Từ sau đám tang mẹ đến nay, bà con lối xóm không ai còn gặp Nhi - con gái nuôi của bà Thạch Kim Phát nữa, dù “cô gái nghìn tỷ” vẫn sống trong căn nhà.
|
Kín cổng cao tường
Sáng 5/6, chúng tôi đến khu vực phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (TP. HCM), nơi “cô gái nghìn tỷ” đang sinh sống. Anh Bình, ở gần nhà bà Phát chỉ chúng tôi ngôi nhà Thạch Thị H. L - tên thường gọi là Nhi đang ở, vốn là lò bún Vĩnh Hiệp Lợi năm xưa, đến năm 2004 mới giải thể. Ngôi nhà không đẹp, không mới nhưng rất to với tường cao bao bọc, đóng kín cửa. Anh Bình cũng chỉ chúng tôi những nhà kho, câu lạc bộ cầu lông… thuộc sở hữu của người quá cố. “Bà Phát sống giản dị lắm, làm từ thiện, giúp đỡ bà con cũng nhiều”- anh Bình nói. Nhân dịp đi qua kho, anh Bình cũng chỉ chúng tôi ngôi nhà những anh, em bà Phát, tức cậu, dì “cô gái nghìn tỷ”. Anh Bình tặc lưỡi: “Dòng họ anh em bà Phát ai cũng làm bún và giàu có hết”.
Từ sau đám tang mẹ nuôi đến nay, bà con lối xóm không ai còn gặp Nhi nữa dù “cô gái nghìn tỷ” vẫn sống trong căn nhà. “Bây giờ Nhi không gặp được ai đâu. Cổng nhà vừa mở là xe hơi lao ra, mất dạng. Khi về cũng chỉ thấy xe hơi lao vào là cửa đóng im ỉm. Trên xe lúc nào cũng có vệ sĩ theo bảo vệ. Ngay cả những người ở phường muốn gặp cũng khó. Hồi bà Phát còn sống, thi thoảng chúng tôi cũng vào nhà thăm hỏi, bây giờ thì miễn đi. Cậu, dì của Nhi trước hay qua lại giờ cũng không gặp luôn. Nhà này bây giờ đóng cửa suốt”-chị Trịnh Kim Mai, một người có họ với bà Thạch Kim Phát, nhà cận vách, cho hay.
Trái ngược với căn nhà cửa đóng im ỉm và yên tĩnh, khu dân cư xung quanh luôn chứa đầy những bình luận, bàn ra tán vào về câu chuyện “nghìn tỷ”. Mọi người “tám” nhau chuyện này có hay không, đúng hay sai, rồi chọc ghẹo nhau chuyện người nghèo ở Hiệp Tân sắp được hưởng phước… “Xung quanh đây ai cũng biết bà ấy giàu có lắm. Nhưng không ai biết vụ 1.000 tỷ cả. Đến gần đây nghe báo chí mọi người trong khu vực mới giật mình”, anh Bình cho biết.
Căn nhà kín cổng cao tường nơi “cô gái nghìn tỷ” đang sống cùng nhiều vệ sĩ.
