Ra đời năm 2009 và chỉ sau vài năm, dịch vụ taxi Uber đã có mặt trên khắp thế giới, khiến cơ quan quản lý đau đầu và các doanh nghiệp taxi truyền thống rầm rộ phản đối.
Taxi Uber lan ra rất nhanh ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM |
Taxi Uber cũng đã nhanh chóng có mặt ở Việt Nam và loại hình này đang tạo ra những luồng dư luận trái chiều.
Taxi qua Uber đã có mặt tại 250 thành phố
Uber là loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên điện thoại thông minh để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe. Những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác. Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber). Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, về chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%.
Ra đời tại Mỹ vào năm 2009, hiện taxi Uber đã có mặt tại 250 thành phố trên toàn thế giới nhưng bị cho là loại “dịch vụ đen”. Tháng 5/2011, hãng này từng nhận được thư yêu cầu ngừng hoạt động từ cơ quan vận tải TP San Francisco vì sử dụng lái xe không có giấy phép hành nghề. Ngày 11-6-2011, hàng nghìn lái xe taxi tại châu Âu đã biểu tình phản đối Uber và đe dọa làm rối loạn giao thông nếu chính quyền không cấm Uber.
Cuối tháng 11/2014, Uber đã phải tạm dừng hoạt động tại bang Nevada (Mỹ) theo phán quyết của một tòa án khu vực. Lý do của lệnh cấm là Uber không tuân thủ các quy tắc hoạt động của các hãng taxi trong bang. Tại Đức, Uber cũng bị cấm hoạt động tại 2 thành phố lớn là Humburg và Berlin. Ngày 12/12 tới, Pháp sẽ quyết định dịch vụ Uberpop của Uber có được hoạt động tại nước này hay không. Một số nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia dù chưa có lệnh cấm chính thức song cũng đã xem xét phương án quản lý loại hình này.
Lan nhanh ở Việt Nam
Uber mới có mặt ở TP. HCM vào tháng 7-2014 nhưng đã nhanh chóng làm cho các doanh nghiệp taxi truyền thống đứng ngồi không yên vì được cho là cạnh tranh thiếu lành mạnh. Hàng nghìn lái xe cá nhân đã đăng ký vào dịch vụ này để tham gia chở khách. Tháng 11 vừa qua, Uber taxi cũng đã xuất hiện tại Hà Nội dù tốc độ phát triển đang ở mức khiêm tốn. Tốc độ phổ cập của dịch vụ Uber taxi khá nhanh bởi tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ở TP. HCM và Hà Nội rất lớn. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, kết nối Internet, tải ứng dụng, cài đặt thành công, cung cấp các thông tin cá nhân, thẻ thanh toán là xem như khách hàng đã ký kết thành công một hợp đồng sử dụng dịch vụ vận chuyển với Uber. Khi khách hàng có nhu cầu vận chuyển, đăng nhập vào hệ thống, Uber sẽ định vị vị trí, thông báo cho lái xe (cũng tham gia Uber) gần nhất biết, thông báo về quãng đường cũng như số tiền mà hành khách phải thanh toán.
Trên website Uber (http://www.uber.com) có giao diện tiếng Việt, đối tác ký kết hợp đồng vận chuyển là Uber B.V., một Công ty tư nhân được thành lập tại Hà Lan, có văn phòng đặt tại Amsterdam, Hà Lan. Đáng nói, website đưa ra thông tin, các điều khoản sử dụng của Uber tại Việt Nam tuân theo luật pháp... Hà Lan. Bất kỳ tranh chấp, khiếu nại hay tranh cãi nào phát sinh từ hoặc liên quan đến việc sử dụng dịch vụ đều được giải quyết bởi tòa án có thẩm quyền tại Amsterdam, Hà Lan.
Sẽ hợp pháp hóa
Tại TP.HCM, các doanh nghiệp taxi cho rằng đây là mô hình kinh doanh thiếu lành mạnh, một loại vận tải khách trá hình. Hiệp hội taxi TP. HCM nhấn mạnh, hoạt động này trái với Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. “Dịch vụ này tác động xấu đến doanh nghiệp taxi. Bởi, đây là một phần mềm ứng dụng, không phải chịu điều kiện trong vận hành. Trong khi các hãng taxi phải chịu nhiều điều khoản, lái xe cũng phải có đầy đủ giấy tờ hành nghề”, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. HCM nói.
Tại Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, nếu taxi Uber phục vụ xã hội tốt thì nên khuyến khích. Tuy nhiên, vận tải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải có đăng ký kinh doanh và tuân thủ các điều kiện của Nhà nước nên taxi Uber cũng không thể ngoại lệ.
Ngày 17/11, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị chỉ đạo các lực lượng liên quan kiểm tra tính pháp lý của taxi Uber. Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra việc nộp thuế và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo làm rõ tính pháp lý của phần mềm Uber.
Cuối tháng 11 vừa qua, lực lượng chức năng tại TP. HCM đã kiểm tra, xử phạt một số lái xe hoạt động taxi Uber, song việc xử lý tận gốc không đơn giản vì, hệ thống điều hành Uber đặt ở nước ngoài và hành khách sử dụng dịch vụ này thanh toán qua thẻ. Taxi Uber cũng không có logo, rất khó nhận dạng nếu hành khách không hợp tác. Dù vậy, ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ xem xét hợp pháp hóa loại hình này.
Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia về giao thông cho rằng, nếu taxi Uber được hợp pháp hóa thì sẽ ảnh hưởng bất lợi tới các hãng taxi. “Nếu Nhà nước chủ trương tạo hành lang pháp lý cho Uber thì các hãng taxi không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng dịch vụ và cắt giảm chi phí để có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Họ cần ứng dụng công nghệ mạnh hơn để mang lại một số tiện ích mà Uber đang vượt trội, nhất là trong việc đặt xe, thanh toán cước, phản hồi về chất lượng xe và lái xe, tìm kiếm hành lý bỏ quên...”, ông Lương Hoài Nam nói.
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?