Bỏ lại những bộn bề của cuộc sống, nhiều người dân Thủ đô cứ ngày ngày tìm đến bãi giữa sông Hồng. Dần dần họ tập hợp thành Câu lạc bộ những người yêu sông Hồng, cùng nhau "tắm tiên" ngày nắng nóng cũng như ngày mưa giá buốt.
|
Khám phá bãi tắm "tiên" sông Hồng
Không phải bãi tắm tiên nơi vùng cao, như Tây bắc, Lai Châu của các sơn nữ nơi núi rừng hoang sơ, không một bóng người các sơn nữ thoải mái đắm mình trong dòng nước suối trong vắt mát lạnh, mà ngay sát bên cạnh thành phố ồn ào và náo nhiệt như Hà Nội lại có thể mục sở thị một bãi tắm tiên như thế nhưng không phải là các cô gái, mà là các "đấng mày râu".
Dưới tiết trời lạnh giá, nhiệt độ tại Hà Nội khoảng trên 10 độ C, mọi người phải mặc nhiều lớp áo với chống chọi được mùa Đông lạnh giá của miền Bắc. Thế mà nơi bãi giữa sông Hồng vẫn có đến vài chục người bất chấp cái thời tiết không một mảnh vải che thân, cùng hòa mình vào sông nước như một cái thú thường ngày, để cảm nhận sự buốt giá thấm vào cơ thể. Nhưng có một điều đặc biệt là họ rất tự nhiên như chốn không người, đến đây mọi người đều cởi bỏ hết "xiêm y", trần như nhộng thỏa sức hò hét, nói cười mặc cho thuyền bè đi lại, dòng người tấp nập ngược xuôi, hối hả trên cây cầu Long Biên.
Vào những ngày trời nắng nóng, số người đến đây tắm còn đông hơn gấp nhiều lần, mà ai đó đã so sánh đông như bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng). Người đến đây đều tồng ngồng ung dung nghịch cát, tắm nắng, đá bóng, tập thể dục, rồi lại thả tùm mình xuống nước. Không chỉ có người Việt, mà thỉnh thoảng mấy anh Tây du lịch đến đây, cũng “nuy” rồi cũng bì bõm.
Mọi người đến đây tắm đều mang theo xà bông, khăn tắm, dầu gội đầu, và thậm chí có người cẩn thận còn mang theo từ nhà can 5 lít nước sạch để khi tắm xong dội lại lần cuối cho sạch. Một số ít người đều mang những chiếc phao tự chế để đề phòng trường hợp không may xảy ra chuột rút như một chiếc can rỗng, một miếng xốp, hay một cái phao hơi treo lủng lẳng phía sau người. Quần áo có thể để trên xe, gửi trong Câu lạc bộ những người yêu sông Hồng, hoặc bó tròn để ngay trên bãi cỏ.
Ông Châu (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) là Chủ tịch câu lạc bộ yêu sông Hồng cho biết, lúc đầu anh em ra đây bơi cũng chẳng ai quen ai, sau này tôi mới tập hợp mọi người lại và nhất trí thành lập Câu lạc bộ yêu sông Hồng. Đến nay Câu lạc bộ đã thu hút hơn 30 thành viên, hàng năm vào tháng tư tháng năm, Câu lạc bộ tổ chức cuộc thi bơi từ cầu Thăng Long về đây, mọi người đều rất vui và háo hức. Vào buổi chiều các ngày trong tuần, mọi người cùng ra đây thoải mái tắm táp, chuyện trò, tâm sự chuyện đời chuyện nhà, chia sẻ về cuộc sống và đặc biệt tất cả mọi người cùng... "tắm tiên".
Hào hứng với tắm "tiên" bất kể thời tiết
Cơn gió se lạnh không ngăn được anh Thắng (ở Khâm Thiên, Hà Nội) cởi nốt bộ quần áo trên người, anh Thắng hồ hởi cho biết, ngày nào cũng vậy khoảng 2h chiều anh cũng đến đây bơi, ngay cả mùng một Tết, bất kể thời tiết thế nào như hôm nay vẫn còn ấm đấy (trên 10 độ C) có hôm chỉ 8-9 độ thôi. "Trừ những hôm bão, nước sông đầy, hay bận việc nhà mới phải nhịn tắm hôm đó. Tôi tắm ở đây được hơn 10 năm rồi, thấy sức khỏe của mình tốt lên rất nhiều, không lo ốm đau thuốc thang gì, mà được mọi người trong gia đình ủng hộ nhiệt tình", anh Thắng nói.
Bãi tắm tiên sông Hồng thu hút nhiều người đến bơi ngay cả khi thời tiết giá lạnh (Ảnh minh họa)
"Bơi ở các hồ trong nội thành, hay ở bể bơi, nước vừa bẩn vừa mất vệ sinh mà lại chật hẹp. ở đây không khí trong lành, nước chảy lưu thông nên rất sạch không lo bệnh ngoài da, mà còn tha hồ vùng vẫy. Hơn nữa là được hòa mình vào thiên nhiên", anh Thắng chia sẻ.
