 5 (Phòng CSGT Hà Nội) đã tiếp cận và nhìn thấy cảnh tượng hết sức thương tâm. Người phụ nữ đang bế một cháu gái qua thành cầu để ném xuống sông trong khi cháu bé giãy dụa và khóc lóc thảm thiết. Sau hơn 2 giờ đồng hồ động viên và thuyết phục, người phụ nữ đã đồng ý đưa con gái trở về nhà và hứa không làm điều dại dột. Trong sự việc này, những người chứng kiến vừa trách người mẹ nhẫn tâm ném con gái xuống sông; nhưng cũng thương xót một người phụ nữ không may mắn trong chuyện gia đình.
Mới đây nhất, vào sáng ngày 9/6, tại một địa điểm gần chiếc cầu định mệnh trên sông Sê Rê Pốk, nơi đã cướp đi sinh mạng của 34 người trong vụ tai nạn xe khách cách đó không lâu, một nữ sinh (SN 1993) đã gieo mình xuống dòng sông trước ánh mắt ngỡ ngàng của người đi đường. Tuy nhiên, cô gái đã không bị thần chết cướp đi cuộc đời tưởng chừng ngắn ngủi của mình. Người đi đường đã kịp lao xuống đưa được cô gái lên và cứu sống nạn nhân. Nguyên nhân cô gái tự tử vẫn chưa ai rõ, thế nhưng hành động thiếu suy nghĩ này sẽ hằn sâu trong tâm trí của nữ sinh này, nhất là khi tuổi đời cô còn rất trẻ.
Vì đâu những người trẻ dễ dàng nghĩ đến cái chết?
Điều dễ nhận thấy là giới trẻ hầu như ai cũng gặp chuyện buồn trong cuộc sống. Trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, chúng ta có thể bắt gặp những cách giải quyết mỗi khi ai đó gặp khó khăn. Ví dụ như: Có chuyện buồn thì đi xem phim, nghe nhạc, chơi điện tử hoặc đi du lịch; thậm chí có trường hợp giận nhau với người yêu, rủ bạn thân… đi ăn cho hả giận.
Cách tìm đến cái chết như trên không phải là hiếm trong thời gian gần đây. Có người nhanh chóng tìm đến cái chết, tuy nhiên sau đó đã tự đứng dậy được với suy nghĩ: Cuộc sống còn nhiều điều cần phải làm, phải sống thì mới xóa đi được nỗi buồn và trải nghiệm thêm nhiều cái mới.
Như thượng tá cảnh sát giao thông Lê Đức Đoàn - vị "cứu tinh" của những nạn nhân tự tử trên cầu Chương Dương đã nói: "Sự sống muôn hình vạn trạng. Cái chết cũng hàng tỷ lý do. Tình và tiền sinh hỷ, nộ, ái, ố. Lường trước sao được? Chỉ những người được cứu mới thấm thía cuộc đời này đáng để sống lắm! Chỉ một cái buông tay, trong vài tích tắc mới thấy hối hận. Nhưng hối cũng chả kịp. Cuộc sống tươi đẹp khép lại ngay trước mắt họ”.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?