Đại gia có 3 tiền án đền trả nợ đời
Thứ năm, 01/11/2012 09:01

Câu chuyện tôi nghe hệt như một chuyện cổ tích có thật được viết bằng nghị lực hiếm thấy giữa thủ đô sầm uất với nhân vật chính là vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến.

Nguyễn Văn Tiến và vợ anh, Ngô Thị Hải

Nguyễn Văn Tiến và vợ anh, Ngô Thị Hải

Chiều đứng trên cầu Vĩnh Tuy, phóng tầm mắt về phía thượng nguồn, sẽ thấy một điền trang trù phú, xanh mướt ở bãi giữa sông Hồng. Nơi ấy có những con trâu gặm cỏ dưới trời thu yên ả, có đàn chim câu bay rợp trời. Nơi ấy cũng chính là tổ ấm của một người đàn ông đã đoạn tuyệt với món nợ giang hồ, trở về nẻo thiện...

Đại gia có 3 tiền án

Tiến bảo: “Đời tôi không có tuổi thanh niên”. Sở dĩ nói vậy bởi anh đã từng 3 lần ra tù vào tội cộng với thời gian trốn chạy lên đến 16 năm trời. Nhà có 9 anh chị em, Tiến là con thứ năm, khỏe mạnh nhất nhưng cũng nóng nảy và ương bướng nhất. Khi lầm lỡ lần đầu năm 1979, anh đã dính vào tội trộm trâu, bị kết án 2 năm tù và thụ án tại Trại giam Tân Lập, Phú Thọ. Được giảm án một năm, mấy năm sau, Tiến lại nhận thêm cái án 3 năm tù vì tội cố ý gây thương tích trong một vụ đòi nợ thuê. Lần này, anh phải “thăm” Trại giam Gia Khánh, Ninh Bình.

Được giảm án 9 tháng, ra tù, Tiến nghĩ thế là đủ cho mình phải làm lại cuộc đời không thể cứ sai lầm mãi. Nhưng thực khó, nợ giang hồ vay trả không xong, dòng đời lại cứ phũ phàng xô đẩy anh ra xa bến hoàn lương. Thế mới có lần thứ ba, Tiến chém người trọng thương rồi trốn lệnh truy nã, bôn tẩu đường dài khắp đất Trung – Nam: nay Đà Nẵng, mai Quảng Nam rồi Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk. Chỉ đến khi nghe tin, nơi quê nhà mẹ già đau ốm, lúc ấy hẳn là do lòng hiếu thảo thôi thúc, Tiến mới lần trở về để tạ tội với bậc sinh thành, quyết chí hoàn lương. Ra đầu thú, anh được Tòa tặng” thêm 5 cuốn lịch để trong song sắt tĩnh tâm sám hối. Lần này do quyết tâm cải tạo, anh chỉ thụ án 3 năm đã được ra tù.

Trở về đời thường trong cảnh trắng tay, với “tài sản” là 3 tiền án chất chồng từ thời trai trẻ, anh thấy mình lạc lõng, bơ vơ trước ánh mắt thiếu thiện cảm của người đời. Chẳng ai tin anh sẽ dựng được tương lai mới, sẽ hoàn lương để trở về làm người lương thiện.

Giữa lúc khó khăn nhất, may thay, Tiến được một người con gái làng bên kém mình gần một giáp đem lòng yêu mến. Người nhìn ra cái khát khao làm lại cuộc đời của anh chính là Ngô Thị Hải, người con gái thôn Thạch Cầu tần tảo. “Đến với tôi, cô ấy chịu nhiều áp lực lắm. Để đáp đền tình cảm chân thành ấy, tôi biết mình cần phải làm gì và quãng thời gian sau đó cũng là quãng đời gian nan nhất khi tôi trở lại đời thường”.

Đền trả nợ đời

Năm mà vợ chồng Tiến - Hải kết tóc se tơ cũng là năm mùa đông rét buốt, hai vợ chồng ra giữa bãi giữa sông Hồng lau sậy ngập đầu để vỡ đất khai hoang. Đêm đông, gió bấc hun hút, người vợ nhỏ lạnh cóng cứ run lên bần bật trong cái lán dựng bằng lau lách, nước mắt sụt sịt. Tiến nhìn vợ mà không nói nên lời, tim buốt như dao cứa, chỉ biết kéo vợ vào vòng tay ôm thật chặt.

Để tránh cái rét, cứ đêmxuống, hai vợ chồng lại tay dao, tay liềm ra bãi hoang hàng mấy chục héc ta để cắt sậy. Mấy tháng đông ròng rã cặm cụi, cuối cùng thì đất hoang cũng trồng được khoai, được sắn. “Ai cũng bảo vợ chồng tôi gàn dở. Khi ấy, cả khu vực này như cái hoang mạc không một bóng người. Chỉ có hai vợ chồng tôi thui thủi đào xới suốt đêm ngày…” - Hải cho biết.

Cũng năm ấy, Tiến vay lãi 2 triệu đồng mua một con trâu cái, ngày ngày đánh trâu vào xóm cày thuê. Sang năm sau, nhìn nó có chửa, hai vợ chồng cứ mừng mừng tủi tủi. Trâu đẻ được con nghé đực, Tiến bán đi lại vay mượn thêm tiền mua 4 con trâu nữa. Do Tiến khôn khéo, chỉ nuôi một vài tháng anh lại có thêm nghé. Đàn trâu cứ thế mà tăng dần từ chục đến vài chục con rồi ngoảnh đi ngoảnh lại, anh có cả gia tài khổng lồ với gần 200 con trâu mộng, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Cả triền sông Hồng hoang vắng với một trời lau sậy, sau mấy năm, vợ chồng Tiến đã làm sạch được 20 héc ta. Có vốn, anh mua cây về trồng để bây giờ, ở điền trang của anh chẳng thiếu thứ cây gì, loại nào đếm gốc cũng lên con số vài trăm, thậm chí là không đếm xuể. Tiến kể: “Có năm nước sông Hồng lên, ngập mênh mông. Cây ngập úng chết sạch, trâu lợn vùng vẫy trong biển nước. Tôi phải gửi vợ và con nhỏ vào trong xóm, một mình gác ván lên xà nhà để ngủ. Nước rút, vợ chồng tôi lại hì hụi gieo trồng, cứ thế”. Khi có lưng vốn, Tiến thuê máy múc đất đổ nền, để từ những hố sâu như thung lũng, giờ đã thành vườn cây trái xanh rì.

Trong tay Tiến, điền trang rộng mấy mươi héc ta trù phú, cây trái um tùm, lợn, gà, ngan, ngỗng, chim câu mỗi loại cả ngàn con. Tiến còn trồng hoa, cây cảnh cho thuê mượn khắp nội thành Hà Nội. Công nhân giúp việc có lúc lên đến vài ba chục người, với công ăn việc làm được trả lương hậu hĩnh.

Khi nghe tôi gọi vợ chồng anh là đại gia, thực sự đi lên bằng nghị lực phi thường và đôi bàn tay trắng, Tiến cứ lắc đầu nguầy nguậy mà bảo việc anh làm được cùng cái cơ ngơi ấy là quá nhỏ bé. Tôi hiểu, với anh, tổ ấm với người vợ hiền và 2 đứa con trai ngoan ngoãn kia mới là tài sản vô giá, bởi chính nó đã giúp anh bỏ cái ác, vác cái thiện, và đã khiến “đại bàng” quay về nẻo thiện.

Biên Thùy
Tag: Giang hồ , Ông trùm , Tòa tuyên án , An ninh hình sự , Hoàn lương , Sám hối , Án mạng