Cuộc đua xin lỗi cổ đông của các đại gia chứng khoán, bất động sản
Thứ hai, 29/04/2013 23:28

Chuyên gia nhận định, lời xin lỗi của lãnh đạo đáng trân trọng nhưng cần thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam. Ảnh: Vinaconex

Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam. Ảnh: Vinaconex

Chủ tịch Chứng khoán Âu Việt là một trong những người tiên phong cho động thái xoa dịu cổ đông. Trong năm qua, Chứng khoán Âu Việt trải qua biến cố lớn khi gánh khoản lỗ quá cao, công ty không còn khả năng duy trì, khiến cổ phiếu phải rời sàn.

Chia sẻ với PV trước thềm đại hội cổ đông lần cuối của Chứng khoán Âu Việt, Chủ tịch Đoàn Đức Vịnh nói: “Để công ty thua lỗ nhiều năm, kinh doanh không hiệu quả, nhưng trong bài toán khó này, lời giải của chúng tôi là giải thể càng sớm càng tốt, chắc là đáp án ngắn nhất”. Ông Vịnh cũng bày tỏ xin lỗi cổ đông vì đã không làm tròn bổn phận của người dẫn đầu.

Trước đó, mọi quyền lợi của cổ đông đã được công ty giải quyết êm xuôi. Những nhân viên cuối cùng còn lại trong Chứng khoán Âu Việt cũng được thu xếp công việc mới.

Chưa đến mức phải giải thể như Chứng khoán Âu Việt, Công ty Chứng khoán SBS cũng trong trạng thái thua lỗ triền miên, nhân sự cao cấp bất ổn định, cổ phiếu bị buộc hủy niêm yết trong khi nhà đầu tư hoang mang về quyền lợi. Tại đại hội thường niên Chứng khoán SBS, một cổ đông cao tuổi nắm 7.000 cổ phiếu SBS cho biết đã lỗ tới một nửa số vốn đầu tư vì mã này.

Cổ đông nói thêm: “Năm ngoái, tôi đã định bán hết cổ phiếu SBS, nhưng phía doanh nghiệp vẫn hứa hẹn quyết tâm tháo gỡ khó khăn nên đành giữ lại”. Dù vậy, tới năm nay, công ty vẫn lỗ và Chủ tịch cũng thẳng thắn thừa nhận mọi lỗi lầm về Hội đồng quản trị và ban điều hành do “chưa giám sát kỹ và theo sát hoạt động của công ty”. Lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2012 của Chứng khoán SBS lên tới 1.767 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 1.266 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Hội đồng quản trị công ty cũng tuyên bố nhiều kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, tuy vậy Chủ tịch Kiều Hữu Dũng nhận định: “Chứng khoán SBS khó trở về thời hoàng kim”. Trong khi cách đây 3 năm, công ty còn được xem là một trong những doanh nghiệp ăn nên làm ra thuộc lĩnh vực chứng khoán và nằm trong top 10 thị phần môi giới.

Dù có lãi trong năm 2012 và lọt top 10 thị phần môi giới, tại đại hội cổ đông Chứng khoán VNDirect, Chủ tịch Phạm Minh Hương vẫn chân thành xin lỗi cổ đông vì một số chỉ tiêu kinh doanh chưa đạt. Cuối năm 2012, lãi sau thuế chưa phân phối của VNDirect còn âm, lợi nhuận năm cũng chỉ đạt 78,6 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch. Trước đó doanh nghiệp cũng gánh lỗ năm 2011 hơn 200 tỷ đồng.

Không chỉ chứng khoán mà "ông lớn" bất động sản cũng buộc phải xin lỗi cổ đông vì làm ăn thua lỗ. Đặt mục tiêu lãi nhưng lại lỗ tới hơn 600 tỷ đồng, Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex, đã xin lỗi cổ đông ngay trong phiên đại hội: “Chúng ta đặt kỳ vọng quá lớn. Thay mặt HĐQT, tôi xin lỗi vì đặt mục tiêu kinh doanh quá cao nhưng lại chưa thực hiện được. HĐQT đã tổ chức 15 cuộc họp đình kỳ và đột xuất để rà soát kết quả kinh doanh nhưng kết quả không được như mục tiêu”, ông Phương chia sẻ.

Vị chủ tịch nhìn nhận, việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên chưa lường hết những biến động khó khăn của thị trường. Ngoài ra, đề ra tái cấu trúc với giá trị lớn trong khi chỉ thực hiện khoảng 13% do thị trường tài chính chứng khoán ảm đạm là những nguyên nhân cơ bản khiến Vinaconex không hoàn thành được mục tiêu.

Trao đổi với PV, người phát ngôn của một doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng việc xin lỗi do nguyên nhân khách quan gây ra là không phù hợp: “Thực chất chuyện kinh doanh thua lỗ là do những yếu tố khách quan như kinh tế chưa thuận lợi, cơ hội đầu tư chưa tốt. Trong khi đó, mình đi xin lỗi thì lại mang tính chất như mối quan hệ cá nhân, tự mình gây ra nên mới phải xin lỗi, rồi lên kế hoạch sửa lỗi”.

Vị đại diện này cũng nhận định, làm như vậy nhiều khi rất rủi ro vì không thể chắc chắn sang năm tới lãnh đạo có thể hoàn thành kế hoạch như đã hẹn. “Hơn nữa thị trường và quản trị là hai vấn đề khác nhau, trong khi bối cảnh kinh tế ra sao cũng chưa có ai tìm ra câu trả lời thực sự”, vị đại diện chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, lời xin lỗi của lãnh đạo cấp cao trước toàn thể nhân viên, cổ đông là một nét văn hóa của người đứng đầu doanh nghiệp và đáng được trân trọng. Theo ông, lời xin lỗi phải được đặt trong từng hoàn cảnh cụ thể, xem xét nguyên nhân mới biết có thực sự cần thiết hay không.

Vị chuyên gia phân tích, khi doanh nghiệp đặt ra tham vọng quá lớn, hoàn cảnh khách quan khiến không đạt được chỉ tiêu, lãnh đạo phải xin lỗi cổ đông. Riêng trường hợp, lãnh đạo làm giả ăn thật, biển thủ công quỹ không chăm lo đến lợi ích doanh nghiệp thì phải trả giá thích đáng.

Lời xin lỗi chỉ là hành vi ban đầu, trong trường hợp tái phạm thì ban kiểm sát và cổ đông cần phải họp bàn để có thái độ rõ ràng dứt khoát. “Nếu sau khi xin lỗi, doanh nghiệp vẫn tiếp tục làm ăn bết bát, thì lãnh đạo công ty cần phải có cuộc cải tổ thậm chí xin từ chức để những người đủ tài đủ lực lãnh đạo công ty tốt hơn”, ông Doanh nói.

Vnexpress.net

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Đại gia chứng khoán , Thị trường bất động sản , Cổ đông , Kinh tế , Thị trường chứng khoán