Thừa nhận con nuôi hợp pháp được 5 năm
Vào tháng 3/2011, Nhi đang du học ở Đức nhận được tin mẹ nuôi Thạch Kim Phát qua đời. Nhi đành thu xếp chuyện học hành khăn gói về TP. HCM chịu tang. Nhi có tất cả 7 dì, cậu là chị em ruột với mẹ Kim Phát, hiện chỉ có 3 người sinh sống tại Việt Nam, còn lại sống ở Đức. Ngay sau đám tang, với số tài sản mẹ nuôi để lại hơn 1.000 tỷ đồng, Nhi và cậu Tám Phương phải cùng đứng tên ký gửi số tài sản đó vào 2 két sắt của Ngân hàng Sacombank với thời hạn 1 năm, tính từ ngày 26/3/2011. Là người thừa kế hàng thứ nhất bởi mẹ nuôi Thạch Kim Phát không lập gia đình, Nhi nắm trong tay số tài sản kếch xù cùng những rắc rối phát sinh. |
Nhi là cô gái thiếu may mắn ngay từ lúc sinh ra. Tháng 12/1987, bà Thạch Kim Phát cùng người anh thứ 4 của mình đến Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương để tìm một cháu bé nhận làm con nuôi, bởi bà không lập gia đình. Nhi, lúc đó chỉ 2 ngày tuổi, không may khi cha mẹ vì lý do nào đó để lại bệnh viện chăm sóc, được bà Phát nhận làm con. Cuộc đời bé gái tên Nhi đã rẽ sang bước ngoặt lớn khi nhận được sự chăm sóc bảo bọc chu đáo của mẹ Phát, bà ngoại và cậu, dì…
Tuy nhiên, đến năm 2007, Nhi mới được nhận là con nuôi hợp pháp trên giấy tờ. Nói về điều này, ông Trần Minh Đạt - Tổ trưởng tổ 48, KP 3, P. Hiệp Tân, cũng là người có họ với bà Thạch Kim Phát cho biết: “Năm 2007, chính tôi và bà Phát cùng đến UBND quận Tân Bình (lúc chưa tách quận) để làm khai sinh cho con bé. Thời điểm đó thủ tục nhận con nuôi rất khó nên chúng tôi phải tới lui bộ phận tư pháp quận cả tháng trời, trích lục tất cả giấy tờ liên quan đến con bé từ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, rồi các giấy tờ của bà Phát có xác nhận của chính quyền địa phương, cuối cùng thì cũng xong, con bé mang họ Thạch của bà Phát” - ông Đạt nhớ lại.
Bà Phát vốn người nhân hậu, sau khi giải thể lò bún năm 2004 còn lo cho các công nhân người thì xây nhà cửa, người có nhà cửa rồi thì chu cấp tiền làm ăn. Sau thời gian này, bà có nhiều thời giờ lo chuyện học hành cho cô con gái với ước muốn con học quản trị kinh doanh để sau này thay bà quản lý 12 kho, mặt bằng đang cho thuê và tiền bạc, tài sản khác…Vậy là cách đây 3 năm, Nhi lên đường sang Singapore du học, sau chuyển sang Đức.
Xung quanh số tài sản 1.000 tỷ, những ngày qua có thông tin nói Nhi sẽ “hiến toàn bộ cho tổ chức UNICEF Việt Nam nếu thừa kế”. Phía các dì, cậu của Nhi cũng có thông tin nói sẽ “hoàn toàn ủng hộ và không cản trở”. Các dì, cậu của Nhi cũng muốn việc phân định tài sản diễn ra trong tháng 10/2012. Tuy nhiên, các thông tin này đến nay chưa thể kiểm chứng.
Vợ chồng ông Đạt cũng cho biết thêm những tính toán của bà Phát trước khi qua đời, theo đó bà Phát đã khởi công xây dựng ngôi nhà để bà dưỡng già và làm từ đường họ Thạch ở Tây Ninh, nơi thân mẫu của bà có tình cảm sâu đậm. Hiện ngôi nhà đã hoàn tất nhưng bà Phát lại đi xa. “Chúng tôi được biết bà Phát có dự tính về Tây Ninh sống hưởng tuổi già, căn nhà hiện tại sẽ chuyển lại cho cháu Nhi. Ai ngờ cơ sự lại khiến anh chị em ruột của bà Phát và con gái nuôi nảy sinh bất đồng, dù trước đó quan hệ của họ rất tốt”- vợ ông Đạt cho biết thêm.
Nhìn lại 25 năm của Nhi, người ta thấy cái không may và may mắn cứ luẩn quẩn. Trở thành “cô gái nghìn tỷ”, chưa biết kết cuộc thế nào nhưng rõ ràng khi tài sản chưa được phân định thì cuộc sống của cô đang bị đảo lộn.
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%