Chuyện tác nghiệp của phóng viên và tính tôn nghiêm của phiên tòa
Thứ năm, 20/06/2013 09:33

Để đảm bảo tính tôn nghiêm ở chốn pháp đình, cần quy định thống nhất về việc tác nghiệp của phóng viên báo chí tại phiên tòa.

Phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa

Phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa

Khi phóng viên thành… hoạt náo viên

Tại nhiều phiên tòa, nhất là phiên toà hình sự, chuyện tác nghiệp của cánh phóng viên báo chí thật muôn hình muôn vẻ. Cảnh thường thấy là khi HĐXX đang tiến hành thẩm vấn bị cáo thì bỗng ở đâu xuất hiện mấy phóng viên “phi” lên cánh gà, chĩa ống kính vào HĐXX bấm lia lịa. Sau đó họ quay xuống phía bị cáo, có người tiến tới vành móng ngựa như muốn dí sát ống kính để “đặc tả” khuôn mặt của bị cáo. Lúc này, các phóng viên không khác hoạt náo viên là bao. Mặc dù đó là tác nghiệp báo chí, nhưng đã để lại những hình ảnh không đẹp trong mắt những người dự khán phiên toà, hơn nữa còn gây ảnh hưởng đến hoạt động của HĐXX.

Trong những vụ án lớn, được dư luận quan tâm, đương nhiên sức hút với giới báo chí cũng rất lớn. Để có được những tấm hình như ý, nhiều phóng viên ngoài kỹ năng chụp ảnh còn phải có… thể lực tốt để chen lấn, xô đẩy. Mặc dù ở một số phiên toà, khu vực dành cho phóng viên cũng đã được bố trí, nhưng một phần do quá tải, phần khác do nhiều phóng viên thích “tự do tác nghiệp” nên không ngồi đúng vị trí quy định, gây nên sự lộn xộn.

Bên cạnh đó, cũng phải nói đến chuyện ở không ít phiên toà công khai, phóng viên chưa được tạo điều kiện tốt để tác nghiệp như không có chỗ ngồi riêng, bị hạn chế quay phim chụp ảnh, không được cung cấp tài liệu, thông tin về vụ án. Hiện nay tại một số Tòa án, thường là phóng viên xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu cho thư ký phiên toà để đăng ký tác nghiệp, song cũng có nơi yêu cầu phải đăng ký trực tiếp với Thẩm phán chủ toạ phiên toà. Thế nên, đã có trường hợp phóng viên bị trục xuất vì chỉ đăng ký với thư ký mà không đăng ký với chủ toạ… Có những phiên toà chỉ cho phép phóng viên chụp ảnh trong 15 phút từ khi khai mạc, nhưng có nơi lại cho phép chụp ảnh lúc tuyên án hoặc chỉ cho phép phóng viên được ngồi tại chỗ tác nghiệp…

Những bất cập trên là do hiện chưa có quy định thống nhất về việc tác nghiệp của phóng viên báo chí tại phiên tòa cũng như chưa có chế tài xử lý hành chính về hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án.

Cần có chế tài để xử lý

Theo Dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND, sẽ phạt cảnh cáo với hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên toà mà không được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Toà án nơi giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của Toà án nơi giải quyết vụ án. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu có tình tiết tăng nặng hoặc đã bị cảnh cáo, nhắc nhở mà còn vi phạm...

Mặc dù dự thảo quy định về việc ghi âm, ghi hình nói chung, nhưng có thể hiểu đây chủ yếu là hoạt động của các phóng viên tại phiên toà. Xung quanh quy định này, cũng có ý kiến cho rằng, thực tế việc đương sự, bị cáo gây rối tại tòa lâu nay là có thật, thiếu chế tài hành chính để xử lý, song hoạt động của phóng viên thì lại đã có luật chế tài. Khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Luật Báo chí đã quy định rõ về hoạt động của phóng viên tại phiên tòa; đồng thời tại Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản cũng đã có những chế tài chi tiết cho hành vi lợi dụng tư cách nhà báo để cản trở hoạt động của cơ quan tổ chức... Do đó đưa thêm chế tài với nhà báo vào quy định cho ngành Tòa án là chồng chéo về nội dung và thẩm quyền.

Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ các quy định tại hai văn bản pháp luật nói trên, có thể thấy rằng quy định còn chưa cụ thể, hoặc còn thiếu chế tài. Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí: Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các Thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Quy định nói trên mới chỉ nêu quyền của nhà báo được tác nghiệp tại phiên toà, nhưng không nêu chế tài xử lý nếu nhà báo hoặc phóng viên vi phạm các quy định này.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo để trục lợi hoặc can thiệp trái pháp luật hoặc cản trở hoạt động đúng pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, quy định này cũng chưa cụ thể, cũng không đề cập đến hành vi cản trở hoạt động của Toà án.

Bởi vậy, việc quy định chế tài xử lý hành vi của phóng viên cản trở hoạt động tố tụng của Toà án là cần thiết. Quy định này sẽ góp phần nâng cao ý thức của phóng viên trong quá trình tác nghiệp tại Tòa án, cũng như đảm bảo tính tôn nghiêm của phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp.

Trung Nguyễn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Phóng viên tác nghiệp , Báo chí cách mạng , Tác nghiệp , Phóng viên tác nghiệp tại tòa , Tôn nghiêm