Vì họ cá biệt trong đời sống xã hội nên chuyện đón tết và ước mong một năm mới của con những "ông trùm" khi ra tù cũng “độc” hơn con nhà bình thường khác.
Chuyện về “cơn khát nước” của con những “ông trùm” khi bố đón Tết trong tù |
Những chuyến “hàng đặc biệt”
Tôi có duyên được làm việc với nhiều cảnh sát trong lĩnh vực điều tra tội phạm ma túy. Các anh đúc kết cho tôi nghe rằng: “Ông trùm” hay “bà trùm” cũng thế thôi. Họ đã lệch đường để trở thành một cái tên khác mà trong từ điển tiếng Việt gốc không có, có nghĩa, họ đã lầm lạc. Nhiều “ông, bà” trùm, cái giá họ phải trả cho sự “ăn mặn” của mình là tuyệt tự, không duy trì được giống nòi. Cứ tưởng, họ kiếm được siêu lợi nhuận thì cuộc sống tốt đẹp, được hưởng những cái tết vui vẻ, đầm ấm, no đủ hơn người nhưng thực tế là ngược lại. Hoạt động phạm tội bất kể ngày thường, ngày tết nên chính những “ông, bà trùm” không hề có tết. Thời khắc giao thừa của nhiều năm, họ hoạt động phạm tội, không thắp được nén nhang cho tổ tiên, làm sao mong muốn con thành người tốt được. Vì thế, con của “ông trùm” có những “ước mong” xa xỉ, khác người ngày tết cũng chẳng sai.
Con trai cả của “ông trùm” ma túy xứ Nghệ Nguyễn Trọng Tuấn, có nhiều “thú vui” lạ trong những ngày tết ở thời điểm bố đang ở “khám”. Hết rủ bạn bè đến tụ tập, “phá đời” bằng ma túy, bằng rượu thì đua xe, quậy tưng bừng ở ngoài đường để gây sự chú ý. Những cái tết trong “khám” của “ông trùm” Tuấn thực sự là bình yên, không bị con quậy, không phải tính ngày mùng một cung cấp “hàng” cho ai, lấy “hàng” ở đâu. Nhưng nỗi bất hạnh, hay đúng hơn là trả giá đó là trước và sau tết, chẳng thấy bóng dáng một người thân nào đến thăm nuôi...
Điều tra viên Nguyễn H.Đ (bộ Công an) tâm sự: “Những “ông trùm” ma túy Tây Bắc khi chưa bị bắt, chưa bị trừng phạt đã từng điều khiển được nhiều thanh niên, đàn ông cả bản, cả thôn làng, chống trả lực lượng công an. Thế nhưng, khi “xộ khám”, cái tết của họ thật sự cô độc. Họ chưa một lần được người thân, vợ, con vào thăm nuôi thời điểm cận tết hoặc sau tết. Con của “ông trùm” A Cai còn mải mê đón tết bằng những “chuyến hàng” mới; bằng việc gây dựng lại đường dây “gieo rắc cái chết từ từ” hơn là đi thăm cha. Con “ông trùm” A Cai đã từng mừng năm mới bằng một “chuyến hàng đặc biệt”, vì cho rằng công an nghỉ ăn tết, không làm đâu. Vậy là, tết năm sau, hai bố con cùng ăn tết ở trong trại giam.
Điều tra viên Phạm T., Công an Bắc Giang kể chuyện con “ông trùm” ma túy khét tiếng ở “chảo lửa ma túy” Ngọc Vân, Tân Yên, Nguyễn Văn Thi với giọng đầy xót xa, pha chút khôi hài rằng: “Trước tết, gia đình đem con trai của Thi vào thăm nuôi bố. Thằng bé còn nhỏ không biết bố phạm tội, bị bắt, luôn mồm nhắc, bố về cùng con đi. Bố ở đây làm gì thế. Xe ô tô của bố đâu? Bố đưa con đi mua quần áo, đồ chơi. Bạn Hướng (hàng xóm – PV) có cái cần cẩu và xe tăng điều khiển từ xa... Con thích lắm. Bạn Hướng không cho con chơi cùng, con đánh nhau với bạn ấy. Con bảo bạn ấy, khi nào bố tao về, tao bảo bố tao mang súng sang bắn mày?!”.
Đời cha ăn mặn...?
