Cục Hàng không lên tiếng vụ phi công 'báo ốm'
Thứ tư, 14/01/2015 11:39

Việc 117 phi công Vietnam Airlines báo ốm, xin nghỉ là bất thường đã uy hiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh tức thời của hãng cũng như đến an ninh kinh tế quốc gia...

Cục Hàng không lên tiếng vụ phi công 'báo ốm'

Cục Hàng không lên tiếng vụ phi công 'báo ốm'

Ông Thanh nói rõ, việc chỉ thị của Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác với lực lượng phi công của Vietnam Airlines là biện pháp cấp bách tạm thời, chứ đấy không phải là mục tiêu của công tác quản lý Nhà nước.

Bởi, đây là sự việc bất thường, chỉ trong 5 ngày có 117 trường hợp như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến một đơn vị nhận nhiệm vụ chính trị của Nhà nước, nên phải có giải pháp.

"Việc lãnh đạo Bộ GTVT có chỉ đạo ngăn chặn phi công xin nghỉ là đúng quy định. Bởi, Chính phủ xác định Vietnam Airlines là lực lượng dự bị an ninh quốc phòng. Khi đã là lực lượng dự bị an ninh quốc phòng, trong những trường hợp cấp bách, Cơ quan quản lý Nhà nước nhìn thấy nguy cơ ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược thì cần áp dụng biện pháp khẩn cấp, vì thế trước mắt cần có hỗ trợ nhất định với Vietnam Airlines", ông Thanh cho biết.

Cục trưởng Hàng không nhắc lại chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2015 của Vietnam Airlines: “Vietnam Airlines đang phấn đấu trở thành hãng hàng không bốn sao. Đã là hàng không bốn sao thì nhân lực cũng phải bốn sao, chế độ chính sách cũng phải bốn sao. Chế độ chính sách phải dựa trên cơ chế thị trường, không thể động viên tinh thần mãi, không thể giữ người chỉ bằng truyền thống, bằng màu cờ sắc áo”.

Do vậy, Vietnam Airlines phải có cơ chế chính sách bảo vệ quyền lợi hợp lý cho người lao động.

Về việc có nên tính đến việc đền bù khi phi công quyết định chấm dứt hợp đồng, ông Thanh khẳng định rõ ràng phải tính đến điều này. Vì giá trị của phi công được tính bằng việc đã bay bao nhiêu giờ an toàn và cả việc bay cho một hãng hàng không có hệ thống an toàn như thế nào, tốt hay không.

Theo ông Thanh, ngoài chi phí đào tạo huấn luyện, chúng ta phải nghĩ đến việc có một cơ chế đền bù khi phi công quyết định chấm dứt hợp đồng. Cơ chế này sẽ sớm được hoàn thiện.

Về vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật - Viện trưởng viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động VN) cho biết: Nếu xảy ra tranh chấp thì phải giải quyết theo hợp đồng lao động.

Khi người lao động được Vietnam Airlines bỏ tiền ngân sách đi đào tạo thành phi công thì phải ký hợp đồng về đào tạo với Tổng công ty. Trong hợp đồng đào tạo, về nguyên tắc, theo quy định của Luật lao động phải thể hiện số năm người lao động phải làm việc cho Tổng công ty sau khi được đào tạo xong.

Trong trường hợp hợp đồng lao động không thể hiện điều đó thì người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định của Luật lao động.

Ông Điều cũng nói rõ, trong trường hợp người lao động chấp nhận bồi thường phí đào tạo thì cũng phải được quy định trong hợp đồng lao động.

"Anh đi trước bao năm, còn bao nhiêu năm trong hợp đồng thì anh phải bồi thường như thế nào cũng phải có quy định rõ ràng thì mới đi được. Nếu trong hợp đồng quy định anh bồi thường thì lao động có quyền chấm dứt hợp động theo đúng quy định của Luật lao động”, ông Điều cho hay.

Liên quan đến vụ việc, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cũng cho biết: Trong trường hợp phi công được VNA bỏ kinh phí ra đào tạo thì hai bên có hợp đồng ràng buộc với nhau.

Trong trường hợp này, nếu phi công muốn nghỉ việc để sang làm việc cho một hãng hàng không khác thì phải bồi thường chi phí đào tạo cho VNA theo điều khoản ký trong hợp đồng lao động.

Vietnamnet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: hang khong , cuc hang khong , cuc hang khong viet nam , vietnam airlines ,