Ông Kỳ (ở Cửa Nam, Hà Nội), 58 tuổi, vừa tập bài thể dục nhẹ trước khi bơi nói: "Không khí ở đây thì không thể chê vào đâu được, rất tuyệt vời. Trong thành phố ầm ĩ, toàn bê tông là bê tông, ra đây được về với thiên nhiên, về với sông nước. Nhiều người bảo dở hơi, trời này mà ra sông Hồng bơi à, mình không nói gì chỉ cười. Trước kia, mình thường xuyên cảm thấy đau người, có dạo còn phải đi châm cứu, chân tay phải dán cao. Nhưng từ khi tắm ở đây một thời gian, cảm thấy khỏe hơn, không còn đau người nữa, tinh thần sảng khoái, ngủ ngon hơn nhiều".
"Trước khi bơi, phải tập bài thể dục nhẹ để tránh chuột rút, và để cho người nóng lên lúc xuống nước đỡ lạnh. Lúc đầu xuống, nước ở đây lạnh không khác gì nước đá, nhiều hôm nhiệt độ xuống dưới 10 độ C còn lạnh hơn, nhưng bơi được khoảng 20 sải tay lại cảm thấy bình thường, thú vị lắm, cảm giác rất sung sướng. Ngày nào mà không đến đây bơi cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Ở đây còn có cụ ông 80 tuổi cũng đến đây bơi, cứ 5h30 sáng cụ đã có mặt ở đây rồi, có ai bắt đâu, nhưng mà sức khỏe tốt nên cảm thấy thoải mái, không đi không chịu được", ông Kỳ chia sẻ.
Bác Đàm (ở Đống Đa, Hà Nội), đã 70 tuổi, bác bảo: "Ngày nào tôi cũng đạp xe từ nhà tới đây bơi cùng mọi người, tuổi cao rồi nhưng ở nhà buồn không chịu được. Đến đây mọi người cùng nhau trò chuyện vui lắm, trước tôi có quen ai đâu bây giờ mọi người đều biết nhau, hôm nào không đi mọi người còn gọi điện hỏi thăm, trời rét như thế này tôi bơi khoảng 1km, còn trời nóng thì bơi nhiều hơn khoảng 2km".
Vừa nói bác Đàm vừa giơ cái can nhựa rỗng 5 lít buộc một cái dây vào can và đeo vào người đề phòng trường hợp không may xảy ra. Bác bảo để đề phòng thôi, chứ một ngày bác bơi cả ngày, sáng ở Hồ Tây, chiều ở đây. “Tôi đi bơi từ hồi còn thanh niên, tham gia thi bơi vượt sông Hồng. ở đây còn có cụ hơn 80 mà vẫn bơi tốt lắm, tuổi của tôi bơi ở đây không có gì là lạ”, bác Đàm nói.
Bên cạnh những người nhiều năm tắm ở nơi đây, còn có những người mới tham gia, như anh Nam (ở Long Biên, Hà Nội), 37 tuổi, cho biết: "Tôi bắt đầu bơi ở đây mới gần một năm nhưng cảm thấy sức khỏe được cải thiện rất nhiều, ăn uống ngon miệng, giấc ngủ say hơn, tinh thần thấy sảng khoái. Tôi đang uống cafe với mấy thằng bạn thân, nhưng phải trốn mới ra đây được đấy, không bơi không chịu được, như bị nghiện ấy".
Bác Hương (ở Hàng Tre, Hà Nội), một người có thâm niên bơi ở đây hơn 10 năm chia sẻ: "Bơi ở đây khoái lắm, thiên nhiên một trăm phần trăm, bãi cát, bờ lau, chỉ cần đến đây thôi là quên hết mọi lo toan của cuộc sống. Bởi vậy mà ngày nào tôi cũng đi bơi, chỉ trừ bão và nước dâng cao quá thôi, mùng một Tết tôi và mọi người cũng đến đây, mà bơi là phải trần như nhộng với cảm nhận được hết cái khoái, cảm giác thế nào nhỉ khó tả lắm" (bác Hương cười).
"Từ ngày tôi tham gia môn thể thao bơi Sông Hồng này bà xã và các con ủng hộ lắm, bởi vì rất lành mạnh mà. Buổi chiều nào mình cũng đi, bà xã cũng biết đi đâu rồi nên hoàn toàn yên tâm, hơn nữa trước kia tôi hay đau lưng thường nhờ bà xã đấm lưng và nắn bóp hộ, từ hồi đi bơi đến giờ khỏi hẳn cái bệnh đau lưng, bà xã cũng đỡ vất vả", bác Hương phấn khởi chia sẻ.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%