“Phong trào” kết hôn giả với người nước ngoài để đi xuất khẩu lao động của người dân xã Tam Dị (Lục Nam- Bắc Giang) rộ lên từ những năm 2008.
Một cháu bé chưa có giấy khai sinh vì mẹ 'kết hôn giả' với người nước ngoài |
Đến nay, câu chuyện kết hôn giả vẫn còn nguyên tính thời sự vì nó để lại nhiều hệ lụy không dễ giải quyết. Đó là câu chuyện về việc ly hôn với người chồng nước ngoài giả và việc khai sinh cho những đứa con với người chồng thật hiện đang sinh sống tại Việt Nam...
Không thể ly hôn với chồng trên... giấy
Theo thông tin từ UBND xã Tam Dị cung cấp, phong trào xuất khẩu lao động tại địa phương manh nha từ năm 2005, nhưng rộ lên từ những năm 2008, đến nay toàn xã hiện có trên 2000 người đi xuất khẩu lao động đang làm việc ở hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản cho tới Ăng-gô-la, Síp, Ả-rập...
Ông Đào Văn Quảng - Phó chủ tịch UBND xã Tam Dị cho biết, hiện toàn xã có 190 trường hợp kết hôn với người nước ngoài (trong đó có 2 nam), chủ yếu là Hàn Quốc. Các trường hợp kết hôn này đều đúng thủ tục pháp lý theo quy định của Việt Nam, cũng theo ông Quảng, dư luận quần chúng nhân dân xôn xao, việc nhiều phụ nữ Tam Dị kết hôn với người nước ngoài chủ yếu là “kết hôn giả” để đi xuất khẩu lao động, vì đi theo con đường này họ sẽ nhanh chóng được nhập cư mà không phải mất thời gian chờ đợi và thường làm theo đường dây môi giới.
Qua thực tế ở địa phương, ông Quảng cho biết trong nhiều trường hợp, việc “kết hôn giả” gây ra nhiều hệ luỵ cho bản thân những người trong cuộc và con cái họ. Cụ thể như trường hợp của chị Bùi Thị Hằng (thôn Đông Thịnh) cũng được coi là bi kịch của cuộc hôn nhân giả với người nước ngoài.
Bắt được mối đi nước ngoài bằng con đường "kết hôn giả", hai vợ chồng chị Hằng không ngần ngại làm thủ tục ly hôn. Chị kết hôn với một người chồng Đài Loan rồi lao động tại đó. Làm hết thời hạn hợp đồng, chị trở lại quê hương với một số vốn kha khá. Tuy nhiên từ đây lại có nhiều chuyện “trái khoáy” xảy ra tưởng như chỉ có ở trong phim.
Người chồng Việt Nam đầu ấp tay gối kia lại không phải là chồng bởi trên giấy tờ anh chị đã ly hôn, chị hiện đang là vợ của một người Đài Loan nào đó mà chính bản thân chị cũng chẳng biết là ai. Việc kết hôn lại với người chồng Việt Nam hiện đang chung sống lại không thể thực hiện khi chị chưa có quyết định ly hôn với người chồng ngoại quốc.
Một trường hợp khác là của chị Nguyễn Thị Phương cũng khiến nhiều người phải lắc đầu ngán ngẩm. Bắt mối với "cò xuất khẩu lao động" chị Phương đã ly hôn giả với chồng thật để kết hôn với một người Hàn Quốc. Để lấy được một ông chồng giả người Hàn Quốc, vợ chồng chị xoay đủ đường, vay của họ hàng, bạn bè số tiền là 16.000 USD. Chị sang xứ người với mục tiêu duy nhất là kiếm thật nhiều tiền gửi về cho chồng con trả nợ.
Thế nhưng chỉ được 1 năm, hạn cư trú đã hết, người chồng Hàn Quốc đã “cao chạy xa bay”. Sau khi bị trục xuất, chị về nước sống cùng người “chồng” mà “danh không chính, ngôn không thuận” vì chị vẫn đang là vợ của một người nào đó bên xứ sở Kim Chi.
Xót xa những đứa trẻ không được khai sinh
Một trong những vấn đề làm đau đầu những người làm công tác quản lý ở Tam Dị, là việc khai sinh cho 21 cháu bé dưới 5 tuổi có mẹ kết hôn với người nước ngoài về sinh sống tại địa phương. Tuy nhiên những đứa trẻ này lại là con của người phụ nữ Việt với những người đàn ông... Việt. Đây là hệ quả của tình trạng kết hôn giả từ những năm trước để lại.
