Nghe con gái kể chuyện xem bói, bà mẹ mê tín dị đoan “run như cầy sấy”, từ đó ghét con dâu ra mặt, sẵn sàng buông lời rẻ rúng, bêu xấu nàng dâu khắp làng.
Suốt 20 năm trốn truy nã, người đàn bà này không một phút bình yên |
Sau hơn 20 năm truy tìm, cảnh sát bắt được kẻ trốn nã Nguyễn Thị Ngọc (SN 1967, ngụ thôn 4, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), khi đối tượng bị bệnh hiểm nghèo nên được hoãn thi hành án vô thời hạn. Sự cắn rứt lương tâm trong bao năm lẩn trốn như một bản án khác cho tội lỗi mà người phụ nữ này gây ra.
Án mạng vì mê tín dị đoan
Năm 1987, bà Lê Thị Lan vui mừng khi cô gái chân chân chất cùng làng, cùng xóm về làm dâu trong nhà. Vốn quen với cảnh chân lấm tay bùn, từ lúc kết hôn, Ngọc rất chịu khó phụng dưỡng mẹ chồng, chí thú làm ăn. Tuy nhiên, ở chung với nhau một thời gian, mẹ chồng con dâu bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Những xung đột cứ âm ỉ mỗi khi túng tiền chi tiêu trong nhà, hay mẹ chồng đau ốm khó tính…
Khoảng đầu năm 1988, chị chồng của Ngọc ở gần đó đi xem bói, nhân tiện nhờ “thầy” xem giúp cho vợ chồng em trai một quẻ về “gia sự”, đồng thời hỏi em dâu sẽ sinh con trai hay con gái. Gã thầy bói nghe hỏi liền phán bậy: “Em dâu cô đi tắm sông bị “bà tổ cô” quở phạt, bắt phải “quan hệ” với một người cõi âm, nay đã có thai”.
Gã thầy bói còn bịa đặt bằng cách “giảng giải” cặn kẽ: Nghĩa là cô gái này có hai người chồng cùng một lúc, do ghen tuông với người chồng “cõi dương” nên “người chồng cõi âm” luôn quậy phá khiến gia đình nghèo khó không “ngóc đầu” lên nổi, người trong nhà cũng bị vạ lây, đau ốm liên miên. Cô con dâu còn ở lại, có ngày cả nhà sẽ gặp đại nạn.
Nghe con gái kể chuyện xem bói, bà mẹ mê tín dị đoan “run như cầy sấy”, từ đó ghét con dâu ra mặt, sẵn sàng buông lời rẻ rúng, bêu xấu nàng dâu khắp làng trên xóm dưới. Bức xúc, Ngọc đòi chồng phải dọn ra ở riêng, không được mẹ chồng đồng ý vì chỉ có mỗi người con trai nối dõi. Quan hệ vợ chồng vì thế cũng hết mặn nồng, đôi lần người chồng còn đánh vợ.
Bất mãn, Ngọc đòi ly hôn rồi bỏ về nhà cha mẹ ruột sinh sống. Khoảng thời gian này, biết vợ sắp đến ngày sinh, người chồng vẫn không hề quan tâm, níu kéo. Cô con dâu vừa bị mang tiếng oan, vừa bị chồng hắt hủi không đếm xỉa đến… thêm căm tức bội phần.
Đến đầu tháng 7/1988, Ngọc sinh con gái đầu lòng, bên nhà chồng vẫn không có ai đoái hoài. Hy vọng “hàn gắn tình cảm” tiêu tan khi chỉ vài ngày sau đó, người chồng quyết định ký vào đơn ly hôn. Cô gái trẻ tìm mua hai gói thuốc diệt ruồi, đổ chung vào một túi nylon, chờ cơ hội thực hiện ý đồ tội lỗi.
Cướp mạng mẹ chồng để “trả đũa”
Biết chồng theo bạn bè đi đãi vàng chưa về, mẹ chồng ở nhà một mình, chiều 18/7/1988, Ngọc lẻn tìm đến. Thấy bà lão nấu cơm chiều xong, cô con dâu đổ gói thuốc diệt ruồi vào nồi cơm rồi đi về.
Do mắt bị lòa, bà lão không hề thấy con dâu vào nhà, cũng không phát hiện cơm trong nồi đã trộn lẫn thuốc độc nên lấy ăn bình thường.
Đang dở bữa, bất ngờ thấy bụng đau thắt, mặt mày xây xẩm, bà lão kêu cứu. Người hàng xóm có mặt đưa nạn nhân đi bệnh viện, cũng là nhân chứng sau này giúp vạch rõ tội ác của Ngọc cho biết trước đó đã tình cờ nhìn thấy con dâu bà lão lén lút vào nhà.
Đến 21h cùng ngày, nạn nhân trút hơi thở cuối cùng. Trong lúc hấp hối, bà cầm chặt tay người thân nhắn nhủ: “Con dâu hại tui”.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu cơm trong chiếc bát nạn nhân ăn dở và mẫu cơm còn trong nồi, cơ quan chức năng phát hiện cơm trộn lẫn loại hóa chất diệt côn trùng có độc tính mạnh. Cảnh sát nghi ngờ nạn nhân bị đầu độc vì nghi phạm Nguyễn Thị Ngọc. Khi công an triệu tập lấy lời khai, ban đầu nghi phạm quanh co chối tội, sau đó đã thừa nhận tội lỗi.
