Đài Bắc đang chơi lá bài gì?
Thứ ba, 26/03/2013 12:12

Bắc Kinh thật sự muốn nâng tầm quan hệ và tiếp cận với Đài Loan, bằng chính sách củ cà rốt

Bắc Kinh vẫn chưa thể

Bắc Kinh vẫn chưa thể "nắm" Mã Anh Cửu?

Việc bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân (thay Vương Nghị) - một gương mặt nhiều kinh nghiệm đối ngoại khu vực - làm tân Giám đốc Đài Loan Vụ (“Quốc vụ viện Đài Loan sự vụ biện công thất”) như được xác nhận trên tờ China Post ngày 18/3/2013, đã cho thấy Bắc Kinh thật sự muốn nâng tầm quan hệ và tiếp cận với Đài Loan, bằng chính sách củ cà rốt.

Điều này có trái ngược gì không với sự kiện xảy ra cùng thời điểm, khi ngày 18/3/2013, Đài Bắc công bố sẽ dàn 50 tên lửa tầm trung Vân Phong hướng đến các căn cứ quân sự tại Đông Nam Trung Quốc?

“Tình trong như đã mặt ngoài còn e”?

Khảo sát “hành vi” hai bên thời gian gần đây có thể thấy rằng, quan hệ Đài Bắc - Bắc Kinh ngày càng nồng ấm, ít nhất trên bề mặt. Ngày 7/3/2013, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu nói rằng, Trung Quốc dưới bộ máy lãnh đạo mới sẽ tiếp tục chính sách hiện tại đối với Đài Loan; rằng việc mở rộng những gắn kết hiện thời hướng đến việc xây dựng quan hệ chính trị sẽ ngày càng quan trọng hơn; và “chẳng có lý do gì để không tiếp tục điều đó” (China Post 8/3/2013). Tại sao Mã Anh Cửu biết chắc tân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không thay đổi lập trường quan hệ (đang tốt đẹp) với Đài Loan?

Điều đó hẳn đã được xác tín trong chuyến công du của sứ giả Liên Chiến (“Thủ tướng” Đài Loan từ 1993-1997, “Phó tổng thống” từ 1996-2000, Chủ tịch Quốc dân đảng từ 2000-2005) vào cuối tháng 2/2013. Liên Chiến chính là người thực hiện chuyến công du “phá băng” đến Bắc Kinh năm 2005. Một sự tính toán xếp đặt và dường như “có hội ý” trước giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã lộ rõ, qua chi tiết Liên Chiến được tiếp rất trọng thị tại Bắc Kinh. Hồ Cẩm Đào lẫn Tập Cận Bình (và cả Chủ tịch Chính hiệp Giả Khánh Lâm) đều gặp trực tiếp Liên Chiến.

Thông điệp mà Liên Chiến mang về cũng rất rõ ràng, với 16 “chữ vàng” (Hán tự) mang nội dung: “Một Trung Hoa, hòa bình hai bên bờ biển, gắn kết lợi ích tương đồng, nỗ lực phục hưng Trung Quốc”.

Dù phát ngôn viên của lãnh đạo Mã Anh Cửu, bà Lý Giai Phi nói rằng, không hề có sự liên hệ nào giữa chuyến đi Bắc Kinh của họ Liên với họ Mã và “không có thông điệp chính thức nào mà Tổng thống Mã Anh Cửu yêu cầu ông Liên truyền đến Bắc Kinh, trừ lời chào xã giao đến ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình” - bà Lý khẳng định - “Ông Liên cũng chưa bao giờ đề cập thông điệp 16 chữ với Tổng thống Mã”. Tuy nhiên, ai cũng biết họ Liên là đồng minh Quốc dân đảng (KMT) gần gũi nhất của lãnh đạo Mã Anh Cửu, từng 5 lần “lãnh chỉ” đại diện lãnh đạo Mã tham dự diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) kể từ 2008.

Nói thế nào đi nữa thì dư luận (báo chí Đài Loan lẫn giới chính trị đối lập) khó có thể tin Liên Chiến đến Bắc Kinh mà không hàm chứa ý nghĩa gì hoặc hoàn toàn không đóng vai trò “giao liên” giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Việc họ Liên đến ngay thời điểm “chuyển đuốc” tại Bắc Kinh còn cho thấy sự “trước sau như một” của một chính sách đối ngoại nối tiếp liền mạch, từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình, mà Bắc Kinh muốn thể hiện với Đài Bắc.