Cụ thể như trường hợp của chị Lưu Thị Xuân (thôn Tân Mùi) đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc. Do điều kiện khách quan, chị không thể sang Hàn Quốc lao động được. Sau đó chị ở nhà và lấy chồng là người cùng thôn. Đã kết hôn được 4 năm và có con được 3 tuổi nhưng đến nay, cháu nhỏ vẫn chưa thể làm giấy khai sinh.
Chị Xuân cho biết, khi đi làm thủ tục khai sinh cho con, cán bộ tư pháp xã yêu cầu chị phải xuất trình đơn ly hôn với người chồng Hàn Quốc hoặc làm đơn cam đoan con mình sinh ra ngoài giá thú và chỉ được mang họ mẹ. Tuy nhiên để thực hiện được hai việc này là rất khó, vì theo chị Xuân, chị đi xuất khẩu lao động theo đường dây, chú rể có khi còn không biết mặt thì làm sao mà tìm được, nhất là khi việc kết hôn giả để đi xuất khẩu lao động đã bị phát giác. Còn việc con cái sinh ra có bố có mẹ mà lại ghi là “ngoài giá thú” thì cũng không được và gia đình chồng chị cũng không chấp nhận việc đó. Chính vì vậy việc kết hôn giả của người mẹ, vô hình trung đã xâm phạm tới quyền lợi của đứa trẻ.
Nhắc đến chuyện không thể đăng ký khai sinh cho con ở Tam Dị, nhiều người thường nói tới câu chuyện của con trai bà Lưu Thị Lắm. Con dâu của ông bà là Nguyễn Thị Huệ (SN 1985) đã đăng ký kết hôn giả với một người đàn ông Hàn Quốc và sang đó làm việc. Được 1 năm, chị Huệ cần phải có giấy xác nhận có chữ ký của “chồng” để tiếp tục được ở lại Hàn Quốc. Nhưng lúc này người chồng giả của chị đã biến mất. Chị Huệ liên hệ với “cò” thì bị đòi thêm 1000 USD để lo “chạy” giấy.
Vì xót số tiền 15.000 USD bỏ ra trước đó, chị đã đưa cho “cò” số tiền theo yêu cầu, thế nhưng tờ giấy với chữ ký của người chồng vắng mặt vẫn không giúp chị ở lại Hàn Quốc làm việc. Chị Huệ bị trục xuất về nước đến nay đã ba năm. Trong khi làm việc bên đó, chị đã yêu và lấy anh T., con trai bà Lắm. Hai người đã có một cô con gái và gửi về cho ông bà nội ở Việt Nam nuôi.
Bà Lắm cho biết, trong một lần về nước, vợ chồng con trai bà có ra UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, nhưng không được vì chị Huệ đang có hôn nhân hợp pháp với người chồng Hàn Quốc. Nghĩ rằng đây chỉ là khó khăn tạm thời, hai bên gia đình vẫn tổ chức cưới cho đôi trẻ. Nhưng đến nay, cháu nội bà vẫn chưa được đăng ký khai sinh.
Theo nhiều người dân ở Tam Dị đã bị trục xuất về nước cho biết, những người trong đường dây “kết hôn giả” hứa hẹn, trong vòng 2 đến 3 năm, họ sẽ làm giấy ly hôn cho mình vì bản thân người ta muốn lấy vợ, lấy chồng cũng phải có giấy ly hôn của mình. Tuy nhiên do đường dây đã bị lộ, những người chồng “ngoại quốc” đã lặn mất tăm, gây khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục pháp lý để giải quyết ly hôn.
Nhiều bậc ông bà, cha mẹ ở Tam Dị lo lắng, con cháu họ là thật đấy, nhưng lại không có giấy khai sinh, những quyền lợi chính đáng không được hưởng. Ông Quảng cho biết, chính quyền xã cũng rất lúng túng trong việc xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, chính quyền xã cũng tạo điều kiện cho các cháu bằng việc xác nhận thông tin từ lời khai của gia đình, các cháu cũng được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như tiêm chủng, đi học, còn cấp giấy khai sinh và các thủ tục ly hôn của mẹ các cháu thì còn phải đợi hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?