Hai tháng sau, TAND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) mở phiên sơ thẩm, xét xử bị cáo Ngọc về tội “giết người”.
HĐXX nhận thấy bị cáo trẻ người non dạ, bột phát tội ác có một phần nguyên nhân do cách hành xử của chồng và chính nạn nhân, đồng thời đang trong thời gian dễ thay đổi tâm tính vì mới sinh con nhỏ. Tòa sơ thẩm xử bị cáo Ngọc 5 năm tù về tội “giết người”, cho hưởng án treo.
Không đồng tình với bản án, người thân nạn nhân làm đơn kháng cáo, yêu cầu xét xử lại theo hướng tăng nặng hình phạt. Tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo 8 năm tù về tội giết người, cho tạm hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ.
Lợi dụng chính sách nhân đạo, năm 1990 Ngọc để lại con cho bà ngoại và bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ quan Công an ra quyết định truy nã Nguyễn Thị Ngọc trên toàn quốc.
“Luật trời” không buông tha
Cuối năm 2010, Phòng Cảnh sát truy nã Công an Quảng Nam (PC 52) được thành lập. Tiếp nhận hàng trăm hồ sơ truy nã từ PC45 Công an tỉnh chuyển sang nghiên cứu, Thượng úy Lê Minh Vân, trinh sát điều tra thuộc đội 4 được giao bộ hồ sơ của đối tượng Ngọc.
Cầm trên tay tấm ảnh kẻ bị tầm nã được xác định bỏ trốn lâu nhất, Thượng úy Vân bắt đầu lần giở từng manh mối. Có một nhân chứng khẳng định gặp Ngọc gần 20 năm trước tại quận Gò Vấp (Tp HCM), lấy tên mới là Sương, nghe nói yêu mến rồi lấy một người thợ cơ khí.
Thượng úy Vân, người tìm ra đối tượng trốn nã Nguyễn Thị Ngọc.
Năm 2012, con gái của đối tượng đi lấy chồng. Trinh sát lần theo manh mối này, được biết cô gái này từng vào TP. HCM làm công nhân may. Nhận định cô gái có thể đã gặp mẹ ruột, trinh sát kiên trì tìm kiếm, lần theo các mối quan hệ, nắm được thông tin lúc ở quận Gò Vấp, con gái kẻ trốn nã từng nhờ bạn chở đến nhà người quen ở Phường 24 (quận Bình Thạnh) và ở lại qua đêm.
Với sự hỗ trợ của công an địa phương bạn, trinh sát đã tra cứu hàng trăm hồ sơ nhập khẩu và tạm trú, cuối cùng xác định đối tượng nghi vấn có đăng ký tạm trú KT3 mang tên Trần Thị Sương. Kiểm tra, đối chiếu cho thấy người này đúng là Nguyễn Thị Ngọc. Lúc này Ngọc đang sống với với người chồng thứ hai, đã có một cô con gái 17 tuổi và một con trai 8 tuổi.
Khi Ngọc bị bắt theo lệnh truy nã, người chồng thứ hai và hai con biết quá khứ lỗi lầm của Ngọc. Không quanh co chối tội như năm xưa, Ngọc thừa nhận đời mình rồi cũng sẽ có ngày hôm nay. Trước khi gặp người chồng hiện tại, Ngọc đi bán vé số dạo để kiếm sống qua ngày. Trong quá trình chạy trốn, đối tượng thay tên đổi họ, thay cả địa chỉ, luôn sống trong lo sợ…
Ngày bị cảnh sát phát hiện, Ngọc đã là một bệnh nhân suy thận mãn tính giai đoạn cuối, mỗi tuần phải vào bệnh viện chạy thận nhân tạo để lọc máu 3 lần, sức khỏe rất yếu. Sau khi kiểm tra hồ sơ, làm việc với bệnh viện nơi Ngọc điều trị, tổ công tác xác định việc bắt giữ, di lý về Quảng Nam có thể gây nguy hiểm đến tính mạng đối tượng.
Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam chỉ đạo tạm thời không bắt giữ, giao đối tượng cho gia đình quản lý và nhờ chính quyền địa phương giám sát. Đơn vị cũng tiến hành làm việc với Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, đề nghị hoãn thi hành án đối với đối tượng.
Mỗi khi đóng, mở tập hồ sơ này, Thượng úy Vân luôn nhắc đến việc Ngọc tâm sự suốt quá trình trốn chạy không thể có lấy một ngày được thanh thản, đau khổ nhất là nỗi nhớ con. Khi con khôn lớn, Ngọc đã tìm cách liên lạc, gọi con đến nhà chơi mà không dám thể hiện thân phận làm mẹ với cô gái.
Đối tượng cũng vô cùng đau xót khi mẹ ruột mất mà mình cũng không thể về quê chịu tang. Cuộc sống của những đối tượng trốn truy nã là thế, tạm thời có thể thoát luật pháp, nhưng không khi nào thoát được bản án lương tâm.
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?