Khó có thể nói Liên Chiến sang Bắc Kinh lần này chỉ với tư cách cá nhân, “thể theo lời mời của Bắc Kinh”, mà không có sự thỏa thuận bàn tính nào đó trước với lãnh đạo Mã Anh Cửu, khi họ Liên lưu lại Bắc Kinh đến bốn ngày (khởi hành ngày 24/2/2013) và cùng đi còn có một phái đoàn hùng hậu gồm 30-40 chính trị gia KMT và các chủ tập đoàn (focustaiwan.tw 21/2/2013)…

Mã Anh Cửu và Hoa lục

Xích lại Hoa lục là chủ trương gần như chẳng có gì phải “đậy đệm” của Mã Anh Cửu - trái ngược với chính sách duy trì tính độc lập của những lãnh đạo tiền nhiệm. Chỉ 2 năm sau họ Mã đắc cử (nhiệm kỳ 1), ngày 29/6/2010, tại Trùng Khánh, nơi Tưởng Giới Thạch từng đóng đại quân thời Thế chiến thứ II và là một trong những thành phố cuối cùng mà lực lượng Quốc dân đảng rút lui sau khi bị quân giải phóng của Mao Trạch Đông truy quét năm 1949, một hiệp định khung hợp tác kinh tế giữa Đài Bắc và Hoa lục đã được ký, giữa Trần Vân Lâm (Trung Quốc) - Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ xuyên eo biển Đài Loan (Hải hạp lưỡng ngạn quan hệ hiệp hội) với Giang Bính Khôn (Đài Loan) - Chủ tịch Tổ chức trao đổi xuyên eo biển Đài Loan (Hải hạp giao lưu cơ kim hội).

Hiệp định khung trên là phần tiếp theo của chuỗi liên kết được thiết lập trước đó, gồm việc mở cửa hàng không, hải cảng và thư tín vào cuối năm 2008... Quan hệ kinh tế Đài Loan - Trung Quốc tiếp tục phát triển và càng được “nâng lên một tầm cao mới” sau khi Mã Anh Cửu tái đắc cử năm 2012.

Tháng 9/2012, hai bên thậm chí thỏa thuận giao dịch trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ (chứ không qua trung gian USD Mỹ), trong đó hệ thống ngân hàng Đài Loan được phép cho vay nhân dân tệ cho các doanh nghiệp bên ngoài Đài Loan. Mậu dịch song phương hiện khoảng 160 tỉ USD/năm và Trung Quốc đã qua mặt Mỹ để trở thành đối tác mậu dịch hàng đầu của Đài Loan. Đầu tư Đài Loan vào Hoa lục đạt tổng cộng 41,2 tỉ USD từ năm 2008 đến 2011 (trong nhiệm kỳ một của Mã Anh Cửu), chiếm gần 2/3 trong tổng cộng 58,3 tỉ USD trong 16 năm trước khi Mã ngồi ghế lãnh đạo.

Tái đắc cử năm 2012 với tỉ lệ 51,6% (so với 45,6% của đối thủ Thái Anh Văn thuộc đảng đối lập Cấp tiến Dân chủ - DPP) - thấp hơn so với 58,45% ở kỳ bầu cử năm 2008 (thời điểm KMT bắt đầu nắm quyền sau 8 năm chính trường Đài Loan thuộc kiểm soát DPP), Mã Anh Cửu và chính sách thân Bắc Kinh của ông đang vấp phải sự chỉ trích và phản đối quyết liệt của đảng đối lập lẫn người dân. Ngày 10/12/2012, khi phát biểu tại công viên Cảnh Mỹ (Jingmei Park), Mã Anh Cửu đã bị một nhóm ủng hộ độc lập “tấn công” bằng giày, túi xách và nón.