Quản giáo Ph. tâm tư: “Những đứa con của “ông trùm” không có chiêu “độc” đón tết thì chúng lại có những hành xử rất lạ lùng với ngày tết. Con của “ông trùm” Thủy, Trường đều rất ghét ngày tết, nếu không nói là sợ tết. Hình như, tết với chúng là sự ám ảnh nhiều hơn là hy vọng. Cái tết cuối cùng trước khi Thủy thi hành án, con trai vào thăm bố. Hình như biết trước được ngày trả án không còn bao xa, Thủy dặn con thay mình phải thờ phụng tổ tiên ra sao; ngày tết phải mua sắm những gì... Thế nhưng, hai đứa con trai không để ý đến lời bố nói. Chúng hỏi bố có khỏe không? Muốn ăn gì không? Chúng nói rằng: Mong muốn năm mới, chúng con không bị ám ảnh bởi những điều đã qua của bố. Thủy thì chưng hửng nhưng hai đứa con mặt rất bình thản. Có thể, chúng đã quá đau đớn khi bị ảnh hưởng xấu từ bố nên hy vọng một năm mới đỡ hơn chăng?
Còn Huấn “trọc” con của “ông trùm” ma túy khác thì tự gắn cho mình cái mác là Việt kiều. Huấn “trọc” khoe rằng, nhân dịp năm mới, Huấn “bốc” tour đi tham quan nước ngoài để xả stress. Tất nhiên, Huấn đi cùng với bạn gái chứ không đi một mình. Cô bạn gái này được Huấn “sưu tầm” ở sàn nhảy và thấy bảo, cũng “nghiện” lắc, rung, giật... Người bạn công an bảo với tôi rằng, nó đi tour làm sao được, cứ “nổ” thế thôi. Nó dùng “đá” nên hoang tưởng đấy. Giờ lấy đâu ra tiền mà đi du lịch nước ngoài. “Xục” (tức dùng ma túy “đá”) cũng phải gạ gẫm, xin mãi đám bạn vàng mới cho chơi cùng. Nó xuống cấp từ ngày bố, mẹ bị bắt. Nó chưa một lần vào thăm nuôi bố mẹ mà dưa hết cho mấy đứa con gái.
Điều tra viên H.Đ tâm tư: “Con của một số “ông trùm”, nhất là “trùm” ma tuý là tử tù thì có muôn vàn những hành xử khác lạ. Trước tết, chúng không vào thăm nuôi cha, mẹ nhưng chắc chắn, trong những ngày tết, chúng phải đi bar, đi vũ trường và tìm mọi cách tiêu tiền. Ngoài tiêu tiền, chúng còn rủ bạn gái, bạn trai thác loạn theo kiểu sống gấp, sống không biết đến ngày mai. Chúc mừng năm mới của chúng là như thế chứ không phải theo tục lệ truyền thống”. Đức “hấp” là con một “bà trùm” ma túy xứ Nghệ. “Bà trùm” này đã thi hành án tử hình cách đây vài năm. “Bà trùm” này có “công” là đã đưa cả gia đình vào vòng xoáy tội phạm. Chồng “bà trùm” đang thụ án liên quan đến chất ma túy. Con gái và con rể vừa mãn hạn tù cũng vì tội liên quan đến chất ma túy. Đức “hấp” “nghiện” phụ nữ từ lúc 19 tuổi. Và, chúc mừng năm mới của Đức là “yêu” được thật nhiều cô gái mới lớn. Khác với Đức thì con một số “trùm ma tuý” các tỉnh Tây Bắc lại rất thích chúc mừng năm mới bằng việc bán được nhiều “hàng trắng”, mở rộng đường dây...”.
Mổ xẻ tâm lý Tiến sỹ luật học Đỗ Thái Học, chuyên nghiên cứu tâm lý tội phạm thì cho rằng: Phần lớn con cái của những “gia đình tội phạm” ma túy, hình sự… đều phát triển không bình thường. Chúng có thể rất “cứng”, thậm chí hành xử đúng mực trên mức cần thiết ở thời điểm nhất định nhưng “chạm” đúng “điểm rơi” là “gục ngã” ngay. Thường, khi đã “gục ngã”, chúng tự khép mình nên ít có cơ hội làm lại cuộc đời và có những suy nghĩ rất lạ, khác với hành xử của người cùng độ tuổi. Lý giải về sự “bất thường” Giáo sư thần kinh học Hoàng Văn Thuận (hội Thần kinh học Việt Nam) cho biết: “Con cái bị ảnh hưởng nặng nề từ cha, mẹ gia đình. Hệ thần kinh của con bị ảnh hưởng từ cha mẹ rất nhiều và dễ bị những sang chấn thần kinh khó lường. Các hành xử lệch chuẩn của con tội phạm là do hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng. Thường những người con sống trong các gia đình có cha, mẹ là tội phạm nguy hiểm, gây nhiều tội ác, tai ương bất lường cho xã hội, chúng có những suy nghĩ, hành vi và phát ngôn rất khó kiểm soát, có thể bộc phát bất kỳ khi nào. Khoa học hoàn toàn có thể lý giải được những hành vi, hành động khác thường trong ngày tết của con tội phạm”. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar
- Cô gái Việt duy nhất được nhà tiên tri mù Vanga dự đoán số phận là ai?
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?