Mất 6 mạng người nơi đất khách vì xuất khẩu lao động chui
Thứ bảy, 11/05/2013 09:14

Theo thống kê chưa chính thức thì từ đầu năm đến nay, riêng Nghệ An đã có 6 công dân tử vong từ việc đi xuất khẩu lao động “chui” sang Angola...

Một người vợ trẻ kiệt sức khi nhận được hung tin chồng mất bên xứ người

Một người vợ trẻ kiệt sức khi nhận được hung tin chồng mất bên xứ người

Nỗi đau chồng chất

Ngày 9/3/2013, anh Nguyễn Công Nguyên, SN 1984, trú tại khối Tân Diện, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An tử vong tại Angola. Anh Nguyên được xác định tử vong do mắc bệnh sốt rét ác tính khi làm việc được hơn 6 tháng. Sau khi anh Nguyên mất, bạn bè đã báo tin về cho gia đình biết nhưng để đưa được thi thể anh về nước thì gia đình phải có số tiền gần 3,5 tỷ đồng.

Nạn nhân là anh Nguyễn Đức Cao, SN 1988, trú tại xóm 7, xã Nghi Kim, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, tử vong tại Angola vì mắc bệnh sốt rét ác tính. Đầu tháng 1/2013, anh Cao sang Angola làm việc, trước khi đi anh phải đặt cọc 130 triệu đồng cho Cty môi giới để làm công nhân xây dựng. Do khí hậu khắc nghiệt, anh Cao bị ốm, khoảng cuối tháng 2/2013 thì lên cơn sốt. Đến chiều 5/4, thi thể của anh Cao mới được đưa về nước do vướng thủ tục và chi phí. Thi thể anh Nguyễn Công Nguyên cũng được đưa về nước cùng ngày nhờ sự chung tay chia sẻ của các tổ chức, anh em lao động người Việt tại Angola quyên góp, ủng hộ và sự giúp đỡ của Đại sứ quán(ĐSQ) Việt Nam tại Angola.

Ngày 8/4, anh Trần Nam Tuấn, 42 tuổi, trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh đã tử vong tại Luanda, Angola do mắc bệnh sốt rét. Không lâu sau đó, anh Phan Văn Sơn, SN 1973, trú xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cũng tử vong tại Angola không rõ nguyên nhân. Để được đi làm việc tại đây, gia đình anh Sơn đã phải đặt cọc số tiền 6.100 USD cho các Cty cò môi giới. Đến sáng 12/4, gia đình nhận được hung tin anh Sơn sau một giấc ngủ không thấy tỉnh dậy. Nỗi mất mát lớn lao để lại gánh nặng cho gia đình, người vợ trẻ và 2 con thơ, đứa đầu 10 tuổi đứa thứ hai 4 tuổi. Để đưa thi thể anh Sơn về nước chôn cất, gia đình phải đóng số tiền là 700 triệu đồng chi phí vận chuyển và khâm liệm.

Chiều 13/4, gia đình anh Hồ Cảnh Sơn, SN 1968, trú tại xóm 7, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An được bạn bè báo tin đã tử vong do bệnh sốt rét ác tính sau 2 tuần cấp cứu tại BV. Gần đây nhất là ngày 7/5, anh Nguyễn Văn Hùng, trú xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, cũng tử vong tại Angola vì bị tai nạn sập công trình xây dựng. BV này đang giữ thi thể anh Hùng vì gia đình chưa gửi tiền thanh toán viện phí…

Khó kiểm soát

Theo ông Đặng Cao Thắng - PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An: Sau khi các lao động Việt Nam bị tử vong tại Angola, Sở đã giao cho các huyện lập danh sách báo cáo cũng như điều tra số lượng người đã đi XKLĐ tại nước này. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa cấp phép cho bất cứ một tổ chức, Cty nào đưa lao động Việt Nam sang các nước như: Angola, Libya hay Nga. Các đường dây đưa lao động Việt Nam sang các thị trường trên chủ yếu theo con đường làm hộ chiếu đi du lịch rồi ở lại tìm việc làm. Ngành lao động cũng đã khuyến cáo người dân về tình trạng XKLĐ “chui” và những rủi ro gặp phải…

Dù đã có khuyến cáo nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn lén lút “cò mồi” dẫn dắt người lao động sang đây làm việc mà các cơ quan chức năng hiện chưa kiểm soát được. Lao động tại Angola phải làm việc trong điều kiện đời sống, quyền lợi và môi trường không đảm bảo, chủ yếu làm các công việc nặng nhọc như làm thợ nề, ép bán dâm…

Theo thống kê chưa đầy đủ của ĐSQ Việt Nam tại Angola, hiện có hơn 40.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây và 100% là đi theo hình thức bất hợp pháp. Trong đó, có khoảng 1.200 lao động là người Hà Tĩnh và 600 lao động là người Nghệ An….Họ đều xuất ngoại bằng con đường du lịch, rồi ở lại lao động bất hợp pháp thông qua các cò môi giới với chi phí khoảng 6.000 USD.

Vì miếng cơm manh áo, vì giấc mộng đổi đời, những lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã cầm cố tài sản, vay mượn tiền bạc để XKLĐ theo hình thức chui. Những tưởng công việc sẽ thuận lợi nhưng khi sang đây, người lao động lại phải đối mặt với điều kiện sống không đảm bảo, bệnh tật, rủi ro… Mộng đổi đời chưa thành hiện thực, cái mà họ đưa về gia đình lại là những tang thương mất mát, nợ nần chồng chất. Cái giá phải trả của việc bất chấp luật pháp không chỉ là tiền mà còn bằng cả mạng sống của mình nơi đất khách quê người.

Phapluatxahoi.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Xuất khẩu lao động , Nghệ An , Xuất khẩu lao động chui , Mất mạng vì xuất khẩu lao động chui , Angola