Tỉ lệ ủng hộ công chúng dành cho Mã đã tụt xuống còn 13% sau gần một năm tái đắc cử (Wall Street Journal 10/12/2012). Và chỉ 1 tháng sau sự kiện trên, ngày 11/1/2013, hàng chục ngàn người Đài Loan lại biểu tình rầm rộ, yêu cầu Mã từ chức, lên án Mã ngày càng lộ rõ “bản chất” thân Bắc Kinh, đặc biệt với vụ Mã bật đèn xanh cho sự thâm nhập của giới truyền thông Trung Quốc vào Đài Loan, thông qua dự án sáp nhập tập đoàn truyền thông Next Media (Nhất truyền môi hữu hạn công ty) của Hongkong với Want Want China Times Group (Vượng Vượng tập đoàn hữu hạn công ty) của Đài Loan thuộc sở hữu của doanh nhân Thái Diễn Minh vốn bị mang tiếng là thân Hoa lục (Epoch Times 14/1/2013).

Mỹ với... Mã?

Trong diễn văn tái thắng cử (2012), Mã khẳng định: “Quan hệ xuyên eo biển trong 4 năm tới sẽ hài hòa hơn, với sự tin tưởng tương đồng cao hơn và ít khả năng xung đột hơn. Tôi sẽ mang lại cho Đài Loan một môi trường ổn định và bền vững”. Tuyên bố này, cũng như những thể hiện cụ thể của Mã đối với Bắc Kinh, khiến Washington phải nghĩ gì?

Có thể nói, chủ trương như thế nào của Washington đối với Đài Bắc đang chia thành hai luồng chính kiến đối lập – một phe ủng hộ Mỹ tiếp tục sát cánh với Đài Loan và phe kia phản lại.

Trước thềm cuộc bầu cử Đài Loan năm 2012, Douglas H. Paal (một chính khách lão làng của Mỹ chuyên về châu Á, với thời gian dài từng “mài mòn chân” khắp nhiều nước khu vực, từng là sĩ quan hải quân tại Việt Nam, học tiếng Nhật tại Tokyo, có bằng thạc sĩ Trung Quốc học và châu Á học từ Đại học Brown, bằng tiến sĩ ngôn ngữ Đông Á từ Đại học Harvard, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ về Đài Loan 2002-2006) đã chỉ trích quyết liệt ứng cử viên Thái Anh Văn.

Paal (hiện là Phó chủ tịch Tổ chức Carnegie Endowment for International Peace) tin rằng, chủ trương độc lập và thái độ không nhân nhượng Bắc Kinh của bà Thái chỉ khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng và dễ dẫn đến xung đột.

Cuộc biểu tình chống Mã Anh Cửu đầu năm 2013

Liệu có phải Douglas H. Paal đã “nói hộ” cho Washington về chính sách của Mỹ đối với Đài Loan? Và bằng cách dùng tay Paal để “ném đá” và “dìm hàng” Thái Anh Văn ngay trước thời điểm bỏ phiếu, Washington đã gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Đài Loan, theo “những cách thức rất tinh tế” - như cáo buộc của đảng đối lập Đài Loan DPP?

Hay nói huỵch toẹt là Washington đã bật đèn xanh ủng hộ Mã Anh Cửu tái đắc cử, để có thể thông qua nhân vật này tiếp tục chính sách “ít khả năng xung đột hơn” với “một môi trường ổn định và bền vững”? Đó mới là mục tiêu mà Mỹ thật sự mong muốn? Nói cách khác, Mỹ đã và vẫn đang “kiểm soát” Mã Anh Cửu, chứ không hề là Bắc Kinh, như được lầm tưởng?

Buổi nói chuyện của một nhân vật uy tín khác, Richard Bush - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Bắc Á thuộc Viện Brookings vào ngày 6/2/2013, nhân dịp giới thiệu quyển sách mới của ông (Uncharted Strait: the Future of China-Taiwan Relations) - cũng giúp cho thấy rõ thêm vấn đề.

Cho rằng chính sách của người tiền nhiệm Trần Thủy Biển là “gây khó chịu và thỉnh thoảng quá khích”, Richard Bush ủng hộ những gì diễn ra trong 5 năm qua dưới thời Mã Anh Cửu và đảng KMT, với “một sự chuyển biến rõ rệt trong quan hệ tốt hơn giữa Đài Bắc - Bắc Kinh, tốt cho cả Mỹ, khi điều đó duy trì ổn định khu vực, giảm thiểu căng thẳng và khả năng xung đột có vũ trang” (Epoch Times 28/2/2013).

Tất nhiên cũng có những ý kiến không tán đồng. Trích một phần từ quyển Strategic Vision: America and the Crisis of Global Power để đăng trên chuyên san Foreign Affairs (số Jan/Feb 2012), cựu cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski nói rằng, “thật đáng nghi ngại” trước việc Đài Loan có khả năng tránh được sự thiết lập quan hệ chính thức hơn với Trung Quốc; rằng một khi Mỹ không còn thừa nhận Đài Loan như một nhà nước có chủ quyền, đồng thời công nhận quan điểm Bắc Kinh về việc thống nhất lãnh thổ với Đài Loan thì việc tiếp tục bán vũ khí cho Đài Bắc chỉ mang lại sự thù địch hơn từ Bắc Kinh; rằng công thức “một quốc gia, hai hệ thống” của Đặng Tiểu Bình sẽ có thể là tiền đề khiến Đài Bắc nghĩ lại và cuối cùng họ chấp nhận khước từ sự “độc lập” theo mô hình hiện tại… Nói cách khác, việc Mỹ bỏ hẳn Đài Loan là điều cần thiết - theo Brzezinski.

Tuy nhiên, các đồng minh Nhật, Hàn Quốc, Philippines… sẽ nghĩ sao nếu Washington “thả tay” hẳn khỏi Đài Loan? Thật khó có thể nói Đài Loan “an toàn tuyệt đối” hay không, trước đà thâm nhập, với chiến thuật “chúng ta vốn dĩ anh em một nhà” và “có cùng nhiều mối quan tâm và lợi ích” chẳng hạn “chủ quyền Điếu Ngư” mà Bắc Kinh đang ngày đêm “đánh thức” Đài Bắc; khi mà ngân sách quốc phòng Đài Loan ngày càng bóp lại, như cảnh báo của William Stanton, “đại sứ” Mỹ tại Đài Loan từ tháng 8/2009 đến tháng 8/2012 (AP 18/3/2013).

Từ 1994 đến nay, ngân sách quốc phòng Đài Loan liên tục giảm, chiếm 2,2% GDP năm 2012, thấp hơn mục tiêu 3% mà Mã Anh Cửu đề ra khi đắc cử năm 2008. Stanton cũng cho biết, Hoa lục đã liên tục đột nhập tình báo thành công vào quân đội Đài Loan (ít nhất 9 vụ từ năm 2004 đến 2011)…

Dù vậy, thời điểm hiện tại, với Mỹ, tình hình dường như vẫn còn “nằm trong tầm kiểm soát”. Tại cuộc hội thảo về tương lai quan hệ Mỹ - Đài Loan do Heritage Foundation tổ chức ngày 8/2/2013, Randy Schriver - cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương (thời George W. Bush) - ghi nhận rằng, “sự ủng hộ cho sự độc lập (ở Đài Loan) đang tăng cao trong khi sự ủng hộ thống nhất với Trung Quốc đang giảm mạnh”.

Một số sự kiện thời sự cũng cho thấy, Mã Anh Cửu dường như “vẫn còn là người của Mỹ”, khi ông có những động thái “trái với sự mong đợi” của Bắc Kinh, chẳng hạn việc tuyên bố sang Vatican dự lễ thụ phong tân Giáo hoàng Francis (năm 2005, Bắc Kinh từng tỏ ra giận dữ khi Trần Thủy Biển đến Vatican dự lễ tang Giáo hoàng John Paul II)...

Tình hình dường như vẫn còn “nằm trong tầm kiểm soát”, khi Đài Bắc loan bố sẽ dàn 50 tên lửa tầm trung hướng đến các căn cứ quân sự tại Đông Nam Trung Quốc, như tin đã công bố; trong khi trước đó hơn một tuần, ngày 10/3/2013, không quân Đài Loan đã nhận được thêm hai máy bay cảnh báo sớm E-2K (phiên bản nâng cấp của thế hệ E-2T do Northrop Grumman chế tạo) - loại được đánh giá là ngang với chiếc E-2C 2000 mà hải quân Mỹ đang dùng.

Petrotimes

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Đài Bắc , Bắc Kinh , Trung Quốc , Đài Loan 2013 , Tiếp cận , Nâng tầm quan hệ , Chính sách củ cà rốt ,